Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Trưa CN V PS, 19.05.2019

 

Anh Chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng hôm nay dẫn chúng ta vào phòng Tiệc Ly để giúp chúng ta lắng nghe một ít lời mà Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của Ngài trong „diễn văn từ biệt“ trước cuộc khổ hình của Ngài. Sau khi Ngài rửa chân cho nhóm Mười Hai, thì Ngài liền nói với họ rằng: „Thầy ban cho anh em một Giới Răn mới, là hãy yêu thương nhau! Như Thầy đã yêu thương anh em thế nào, thì anh em cũng hãy yêu thương nhau như vậy“ (Ga 15,34). Nhưng theo cách nhìn nào mà Chúa Giê-su lại gọi Giới Răn đó là „mới“? Thưa, vì chúng ta biết rằng, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền cho Dân Ngài phải yêu thương tha nhân như chính mình (xc. Lv 19,18). Khi người ta đến chất vấn Ngài rằng, đâu là Giới Răn trọng nhất, thì Chúa Giê-su đã trả lời cho họ rằng, Giới Răn trọng nhất chính là Giới Răn hãy yêu mến Thiên Chúa với trọn tấm lòng, và yêu thương tha nhân như chính mình (xc. Mt 22,38-39).

Vậy thì giờ đây, đâu là sự mới mẻ của Giới Răn mà Chúa Giê-su đã trao cho các môn đệ của Ngài? Tại sao Ngài lại gọi đó là một „Giới Răn mới“? Giới Răn Đức Ái của Cựu Ước đã trở nên mới mẻ vì nó được hoàn thiện hóa với sự bổ sung này: „Như Thầy đã yêu thương anh em“: „Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“. Sự mới mẻ hoàn toàn nằm trong Tình Yêu của Chúa Giê-su Ki-tô, tức Tình Yêu mà với nó Ngài đã trao hiến sự sống cho chúng ta. Đó là Tình Yêu Thiên Chúa, Tình Yêu phổ quát, vô điều kiện, không giới hạn, Tình Yêu ấy tìm thấy cao điểm của mình trên Thập Giá. Trong khoảnh khắc bị khước từ đến tột cùng ấy, trong khoảnh khắc tận hiến ấy cho Thiên Chúa Cha, Con Thiên Chúa đã chỉ cho thế giới thấy cũng như đã ban tặng cho thế giới sự viên mãn của Tình Yêu. Khi các môn đệ nhớ lại cuộc khổ hình và cái chết của Chúa Ki-tô, họ đã hiểu ra được ý nghĩa của Lời Ngài: „Như Thầy đã yêu thương anh em thế nào thì anh em cũng hãy yêu thương nhau như vậy.“ Chúa Giê-su chính là Đấng đã yêu thương chúng ta trước, Ngài đã yêu thương chúng ta, bất chấp sự giòn mỏng, những giới hạn và những yếu đuối của con người chúng ta. Ngài là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng với Tình Yêu của Ngài, mà Tình Yêu ấy không có giới hạn và không bao giờ chấm dứt. Trong khi Ngài trao cho chúng ta Giới Răn mới, Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải yêu thương nhau, không chỉ bằng Tình Yêu của chúng ta, nhưng còn bằng cả Tình Yêu của Ngài nữa, tức Tình Yêu mà Chúa Thánh Thần sẽ đổ vào lòng chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Ngài với trọn niềm tin. Bằng cách đó – và chỉ bằng cách đó – chúng ta mới có thể dễ dàng yêu thương nhau, và thực ra không chỉ như chúng ta yêu thương mình, nhưng như Ngài đã yêu chúng ta, có nghĩa là yêu thương không cùng. Thực ra, Thiên Chúa rất mực yêu thương chúng ta, yêu hơn chúng ta yêu mình gấp bội. Và như thế, chúng ta có thể làm cho hạt giống Đức Ái được phát tán khắp nơi, hạt giống ấy sẽ canh tân các mối tương quan giữa con người và mở ra đường chân trời cho niềm hy vọng. Chúa Giê-su luôn luôn mở ra đường chân trời cho niềm hy vọng, Tình Yêu của Ngài mở ra những đường chân trời của niềm hy vọng. Tình Yêu ấy làm cho chúng ta trở thành những con người mới, những người anh chị em trong Thiên Chúa, và nó làm cho chúng ta trở thành dân mới của Thiên Chúa, tức Giáo hội, mà trong đó, tất cả đều được kêu gọi hãy yêu mến Chúa Ki-tô và yêu mến nhau trong Ngài.

Tình Yêu mà nó đã biểu lộ trên thập Giá của Chúa Ki-tô, cũng như Tình Yêu mà Ngài kêu gọi chúng ta sống, chính là sức mạnh duy nhất có thể biến con tim bằng đá của chúng ta thành một con tim bằng thịt. Sức mạnh duy nhất có thể biến đổi con tim chúng ta, chính là Tình Yêu của Chúa Giê-su, nếu chúng ta thương yêu bằng Tình Yêu đó. Và Tình Yêu ấy làm cho chúng ta có khả năng yêu thương cả những kẻ thù của chúng ta nữa, cũng như có khả năng tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm tới chúng ta. Cha xin đặt ra cho anh chị em một câu hỏi, mỗi người hãy tự trả lời cho mình trong lòng. Tôi có khả năng yêu thương những kẻ thù của mình không? Tất cả chúng ta đều có những người mà liệu họ có phải là những kẻ thù hay không, Cha không biết, nhưng họ không sống hòa thuận với chúng ta, họ „đứng về phía khác“, hay một ai đó có những con người đã làm điều ác cho họ… Tôi có chấm dứt mối ác cảm đó để yêu thương những người ấy hay không? Một người này hay người kia đã gây tổn thương cho tôi, đã xúc phạm tôi, vậy tôi có khả năng tha thứ cho họ không? Mỗi người hãy tự trả lời trong lòng mình. Tình Yêu của Chúa Giê-su cho phép chúng ta nhìn người khác với tư cách là một người mà giờ đây đã thuộc về cộng đoàn những người bạn của Chúa Ki-tô rồi, hay trong tương lai sẽ thuộc về; Tình Yêu ấy tạo cơ hội cho chúng ta đối thoại và giúp chúng ta lắng nghe nhau và hiểu biết nhau. Tình Yêu mở chúng ta ra cho người khác, và sẽ trở thành nền tảng căn bản cho những mối tương quan giữa con người. Tình Yêu ấy làm cho chúng ta có khả năng vượt qua những rào cản của sự yếu đuối cũng như những rào cản của những thiên kiến nơi chúng ta. Tình Yêu của Chúa Giê-su trong chúng ta sẽ kiến tạo nên những chiếc cầu, Tình Yêu ấy sẽ dậy cho chúng ta đi trên những con đường mới, nó khơi lên động lực của tình huynh đệ. Ước gì, với lời cầu bầu từ mẫu của mình, Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ta biết đón nhận từ nơi Chúa Giê-su, Con của Mẹ, ân sủng phát xuất từ Giới Răn của Ngài, cũng như biết đón nhận sức mạnh từ Chúa Thánh Thần để đem áp dụng nó vào trong cuộc sống hằng ngày.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa CN V PS, ngày 19 tháng 05 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019