Toàn văn Buổi triều yết chung: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình”

Hai định nghĩa về hòa bình

NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 2020 15:24 - Buổi triều yết chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng từ Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục một loạt các bài giáo lý về các Mối phúc, trong bài diễn từ của mình bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng đã tập trung suy niệm vào mối phúc thứ bảy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mát-thêu 5: 9).

Sau khi tóm tắt bài giáo lý của mình bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi triều yết chung kết thúc với việc đọc Kinh Lạy Cha và ban Phép lành Tòa thánh.

* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chịu em buổi sáng tốt lành!

Bài giáo lý hôm nay được dành riêng cho Mối phúc thứ bảy, mối phúc của những người xây dựng hòa bình, những người được tuyên bố là con Thiên Chúa. Tôi vui mừng vì điều đó xảy ra ngay sau lễ Phục sinh, bởi vì sự bình an của Chúa Kitô là hoa trái của Cái chết và Phục sinh của Người, như chúng ta đã nghe trong Thư của Thánh Phaolô.

Để hiểu được Mối phúc này, cần phải giải thích ý nghĩa của từ Hòa bình, có thể bị hiểu lầm hoặc đôi khi bị tầm thường hóa. Chúng ta phải định hướng giữa hai ý tưởng về hòa bình: đầu tiên là hòa bình theo Kinh thánh, nơi xuất hiện từ shalom đẹp đẽ, thể hiện sự phong phú, thịnh vượng và an khang. Khi người ta chúc shalom bằng tiếng Do thái, người ta cầu chúc một cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ, thịnh vượng nhưng cũng phù hợp với sự thật và công lý, điều này được kiện toàn trong Đấng Mê-sia, Hoàng tử hòa bình (Isaia 9: 6; Mikha 5: 4-5 ).

Sau đó, có một ý nghĩa khác của từ "Hòa bình", phổ biến rộng rãi hơn, được hiểu là một loại yên tĩnh nội tâm: tôi yên tĩnh, tôi bình yên. Đây là một ý tưởng hiện đại, có tính tâm lý và gợi mở hơn. Người ta thường nghĩ rằng hòa bình là yên tĩnh, hài hòa và cân bằng trong tâm hồn. Ý nghĩa của từ “hòa bình” này không hoàn hảo và không thể được tuyệt đối hóa, bởi vì trong cuộc sống, sự năng động có thể là một thời điểm quan trọng cho sự tăng trưởng. Thường thì chính Chúa là người gieo sự năng động trong chúng ta, để ta bắt gặp Ngài, gặp gỡ Ngài. Theo nghĩa này, đó là một thời gian quan trọng cho sự tăng trưởng; trong khi đó, có thể xảy ra là sự tĩnh tại nội tâm tương ứng với một lương tâm được khai hóa chứ không không tương ứng với một sự cứu chuộc tâm linh thực sự. Nhiều lần Chúa Giê-su đã là dấu hiệu cho người đời chống báng, (Luca 2: 43-35), Ngài lay động sự an toàn giả hiệu của chúng ta, để dẫn chúng ta đến sự cứu độ. Và trong khoảnh khắc đó dường như không có sự bình an nào, nhưng chính Chúa là người dắt chúng ta đi trên con đường này, để đến được sự bình an mà chính Ngài sẽ ban cho chúng ta.

Ở điểm này, chúng ta phải nhớ rằng Chúa hiểu sự bình an của Ngài khác với “hòa bình” của con người, khác với “hòa bình” của thế gian, khi Ngài nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Gioan 14:27). Bình an của Chúa Giêsu là một bình an khác, khác với hòa bình thế gian. Chúng ta tự hỏi: thế giới trao ban hòa bình như thế nào? Nếu chúng ta nghĩ về xung đột chiến tranh - chiến tranh thường kết thúc theo hai cách: hoặc là đánh bại một trong hai bên hoặc kết thúc với các hiệp ước hòa bình. Chúng ta chỉ có thể hy vọng và cầu nguyện cho cách thứ hai này luôn được ký kết; tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng lịch sử là một chuỗi các hiệp ước hòa bình vô tận bị bác bỏ bởi các cuộc chiến liên miên, hoặc bởi sự biến hóa của những cuộc chiến đó nhưng theo những cách khác và ở những nơi khác. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, một cuộc chiến tranh từng phần đang diễn ra theo nhiều kịch bản và theo nhiều cách khác nhau. [1] Ít nhất chúng ta phải nghi ngờ rằng trong khuôn khổ toàn cầu hóa được tạo nên đặc biệt bởi lợi ích kinh tế và tài chính, thì “hòa bình” của một số người đúng là “chiến tranh” của những người khác. Và đây không phải là sự bình an của Chúa Kitô!

Thay vào đó, Chúa Giêsu ban bình an của Ngài như thế nào? Chúng ta đã nghe Thánh Phaolô nói rằng sự bình an của Chúa Kitô là “liên kết đôi bên thành một” (Ê-phê-sô 2:14), để hủy bỏ thù hận và đi đến hòa giải. Và cách để hoàn thành công việc bình an này là Thân thể của Ngài. Thực vậy, Ngài hòa giải tất cả mọi thứ và đem lại bình an nhờ Máu của Thập Giá Ngài, như Thánh Tông Đồ nói ở nơi khác (Cô-lô-sê 1:20). Và ở đây tôi tự hỏi mình, tất cả chúng ta có thể tự hỏi mình: thế thì, ai là những người “xây dựng hòa bình?” Mối phúc thứ bảy là mối phúc năng động, có tác động rõ ràng nhất. Lời nói này cũng giống như lời nói dùng trong câu đầu tiên của Kinh thánh về sự Sáng tạo và nó cho thấy tính chủ động và sự chăm chỉ cần mẫn. Tự bản chất, tình yêu là sáng tạo - tình yêu luôn luôn sáng tạo - và tìm kiếm sự hòa hợp bằng mọi giá. Những người được gọi là con Thiên Chúa phải học biết nghệ thuật hòa bình và thực thi nó; họ biết rằng không có sự hòa giải nếu không trao ban sự sống của mình, và hòa bình luôn phải được tìm kiếm bất kể những gì xẩy ra. Đừng quên điều này! Nó được tìm kiếm như vậy. Đây không phải là một công trình tự mình, thành quả của khả năng của chính mình; đó là một biểu thị của ân sủng nhận được từ Chúa Kitô, người là sự bình an của chúng ta, người đã cho chúng ta trở thành con Thiên Chúa.

Lời chào shalom đích thực và sự cân bằng tâm hồn đích thực chẩy ra từ sự bình an của Chúa Kitô, xuất phát từ thập giá của Ngài và phát sinh một nhân loại mới, thể hiện nơi một hàng ngũ vô hạn các Thánh nam nữ, có phát kiến, có sáng tạo, những người luôn nghĩ đến những cách thức mới để yêu thương – các Thánh nam nữ xây dựng hòa bình. Cuộc sống này của con cái Thiên Chúa, mà anh em chúng ta, nhờ Máu Chúa Kitô, đang tìm kiếm và khám phá, là niềm hạnh phúc đích thực. Phúc cho những người đi trên con đường này.

Và một lần nữa, chúc tất cả anh chị em lễ Phục sinh vui tươi, trong sự bình an của Chúa Kitô!

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch của ZENIT bởi Virginia M. Forrester]

 

Bằng tiếng Ý 

Tôi chào đón nồng nhiệt các tín hữu nói tiếng Ý. Tôi chúc tất cả anh chị em sống trọn vẹn sứ điệp Phục sinh, trung thành với Bí tích Rửa tội của anh chị em và làm chứng nhân vui mừng của Chúa Kitô, đã chết và sống lại vì chúng ta.

Cuối cùng, tôi chào các bạn trẻ, những người bệnh, những người già và các cặp vợ chồng mới cưới. Anh chị em thân mến, tôi khuyên anh chị em hãy liên tục ngắm nhìn Chúa Giêsu, người đã chiến thắng sự chết và giúp chúng ta chấp nhận những đau khổ và thử thách trong đời, như một dịp quý giá để được cứu chuộc và cứu độ. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Trinh Nữ Maria bảo vệ anh chị em!

--------------------------------

[1] Xem Bài giảng trong nhà thờ quân đội Redipuglia, ngày 13 tháng 9 năm 2014; Bài giảng tại Sarajevo, ngày 6 tháng 6 năm 2015; Diễn từ cho Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích các văn bản lập pháp, ngày 21 tháng 2 năm 2020.

Nguồn: Zenit.org

Chuyển ngữ: Phạm Văn Trung


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020