Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, (14-4-2019)

 

Anh chị em thân mến!

 

Niềm hân hoan trong cuộc khải hoàn tiến vào Giê-ru-sa-lem và sự khiêm hạ của Chúa Giê-su; những tiếng reo vui và cơn tức giận hung hãn: Mỗi năm, mầu nhiệm kép này luôn đồng hành với việc bước vào Tuần Thánh thông qua hai khoảnh khắc mà chúng là nét đặc trưng của buổi cử hành này: cuộc rước lá cọ và cành ô-lưu và sau đó là trình thuật về cuộc khổ hình được đọc lên cách trang trọng.

Chúng ta hãy để cho mình được đồng bao hàm trong hành vi do Chúa Thánh Thần thúc đẩy ấy, để tiếp nhận điều mà chúng ta đã cầu xin rằng: Xin cho chúng con được đồng hành cùng với Đấng Cứu Chuộc chúng con trên con đường của Ngài, với Đức Tin, và luôn luôn tưởng nhớ tới cuộc khổ hình của Ngài, mà cuộc khổ hình ấy sẽ huấn dậy chúng con, cũng như là mẫu gương cho sự sống và sự chiến thắng trên thần dữ.

Chúa Giê-su sẽ dậy cho chúng ta biết nên đối diện với những khoảnh khắc khó khăn và những cơn cám dỗ thâm độc nhất như thế nào, cụ thể là Ngài sẽ dậy chúng ta duy trì trong tâm hồn mình một niềm bình an, mà niềm bình an ấy không có nghĩa là sự tách biệt, là sự bàng quan hay siêu vượt con người, nhưng là sự trao hiến đầy tín thác cho Thiên Chúa Cha cũng như cho Thánh Ý của Ngài về ơn cứu độ, về sự sống và về Lòng Nhân Hậu. Và trong khi thi hành sứ mạng của mình, Chúa Giê-su đã phải trải qua cơn cám dỗ mà nó muốn xúi Ngài „thực hiện công việc riêng của mình“, có nghĩa là thực hiện theo cách thức riêng và tách mình ra khỏi sự tuân phục Thánh Ý Chúa Cha. Kể từ lúc bắt đầu nơi cuộc chiến kéo dài suốt 40 đêm ngày trong sa mạc cho tới khi kết thúc nơi cuộc khổ hình, Chúa Giê-su đã luôn giữ một niềm tín thác đầy tuân phục đối với Thánh Ý Chúa Cha, và đã khước từ cơn cám dỗ ấy.

Trong cuộc khải hoàn tiến vào Giê-ru-sa-lem hôm nay của Ngài, Chúa Giê-su cũng chỉ cho chúng ta thấy con đường. Vì trong sự kiện này, kẻ ác, tức ông hoàng thế gian, đã có một con bài để rút ra: đó là con bài của sự đắc thắng; và Chúa Giê-su đã đáp lại bằng cách trung tín với con đường của Ngài, cụ thể là con đường khiêm nhượng.

Sự đắc thắng cám dỗ người ta tiến tới mục tiêu thông qua những con đường tắt và những thỏa hiệp sai trái. Nó thúc bách người ta bước vào những con đường của kẻ chiến thắng. Sự đắc thắng sống bởi những cử chỉ và những lời nói, nhưng chúng không đi qua lò đúc của Thập Giá; lương thực của nó chính là sự so sánh với những người khác mà nó luôn luôn cho rằng họ là những kẻ xấu xa, đầy lỗi lầm và nhiều thất bại hơn mình… Một trong những hình thức tinh vi nhất của sự đắc thắng chính là tinh thần thế tục; nó chính là sự nguy hiểm to lớn nhất, và là cơn cám dỗ thâm hiểm nhất đang đe dọa Giáo hội (Cha De Lubac). Chúa Giê-su đã khước từ thái độ đắc thắng ấy bằng cuộc khổ hình của Ngài.

Chúa Giê-su đã thực sự chia sẻ niềm vui của Dân Ngài, của những người trẻ mà họ đã gọi tên Ngài và tung hô Ngài là vua và là Đấng Messias. Con tim Ngài vui mừng khi nó chứng kiến sự hào hứng và niềm vui tưng bừng của những người nghèo nhà Israel. Đến độ khi những người Pha-ri-siêu yêu cầu Ngài phải khiển trách các môn đệ của mình vì những tiếng hò reo của họ khiến người ta phải bực mình, thì Ngài đã trả lời rằng: „Nếu họ thinh lặng thì những hòn đá sẽ reo lên“ (Lc 19,40). Khiêm nhượng không có nghĩa là chối bỏ thực tế, và Chúa Giê-su thực sự là Đấng Messias, là vua.

Nhưng đồng thời, con tim của Chúa Ki-tô lại đi theo một con đường khác, con đường thánh thiện mà chỉ có Ngài và Thiên Chúa Cha mới biết: con đường này khởi đi từ „hình tượng Thiên Chúa“ tới „hình tượng kẻ nô lệ“, con đường khiêm hạ trong sự tuân phục „tới chết, và chết trên Thập Giá“ (Phil 2,6-8). Con đường ấy biết rằng, nó phải tạo chỗ cho Thiên Chúa để đạt tới được sự chiến thắng đích thực; và để tạo chỗ cho Thiên Chúa thì chỉ có một cách thức duy nhất: từ bỏ và làm sạch bản thân. Thinh lặng, cầu nguyện, và hạ mình. Người ta không thể thương lượng với Thánh Giá, hoặc là người ta đón nhận nó, hay là khước từ nó. Và với sự hạ mình của Ngài, Chúa Giê-su muốn mở cho chúng ta con đường Đức Tin, và muốn chúng ta tiến về phía trước trên con đường ấy.

Sau Chúa Giê-su là Thân Mẫu của Ngài – Đức Maria -, người đầu tiên đã bước đi trên con đường đó, nữ môn đệ đầu tiên. Đức Trinh Nữ và các Thánh đã phải đau khổ để bước đi trong Đức Tin và trong Thánh Ý Thiên Chúa. Để đáp lời trong Đức Tin khi phải đối diện với những biến cố ác nghiệt và khổ đau của cuộc sống, cần tới „một sự nỗ lực đặc biệt của tâm hồn“ (ĐTC Gio-an Phao-lô II, Thông Điệp Redemptoris Mater, 17). Đó là đêm tối Đức Tin. Nhưng chỉ từ đêm đen ấy, ánh bình minh của sự phục sinh mới bừng lên. Dưới chân Thánh Giá, Đức Maria đã nhớ lại những lời mà với chúng, Tổng Lãnh Thiên Thần đã loan báo về người Con của Mẹ: „Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận“ (Lc 1,32-33). Trên đồi Golgotha, Đức Maria đã đối diện với việc rút lại lời hứa cách hoàn toàn: Con của Mẹ bị treo trên Thập Giá như một tên trọng tội, trong cơn hấp hối. Như thế, sự đắc thắng mà nó bị Chúa Giê-su khước từ thông qua sự hạ mình của Ngài, cũng đồng thời bị khước từ trong con tim của Mẹ; cả hai đều đã biết thinh lặng.

Đức Maria đã vượt lên trước vô vàn các Vị Thánh mà các Ngài đã đi theo Chúa Giê-su trên con đường khiêm nhượng và vâng phục. Hôm nay Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Cha muốn nhắc tới nhiều vị Thánh Trẻ, đặc biệt là những vị Thánh „sống ngay bên cạnh“ mà chỉ có một mình Thiên Chúa biết, và đôi khi Ngài tiết lộ cho chúng ta thấy các Ngài với tất cả sự ngỡ ngàng. Các bạn trẻ thân mến, các con đừng ngại chỉ cho Chúa Giê-su thấy sự hào hứng của các con, cũng như đừng ngại công bố rằng, Chúa Giê-su hằng sống, Ngài chính là sự sống của các con. Nhưng đồng thời các con cũng đừng sợ bước đi theo Ngài trên con đường Thập Giá. Và nếu các con cảm thấy rằng, Ngài đang xin các con hãy khước từ chính mình, khước từ sự an toàn, và hoàn toàn tín thác vào Cha Trên Trời, thì các con hãy vui mừng và hân hoan! Các con đang bước đi trên con đường của Triều Đại Thiên Chúa đấy.

Tiếng reo mừng và cơn giận dữ hung hãn; sự thinh lặng của Chúa Giê-su trong cuộc khổ hình của Ngài thật ấn tượng. Ngài cũng đã chiến thắng cơn cám dỗ xúi người ta dừng lại ở „lưng chừng đường“. Trong những khoảnh khắc đen tối và cùng quẫn, người ta phải thinh lặng, người ta phải can đảm để thinh lặng, với điều kiện, đó là sự thinh lặng hiền dịu chứ không phải thù oán. Sự thinh lặng hiền dịu sẽ làm cho chúng ta xem ra còn yếu ớt và hèn hạ hơn, và rồi ma quỷ sẽ có được sự can đảm để xuất hiện. Người ta phải kháng cự lại hắn trong sự thinh lặng, bằng cách là người ta hãy „giữ vị trí“, nhưng với thái độ giống như thái độ của Chúa Giê-su. Ngài biết rằng, cuộc chiến giữa Thiên Chúa và hoàng tử thế gian vẫn đang còn đó, và Ngài biết rằng, vấn đề không phải là cầm lấy thanh kiếm, nhưng ở lại trong bình tĩnh, và kiên vững trong Đức Tin. Đó là giờ của Thiên Chúa. Và trong giờ mà Thiên Chúa bước vào cuộc chiến, người ta phải để cho Ngài hành động. Vị trí an toàn của chúng ta sẽ ở bên dưới tà áo choàng của Mẹ Thiên Chúa chí thánh. Và trong khi chúng ta mong chờ Chúa đến để ngăn chặn cơn bão (xc. Mc 4,37-41), với chứng tá âm thầm trong cầu nguyện của mình, chúng ta hãy trao cho chính mình cũng như cho những người khác „bản tường trình về niềm hy vọng của chúng ta“ (1Phr 3,15). Điều này sẽ giúp chúng ta sống sự giằng co thánh thiện giữa việc hồi tưởng đến những lời hứa, giữa thực tế của cơn giận dữ hiện diện trong Thập Giá và niềm hy vọng phục sinh. 

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng Chúa Nhật Lễ Lá

ngày 14 tháng 04 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019