Đức Giáo Hoàng Kỷ Niệm 25 Năm 'Ut Unum Sint' - Biết Ơn Quá Khứ Và Hy Vọng Tương Lai

 

Gửi Hiền huynh thân mến,
Hồng y Kurt Koch,
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Đoàn kết Kitô giáo

 

Ngày mai đánh dấu kỷ niệm lần thứ hai mươi lăm Tông Thư Ut Unum Sint[1] của Thánh Gioan Phao-lô II. Chăm chú nhìn vào chân trời Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II mong muốn rằng Giáo hội, trong hành trình hướng tới thiên niên kỷ thứ ba, nên chú ý đến lời cầu nguyện thành tâm của Thầy và Chúa “để tất cả nên một” (Gioan 17,21). Vì lý do này, Ngài đã ban hành Tông Thư xác nhận rằng “không thể từ bỏ được” (UUS, 3) sự cam kết đại kết của Giáo hội Công giáo. Ngài đã công bố Tông Thư trong ngày lễ trọng kính Chúa Giê-su Lên Trời, đặt Tông Thư dưới dấu ấn của Chúa Thánh Thần, là Đấng tạo ra hiệp nhất trong đa dạng. Trong cùng một bối cảnh phụng vụ và tâm linh đó, bây giờ chúng ta kỷ niệm Tông Thư, và đề nghị Tông Thư một lần nữa cho Dân Chúa.

 

Công đồng Vatican II đã công nhận rằng phong trào tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu đã “nảy sinh nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần” (Unitatis Redintegratio[2], 1). Công đồng cũng dạy rằng Chúa Thánh Thần là “Nguyên Lý Hiệp Nhất Giáo Hội khi Ngài ban phát các ân sủng và sứ vụ khác nhau”, (sđd, 2). Ut Unum Sint đã tái khẳng định rằng sự “đa dạng hợp pháp không hề trái ngược với sự hiệp nhất của Giáo hội, mà là tăng cường sự huy hoàng của Giáo hội và góp phần rất lớn vào việc hoàn thành sứ mệnh của Giáo hội” (số 50). Thật vậy, “chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi dậy sự đa dạng, sự nhân rộng, đồng thời, mang lại sự hiệp nhất...chính Người mang lại sự hài hòa cho Giáo hội”, bởi vì, như Thánh Cả Basiliô đã nói, “Chính Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp” (Bài giảng trong Vương Cung Thánh Đường Chúa Thánh Thần, Istanbul, ngày 29 tháng 11 năm 2014).

 

Vào ngày kỷ niệm này, tôi tạ ơn Chúa vì cuộc hành trình mà Ngài đã cho phép chúng ta bước đi trong tư cách là những Kitô hữu trong cuộc tìm kiếm sự hiệp thông trọn vẹn. Tôi cũng chia sẻ sự nôn nóng lành mạnh của những người đôi khi nghĩ rằng chúng ta có thể và nên làm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta không nên thiếu niềm tin và lòng biết ơn: nhiều bước đi đã được thực hiện trong những thập kỷ này để chữa lành vết thương của nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ. Kiến thức và sự quý trọng lẫn nhau đã triển nở và giúp vượt qua những định kiến bám rễ sâu xa. Đối thoại thần học và đối thoại từ thiện đã phát triển, cũng như các hình thức hợp tác phong phú khác nhau trong cuộc đối thoại về sự sống, ở cả cấp độ mục vụ và văn hóa. Vào lúc này, những suy nghĩ của tôi hướng về các Hiền huynh Hiền Đệ yêu dấu của tôi, những người đứng đầu các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo khác nhau, và hướng về tất cả các anh chị em của chúng ta thuộc mọi truyền thống Kitô giáo, là những người bạn đồng hành của chúng ta trong hành trình này. Giống như các môn đệ trên đường Emmau, chúng ta có thể trải nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh đang đi bên cạnh chúng ta và giải thích Kinh thánh cho chúng ta. Xin cho chúng ta có thể nhận ra Ngài trong việc bẻ bánh, đang khi chúng ta chờ đợi ngày chúng ta sẽ chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể với nhau.

 

Tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã làm việc và tiếp tục làm việc trong Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Đoàn kết Kitô giáo để giữ cho nhận thức về mục tiêu không thể chối bỏ này còn sống mãi trong Giáo hội. Tôi đặc biệt vui mừng nhận ra hai sáng kiến ​​gần đây. Đầu tiên là một Bản tuyên bố đại kết dành cho các Giám mục sẽ được xuất bản vào mùa thu này, như một sự khích lệ và hướng dẫn cho việc thực thi các trách nhiệm đại kết của họ. Thật vậy, phục vụ sự hiệp nhất là một khía cạnh thiết yếu trong sứ mệnh của mỗi Giám mục, là “nguồn gốc và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất” trong Giáo hội đặc thù của riêng mình (Lumen Gentium[3], 23; CIC 383 §3; CCEO 902-908 ). Sáng kiến ​​thứ hai là ra mắt tạp chí Acta Oecumenica, bằng cách đổi mới Dịch vụ Thông tin của Hội đồng, nhằm hỗ trợ tất cả những người làm việc cho sự phục vụ sự hiệp nhất.

 

Trên con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, điều quan trọng là phải ghi nhớ những tiến bộ đã đạt được, nhưng không kém phần quan trọng là chăm chú nhìn vào chân trời và hỏi, với Tông thư Ut Unum Sint, “Quanta est nobis via?”[4] (số 77). Một điều chắc chắn: sự hiệp nhất không phải là kết quả của hoạt động của chúng ta, nhưng là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, “sự hiệp nhất sẽ không xảy ra như một phép màu vào lúc cuối. Thay vào đó, sự hiệp nhất đến trong lúc đi đường; Chúa Thánh Thần thực hiện điều này trong cuộc hành trình” (Bài giảng trong thánh lễ chiều tại Đền Thờ Thánh Phao-lô nội thành, 25 tháng 1 năm 2014). Vậy thì, với sự tin tưởng, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn các bước đi của chúng ta và làm cho mọi người có thể nghe được lời mời gọi làm việc vì mục tiêu đại kết với sức sống mới. Xin Chúa Thánh Thần linh hứng những cử chỉ tiên tri mới và tăng cường đức ái huynh đệ trong tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, “để thế gian tin” (Gioan 17:21), và ngợi khen Cha chúng ta trên thiên đàng ngày càng vang lừng hơn nữa.

 

Từ Vatican, ngày 24 tháng 5 năm 2020

PHANXICÔ

 

https://zenit.org/

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.

 



[1]ND: Xin cho tất cả nên một.

[2] ND: Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất, http://vntaiwan.catholic.org.tw/vatican2/unitatis.htm

 

[3] ND: Ánh sáng Muôn dân. http://vntaiwan.catholic.org.tw/vatican2/lumen00.htm

[4] Đường đi của chúng ta như thế nào?


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020