Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói, Hãy Xin Chúa Ban Cho Sự Ngoan Ngoãn Đối Với Chúa Thánh Thần Để Mang Lại Sự Hài Hòa Cho Các Cộng Đoàn Chúng Ta

 

TỪ NHÀ NGUYỆN CASA SANTA MARTA

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ


"Chúa Thánh Thần, thầy dạy sự hài hòa"

 

Thứ ba, ngày 21 tháng 4 năm 2020



Dẫn nhập

Trong thời gian này có rất nhiều im lặng. Im lặng có thể nghe thấy được. Sự im lặng này, hơi mới đôi chút trong thói quen của chúng ta, dạy chúng ta lắng nghe, giúp chúng ta phát triển kỹ năng lắng nghe. Chúng ta hãy cầu nguyện xin điều này.

Bài giảng

"Được sinh ra từ trên cao" (Gioan 3:7) là được sinh ra bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể chiếm lấy Chúa Thánh Thần cho chúng ta; chúng ta chỉ có thể để Ngài biến đổi chúng ta. Và sự ngoan ngoãn của chúng ta mở ra cánh cửa cho Chúa Thánh Thần: chính Ngài tạo ra sự thay đổi, biến đổi, tái sinh từ trên cao này. Đó là lời hứa gửi Chúa Thánh Thần đến của Chúa Giêsu (Công vụ Tông đồ 1: 8). Chúa Thánh Thần có khả năng làm nên những điều kỳ diệu, những điều mà chúng ta thậm chí không thể nghĩ ra.

Cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên này là một ví dụ, cộng đoàn này không phải là ảo tưởng, những gì họ nói với chúng ta ở đây: đó là một mô hình, nơi người ta có thể đến khi có sự ngoan ngoãn và để Chúa Thánh Thần bước vào và biến đổi chúng ta. Một cộng đoàn - có thể nói - "lý tưởng". Đúng là các vấn đề sẽ bắt đầu ngay sau đó, nhưng Chúa cho chúng ta thấy chúng ta có thể đi bao xa nếu chúng ta cởi mở với Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta ngoan ngoãn. Đây là sự hài hòa của cộng đoàn (Công vụ Tông đồ 4.32 - 37). Chúa Thánh Thần là thầy dạy sự hài hòa, Ngài có khả năng tạo ra nó và Ngài đã tạo ra nó ở nơi đây. Ngài phải làm điều đó trong trái tim của chúng ta, Ngài phải thay đổi nhiều điều nơi chúng ta, nhưng Ngài tạo ra sự hài hòa: bởi vì chính Ngài là sự hài hòa. Ngay cả sự hài hòa giữa Chúa Cha và Chúa Con: đó là tình yêu hài hòa, chính Ngài. Và Ngài, với sự hài hòa, tạo ra những điều này, ví dụ như cộng đoàn rất hài hòa này. Nhưng sau đó, lịch sử cho chúng ta biết – cũng trong Sách Công vụ Tông đồ - về nhiều vấn đề trong cộng đồng. Đây là một mô hình: Chúa đã cho phép mô hình này, mô hình của một cộng đoàn gần như "trên trời", để chỉ cho chúng ta thấy nơi chúng ta nên đi.

Nhưng sau đó sự chia rẽ bắt đầu trong cộng đoàn. Trong chương thứ hai Bức Thư của mình, Thánh Tông đồ Gia-cô-bê nói: "Xin cho đức tin của anh em đừng đối xử thiên tư "(Gia-cô-bê 2: 1): bởi vì đã có điều ấy! "Đừng phân biệt đối xử": các tông đồ phải ra mặt để khuyên răn. Và Thánh Phao-lô, trong thư đầu tiên gửi tín hữu Cô-rinh-tô, trong chương 11, phàn nàn: "Tôi nghe nói rằng có sự chia rẽ giữa anh em" (Cô-rinh-tô 11,18): sự chia rẽ nội bộ trong cộng đoàn bắt đầu. Chúng ta phải đạt được "lý tưởng" này, nhưng không dễ dàng: có nhiều thứ gây chia rẽ cộng đoàn, có thể đó là một giáo xứ hoặc một giáo phận Công giáo hoặc cộng đoàn trưởng lão hoặc tôn giáo này hay tôn giáo nọ ... nhiều điều xảy ra chia rẽ cộng đoàn.

Nhìn thấy những điều chia rẽ các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên, tôi tìm ra ba điều: đầu tiên, tiền bạc. Khi tông đồ Gia-cô-bê nói điều này, rằng ông không thiên vị cá nhân, ông đưa ra một ví dụ bởi vì “giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, anh em săn đón ngay, còn với người nghèo, để sang một bên” (Gia-cô-bê 2.2). Tiền bạc. Chính Phao-lô cũng nói như vậy: “Người giàu mang thức ăn đến và ăn, còn người nghèo, đứng đó” (Cô-rinh-tô 11: 20-22), chúng ta để họ ở đó như muốn nói với họ: “Hãy tự lo liệu theo khả năng của mình”. Tiền chia rẽ, lòng yêu tiền bạc chia rẽ cộng đoàn, chia rẽ Giáo hội.

Nhiều lần, trong lịch sử của Giáo hội, có những sai lệch về giáo lý - không phải lúc nào cũng vậy, tuy nhiên nhiều lần - có tiền đằng sau đó: tiền của quyền lực, cả quyền lực chính trị và tiền mặt, nhưng đó vẫn là tiền. Tiền chia rẽ cộng đoàn. Vì lý do này, nghèo khó là mẹ của cộng đoàn, nghèo khó là bức tường bảo vệ cộng đoàn. Tiền chia rẽ, chỉ còn tư lợi. Ngay cả trong các gia đình: có bao nhiêu gia đình cuối cùng bị chia rẽ bởi gia sản thừa kế? Có bao nhiêu gia đình? Và họ không bao giờ nói chuyện với nhau nữa ... Có bao nhiêu gia đình ... Một tài sản thừa kế ... Họ chia rẽ: tiền chia rẽ.

Một điều khác chia rẽ cộng đoàn là sự phù phiếm, đó là mong muốn cảm thấy tốt hơn những cộng đoàn khác. “Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa, vì con không giống những người khác”( Luca 18,11), lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu. Phù phiếm, cảm thấy rằng ... Và cũng là phù phiếm khi khoe khoang cái tôi, phù phiếm trong thói quen, trong cách ăn mặc: bao nhiêu lần - không phải luôn luôn nhưng bao nhiêu lần - việc cử hành bí tích là một ví dụ về sự phù phiếm, có người đi dự lễ với những bộ quần áo đẹp nhất, ai làm điều này, ai làm điều nọ ... Phù phiếm... những bữa tiệc lớn nhất ... Phù phiếm cũng bước vào đó. Và sự phù phiếm thì chia rẽ. Bởi vì sự phù phiếm dẫn bạn tới chỗ trở thành một con công và nơi nào có một con công, thì luôn có sự chia rẽ.

Điều thứ ba gây chia rẽ cộng đoàn là nói xấu: đây không phải là lần đầu tiên tôi nói chuyện này, điều có thực. Đó là một thực tế. Đó là điều mà ma quỷ đặt vào chúng ta, như một nhu cầu nói về người khác. “Đó là một người tốt biết mấy ...” – “Đúng, đúng, nhưng ...”: ngay lập tức có chữ “nhưng”: đó là một hòn đá dùng để loại bỏ người khác và loại bỏ ngay lập tức những gì tôi vừa nghe nói và thế là làm cho người khác bị hụt hẫng, chút ít.

Nhưng Chúa Thánh Thần cùng với quyền năng của Ngài đến cứu chúng ta khỏi thứ trần tục tiền bạc, phù phiếm và nói xấu này, bởi vì Chúa Thánh Thần không phải là thế gian: Chúa Thánh Thần chống lại thế gian. Chúa Thánh Thần có khả năng làm những điều kỳ diệu này, những điều tuyệt vời này.

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sự ngoan ngoãn này đối với Chúa Thánh Thần để Ngài biến đổi chúng ta và biến đổi các cộng đoàn của chúng ta, cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, các cộng đoàn tu trì của chúng ta: xin Chúa biến đổi chúng, để chúng ta luôn luôn tiến lên trong sự hòa hợp mà Chúa Giêsu muốn cho cộng đoàn Kitô giáo.

Cầu nguyện Rước lễ thiêng liêng:

Những người hiện giờ không thể Rước lễ thật sự thì làm việc Rước lễ thiêng liêng

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đang ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể chịu Chúa cho thật được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa cho trọn, xin Chúa chớ để con lìa bỏ Chúa bao giờ. Amen.

Nguồn: Catholic News World

Chuyển ngữ: Phạm Văn Trung, SMH


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020