Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung ngày 16.12.2015: Mục 2 - Các Dấu Chỉ của Năm Thánh

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Cổng Thánh của nhà thờ Chính Tòa Rô-ma, tức Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateranô đã được mở vào hôm Chúa Nhật vừa qua, và một „Cổng Lòng Thương Xót“ cũng đã được mở ra tại các nhà thờ Chính Tòa của từng Giáo phận trên khắp thế giới. Không chỉ vậy, Cổng Lòng Thương Xót cũng còn được mở tại những Thánh Đường hành hương và tại những Thánh Đường được chọn bởi Đức Giám mục sở tại. Năm Thánh diễn ra khắp nơi, không chỉ riêng tại Rô-ma! Cha đã muốn rằng, dấu chỉ Cổng Thánh này sẽ trở nên rõ ràng tại từng Giáo hội địa phương, để Năm Thánh Lòng Thương Xót trở thành một biến cố được trải qua với tất cả mọi người. Và như thế, Năm Thánh đã trở thành một biến cố không thể cản ngăn trên toàn Giáo hội, và đã được cử hành trong từng Giáo phận giống hệt như tại Rô-ma. Cổng Thánh đầu tiên trong Năm Thánh này đã được mở tại con tim của Phi Châu. Giờ đây, Rô-ma chính là dấu chỉ rõ ràng cho sự hiệp thông trên toàn thế giới. Ước chi sự hiệp thông này của Giáo hội ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, nhờ thế, Giáo hội sẽ trở thành một dấu chỉ sống động cho Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trên toàn thế giới.

Ngày mồng 08 tháng 12 cũng nhằm nhấn mạnh tới niềm suy tư về sự hiệp thông này, bằng cách là nó hình thành nên một sự liên kết giữa Năm Thánh và Công Đồng Vatican II – tức Công Đồng đã bế mạc cách ngày hôm đó đúng 50 năm. Trong thực tế, Công Đồng đã chiêm ngưỡng Giáo hội trong ánh sáng của mầu nhiệm hiệp thông. Mặc dầu Giáo hội hiện diện rải rác trên toàn thế giới, và được phân tán trong vô vàn các Giáo hội địa phương, nhưng Giáo hội vẫn luôn luôn là một và là Giáo hội duy nhất của Chúa Giê-su Ki-tô, tức Giáo hội mà Ngài muốn, cũng như chính Ngài đã trao hiến bản thân mình cho Giáo hội ấy. Đó là một Giáo hội sống từ sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Mầu nhiệm hiệp thông làm cho Giáo hội trở thành dấu chỉ cho Tình Yêu của Thiên Chúa Cha; mầu nhiệm đó lớn lên và trưởng thành trong con tim chúng ta, khi Tình Yêu mà chúng ta nhận biết từ trong Thập Giá của Chúa Ki-tô và chúng ta ngụp lặn trong đó, làm cho chúng ta yêu thương nhau, như Ngài đã thương yêu chúng ta. Đó là Tình Yêu vô ngần vô hạn, Tình Yêu ấy mang dung nhan của sự tha thứ và Lòng Xót Thương.

Nhưng sự tha thứ và Lòng Xót Thương không được phép dừng lại nơi những từ ngữ mỹ miều; chúng phải trở nên thực tế trong cuộc sống hằng ngày. Tình Yêu và ơn tha thứ chính là dấu chỉ cụ thể rằng, Đức Tin đã biến đổi con tim chúng ta và cho phép chúng ta biểu lộ cuộc sống của Thiên Chúa nơi bản thân chúng ta: yêu thương và tha thứ như Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương và thứ tha. Đó là một chương trình sống mà nó không được phép biết tới những gián đoạn cũng không được phép biết tới những ngoại lệ, nhưng phải thúc giục chúng ta càng ngày càng đi xa hơn, mà không hề có chuyện mỏi mệt trong một đôi lúc nào đó, với niềm xác tín rằng, sự hiện diện phụ tử của Thiên Chúa đang đỡ nâng chúng ta.

Dấu chỉ to lớn này của đời sống Ki-tô giáo sẽ biến thành nhiều dấu chỉ khác mà chúng tiêu biểu cho Năm Thánh. Cha nghĩ tới rất nhiều những con người mà họ sẽ đi qua một trong các Cổng Thánh, mà trong năm nay, những Cổng Thánh ấy chính là những chiếc cửa đích thực của Lòng Thương Xót. Cổng Thánh chính là một hình ảnh tượng trưng cho Chúa Ki-tô, Đấng đã nói về chính mình rằng: „Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.“ (Ga 10,9). Khi chúng ta bước qua Cổng Thánh, thì rồi điều đó sẽ trở thành một biểu tượng cho niềm tín thác của chúng ta vào Chúa Giê-su, Đấng đến không phải để kết án, nhưng để cứu độ (xc. Ga 12,47). Anh chị em hãy lưu ý rằng, không có ai đó láu lỉnh và ranh mãnh đến độ có thể đòi anh chị em phải có vé vào cổng. Không! Ơn cứu độ không đòi vé vào cổng. Người ta không thể hối lộ được ơn cứu độ cho mình. Chúa Giê-su chính là cổng, và Chúa Giê-su không đòi phải thanh toán bất cứ xu nào! Chính Ngài đã cảnh báo chúng ta trước những kẻ muốn bước vào những con đường cong quẹo hay mờ ám, và đã nói rõ rằng, chỉ những tên cướp và những tên trộm cắp mới làm như vậy. Một lần nữa, xin anh chị em hãy lưu ý! Ơn cứu độ không đòi người ta phải thanh toán bất cứ xu nào. Bước vào Cổng Thánh chính là một dấu chỉ cho sự hoán cải thực sự của con tim chúng ta. Khi chúng ta bước qua chiếc cửa ấy, chúng ta hãy làm chuyện đó cho thật tốt để nhớ mở cánh cửa của con tim chúng ta ra. Tôi đứng trước Cổng Thánh và kêu: „Lạy Chúa, xin giúp con mở cánh cửa tâm hồn con ra!“ Năm Thánh sẽ không có nhiều ý nghĩa, nếu như cánh cửa tâm hồn chúng ta không cho phép Chúa Ki-tô đi qua, Đấng thúc giục chúng ta đi đến với những người khác để mang Ngài và Tình Yêu của Ngài đến cho con người. Nếu như Cổng Thánh luôn rộng mở thế nào, vì Cổng Thánh chính là hình ảnh tượng trưng cho sự sẵn sàng đón nhận của Thiên Chúa, Đấng đợi chờ chúng ta, thì cánh cổng của chúng ta và những cánh cửa tâm hồn chúng ta cũng phải mở ra như thế, để không ai bị loại trừ, kể cả những người hành hạ chúng ta: Không một ai!

Một trong những dấu chỉ quan trọng của Năm Thánh chính là Bí Tích Cáo Giải. Nếu chúng ta đến gần với Bí Tích Giao Hòa, thì rồi chúng ta sẽ có được một kinh nghiệm trực tiếp về Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Tại đó, chúng ta sẽ bắt gặp Thiên Chúa Cha, Đấng tha thứ và thứ tha tất cả. Thiên Chúa hiểu chúng ta ngay cả trong những lầm lỗi của chúng ta, Ngài hiểu chúng ta ngay cả trong những đối kháng của chúng ta. Nhưng không chỉ có vậy: Với Tình Yêu của Ngài, Ngài nói với chúng ta rằng, ngay sau khi chúng ta nhìn nhận tội lỗi của mình, Ngài sẽ đến gần với Chúng ta trong khoảng cách gần nhất và thúc giục chúng ta tiếp tục lên đường. Ngài nói với chúng ta rằng, luôn luôn, bất cứ khi nào chúng ta nhìn nhận tội lỗi của mình và kêu xin ơn tha thứ thì cũng đều là một ngày Đại Lễ trên Thiên Đàng. Chúa Giê-su sẽ rất vui mừng về chuyện đó: đó là Lòng Thương Xót của Ngài. Chúng ta phải can đảm. Chỉ cần có thế thôi!

Cha vẫn rất thường nghe người ta nói rằng: „Thưa Cha, con không thể tha thứ cho người hàng xóm của con; hay người đồng nghiệp của con, mẹ chồng của con, con dâu của con.“ Chúng ta vẫn thường nghe thấy những lời sau đây: „Tôi không thể tha thứ“. Nhưng chúng ta sẽ có thể cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta thế nào đây khi chính chúng ta không có khả năng tha thứ? Tha thứ là một điều chi đó rất vĩ đại; nhưng nó cũng không phải là điều đơn giản, vì con tim chúng ta yếu đuối và không thể tạo nên sức mạnh riêng. Nhưng nếu chúng ta mở tấm lòng mình ra để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa cho mình, thì rồi về phía mình, chúng ta cũng sẽ có được khả năng để tha thứ. Cha vẫn thường nghe thấy rằng: „Con không thể chịu đựng được người này: con căm ghét anh ta. Nhưng sau đó, vào một ngày kia, con đã đến với Chúa và đã cầu xin Ngài tha thứ cho tội lỗi của con, và do đó con đã có thể tha thứ.“ Điều đó diễn ra mỗi ngày. Khả năng này nằm trong tầm tay của chúng ta.

Vậy thì hãy can đảm! Chúng ta hãy bắt đầu Năm Thánh với những dấu chỉ mà chúng giả thiết một sức mạnh to lớn của Tình Yêu. Xin Thiên Chúa đồng hành với chúng ta để chúng có được những kinh nghiệm về những dấu chỉ quan trọng tiếp theo trong cuộc sống chúng ta. Chỉ cần chúng ta can đảm và tiếp tục như thế!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 16 tháng 12 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội