LỜI KÊU GỌI CỦA CÁC GIÁO HỘI KITÔ VỀ VIỆC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: “CHÚNG TA ĐANG SỐNG Ở MỘT THỜI ĐIỂM QUYẾT ĐỊNH”

(xuanbichvietnam.net) Tháng Chín 9th, 2021.

Đứng trước cuộc khủng hoảng khi hậu và những hậu quả bi thảm cả nó, Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thượng phụ Giáo chủ Bartôlômêô và Đức Tổng Giám mục Justin Welby kêu gọi “cùng nhau” hành động : “Cùng nhau, nhân danh các cộng đồng của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi tâm hồn và tâm trí của mỗi Kitô hữu, mỗi tín hữu và mỗi người thành tâm thiện chí”.

Đức Thánh Cha Phanxicô của Giáo hội Công giáo, Đức Bartôlômêô I, Thượng Phụ Chính Thống giáo ở Constantinople, và Đức Tổng Giám mục Justin Welby của Anh giáo, đã công bố một sứ điệp chung về việc bảo vệ công trình tạo dựng, hôm 1/9/2021, Ngày thế giới cầu nguyện cho việc bảo vệ công trình tạo dựng.

Các ngài nhắc nhở: “Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay nói lên rất nhiều điều về chúng ta là ai và cách thức chúng ta xem xét và đối xử với công trình tạo dựng của Thiên Chúa”  “chúng ta đang trả giá cho điều đó”, khi “bị tràn ngập bởi một loạt những khủng hoảng : y tế, môi trường, lương thực, kinh tế và xã hội“.

Vì thế, các nhà hữu trách của ba Giáo hội tuyên bố : “Chúng ta đang sống ở một thời điểm quyết định”. “Đây là lần đầu tiên tất cả chúng tôi đều cảm thấy bó buộc cùng nhau đề cập vấn đề cấp bách về tính bền vững môi trường, tác động của nó đến sự nghèo khổ dai dẳng và tầm quan trọng của việc hợp tác toàn cầu”. “Cùng nhau, nhân danh các cộng đồng của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi tâm hồn và tâm trí của mỗi Kitô hữu, mỗi tín hữu và mỗi người thành tâm thiện chí”.

Hướng đến cuộc hội nghị Glasgow – COP26 vào tháng Mười Một sắp đến – về việc biến đổi khí hậu, các ngài kêu gọi “trách nhiệm cá nhân và tập thể” của mọi người : “Chúng tôi kêu gọi mỗi người, không phân biệt tín ngưỡng hay thế giới quan, cố gắng lắng nghe tiếng kêu của trái đất và người nghèo, xem xét lối hành xử của mình và dấn thân thực hiện những hy sinh có ý nghĩa vì lợi ích của trái đất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”.

Dưới đây là toàn văn sứ điệp chung của các nhà lãnh đạo Kitô giáo :

Trong hơn một năm qua, tất cả chúng ta đã chịu những hậu quả tàn phá của đại dịch toàn cầu – tất cả, nghèo hay giàu, yếu hay mạnh. Một số người đã được bảo vệ hơn hay dễ tổn thương hơn những người khác, nhưng việc lây lan nhanh chóng của bệnh nhiễm khuẩn đã khiến chúng ta phụ thuộc vào nhau trong nỗ lực để giữ an toàn. Đối diện với thảm họa toàn cầu này, chúng ta nhận thấy rằng không ai là an toàn bao lâu thế giới không an toàn, các hoạt động của chúng ta thực sự ảnh hưởng đến nhau và những gì chúng ta làm hôm nay đều đó ảnh hưởng đến những gì sẽ diễn ra ngày mai.

Những bài học này không mới, nhưng chúng ta đã phải đương đầu với chúng một lần nữa. Ước mong chúng ta đừng làm hỏng khoảnh khắc này. Chúng ta phải quyết định về loại thế giới mà chúng ta muốn để lại cho các thế hệ tương lai. Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta điều đó : “Hãy chọn sự sống, để ngươi và con cháu ngươi được sống” (Đnl 30,19). Chúng ta phải chọn lựa sống cách khách ; chúng ta phải chọn lựa sự sống.

Tháng Chín được nhiều Kitô hữu cử hành như là mùa của công trình tạo dựng, một cơ hội cầu nguyện và săn sóc công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đang khi các nhà lãnh đạo trên thế giới chuẩn bị nhóm họp ở Glasgow vào tháng Mười Một để suy nghĩ về tương lai hành tinh chúng ta, thì chúng ta cầu nguyện cho họ và suy nghĩ về những chọn lựa mà tất cả chúng ta đều phải làm. Do đó, với tư cách là những nhà hữu trách của các Giáo hội của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi mỗi người, không phân biệt tín ngưỡng hay thế giới quan, cố gắng lắng nghe tiếng kêu của trái đất và người nghèo, xem xét lối hành xử của mình và dấn thân thực hiện những hy sinh có ý nghĩa vì lợi ích của trái đất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Tầm quan trọng của tính bền vững

Trong truyền thống Kitô giáo chung của chúng tôi, Thánh Kinh và các thánh mang lại những viễn cảnh soi sáng để hiểu cả những thực tế của hiện tại và lời hứa về điều gì đó lớn hơn những gì chúng ta đang thấy trong thời điểm hiện tại. Khái niệm “quản lý”, tức là trách nhiệm các nhân và tập thể đối với những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, làm nên điểm xuất phát thiết yếu cho tính bền vững xã hội, kinh tế và môi trường. Trong Tân Ước, chúng tôi đọc thấy câu chuyện về người đàn ông giàu có và khờ dại tích trữ nhiều thóc lúa mà quên đi sự hữu hạn của mình (x. Lc 12,13-21). Chúng tôi biết câu chuyện của người con hoang phí nhận lấy gia sản của mình sớm hơn dự kiến, để phung phí nó và cuối cùng đói khổ (x. Lc 15,11-32). Chúng tôi được cảnh giác chống lại việc thông qua các chọn lựa ngắn hạn và có vẻ rẻ tiền, hệ tại xây dựng trên cát, thay vì xây dựng trên đá để ngôi nhà chung của chúng tôi chống chọi với bão tố (x. Mt 7,24-27). Những câu chuyện này mời gọi chúng tôi chọn lựa một tầm nhìn rộng lớn hơn và nhìn nhận chỗ đứng của chúng tôi trong lịch sử nhân loại.

Nhưng chúng ta đã theo hướng ngược lại. Chúng ta đã tối đa hóa lợi ích riêng của chúng ta bất chấp thiệt hại cho các thế hệ tương lai. Bằng cách tập trung vào sự giàu có của mình, chúng ta nhận thấy rằng tài sản dài hạn, bao gồm cả tính quảng đại của thiên nhiên, đang bị cạn kiệt vì những lợi ích ngắn hạn. Công nghệ đã mở ra những khả năng tiến bộ mới, nhưng cả những khả năng tích trữ của cải vô hạn, và nhiều người trong chúng ta hành xử theo một cách thức chứng tỏ thiếu quan tâm đến người khác hay những giới hạn của hành  tinh. Thiên nhiên thì kiên cường, nhưng tế nhị. Chúng ta đã chứng kiến những hậu quả do việc chúng ta khước từ không bảo vệ và gìn giữ nó (Stk 2,15). Giờ đây, vào thời khắc này, chúng ta có cơ hội hoán cải, quyết tâm quay trở lại, đi theo hướng ngược lại. Chúng ta phải tìm kiếm sự quảng đại và công bình trong cách sống, làm việc và sử dụng tiền bạc của chúng ta, thay vì tìm kiếm lợi ích một cách ích kỷ.

Tác động đến những người đang sống trong nghèo đói

Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay nói lên rất nhiều điều về chúng ta là ai và cách thức chúng ta xem xét và đối xử với công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Chúng ta đang đối diện với một nền công lý nghiêm khắc : việc mất đi sự đa dạng sinh học, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu là những hậu quả không thể tránh khỏi do các hành vi của chúng ta, vì chúng ta đã tiêu thụ cách tham lam các tài nguyên hơn những gì hành  tinh có thể chịu được. Nhưng chúng ta cũng đang đương đầu với một sự bất công sâu xa : những người phải gánh chịu các hậu quả thảm khốc nhất của những lạm dụng này là những người nghèo nhất của hành tinh và những người đã ít góp phần nhất vào việc gây ra chúng. Chúng ta phục vụ một vị Thiên Chúa công bằng, Đấng đã vui mừng vì công trình tạo dựng và tạo dựng mỗi người theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng cũng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo. Do đó, nơi chúng ta có một tiếng gọi bẩm sinh để đáp lại cách lo âu khi chúng ta chứng kiến một sự bất công tàn khốc như thế.

Ngày nay, chúng ta đang trả giá cho điều đó. Những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và những thiên tai trong những tháng vừa qua một lần nữa cho chúng ta thấy cách mạnh mẽ và với cái giá nhân mạng cao rằng biến đổi khí hậu không chỉ là một thách đố tương lai, nhưng là một vấn đề sống sót tức thời và cấp bách. Lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán trên diện rộng đang đe dọa toàn bộ các châu lục. Mực nước biển tăng, bó buộc toàn bộ các cộng đồng di tản ; lốc xoáy tàn phá toàn bộ các vùng miền, hủy hoại cuộc sống và sinh kế. Nước đã trở nên khan hiếm và nguồn cung cấp lương thực trở nên bấp bênh, điều này đã gây ra những cuộc xung đột và hàng triệu người phải di dời. Chúng ta đã từng thấy điều đó ở những nơi mà dân chúng phụ thuộc vào các trang trại nhỏ. Ngày nay, chúng ta đang thấy điều đó nơi các nước công nghiệp phát triển hơn, nơi mà thậm chí các cơ sở hạ tầng tinh vi cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn một sự tàn phá bất thường.

Ngày mai có thể tồi tệ hơn. Trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay sẽ đối diện với những hậu quả thảm khốc nếu chúng ta không đảm nhận ngay từ bây giờ trách nhiệm của mình, với tư cách là “những người bạn lao động của Thiên Chúa” (Stk 2,4-7), để bảo vệ thế giới chúng ta. Chúng ta thường nghe giới trẻ hiểu rằng tương lai của họ đang bị đe dọa. Vì lợi ích của họ, chúng ta phải chọn ăn uống, du lịch, chi tiêu, đầu tư và sống cách khác, không chỉ nghĩ đến những lợi ích và gặt hái trước mắt, nhưng còn đến những lợi ích tương lai. Chúng ta ăn năn về những tội lỗi của thế hệ chúng ta. Chúng ta đứng về phái các anh chị em trẻ tuổi của chúng ta trên khắp thế giới trong lời cầu nguyện và hành động dấn thân cho một tương lai luôn tương ứng hơn với lời hứa của Thiên Chúa.

Mệnh lệnh cộng tác

Trong thời đại dịch, chúng ta đã biết được chúng ta dễ tổn thương đến mức nào. Các hệ thống của chúng ta bị rối tung và chúng ta đã thấy rằng chúng ta không thể kiểm soát tất cả. Chúng ta phải nhìn nhận rằng cách thức mà chúng ta sử dụng tiền bạc và tổ chức các xã hội của chúng ta đã không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Chúng ta thấy mình yếu kém và lo âu, bị tràn ngập bởi một loạt những khủng hoảng : y tế, môi trường, lương thực, kinh tế và xã hội, tất cả đều đan xen với nhau cách sâu xa.

Những cuộc khủng hoảng này đặt chúng ta trước một chọn lựa. Chúng ta đang ở trong một tình thế duy nhất : hoặc chúng ta đề cập chúng cách thiển cận và tìm cách kiếm lợi nhuận, hoặc chúng ta nắm bắt chúng như là một cơ hội hoán cải và thay đổi. Nếu chúng ta xem nhân loại như là một gia đình và  cùng nhau làm việc cho một tương lại dựa trên công ích, thì chúng ta sẽ có thể  tìm lại con đường sống trong một thế giới rất khác. Cùng nhau, chúng ta có thể chia sẻ một tầm nhìn về cuộc sống nơi mà mỗi người được triển nở. Cùng nhau, chúng ta có thể chọn lựa hành động cách yêu thương, công bằng và thương xót. Cùng nhau, chúng ta có thể bước tới một xã hội công bằng và triển nở hơn, bằng cách đặt những người dễ bị tổn thương nhất ở trung tâm.

Nhưng điều đó ngụ ý những thay đổi. Mỗi người trong chúng ta, cách cá nhân, phải đảm nhận trách nhiệm về cách thức mà mình sử dụng tài nguyên của mình. Con đường này đòi hỏi một sự cộng tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa tất cả các Giáo hội trong sự dấn thân chăm sóc công trình tạo dựng. Cùng nhau, với tư cách là những cộng đồng, các Giáo hội, các thành phố và quốc gia, chúng ta phải thay đổi con đường và khám phá những cách thức cùng nhau làm việc mới mẻ để phá đổ những rào cản truyền  thống giữa các dân tộc, để ngừng tranh giành tài nguyên và bắt đầu cộng tác.

Với những người có trách nhiệm quan trọng hơn – điều hành các cơ quan hành chánh, các doanh nghiệp, thuê người hay đầu tư quỹ – chúng tôi nói : hãy chọn lựa những lợi nhuận lấy con người làm trung tâm ; hy sinh ngắn hạn để bảo vệ tương lai của tất cả chúng ta ; hãy trở nên những nhà lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế công bằng và bền vững. “Ai được giao phó nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48).

Đây là lần đầu tiên tất cả chúng tôi đều cảm thấy bó buộc cùng nhau đề cập vấn đề cấp bách về tính bền vững môi trường, tác động của nó đến sự nghèo khổ dai dẳng và tầm quan trọng của việc hợp tác toàn cầu. Cùng nhau, nhân danh các cộng đồng của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi tâm hồn và tâm trí của mỗi Kitô hữu, mỗi tín hữu và mỗi người thành tâm thiện chí. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ nhóm họp ở Glasgow để quyết định về tương lai của hành tinh chúng ta và các cư dân của nó. Một lần nữa, chúng tôi nhắc lại Thánh Kinh : “Vậy, hãy chọn sự sống, để các ngươi được sống, ngươi và con cháu ngươi” (Đnl 30,19). Chọn lựa sự sống có nghĩa là thực hiện những hy sinh và chứng tỏ sự kiềm chế.

Mỗi người trong chúng ta – dù là ai và ở đâu – đều có thể đóng một vai trò trong việc thay đổi câu trả lời tập thể của chúng ta trước mối đe dọa chưa từng có của sự biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường.

Chăm sóc công trình tạo dựng của Thiên Chúa là một sứ mạng thiêng liêng vốn đòi hỏi một câu trả lời dấn thân. Chúng ta đang sống ở một thời điểm quyết định. Tương lai con cháu của chúng ta và tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta tùy thuộc vào đó.

1° settembre 2021

Patriarca Ecumenico

Papa

Arcivescovo di Canterbury

Bartolomeo

Francesco

Justin

Tý Linh chuyển ngữ (theo Hélène Ginabat, ZENIT)

https://fr.zenit.org/2021/09/07/changements-climatiques-appel-des-eglises-traduction-complete/

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2021