BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ LỜI NGUYỆN TƯ TẾ CỦA CHÚA GIÊSU

(xuanbichvietnam.net) - Tháng Sáu 16th, 2021.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 16/6/2021, tại sân Thánh Đamasô, Đức Thánh Cha đã khích lệ các Kitô hữu rằng « ngay cả trong nỗi thống khổ đau đớn nhất của chúng ta, chúng ta không bao giờ một mình », bởi vì « lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở với chúng ta », Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho chúng ta. Và đối với ngài, đó là « điều đẹp nhất cần phải nhớ » trong đời sống Kitô hữu.

Đặc biệt Đức Thánh Cha cho thấy tính thời sự của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho nhân loại đau khổ hôm nay: “Ngay giữa bi kịch, trong nỗi đau đớn ghê gớm của tâm hồn và thân xác, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng những lời của các Thánh vịnh ; cùng với những người nghèo khổ trên thế giới, cách riêng những người bị mọi người quên lãng, Ngài đã thốt ra những lời bi thương của Thánh vịnh 22 : “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con ?” (c.2).

Dưới đây là toàn văn bài giáo lý :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúng ta đã nhiều lần nhắc lại trong loạt bài giáo lý này rằng cầu nguyện là một trong những đặc điểm rõ ràng nhất của đời sống của Chúa Giêsu : Chúa Giêsu đã cầu nguyện, và Ngài đã cầu nguyện nhiều. Trong suốt sứ mạng của Ngài, Chúa Giêsu đắm mình trong cầu nguyện, vì đối thoại với Chúa Cha là điểm sáng của toàn thể cuộc sống của Ngài.

Các Tin Mừng làm chứng rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu còn trở nên mãnh liệt và cô đọng hơn nữa vào giờ thương khó và cái chết của Ngài. Những biến cố tột đỉnh này của cuộc sống của Ngài tiếp tục là trọng tâm của lời rao giảng của Kitô hữu : những giờ cuối cùng được Chúa Giêsu sống ở Giêrusalem này là trung tâm của Tin Mừng không chỉ bởi vì các thánh sử dành cho việc tường thuật này, cách tương xứng, một vị thế lớn hơn, nhưng còn bởi vì biến cố cái chết và sự phục sinh – như tia chớp – chiếu giãi ánh sáng trên toàn bộ phần còn lại của lịch sử của Chúa Giêsu. Ngài không phải là nhà từ thiện chăm sóc những đau khổ và những bệnh tật của con người : Ngài đã và đang là hơn thế nhiều. Nơi Ngài không chỉ có lòng nhân từ : có điều gì đó hơn nữa, có ơn cứu độ, và không phải là một ơn cứu độ lẻ tẻ – ơn cứu độ mà cứu thoát tôi khỏi bệnh tật hay khỏi một khoảnh khắc chán nản nào đó – nhưng là ơn cứu độ toàn diện, ơn cứu độ thiên sai, ơn cứu độ mà làm cho hy vọng vào cuộc chiến thắng dứt khoát của sự sống trên cái chết.

Vì thế, trong những ngày của lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài, chúng ta  nhận thấy Chúa Giêsu hoàn toàn đắm chìm trong cầu nguyện.

Ngài cầu nguyện cách cảm động trong vườn Ghetsêmani – chúng ta đã nghe biết – , bị tấn công bởi một nỗi lo âu chết chóc. Tuy nhiên, chính vào lúc đó, Chúa Giêsu đã thân thưa với Thiên Chúa bằng cách gọi Người là “Abba”, Cha (x. Mc 14,36). Từ ngữ tiếng Aram này – vốn là ngôn ngữ của Chúa Giêsu – diễn tả sự mật thiết, sự tin tưởng. Chính khi Ngài cảm thấy bóng tối gia tăng xung quanh mình, Chúa Giêsu đã vượt qua nó bằng từ ngữ bé nhỏ này : Abba, Cha.

Chúa Giêsu cũng cầu nguyện trên thập giá, được bao trùm cách khó hiểu bởi sự thinh lặng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trên môi miệng của Ngài một lần nữa vẫn thốt ra từ « Cha ». Đó là lời cầu nguyện mạnh bạo nhất, vì trên thánh giá Chúa Giêsu là Đấng cầu thay nguyện giúp tuyệt hảo : Ngài cầu nguyện cho người khác, Ngài cầu nguyện cho mọi người, Ngài cũng cầu nguyện cho những kẻ kết án Ngài, dù không có ai đứng về phía Ngài, ngoại trừ một kẻ gian tội nghiệp. Tất cả mọi người đã chống lại Ngài hay đã dửng dưng, chỉ kẻ gian này nhận ra quyền năng của Ngài. “Lạy Cha, xin tha cho họ : họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Ngay giữa bi kịch, trong nỗi đau đớn ghê gớm của tâm hồn và thân xác, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng những lời của các Thánh vịnh ; cùng với những người nghèo khổ trên thế giới, cách riêng những người bị mọi người quên lãng, Ngài đã thốt ra những lời bi thương của Thánh vịnh 22 : “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con ?” (c.2). Ngài cảm thấy bị bỏ rơi và Ngài đã cầu nguyện. Trên thập giá được hoàn tất món quà của Chúa Cha, Đấng ban tặng tình yêu, tức là ơn cứu độ của chúng ta được thực hiện. Và một lần nữa, Ngài gọi Cha là “Thiên Chúa của Con”, “Lạy Cha, con  xin phó thác hồn con trong tay Cha” : nghĩa là tất cả, tất cả đều là cầu nguyện trong suốt ba giờ trên Thập giá.

Vì thế, Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giờ quyết định của cuộc thương khó và cái chết. Và với sự phục sinh, Chúa Cha sẽ đón nhận lời cầu nguyện. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho mọi người, Ngài cũng đã cầu nguyện cho tôi, cho mỗi người trong anh chị em. Mỗi người chúng ta  có thể nói : “Chúa Giêsu, trên thập giá,  đã cầu nguyện cho tôi”. Ngài đã cầu nguyện. Chúa Giêsu có thể nói với mỗi người chúng ta : “Ta đã cầu nguyện cho con, trong bữa Tiệc Ly và trên cây Thập giá”. Ngay cả trong nỗi thống khổ đau đớn nhất của chúng ta, chúng ta không bao giờ một mình. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở với chúng ta. “Và bây giờ, thưa cha, ngay ở đây, đang khi chúng con nghe điều đó, Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho chúng con không ?”. Có, Ngài tiếp tục cầu nguyện để lời của Ngài giúp chúng ta tiến về phía trước. Nhưng cần phải cầu nguyện và nhớ rằng Ngài đang cầu nguyện cho chúng ta.

Và tôi nghĩ, điều đó dường như là điều đẹp nhất cần phải nhớ. Đây là bài giáo lý cuối cùng của chu kỳ này về cầu nguyện : nhắc nhớ ân sủng rằng không chỉ chúng ta cầu nguyện, nhưng, có thể nói thế, chúng ta đã được “cầu nguyện”, chúng ta đã được đón nhận trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha, trong sự hiệp thông của  Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi : mỗi người chúng ta có thể đặt điều đó trong tâm hồn : không được quên điều đó. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Chúng ta đã được đón nhận trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha, trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã được muốn trong Chúa Kitô Giêsu, và cũng vào giờ thương khó, cái chết và sự phục sinh, mọi sự đã được ban tặng cho chúng ta. Và như thế, bằng việc cầu nguyện và bằng cuộc sống, tất cả những gì chúng ta phải làm là có can đảm, có hy vọng và, với sự can đảm và hy vọng này, lắng nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và tiến về phía trước : ước gì cuộc sống của chúng ta là tôn vinh Thiên Chúa trong ý thức rằng Ngài đang cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tôi, Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi.

Tý Linh chuyển ngữ (nguồn : vatican.va)

https://www.vatican.va/content/francesco/fr/events/event.dir.html/content/vaticanevents/fr/2021/6/16/udienzagenerale.html

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2021