Bài Giáo Lý Của ĐGH ngày 20-5-2020: Cầu nguyện & Mầu nhiệm sáng tạo

 

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

 

Chúng ta tiếp tục với bài giáo lý về cầu nguyện, suy niệm về mầu nhiệm Sáng tạo. Cuộc sống, đơn giản là chúng ta đang sống, mở trái tim của con người ra cho việc cầu nguyện.

 

Trang đầu tiên của Kinh thánh giống như một bài thánh ca tạ ơn tuyệt vời. Bài trình thuật Sáng tạo được nhấn nhá bằng việc lặp đi lặp lại, mọi sự đều tốt đẹp, mọi sự tốt lành và đẹp đẽ đã hiện hữu nay được liên tục khẳng định. Thiên Chúa kêu gọi mọi sự đến với sự sống bằng lời của Ngài, và mọi sự trở thành hiện hữu. Bằng lời nói, Ngài tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, luân phiên ngày và đêm, chu kỳ của các mùa, mở ra một bảng màu với vô vàn thực vật và động vật. Trong khu rừng chan chứa sự sống nhanh chóng thoát khỏi cõi hỗn mang, cuối cùng con người xuất hiện. Và sự xuất hiện này làm lóe lên sự hỉ hoan quá mức tăng thêm sự thỏa lòng và niềm vui: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (Sáng thế ký 1:31). Một điều tốt lành, nhưng cũng đẹp đẽ: vẻ đẹp của toàn bộ công trình Sáng tạo đã được cho thấy!

 

Vẻ đẹp và mầu nhiệm của công trình Sáng tạo làm phát sinh trong trái tim con người động tác đầu tiên, đó là khơi dậy lời cầu nguyện (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2566)[1]. Vì vậy, Thánh vịnh thứ tám mà chúng ta đã nghe lúc ban đầu: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (câu 3-4). Con người cầu nguyện chiêm ngưỡng mầu nhiệm sự sống tồn tại xung quanh mình, anh ta nhìn thấy bầu trời đầy sao treo lơ lửng trên mình - bầu trời mà vật lý thiên văn ngày nay cho chúng ta thấy trong tất cả sự mênh mông của nó - và con người tự hỏi hẳn là phải có thiết kế tình yêu nào đằng sau một tác phẩm oai hùng như vậy! . . . Và, con người là gì trong sự bao la vô tận này? Một Thánh vịnh khác nói, “Hầu như không là gì”[2] (Thánh vịnh 89:48): một sinh vật được sinh ra, một sinh vật chết đi, một sinh vật rất đỗi mong manh. Tuy nhiên, trong toàn thể vũ trụ, con người là sinh vật duy nhất nhận thức được một vẻ đẹp vô vàn như vậy. Một sinh vật nhỏ bé được sinh ra, chết đi, sống nay chết mai, lại là người duy nhất nhận thức được vẻ đẹp này. Chúng ta nhận thức được vẻ đẹp này!

 

Lời cầu nguyện của con người được liên kết chặt chẽ với cảm nhận về điều kỳ diệu. Sự vĩ đại của con người là vô cùng nhỏ bé nếu so với các kích thước của vũ trụ. Những cuộc chinh phục vĩ đại nhất của con người dường như không là gì, chỉ là rất ít. . . Con người không là gì cả. Trong lời cầu nguyện, một tình cảm thương xót được khẳng định một cách mạnh mẽ không cưỡng lại được. Không có gì tồn tại một cách tình cờ: bí mật của vũ trụ nằm trong ánh mắt nhân từ của Một Ai Đó, đi qua đôi mắt chúng ta. Thánh vịnh khẳng định rằng chúng ta được tạo ra chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên (Tv 8: 5). Sự vĩ đại của con người là mối quan hệ của con người với Thiên Chúa: sự lên ngôi của con người. Theo tự nhiên, chúng ta gần như không là gì, nhỏ bé, nhưng theo ơn gọi, theo lời mời gọi, chúng ta là con cái của vị Vua vĩ đại!

Đó là một kinh nghiệm mà nhiều người trong chúng ta đã có. Nếu câu chuyện về cuộc sống, với tất cả sự cay đắng của nó, đôi khi có nguy cơ bóp nghẹt ơn cầu nguyện trong chúng ta, thì chiêm ngưỡng một bầu trời đầy sao, một cảnh hoàng hôn, một bông hoa. . . để nhen lại tia lửa tạ ơn sắp tàn, như thế cũng là đủ. Kinh nghiệm này có lẽ là nền tảng của trang đầu tiên của Kinh thánh.

Khi bài trình thuật Kinh Thánh về công trình Sáng tạo được soạn ra, người dân Israel lúc ấy không trải qua những ngày hạnh phúc. Một thế lực thù địch đã chiếm đóng đất của họ; nhiều người đã bị lưu đầy, và bấy giờ họ làm nô lệ ở Lưỡng Hà Địa[3]. Không còn quê hương, Đền thờ, hay đời sống xã hội và tôn giáo - không có gì cả. Tuy nhiên, chính xác từ bài trình thuật tuyệt vời công trình Sáng tạo, một số người bắt đầu tìm ra lý do để tạ ơn, để ca ngợi Chúa vì sự tồn tại của họ. Cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của hy vọng. Bạn cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, niềm hy vọng tiến lên phía trước. Tôi muốn nói rằng lời cầu nguyện mở ra cánh cửa hy vọng. Hy vọng vẫn tồn tại, nhưng với lời cầu nguyện của tôi, tôi mở cánh cửa cho hy vọng. Bởi vì những con người cầu nguyện biết bảo vệ những sự thật cơ bản; đó là những sự thật lặp đi lặp lại, trước hết là cho chính họ và sau đó là cho tất cả những người khác, rằng cuộc sống này đầy ân sủng đáng để kinh ngạc, và như vậy, cuộc sống này luôn luôn được canh phòng và được bảo vệ, bất chấp mọi khó khăn và thử thách, bất chấp những ngày tháng khó khăn.

 

Con người, nam nữ, khi cầu nguyện, biết rằng hy vọng mạnh mẽ hơn sự nản lòng. Họ tin rằng tình yêu mạnh hơn cái chết và một ngày nào đó tình yêu chắc chắn sẽ chiến thắng, ngay cả trong những thời gian và theo cách mà chúng ta không biết. Con người, nam nữ, khi cầu nguyện, phản chiếu trên khuôn mặt của họ những tia sáng: bởi vì ngay cả trong những ngày tháng đen tối nhất, mặt trời vẫn không ngừng soi sáng họ. Cầu nguyện soi sáng bạn: nó soi sáng tâm hồn bạn, nó soi sáng trái tim bạn và nó soi sáng khuôn mặt bạn, ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, ngay cả trong những lúc hết sức đau buồn.

Chúng ta đều là những người mang niềm vui. Bạn đã nghĩ về điều này? Rằng bạn là người mang niềm vui ư? Hay bạn thích mang tin xấu, mang những điều gây đau buồn. Tất cả chúng ta đều có khả năng mang lại niềm vui. Cuộc sống này là món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, và nó quá ngắn để tiêu phí nó trong nỗi buồn, trong cay đắng. Chúng ta ca ngợi Chúa, chúng ta hạnh phúc, đơn giản vì được sống. Chúng ta nhìn vào vũ trụ, chúng ta nhìn vào những vẻ đẹp và chúng ta cũng nhìn vào những thập giá của chúng ta và chúng ta nói: “Nhưng Chúa hiện hữu; Chúa đã làm cho chúng con hiện hữu, hiện hữu cho chính Chúa”.

Cần phải cảm thấy rằng sự bất an của cõi lòng dẫn đến cảm ơn và ca ngợi Thiên Chúa. Chúng ta là con cái của vị Vua vĩ đại, của Đấng Tạo hóa, chúng ta có thể đọc chữ ký của Ngài trong tất cả công trình Sáng tạo, công trình Sáng tạo mà ngày nay chúng ta không bảo vệ; tuy nhiên, trong công trình Sáng tạo đó là chữ ký của Thiên Chúa, Ngài đã tạo nên nó từ tình yêu. Xin Chúa làm cho chúng ta hiểu điều này sâu sắc hơn bao giờ hết và hướng dẫn chúng ta nói lời “ xin cảm ơn”, và lời “ xin cảm ơn” ấy là một lời cầu nguyện đẹp.

 

Bằng tiếng Ý 

Tôi xin chào anh chị em tín hữu nói tiếng Ý. Lễ Chúa Lên Trời đã gần đến, lễ này đem lại cho tôi một gợi ý để khuyến khích tất cả anh chị em trở thành nhân chứng quảng đại của Chúa Kitô Phục sinh, chúng ta biết rõ rằng Ngài luôn ở bên chúng ta và hỗ trợ chúng ta dọc đường đi.

Tôi suy nghĩ đặc biệt đến những bạn trẻ, những cụ ông cụ bà, những người đau bệnh và các cặp vợ chồng mới cưới. Lên Trời, Chúa Giêsu Kitô để lại một thông điệp và chương trình cho toàn Giáo hội: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,....dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mát-thêu 28: 19-20). Hãy làm cho lời cứu độ của Chúa Kitô được mọi người biết đến và làm chứng cho lời đó trong cuộc sống hàng ngày; Xin cho điều này trở nên lý tưởng và cam kết của anh chị em. Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em!

 

https://zenit.org

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.



[1] ND: Con ngƣời đi tìm Thiên Chúa. Khi sáng tạo, Thiên Chúa kêu gọi vạn vật từ hư vô bước vào hiện hữu "Được ban vinh quang vinh dự làm mũ triều thiên" (x. Tv 8,6 ) , con người có khả năng nhận biết "Danh Chúa lẫy lừng trên khắp địa cầu" ( x. Tv 8,2) như trước đó Thiên Chúa đã ban khả năng cho các thiên thần. Ngay cả khi đã đánh mất nét giống Thiên Chúa vì phạm tội, con người vẫn còn mang hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, vẫn hướng về Đấng dựng nên mình. Mọi tôn giáo đều nói lên khát vọng tìm kiếm căn bản này của con người.

[2] ND: Xin nhớ rằng: đời con là một kiếp phù du, loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi!

[3] ND: vùng châu thổ giữa hai con sông Tigris và Euprates ngày nay tương ứng với phần lớn Iraq, Kuwait, phía đông Syria, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và biên giới Iran-Iraq.,


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020