Buổi Tiếp Kiến Chung Của Đức Giáo Hoàng Tại Thư Viện Điện Tông Tòa Vatican: Cầu nguyện

Loạt bài giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện

NGÀY 06 THÁNG 5 NĂM 2020 11:56

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng từ Thư viện Điện Tông tòa Vatican.

Trong bài phát biểu của mình bằng tiếng Ý, Đức Giáo Hoàng đã bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện (Mác-cô 10: 46-52).

Sau khi tóm tắt bài giáo lý của mình bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó, Ngài đưa ra một Lời Kêu Gọi ủng hộ giới lao động và đặc biệt là những người lao động bị bóc lột.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với việc đọc kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt các bài giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin, đó là biểu hiện đúng đắn nhất của đức tin, như một tiếng kêu phát ra từ trái tim của một người tin tưởng và phó thác mình cho Thiên Chúa. Chúng ta nghĩ về câu chuyện của Bác-ti-mê, một nhân vật trong Tin Mừng (Mác-cô10: 46-52.) Và tôi thú nhận với anh chị em, đối với tôi đây là nhân vật dễ thương nhất trong tất cả. Anh ta bị mù, ngồi bên lề đường ăn xin ở ngoại ô thành phố của anh ta, Giê-ri-cô. Anh ta không phải là một nhân vật vô danh; anh ta có một khuôn mặt và một cái tên: Bác-ti-mê, cụ thể, là con trai của Ti-mê. Một ngày nọ, anh ta nghe nói rằng Chúa Giêsu sẽ đi qua đó. Trên thực tế, Giê-ri-cô là một ngã tư của nhiều sắc dân, những người hành hương và thương nhân liên tục đi qua đó. Do đó, Bác-ti-mê nằm ở đó chờ đợi: anh đã làm mọi thứ có thể để gặp Chúa Giêsu. Rất nhiều người đã làm điều tương tự: chúng ta nhớ lại Gia-kêu, người đã trèo lên cây. Vì vậy, nhiều người muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, anh ta cũng vậy.

Do đó, người đàn ông này bước vào Tin mừng như một giọng nói lớn tiếng. Anh ta không thể nhìn thấy; Anh ta không biết Chúa Giêsu ở gần hay xa, nhưng anh ta hiểu được từ đám đông đang càng lúc càng đông vào một thời điểm nhất định và anh ta đến gần. . . Tuy nhiên, anh ta hoàn toàn đơn độc và không ai quan tâm đến anh ta. Và Bác-ti-mê làm gì?

Anh ta hét lên, hét lên và tiếp tục hét lên. Anh ta sử dụng vũ khí duy nhất của mình: giọng nói của anh ta. Anh ta bắt đầu kêu lên: “Lạy ông Giêsu, con vua Đa-vít, xin thương xót tôi!” (Mác-cô 10: 47). Và anh ta tiếp tục như vậy, hét lên. Anh ta lặp đi lặp lại những tiếng la hét khó chịu, có vẻ không lịch sự, và nhiều người quở trách anh ta và bảo anh ta im lặng. “Này, lịch sự chút đi, đừng làm vậy chứ!” Tuy nhiên, Bác-ti-mê không im lặng, thay vào đó, anh ta thậm chí còn hét to hơn một lần nữa. “Lạy ông Giêsu, con vua Đa-vít, xin thương xót tôi!” (câu 47).  Đó là sự bướng bỉnh rất tốt của những người tìm kiếm ân sủng và gõ cửa, gõ cửa trái tim của Chúa. Anh ta hét lên, gõ cửa. Lối nói đó, “con vua Đa-vít”, rất quan trọng, nó có nghĩa là “Đấng Mê-sia”, anh ta tuyên xưng Đấng cứu thế - đó là một lời tuyên xưng đức tin phát ra từ miệng của người đàn ông đó, bị mọi người khinh miệt. Và Chúa Giêsu lắng nghe tiếng kêu của anh ta. Lời cầu nguyện của Bác-ti-mê chạm đến trái tim của Ngài, trái tim của Chúa, và cánh cửa cứu rỗi mở ra cho anh ta. Chúa Giêsu đã gọi anh. Anh nhún nhẩy trên đôi chân của mình và những người trước đây bảo anh ta im lặng bây giờ dẫn anh ta đến với Thầy. Chúa Giêsu nói với anh ta, Người yêu cầu anh ta bày tỏ mong muốn của mình - điều này rất quan trọng - và rồi tiếng khóc trở thành một lời xin: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” (câu 51). Chúa Giêsu nói với anh ta: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (câu 52). Chúa Giêsu thừa nhận trong người đàn ông nghèo khổ, bất lực, bị khinh miệt đó là tất cả sức mạnh của đức tin, điều này thu hút lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin là giơ cao hai bàn tay lên, là có một giọng nói để kêu khóc, để van xin ơn cứu độ. Giáo lý khẳng định rằng sự “Khiêm nhường là tâm tình căn bản của cầu nguyện” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, CCC, 2559). 

Cầu nguyện được sinh ra từ đất, từ humus[1], từ chữ đó, phát sinh ra chữ “humble –“humility” - khiêm nhường - nó xuất phát từ trạng thái bấp bênh của chúng ta, từ sự khao khát liên tục của chúng ta hướng về Chúa (sách đã dẫn 2560-2561).

Đức tin, chúng ta đã thấy ở Bác-ti-mê, là một tiếng kêu; không đức tin là bóp nghẹt tiếng kêu khóc đó, mọi người đều có thái độ đó, trong việc bịt miệng anh ta. Họ không phải là người có đức tin, thay vào đó, anh ta là người có đức tin. Bóp nghẹt tiếng khóc đó là một loại “omerta” [“luật im lặng”]. Đức tin là sự phản đối chống lại một tình trạng đau đớn mà chúng ta không hiểu được lý do; không đức tin là tự giới hạn bản thân để cam chịu một tình huống mà chúng ta phải thích nghi. Đức tin là hy vọng được cứu độ; không đức tin là trở nên quen với điều ác đang áp bức chúng ta, và tiếp tục như vậy.

Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý này với tiếng khóc của Bác-ti-mê vì có lẽ, trong một hình ảnh như anh ta, mọi thứ đã được viết ra hết rồi. Bác-ti-mê là một người kiên trì. Có những người chung quanh anh ta giải thích rằng việc nài nỉ là vô ích, rằng đó là tiếng hét không được trả lời, rằng anh ta ồn ào, rằng anh ta chỉ quấy rầy, rằng anh ta làm ơn ngừng la hét. Tuy nhiên, anh không giữ im lặng và cuối cùng, anh đã có được thứ mình muốn.

Có một tiếng nói trong trái tim của con người đang khẩn cầu, to tiếng hơn bất kỳ một lý luận trái ngược nào. Tất cả chúng ta đều có tiếng nói trong lòng, Một giọng nói phát ra một cách tự nhiên, không có ai ra lệnh, một giọng nói đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc hành trình xuống đây của chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta thấy mình trong bóng tối. “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!” Đây là một lời cầu nguyện đẹp. Nhưng có lẽ những từ này, phải chăng đã không được ghi khắc trong toàn bộ công trình sáng tạo muôn loài sao? Tất cả mọi vật đều cầu khẩn và van xin cho mầu nhiệm thương xót đạt tới sự thành toàn cuối cùng của nó. Ki-tô hữu không phải là những người duy nhất cầu nguyện: họ chia sẻ tiếng khóc than cầu khẩn với tất cả mọi người, đàn ông và phụ nữ. Tuy nhiên, đường chân trời có thể được mở rộng hơn nữa: thánh Phao-lô khẳng định rằng toàn bộ công trình sáng tạo “rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rô-ma 8:22). Các nghệ sĩ thường tự biến mình thành người phiên dịch cho tiếng khóc sáng tạo thầm lặng này, nó đè nặng lên mọi sinh linh và đặc biệt trổi lên trong trái tim con người, bởi vì con người là một “kẻ ăn xin trước mặt Thiên Chúa”( sách đã dẫn, 2559). Một mô tả đẹp về con người: “kẻ ăn xin trước mặt Thiên Chúa”. Cảm ơn anh chị em.

Bằng tiếng Ý

Ngày kia, thứ Sáu, ngày 8 tháng 5, tại Đền thờ Pompeii, chúng ta sẽ dâng lên cho Đức Mẹ Mân côi một lời cầu nguyện mãnh liệt. Tôi khuyên tất cả mọi người hãy kết hiệp bản thân cách thiêng liêng với hành vi đức tin và lòng sùng kính phổ biến này, để nhờ sự can thiệp của Đức Trinh Nữ, Chúa sẽ ban cho Giáo hội và toàn thế giới lòng thương xót và bình an.

Tôi xin chào các tín hữu nói tiếng Ý. Một thời gian ngắn trước đây, chúng ta bắt đầu tháng Năm, đó là tháng mà sự sùng kính phổ biến của Kitô giáo dành cho Mẹ Chúa. Tôi khuyên anh chị em hãy phó thác chính mình cho Mẹ, Đấng được ban cho chúng ta như người Mẹ dưới Thập giá.

Tôi suy nghĩ đặc biệt đến những bạn trẻ, những người già, người bệnh và các cặp vợ chồng mới cưới. Hãy đặt lòng tin của anh chị em dưới sự bảo vệ của mẹ Maria và tin chắc Mẹ sẽ không để chúng ta thiếu niềm an ủi trong giờ phút thử thách. Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ bảo vệ anh chị em.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Vào ngày 1 tháng 5, tôi nhận được một vài tin nhắn về giới lao động và những vấn đề của họ. Tôi đặc biệt bị đánh động bởi vấn đề của những người nông dân, trong số đó có nhiều người di cư, làm việc ở vùng nông thôn Ý. Thật không may, nhiều người bị bóc lột rất cay nghiệt. Đúng là cuộc khủng hoảng hiện nay đang ảnh hưởng đến mọi người, nhưng nhân phẩm của mọi người phải luôn được tôn trọng. Đó là lý do tại sao tôi thêm tiếng nói của mình vào lời kêu cầu của những nông nhân này và của tất cả những công nhân bị bóc lột. Xin cho cuộc khủng hoảng này đem lại cho chúng ta cơ hội làm cho phẩm giá của con người và phẩm giá của lao động trở thành tâm điểm trong mối quan tâm của chúng ta.

 

Nguồn: https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-prayer-full-text/

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.



[1] Tiếng La tinh humus nghĩa là đất.


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020