Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung, trưa CN XVIII TN, 04.08.2019

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 12,13-21) được bắt đầu với cảnh tượng một người đàn ông đứng lên giữa đám quần chúng để xin Chúa Giê-su giải thích về một vấn đề mang tính pháp luật liên quan tới việc thừa kế trong gia đình. Nhưng trong câu trả lời của mình, Chúa Giê-su đã không đả động gì tới câu hỏi đó, nhưng Ngài lại cảnh báo rằng, hãy tránh cho xa thói tham lam, tránh xa thói ham muốn sở hữu của cải vật chất. Để giúp cho thính giả của mình tránh xa việc kiếm tìm của cải vật chất cách quá mức, Chúa Giê-su đã kể một dụ ngôn về viên phú hộ ngu xuẩn, bởi ông ta nghĩ rằng, ông ta sẽ hạnh phúc khi ông ta may mắn có được một vụ mùa bội thu, và cảm thấy an tâm vì trữ được rất nhiều lương thực. Thật là tuyệt vời nếu hôm nay anh chị em đọc lại dụ ngôn đó; đó là câu 13 trong chương 12 của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca. Đó là một dụ ngôn rất hay, nó dậy chúng ta nhiều điều. Câu chuyện đi tới điểm trung tâm của mình với tư cách là sự tương phải một cách rõ rệt giữa điều mà viên phú hộ dự tính cho mình, vớ điều mà Thiên Chúa dự định cho ông.

Viên phú hộ đã đặt ra trước tâm hồn mình, có nghĩa là đặt trước chính mình, ba suy nghĩ: của cải dư thừa, có thể sử dụng trong nhiều năm, và những của cải ấy có vẻ như mang tới cho ông ta sự an tâm, thứ ba là sự an nhiên tự tại và sự phồn thịnh không thể cản ngăn (Lc 12,19). Nhưng lời mà Thiên Chúa nói với ông, làm cho những dự tính của ông bị tiêu tan. Thay vì „nhiều năm“, Thiên Chúa lại cho thấy sự trực tiếp „ngay trong đêm nay; đêm nay ngươi sẽ chết“; thay vì  ông được „nếm hưởng cuộc sống“, Ngài yêu cầu ông phải gấp rút „trả lại sự sống; ngươi phải trả lại sự sống cho Thiên Chúa“, với bản án sau đó. Sự tương đối của việc tích trữ được nhiều của cải mà viên phú hộ dự tính sẽ đặt nền tảng cho mọi thứ trên đó, đã bị che phủ bởi một câu hỏi mang tính chế nhạo: „Điều ngươi tích trữ sẽ thuộc về ai?“ (Lc 12,20). Chúng ta hãy nghĩ tới những cuộc tranh chấp liên quan đến tài sản thừa kế, hãy nghĩ tới rất nhiều những cuộc tranh giành trong các gia đình. Và nhiều người, tất cả chúng ta đều biết những câu chuyện đó, chỉ khi họ bước vào giờ lâm chung thì khi đó người khác mới đến bên mình. Con cái, cháu chắt sẽ đến để xem: „Cái nào của tôi?“, và họ lấy đi tất cả. Đối diện với sự tương phản ấy chính là khái niệm „ngu xuẩn“ mà Thiên Chúa dùng để nói về người đó, một cách chính đáng – vì ông chỉ nghĩ tới những điều mà ông cho là cụ thể, nhưng chúng lại là những hình tượng do tưởng tượng mà ra. Ông ta là một người ngu xuẩn, vì ông ta khước từ Thiên Chúa trong thực tế, và không đặt lòng tin vào Ngài. 

Lời kết của dụ ngôn mà Bài Tin Mừng đưa ra nói về một hiệu năng duy nhất: „Ấy, kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế“ (Lc 12,21). Đó là một lời cảnh báo, nó mở ra đường chân trời mà tất cả chúng ta đều được mời gọi hướng về. Của cải vật chất là điều cần thiết – nó là những điều tốt lành! -, nhưng chúng chỉ là một phương tiện để sống cách lương thiện trong sự chia sẻ với những người túng thiếu nghèo hèn. Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy suy cho kỹ rằng, của cải vật chất sẽ cùm xích con tim và có thể làm cho nó đi trệch khỏi kho tàng đích thực ở trên trời. Trong Bài Đọc II hôm nay, Thánh Phao-lô cũng nhắc chúng ta nhớ tới điều đó khi Ngài nói: „Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới... Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới“ (Col 3,1-2).

Thật rõ ràng rằng, điều này không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi thực tế, nhưng là tìm kiếm những gì thực sự có giá trị: Công lý, Tình liên đới, sự sẵn sàng đón nhận, Tình huynh đệ, Hòa bình, và tất cả những gì biểu thị phẩm giá đính thực của con người. Vấn đề nằm ở chỗ là tiến hành một cuộc sống không đi theo cung cách thế gian, nhưng được hiện thực hóa theo lối sống của Tin Mừng: yêu mến Thiên Chúa với trọn kiếp nhân sinh của chúng ta và yêu thương tha nhân như Chúa Giê-su đã yêu họ, có nghĩa là dấn thân phục vụ và trao hiến chính bản thân mình. Sự ham mê của cải, sự khao khát có được của cải, sẽ không làm cho con tim được no thỏa, nhưng còn khiến cho nó bị đói khát hơn nữa! Sự ham mê của cải giống như kẹo ngọt vậy: Bạn ăn một cái và nói: „Ôi, kẹo này ngon thật!“, và rồi bạn lại ăn thêm một cái nữa, ăn hết cái này tới cái kia. Sự tham lam giống hệt như thế: nó sẽ không bao giờ no thỏa. Vậy xin anh chị em hãy coi chừng! Tình Yêu được hiểu và được sống chính là nguồn mạch của niềm hạnh phúc đích thực, trong khi việc tìm kiếm của cải và tài sản vật chất cách quá mức thường là nguồn cội của mọi sự bất hạnh, của sự bất an, của những nghịch cảnh, những vụ lạm dụng và những cuộc chiến tranh. Rất nhiều cuộc chiến tranh bắt đầu từ sự tham lam. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ta đừng bao giờ để cho mình bị gây lóa mắt bởi những điều an toàn chóng qua, nhưng biết trở nên những chứng nhân đáng tin cậy cho những giá trị vĩnh cửu của Tin Mừng.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa CN XVIII TN, ngày 04 tháng 08 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu, O.Cist – chuyển ngữ.