Trong Thánh Lễ Buổi Sáng 12-5-2020, Đức Giáo Hoàng Ca Ngợi Sự Anh Hùng Của Các Y Tá

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phân biệt giữa Chúa Giêsu và Hòa bình Thế gian

NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 2020 12:46

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi sự anh hùng của các y tá.

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG 

Trước khi về trời, Chúa đã chào đón các môn đệ cùa Ngài và ban cho họ món quà bình an (Gioan14: 27-31), sự bình an của Chúa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. (câu 27). Đó không phải là thứ hòa bình nói chung, hòa bình không có chiến tranh, mà chúng ta luôn mong muốn, nhưng sự bình an trong trái tim, sự bình an trong tâm hồn chúng ta, sự bình an mà mỗi người chúng ta có trong lòng. Và Chúa trao ban nó, nhưng Ngài nhấn mạnh: không theo kiểu thế gian (câu 27). Thế giới ban hòa bình như thế nào và Chúa ban bình an như thế nào? Đó là những thứ hòa bình khác nhau phải không? Đúng như thế. Thế giới mang đến cho bạn sự “bình yên trong lòng”, chúng ta đang nói về điều này, sự bình yên trong cuộc sống của bạn, cuộc sống của bạn với trái tim của bạn trong bình yên. Nó mang lại cho bạn sự bình yên trong lòng như một vật sở hữu của bạn, như một thứ gì đó là của bạn và cô lập bạn khỏi những người khác, nó giữ bạn lại trong chính bạn; đó là cái giành được của bạn: tôi có bình yên. Và, nếu không nhận ra điều đó, bạn đóng kín chính mình trong sự bình yên đó, đó là một thứ bình yên, nhưng  chỉ là một chút bình yên, cho bạn, cho một người, cho mỗi người; đó là sự bình yên một mình, đó là sự bình yên khiến bạn bình tĩnh, cũng hạnh phúc. Nhưng trong sự yên tĩnh này, trong niềm hạnh phúc này, bạn ngủ thiếp đi một chút, nó gây mê bạn và khiến bạn ở lại với chính mình trong một sự yên tĩnh nhất định nào đó. Đó là một chút ích kỷ: bình yên cho tôi; khép kín trong tôi. Đó là cách thế gian mang lại bình yên (câu 27). Đó là một nền hòa bình tốn kém vì bạn phải liên tục thay đổi các “công cụ hòa bình”: khi một thứ gì đó kích thích bạn, khi một thứ gì đó mang lại cho bạn sự bình yên, thì rồi nó cũng sẽ kết thúc và bạn phải tìm một thứ khác. . . Nó thì tốn kém vì nó tạm bợ và hiếm hoi.

Thay vào đó, sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho là một thứ bình an khác. Đó là một sự bình an khiến bạn vận động: nó không cô lập bạn, nó khiến bạn vận động, nó khiến bạn đi đến những người khác, nó tạo ra cộng đồng, nó tạo ra sự giao tiếp. Bình yên của thế giới thì tốn kém; bình an của Chúa Giêsu thì miễn phí, nó cho không; đó là một món quà của Chúa: sự bình an của Chúa. Nó sinh hoa trái; nó luôn đưa bạn tiến về phía trước. Một ví dụ trong Tin Mừng khiến tôi nghĩ rằng nền hòa bình của thế giới là thế nào, đó là người đàn ông có chuồng trại đầy đủ và mùa gặt năm đó dường như rất dồi dào và ông ta nghĩ: “Nhưng tôi sẽ phải xây dựng chuồng trại lớn hơn, xây các kho thóc khác để lưu trữ và sau đó tôi sẽ được yên tĩnh. . . đó là sự yên tĩnh của tôi, với điều này tôi có thể sống bình tĩnh”. Thiên Chúa phán, “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Luca 12: 13-21). Đó là một nền hòa bình có sẵn, không mở ra cho bạn cánh cửa của thế giới bên kia. Thay vào đó, sự bình an của Chúa mở ra, bất cứ nơi nào Ngài đi tới, nó mở ra cho Trời cao, mở ra cho Thiên đàng.

Tôi nghĩ nó sẽ giúp chúng ta suy nghĩ một chút: bình an của tôi là gì; Tôi tìm thấy sự bình an ở đâu? Trong mọi việc, trong sức khỏe tốt, trong các chuyến đi - nhưng bây giờ, hôm nay, người ta không thể đi lại - trong tài sản, trong nhiều thứ, hay tôi tìm thấy sự bình an là món quà của Chúa? Tôi có phải trả tiền cho bình an hay tôi nhận được nó nhưng không từ Chúa? Bình an của tôi thế nào? Tôi có tức giận khi tôi thiếu một cái gì đó không? Đây không phải là sự bình an của Chúa. Đây là một trong những bài kiểm tra. Tôi có yên tĩnh trong bình an của tôi không? Có phải tôi “ngủ thiếp đi không”?  Nếu vậy, đó không phải là bình an của Chúa. Tôi có được bình an và muốn thông truyền sự bình an đó cho người khác và đưa được một điều gì đó tiến về phía trước không? Đó là sự bình an của Chúa! Có phải sự bình an ấy cũng ở lại với tôi trong những khoảnh khắc khủng khiếp, khó khăn không?  Thế thì đó là bình an của Chúa. Và sự bình an của Chúa cũng mang lại hoa trái cho tôi vì nó tràn đầy hy vọng, nghĩa là, nó mong đợi Thiên đàng.

Hôm qua - tôi xin lỗi nếu tôi nói những điều này, nhưng chúng là những điều trong cuộc sống sinh ích cho tôi - hôm qua tôi nhận được một lá thư từ một linh mục, một linh mục rất tốt, tốt lành, và ngài nói với tôi rằng tôi nói rất ít về Thiên đàng, rằng tôi nên nói nhiều hơn về Thiên đàng. Và ngài ấy đúng; ngài ấy đúng. Vì vậy, hôm nay tôi muốn nhấn mạnh điều này: sự bình an đó, sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, là một nền hòa bình cho hiện tại và cho tương lai. Đó là bắt đầu sống Thiên đàng, trong sự tràn đầy hoa trái của Thiên đàng. Đó không phải là gây mê. Nếu khác đi thì sẽ là: bạn gây mê chính mình với mọi thứ của thế gian và khi liều thuốc mê này chấm dứt, bạn phải dùng một liều khác, một liều khác và một liều khác. . . Bình an của Thiên Chúa là một sự bình an dứt khoát, hiệu quả và cũng lây lan. Đó không phải là tự yêu bản thân, bởi vì nó luôn luôn trông chờ vào Chúa. Còn thứ bình an kia trông chờ vào chính mình, nó phần nào yêu bản thân mình.

Xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an tràn đầy hy vọng này, khiến chúng ta sinh hoa kết quả, khiến chúng ta thông truyền với người khác, tạo nên cộng đồng và luôn trông chờ vào sự bình an cuối cùng của Thiên đàng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc thánh lễ với giờ Chầu và ban Phép lành Thánh Thể. Trước khi rời Nhà nguyện, dành riêng cho Chúa Thánh Thần, Thánh ca Regina Caeli trong mùa Phục sinh được xướng lên.

Zenit.org

Phê-rô Phạm Văn Trung dịch.

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020