Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 13.05.2020: Cầu Nguyện

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục loạt bài Giáo Lý về việc cầu nguyện mà chúng ta đã bắt đầu từ tuần trước.

 

Cầu nguyện là công việc của mọi người: của tất cả những ai thuộc bất cứ tôn giáo nào, và có lẽ của cả những người tự cho rằng mình chẳng thuộc tôn giáo nào cả. Cầu nguyện phát xuất từ nơi sâu kín nhất của lương tâm chúng ta, từ nơi thẳm sâu mà các nhà Tu Đức vẫn thường gọi là „tâm hồn“ (xc. SGLHTCG số 2562-2563). Như vậy, cầu nguyện tuyệt nhiên không phải là điều phụ tùy, không phải là một điều thứ yếu hay một điều gì đó bên lề, nhưng là huyền nhiệm thẳm sâu nhất của chúng ta. Tâm hồn chúng ta cầu nguyện!

 

Những cảm xúc của chúng ta được diễn tả trong khi cầu nguyện, nhưng người ta không thể nói rằng, cầu nguyện chỉ là những cảm xúc. Lý trí cũng được bày tỏ trong cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải chỉ là hành vi của trí khôn. Cơ thể cầu nguyện, nhưng những người bị tàn tật nặng nề cũng vẫn có thể thưa chuyện với Thiên Chúa. Vậy, toàn bộ con người sẽ cầu nguyện nếu tâm hồn họ cầu nguyện.

 

Cầu nguyện là một sự thôi thúc, nó là một tiếng kêu vượt lên trên chính chúng ta: nó là một cái gì đó phát sinh từ thẳm sâu ngôi vị chúng ta, và lớn lên, vì nó lần theo niềm khát khao một cuộc gặp gỡ. Chúng ta phải nhấn mạnh điều đó: lần theo niềm khát khao một cuộc gặp gỡ. Sự khao khát thì lớn hơn nhiều so với một nhu cầu... Cầu nguyện chính là cung giọng của một cái Tôi, mà cung giọng ấy tiến về phía trước với tất cả sự thận trọng, trên con đường tìm kiếm một Đấng. Người ta không thể thực hiện cuộc gặp gỡ giữa Tôi và Đấng ấy bằng một chiếc máy tính bỏ túi. Đó là một cuộc gặp gỡ giữa những con người ... Với Đấng mà tôi kiếm tìm.

 

Thực ra, lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu phát sinh từ một cuộc mạc khải: Đấng ấy không bị cuốn chặt mãi mãi bởi một sự bí nhiệm, Đấng ấy bước vào trong mối tương quan với chúng ta. Ki-tô giáo chính là một tôn giáo không ngừng cử hành về sự mạc khải của Thiên Chúa, về cuộc Epiphanie của Ngài. Những đại Lễ đầu tiên trong năm Phụng Vụ chính là những buổi mừng kính vị Thiên Chúa ấy, Đấng không ở mãi trong sự thầm kín, nhưng giới thiệu cho con người tình bằng hữu của Ngài. Thiên Chúa đã mạc khải vinh quang của Ngài trong sự nghèo hèn tại Bê-lem, trong sự tôn thờ của ba nhà vua thánh thiện, trong Phép Rửa tại sông Gio-đan, và trong dấu lạ tại tiệc cưới Ca-na. Ở ngay phần mở đầu, Tin Mừng theo Thánh Gio-an đã giới thiệu một đại Thánh Thi với những lời sau đây: „Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết“ (Ga 1,18). Chúa Giê-su chính là Đấng đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta.

 

Lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu bước vào trong mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng có một dung nhan hiền hậu, Đấng không muốn làm cho con người phải sợ hãi. Đó là dấu nhận dạng trước tiên của kinh nguyện Ki-tô giáo. Nếu như người ta đã quá quen với chuyện đến gần một vị Thiên Chúa trong tâm trạng bị dọa nạt, thậm chí còn cảm thấy bị gây kinh hãi bởi mầu nhiệm khủng khiếp nhưng cũng đầy hấp lực của Ngài; nếu họ đã quá quen với việc tôn thờ Ngài bằng một thái độ khúm núm, giống như một trong những bề tôi không muốn cư xử thiếu lễ phép với ông chủ, thì thay vào đó, các Ki-tô hữu lại dám ngước nhìn lên Thiên Chúa với trọn niềm tín thác để thân thưa với Ngài: „Cha ơi“!. Thậm chí Chúa Giê-su còn gọi: Bố ơi!

 

Trong mối tương quan với Thiên Chúa, Ki-tô giáo đã dẹp bỏ bất cứ yếu tố nào mang hơi hướm „phong kiến“. Di sản Đức Tin của chúng ta không hề biết tới những khái niệm như: „nô dịch hóa“, „nô lệ“ hay „giới chư hầu“, nhưng chỉ biết tới những từ ngữ như: „giao ước“, „tình bằng hữu“, „hiệp thông“ và „gần gũi“. Trong diễn từ giã biệt của mình, Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: „Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người sẽ ban cho anh em“ (Ga 15,15-16).

 

Đó là một tấm séc trống đã được ký sẵn: tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ ban cho anh em... Vậy chúng ta hãy thử một lần xem!

 

Thiên Chúa là bạn, là đồng minh và là Đức lang quân. Trong kinh nguyện, chúng ta có thể xây dựng một mối tương quan đầy lòng tín thác đối với Ngài. Chẳng hề vô lý chút nào khi trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã dậy chúng ta dâng lên Ngài những lời khẩn nguyện của mình. Chúng ta được phép cầu xin Thiên Chúa mọi sự - mọi sự!, được phép trình bày và kể cho Ngài nghe mọi chuyện. Chẳng có nghĩa lý gì khi chúng ta cảm thấy mình có lỗi trong mối tương quan của mình đối với Thiên Chúa: kể cả khi chúng ta không phải là những người bạn tốt, những đứa con biết ơn và những người bạn đời thủy chung đi nữa, thì dẫu vậy mặc lòng, Ngài cũng không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta.

 

Và điều đó được diễn tả cách chính xác trong những lời của Chúa Giê-su khi Ngài nói trong bữa Tiệc Ly: „Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra cho anh em“ (Lc 22,20). Với cử chỉ đó trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã tiên báo về mầu nhiệm Thập Giá. Thiên Chúa là đồng minh trung thành: Ngay cả khi người ta ngừng yêu mến, thì Ngài cũng vẫn tiếp tục thương yêu, bất chấp việc Tình Yêu ấy sẽ dẫn Ngài tới nơi hành hình, tới đồi Golgotha.

 

Thiên Chúa luôn luôn chờ sẵn trước cửa tâm hồn chúng ta. Ngài chờ đợi. Ngài chờ mong chúng ta mở cửa. Đôi khi Ngài gõ... Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với chúng ta chính là sự kiên nhẫn của một người ba, người má, của cả hai. Ngài luôn luôn ở gần con tim chúng ta. Và khi Ngài gõ thì Ngài sẽ gõ với tất cả sự trìu mến và tình yêu thương.

 

Chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện, cũng như hãy cố gắng bước vào trong mầu nhiệm của giao ước. Trong lúc cầu nguyện, chúng ta hãy để cho mình được ôm ghì lấy bởi đôi cánh tay đầy nhân hậu của Thiên Chúa để chúng ta cảm thấy mình đang được ôm chặt bởi mầu nhiệm vô cùng hạnh phúc, mà mầu nhiệm ấy chính là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, để cảm thấy mình như những vị khách, mà đúng ra, những vị khách ấy đã không xứng đáng được hưởng nhiều vinh dự như vậy.

 

Khi cầu nguyện, chúng ta hãy nói với Thiên Chúa trong sự sửng sốt  và ngỡ ngàng rằng: Chẳng lẽ Chúa chỉ biết yêu thương hay sao? Ngài không biết hận thù. Ngài bị người ta hận thù, Ngài biết người ta thù hận mình, nhưng không biết hận thù người khác. Ngài chỉ biết yêu thương! Đó là Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ. Đó là điểm cốt lõi đích thực của bất cứ lời kinh nào của Ki-tô giáo. Thiên Chúa Tình Yêu là Cha chúng ta, Ngài chờ đợi chúng ta và đồng hành với chúng ta.

 

Vatican, sáng thứ Tư ngày 13 tháng 05 năm 2020

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist – chuyển ngữ.

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020