Bài Giảng Buổi Sáng Của Đức Giáo Hoàng: Đừng sợ ánh sáng của Chúa Giêsu mang lại sự sáng ngời cho bóng tối hàng ngày của chúng ta

Ngày 6-5-2020 trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta

Toàn văn bài giảng  [bản dịch của ZENIT's Virginia Forrester]

Đoạn Tin Mừng này của Thánh Gioan (12: 44-50) cho chúng ta thấy sự thân mật giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Chúa Giêsu đã làm những gì Chúa Cha yêu cầu Ngài làm. Do đó, Ngài nói: “Ai tin vào Ta, thì không phải tin vào Ta mà tin vào Đấng đã sai Ta” (câu 44). Sau đó, Ngài nói rõ sứ mệnh của Ngài: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” (câu 46). Ngài trình bày chính Ngài như là ánh sáng. Nhiệm vụ của Chúa Giêsu là chiếu sáng - ánh sáng. Chính Ngài nói: “Ta là sự sáng thế gian” (Gioan 8:12). Tiên tri I-saia đã nói tiên tri về ánh sáng này: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (I-saia 9:1). Lời hứa của ánh sáng, sẽ soi sáng con người. Và đó cũng là sứ mệnh của các Tông đồ: mang lại ánh sáng. Thánh Phao-lô nói điều đó với Vua Agrippa: “Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng” (Công vụ 26:18). Đó là sứ mệnh của Chúa Giêsu: mang lại ánh sáng. Và sứ mệnh của các Tông đồ là mang lại ánh sáng của Chúa Giêsu, là chiếu sáng, vì thế giới chìm trong bóng tối.

Tuy nhiên, bi kịch của ánh sáng Chúa Giêsu là nó đã bị từ chối. Ngay từ đầu Tin mừng, Thánh Gioan đã nói một cách rõ ràng: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Họ yêu thích bóng tối hơn ánh sáng” (Gioan 1: 9-11). Quen với bóng tối, sống trong bóng tối: họ không thể chấp nhận ánh sáng. Họ không thể; họ là nô lệ của bóng tối. Và đây sẽ là cuộc đấu tranh liên tục của Chúa Giêsu: chiếu sáng, mang lại ánh sáng làm cho mọi thứ được nhìn thấy như chúng vốn là; ánh sáng đó làm cho người ta thấy được tự do, thấy được sự thật, thấy được con đường phải theo, với ánh sáng của Chúa Giêsu.

Thánh Phao-lô đã có kinh nghiệm về việc này: đi từ bóng tối đến ánh sáng, khi Chúa bắt gặp ông trên đường đi Đa-mát. Ông vẫn mù quáng – đui mù. Ánh sáng của Chúa làm cho ông mù. Và sau đó, sau vài ngày, với Bí tích Rửa tội, ông đã có ánh sáng trở lại (Công vụ 9: 1-19). Ông đã có kinh nghiệm về lối đi từ bóng tối, ông ở trong bóng tối đó, đến ánh sáng. Đó cũng là lối đi của chúng ta, mà chúng ta đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội: do đó, trong các thế kỷ đầu tiên Bí tích Rửa tội được gọi là bí tích soi sáng (Thánh  Gius-ti-nô, Apologia , 61, 12), vì nó phát ra một ánh sáng, “làm cho ánh sáng đi vào”. Đó là lý do tại sao trong nghi thức Rửa tội, chúng ta cầm một ngọn nến được thắp sáng, một ngọn nến được thắp cho người cha và người mẹ, để đứa trẻ được chiếu sáng. Chúa Giêsu mang lại ánh sáng, nhưng dân chúng, dân của Ngài đã từ chối nó. Họ đã quá quen với bóng tối đến nỗi ánh sáng làm họ hoa mắt, họ không thể đi. . . (Gioan 1: 10-11). Và đây là bi kịch của tội lỗi chúng ta: tội lỗi làm chúng ta mù quáng và chúng ta không thể chịu đựng được ánh sáng. Mắt chúng ta bị bệnh. Và Chúa Giê-su nói điều đó một cách rõ ràng trong Tin mừng Mát-thêu: “Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào! (Mát-thêu 6: 22-23)”. Bóng tối. . . Và hoán cải là đi từ bóng tối sang ánh sáng. Nhưng đâu là những điều làm cho cặp mắt bị bệnh, cặp mắt đức tin bị bệnh? Mắt chúng ta bị bệnh: đâu là những thứ “kéo chúng xuống”, và làm cho chúng đui mù? Các thói xấu, tinh thần thế tục, sự kiêu hãnh. Những tật xấu đó kéo người ta xuống và cả ba thứ này - những thói xấu, sự kiêu hãnh, tinh thần thế tục - đưa bạn đến chỗ hòa mình vào xã hội, với những người khác để ở lại an toàn trong bóng tối. Chúng ta thường nói về mafia[1]: đó là cái này. Tuy nhiên, có những “mafia tâm linh”, luôn có những “mafia trong lòng”, luôn luôn tìm kiếm một thứ gì khác để che dấu bản thân và ở lại trong bóng tối. Không dễ sống trong ánh sáng. Ánh sáng làm cho người ta nhìn thấy rất nhiều điều khủng khiếp trong chúng ta mà chúng ta không muốn thấy: thói hư, tội lỗi. . . Chúng ta hãy nghĩ về những thói xấu của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ về sự kiêu hãnh của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ về tinh thần thế tục của chúng ta: những điều này làm chúng ta mù quáng, chúng đẩy chúng ta xa khỏi ánh sáng của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta bắt đầu nghĩ về những điều này, chúng ta sẽ không thấy một bức tường, không phải thế, chúng ta sẽ thấy một con đường, bởi vì chính Chúa Giêsu nói rằng Ngài là ánh sáng và, cũng vậy: “Ta đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian”. (Gioan 12: 46-47). Chúa Giêsu, chính Ngài là ánh sáng, Ngài nói: “Hãy can đảm lên: hãy để bản thân được soi sáng, hãy để bản thân thấy những gì bạn có trong lòng mình, vì tôi sẽ dẫn đưa bạn tiến về phía trước để cứu bạn. Tôi không lên án bạn. Tôi cứu bạn” (câu 47). Chúa cứu chúng ta khỏi bóng tối mà chúng ta có trong lòng, khỏi bóng tối của cuộc sống hàng ngày, của đời sống xã hội, của đời sống chính trị, của đời sống quốc gia, quốc tế. . . Có quá nhiều bóng tối trong lòng. Và Chúa cứu chúng ta, nhưng Ngài yêu cầu chúng ta nhìn thấy bóng tối đó trước đã, yêu cầu chúng ta có can đảm nhìn ra bóng tối của chúng ta, để ánh sáng của Chúa có thể đi vào và cứu chúng ta.

Chúng ta đừng sợ Chúa. Ngài rất tốt lành, Ngài hiền lành; Ngài gần gũi với chúng ta. Ngài đến cứu chúng ta. Chúng ta đừng sợ ánh sáng của Chúa Giêsu.

Đức Giáo Hoàng mời gọi Rước lễ thiêng liêng với lời kinh này:

Lạy Chúa Giê-su của con, con phủ phục dưới chân Chúa, và con xin dâng cho Chúa cõi lòng ăn năn thống hối của con, khiêm hạ trong hư vô và trong sự Hiện diện Thánh thiện của Chúa. Con tôn thờ Chúa trong Bí tích Tình yêu Chúa, Bí tích Thánh Thể khôn tả. Con mong muốn rước Chúa vào nơi ở nghèo nàn mà trái tim con dành cho Chúa. Đang khi chờ đợi hạnh phúc được rước Chúa thật, con muốn rước Chúa cách thiêng liêng. Lạy Chúa, xin Chúa đến với con, để con đến được với Chúa. Xin tình yêu Chúa đốt cháy toàn thể con người con trong sự sống và trong sự chết. Con tin vào Chúa, con hy vọng vào Chúa, con yêu mến Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh lễ với giờ Chầu và Ban phép lành Thánh Thể. Trước khi rời Nhà nguyện, Thánh ca ngợi khen Đức Maria trong Mùa Phục sinh Regina Caeli (Lạy Nữ vương Thiên đàng) được cất lên.

Nguồn: https://zenit.org/articles/popes-morning-homily-dont-be-afraid-of-jesus-light-which-brings-brightness-to-our-daily-darkness-full-text/

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.



[1] Các tổ chức tội phạm


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020