Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu Cầu Nguyện Cho Mỗi Người Trong Chúng Ta

Trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta nhân ngày lễ thánh George, bổn mạng của Ngài, ĐGH cầu nguyện cho các gia đình đang bị khủng hoảng

[Toàn văn bản dịch của ZENIT's Virginia Forrester – zenit.org]

Bài đọc một tiếp tục câu chuyện bắt đầu bằng việc chữa lành người què tại Cổng đẹp của Đền thờ. Các Tông đồ đã bị bắt trước Thượng Hội Đồng, sau đó họ bị tống vào tù, và rồi một Thiên thần đã giải thoát họ. Và sáng nay, thực tế là sáng hôm đó, người ta dự định cho họ ra khỏi nhà tù để xét xử, nhưng họ đã được Thiên thần giải thoát trước đó và đang rao giảng trong Đền thờ (Công vụ Tông đồ 5: 17-25). “Vào những ngày đó, [viên lãnh binh và các sĩ quan] điệu các Tông đồ và đem họ đến trước hội đồng” (câu 27); họ đến bắt các Tông đồ trong Đền thờ và điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng. Và ở đó vị thượng tế đã quở trách họ: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa” (câu 28) - nghĩa là, nhân danh Chúa Giê-su “thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” (câu 28), bởi vì các Tông đồ, đặc biệt là Phê-rô, đã quở trách họ; Phê-rô và Gioan đã khiển trách các nhà lãnh đạo, các vị thượng tế đã giết Chúa Giê-su.

Và rồi Phê-rô, cùng với các Tông đồ, trả lời cho chuyện đó: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa, chúng tôi vâng lời Chúa còn các ông có tội với điều ấy” (Công vụ Tông đồ 5: 29-31). Và ông tố cáo, với lòng can đảm; với một sự táo bạo khiến người ta tự hỏi: “Có phải đây là Phê-rô đã chối Chúa Giêsu không? Phê-rô đó là người rất nhát sợ, Phê-rô đó cũng là kẻ hèn nhát? Ông ta đã đến đây cách nào?” Và cuối cùng ông nói, “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”. (câu 32). Làm thế nào Phê-rô đạt đến mức độ này, lòng can đảm này, sự táo bạo này, dám bộc lộ bản thân? Bởi vì ông vẫn có thể thỏa hiệp với các thượng tế và nói với họ: “Nhưng này, hãy bình tĩnh, chúng tôi sẽ đi, chúng tôi sẽ nói với giọng thấp hơn một chút, chúng tôi sẽ không bao giờ buộc tội các ông nơi công cộng, nhưng hãy để chúng tôi yên”. . .  và đi đến thỏa hiệp.

Giáo hội đã phải làm điều này nhiều lần trong lịch sử để cứu Dân Chúa. Và, nhiều lần, Giáo hội đã làm điều đó để tự cứu mình - nhưng không phải là Hội Thánh - mà là các nhà lãnh đạo. Thỏa hiệp có thể tốt hoặc xấu. Tuy nhiên, liệu họ có thể thoát khỏi sự thỏa hiệp không? Không, Phê-rô đã nói: “Không thỏa hiệp; các ông là người có tội” (câu 30), và ông đã nói điều đó một cách can đảm như vậy.

Và làm thế nào mà Phê-rô đạt đến mức độ này? Bởi vì ông là một người nhiệt tình, yêu mạnh mẽ, dù là một người nhút nhát, nhưng là một người mở lòng ra với Chúa đến mức Chúa tiết lộ với ông rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, nhưng ngay sau đó - ngay lập tức – ông để cho chính mình rơi vào cám dỗ và nói với Chúa Giêsu rằng: “Không, Thầy ơi, không phải bằng con đường này, chúng ta hãy đi con đường khác”: cứu chuộc mà không có Thánh giá. Và Chúa Giêsu nói với ông: “Satan” (Mác-cô 8: 31-33). Một Phê-rô đã chuyển từ cám dỗ sang ân sủng; một Phê-rô có khả năng quỳ gối trước Chúa Giêsu và nói: “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Luca 5: 8), và sau đó là một Phê-rô cố lẻn đi, để không bị bắt gặp, và chối Chúa Giêsu để không bị kết thúc trong tù (Luca 22: 54-62). Ông là một Phê-rô không ổn định, vì ông rất quảng đại nhưng cũng rất yếu đuối. Đâu là bí quyết, là sức mạnh mà Phê-rô đã có để ông có thể đến đây? Có một câu giúp chúng ta hiểu điều này. Trước cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”. Và với Phê-rô, Ngài nói: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin”. (câu 32). Đây là bí quyết của Phê-rô: lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phê-rô, để đức tin của ông không thất bại và - Chúa Giêsu nói – để làm cho anh em của ông nên vững mạnh trong đức tin. Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phê-rô.

Và những gì Chúa Giêsu đã làm cho Phê-rô, Ngài cũng làm cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta; Ngài cầu nguyện trước Chúa Cha. Chúng ta đã quen cầu nguyện với Chúa Giêsu xin ban cho chúng ta ơn này hay ơn khác; xin Ngài giúp chúng ta, nhưng chúng ta không quen chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Đấng đã cho Chúa Cha xem những vết thương, Chúa Giêsu, người cầu thay nguyện giúp, Chúa Giêsu, người cầu nguyện cho chúng ta. Và Phê-rô đã có thể đi suốt con đường này, từ hèn nhát đến can đảm, với món quà của Chúa Thánh Thần, nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này một chút. Chúng ta hãy hướng về Chúa Giêsu, cảm ơn Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu là người cầu thay nguyện giúp. Chúa Giêsu mang trong mình những vết thương để Chúa Cha nhìn thấy. Đó là giá của ơn cứu rỗi chúng ta. Chúng ta phải tín thác nhiều hơn, nhiều hơn trong lời cầu nguyện của chúng ta, trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. “Lạy Chúa, xin hãy cầu nguyện cho con” – “Ta là Thiên Chúa, ta có thể ban cho ngươi. . .” – “Vâng, nhưng hãy cầu nguyện cho con, bởi vì Chúa là người cầu thay nguyện giúp”. Và đây là bí quyết của Phê-rô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin’. (Luca 22,32).

Xin Chúa dạy chúng ta xin cho mỗi người chúng ta ơn biết cầu nguyện.

Đức Giáo Hoàng kết thúc Thánh lễ với giờ Chầu Thánh Thể và Ban phép lành Thánh thể, mời gọi các tín hữu Rước lễ thiêng liêng.

Đây là lời cầu nguyện được Đức Giáo hoàng đọc:

Lạy Chúa Giê-su của con, con phủ phục dưới chân Chúa, và con xin dâng cho Chúa cõi lòng ăn năn thống hối của con, khiêm hạ trong hư vô và trong sự Hiện diện Thánh thiện của Chúa. Con tôn thờ Chúa trong Bí tích Tình yêu Chúa, Bí tích Thánh Thể khôn tả. Con mong muốn rước Chúa vào nơi ở nghèo nàn mà trái tim con dành cho Chúa. Đang khi chờ đợi hạnh phúc được rước Chúa thật, con muốn rước Chúa cách thiêng liêng. Lạy Chúa, xin Chúa đến với con, để con đến được với Chúa. Xin tình yêu Chúa đốt cháy toàn thể con người con trong cuộc sống và trong sự chết. Con tin vào Chúa, con hy vọng vào Chúa, con yêu mến Chúa.

Trước khi rời Nhà nguyện cung hiến cho Chúa Thánh Thần, Thánh ca Regina Caeli Mùa Phục sinh (Lạy Nữ vương Thiên đàng) được cất lên:

Regina caeli laetare, alleluia.

Quia quem meruisti portare, alleluia.

Resurrexit, sicut dixit, alleluia.

Ora pro nobis Deum, alleluia.

 (Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Alleluia.

Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia.

Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Alleluia.

Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Alleluia.

Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc. Alleluia.

Vì Chúa đã sống lại thật. Alleluia.)

 

Phê-rô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020