Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Trưa CN II PS, 28.04.2019

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng hôm nay (xc. Ga 20,19-31) thuật lại rằng, vào chiều ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ của Ngài tại phòng Tiệc Ly, cũng như đã trao cho họ ba tặng phẩm: bình an, niềm vui và sứ vụ tông đồ. Những lời đầu tiên mà Chúa Giê-su nói có nội dung như sau: „Bình an cho anh em“ (Ga 20,21). Đấng Phục Sinh đã mang tới niềm bình an đích thực vì Ngài đã đạt tới được ơn hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại thông qua hy tế Thập Giá của Ngài, cũng như đã chiến thắng tội lỗi và cái chết. Đó là sự bình an. Các môn đệ của Ngài chính là những người đầu tiên cần tới niềm bình an đó, vì sau khi Thầy của họ bị bắt và bị kết án tử hình, họ đã rơi vào sự lúng túng và sợ hãi.

Chúa Giê-su hằng sống đã hiện ra giữa họ và chỉ cho họ thấy những vết thương của Ngài – Ngài muốn duy trì những vết thương của mình – trong thân thể đã được tôn vinh, Ngài trao ban bình an như là hoa trái phát sinh từ sự chiến thắng của Ngài. Nhưng buổi chiều hôm đó, Tông Đồ Tô-ma đã vắng mặt. Được báo cho biết về sự kiện phi thường này, ông đã hoàn toàn bác bỏ và không hề tin vào chứng tá của các Tông Đồ khác, và muốn đích thân thẩm định chân lý mà họ quả quyết. Tám ngày sau, chính xác là ngày hôm nay, cuộc hiện ra lại tái diễn: Chúa Giê-su đã đối diện với sự bất tín của Tô-ma, và Ngài yêu cầu ông hãy chạm vào những vết thương của Ngài.

Những vết thương ấy chính là nguồn bình an, vì chúng chính là dấu chỉ cho Tình Yêu bao la của Chúa Giê-su, của sự chiến thắng trên những sức mạnh thù địch với con người, trên tội lỗi và sự chết. Ngài mời gọi ông hãy đụng tới những vết thương. Đó là một bài học dành cho chúng ta, như thể Chúa Giê-su muốn nói với tất cả chúng ta rằng: „Nếu con không ở trong bình an, thì con hãy chạm tới những vết thương của Thầy!“ Đụng chạm tới những vết thương của Chúa Giê-su, tức những vấn đề, những khó khăn, những cuộc bách hại và những bệnh tật của những người khổ đau. Bạn không ở trong bình an sao? Hãy đi, đi và đến thăm một ai đó mà họ đang là biểu tượng cho những vết thương của Chúa Giê-su.

Hãy chạm tới những vết thương của Chúa Giê-su. Lòng Thương Xót bắt nguồn từ những vết thương đó. Vì thế, hôm nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Một vị Thánh đã từng nói rằng, thân thể của Chúa Giê-su chịu đóng đinh được ví như một cái bao tải chứa đầy Lòng Xót Thương, mà Lòng Xót Thương ấy đến được với chúng ta thông qua những vết thương. Tất cả chúng ta đều cần tới Lòng Xót Thương, chúng ta biết điều đó. Chúng ta hãy đến gần Chúa Giê-su và hãy chạm vào những vết thương của Ngài nơi những người anh chị em đau khổ của chúng ta. Những vết thương của Chúa Giê-su chính là một kho tàng: Lòng Thương Xót phát sinh từ những vết thương ấy. Chúng ta hãy can đảm và hãy đụng chạm tới những vết thương của Chúa Giê-su. Ngài đến đứng trước tôn nhan Thiên Chúa Cha cùng với những vết thương ấy, Ngài chỉ cho Thiên Chúa Cha thấy những vết thương như thể muốn nói rằng: „Thưa Cha, đó là cái giá, những vết thương này chính là giá mà con đã trả cho những người anh chị em của con“. Với những vết thương của mình, Chúa Giê-su cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước tôn nhan Thiên Chúa Cha. Ngài trao tặng chúng ta Lòng Xót Thương khi chúng ta đến gần Ngài, và Ngài dâng lời cầu giúp nguyện thay cho chúng ta. Xin đừng quên những vết thương của Chúa Giê-su.

Tặng phẩm thứ hai mà Chúa Giê-su đã trao ban cho các môn đệ, đó chính là niềm vui. Tin Mừng tường thuật lại rằng: „Các môn đệ vui mừng vì được nhìn thấy Chúa“ (Ga 20,20). Và trong phiên bản của Thánh Lu-ca cũng có một câu mà nó có nghĩa là, họ không thể tin được trước niềm vui quá lớn. Chúng ta cũng hay nói một cách bộc phát khi một điều gì đó không thể tin nổi, và một cái gì đó quá tuyệt vời đã xảy ra: „Tôi không thể tin được, đó là sự thật sao!“ Các môn đệ đã như thế, họ không thể tin nổi trước niềm vui. Đó là niềm vui mà Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta. Nếu bạn đau buồn, nếu bạn không ở trong bình an, thì bạn hãy nhìn lên Chúa Giê-su chịu đóng đinh, hãy nhìn lên Chúa Giê-su phục sinh, hãy nhìn xem những vết thương của Ngài và hãy đón nhận niềm vui ấy.

Sau đó, bên cạnh niềm bình an và niềm vui, Chúa Giê-su cũng còn trao cho các môn đệ một sứ vụ nữa. Ngài nói với các ông: „Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi“ (Ga 20,21). Chúa Giê-su phục sinh chính là sự khởi đầu của một động lực Tình Yêu mới mà với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nó có thể canh tân thế giới. Vào ngày Chúa Nhật thứ hai phục sinh này, chúng ta được mời gọi hãy đến gần Chúa Ki-tô bằng Đức Tin, và hãy mở con tim chúng ta ra cho niềm bình an, cho niềm vui và sứ vụ. Nhưng chúng ta cũng đừng quên những vết thương của Chúa Giê-su, vì niềm bình an, niềm vui và sức mạnh cho sứ vụ phát sinh từ những vết thương ấy. Chúng ta hãy trao phó lời cầu khẩn này cho lời nguyện giúp cầu thay của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Trời Đất.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót,

tức CN II PS, ngày 28 tháng 04 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019