Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 20.12.2015: Những địa điểm của sự ngạc nhiên

 

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong ngày Chúa Nhật thứ bốn Mùa Vọng hôm nay, Tin Mừng đã đặt nhân vật Maria vào trong vị trí trung tâm. Qua Bài Tin Mừng này, chúng ta thấy được, ngay sau khi Đức Maria cưu mang con Thiên Chúa trong Đức Tin, Mẹ đã thực hiện một cuộc hành trình dài từ Nazareth thuộc vùng Galilea đi lên tận miền sơn cước thuộc vùng Giu-đê-a để thăm bà Elisabeth như thế nào. Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel đã mạc khải cho Mẹ biết rằng, người chị họ son sẻ và luống tuổi của Mẹ đã mang thai được sáu tháng (xc. Lc 1,26.36). Vì thế Đức Maria đã lên đường, và mang theo mình một quà tặng và một mầu nhiệm lớn lao đến với bà Elisabeth, và Mẹ đã ở lại đó với bà suốt ba tháng trời. Khi hai người phụ nữ gặp nhau – anh chị em hãy hình dung ra một người phụ nữ luống tuổi và một cô thiếu nữ trẻ trung – trước tiên, người thiếu nữ trẻ trung là Đức Maria đã chào. Tin Mừng thuật lại rằng: „Bà vào nhà ông Zacharia và chào bà Elisabeth“ (Lc 1,40). Sau lời chào, bà Elisabeth cảm thấy vô cùng ngạc nhiên – xin anh chị em đừng quên từ này: ngạc nhiên. Bà đã ngạc nhiên. Bà Elisabeth cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, và sự ngạc nhiên ấy được thể hiện qua những lời mà bà nói ngay lúc đó: „Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?“ (Lc 1,43). Họ đã ôm và hôn nhau với trọn niềm vui. Cả hai người phụ nữ này, một luống tuổi, một trẻ trung, đều đang mang thai.

Để cử hành Đại Lễ Giáng Sinh bằng một cách thế đầy phong nhiêu, chúng ta được mời gọi hãy suy tư về những „địa điểm“ của sự ngạc nhiên. Nhưng những địa điểm ngạc nhiên trong cuộc sống hằng ngày là gì? Thưa là ba thứ. Thứ nhất chính là những người đang sống đồng thời với chúng ta, mà trong họ chúng ta phải nhận ra những người anh chị em, vì kể từ cuộc giáng sinh của Chúa Giê-su, khuôn mặt của mỗi người đều mang những đặc điểm của Con Thiên Chúa. Đặc biệt là khuôn mặt của những người nghèo, vì Thiên Chúa đã đến với thế giới trong sự nghèo nàn, và trước tiên, đã để cho mình được xích lại gần bởi những người nghèo.

Một địa điểm tiếp theo của sự ngạc nhiên – tức địa điểm thứ hai – đó là lịch sử, khi chúng ta quan sát nó trong ánh sáng Đức Tin, thì chúng ta sẽ có được nhiều cơ hội để thực sự ngạc nhiên. Chúng ta thường nghĩ rằng, chúng ta đang quan sát lịch sử từ khía cạnh chính xác, nhưng chúng ta lại có nguy cơ nhìn lịch sử một cách lộn ngược. Điều đó sẽ diễn ra, chẳng hạn như khi chúng ta nghĩ rằng, lịch sử được xác định bởi nền kinh tế, được định đoạt bởi nền tài chánh và các thị trường, và được thống trị bởi các thế lực thuộc mỗi thời đại tương ứng. Nhưng Thiên Chúa của Đại Lễ Giáng Sinh chính là một Thiên Chúa, Đấng đảo lộn tất cả: điều đó làm cho Ngài vui! Như Đức Maria đã hát lên trong Kinh Magnificat, Ngài là Thiên Chúa, Đấng lật đổ những kẻ quyền thế khỏi ngai vàng của chúng, và nâng cao những kẻ khiêm nhu, Đấng ban tràn ân huệ cho những ai nghèo đói, và làm cho những kẻ giầu có phải trở về tay trắng (Lc 1,52-53). Đó là lý do thứ hai để ngạc nhiên: ngạc nhiên về lịch sử.

Nơi thứ ba của sự ngạc nhiên chính là Giáo hội. Ai quan sát Giáo hội với cặp mắt ngạc nhiên của Đức Tin, sẽ không tự giới hạn mình vào việc chỉ nhìn xem Giáo hội như là một tổ chức tôn giáo, điều mà lẽ dĩ nhiên Giáo hội cũng là, nhưng còn nhìn thấy một người Mẹ trong Giáo hội, mà người mẹ ấy, bất chấp tất cả mọi đốm bẩn và nếp nhăn – chúng ta có rất nhiều những thứ đó – luôn luôn mang trong mình những đặc tính của vị hôn thê, được yêu mến bởi Chúa Ki-tô, và được thanh tẩy nhờ Ngài. Đó là một Giáo hội có khả năng nhận ra các dấu chỉ của Tình Yêu tín trung mà Thiên Chúa không ngừng chỉ ra cho Giáo hội. Đó là một Giáo hội không bao giờ được phép nhìn thấy trong Chúa Giê-su của chúng ta một vật sở hữu, nó được coi như vật phải được bảo vệ - ai làm điều đó, người ấy đang lầm – nhưng nhìn thấy trong Ngài, Đấng đang đến với Giáo hội, và Giáo hội có thể đợi chờ Ngài với niềm vui và niềm tín thác, bằng cách là Giáo hội cũng thêm một giọng nói vào trong thế giới hy vọng. Đó là Giáo hội đang thiết tha kêu lên cùng Chúa: „Xin hãy đến, lạy Chúa Giê-su!“ Giáo hội là Mẹ và luôn luôn chờ đợi tất cả với những cánh cửa và cánh tay mở rộng. Thậm chí, xuyên qua những cánh cửa rộng mở của mình, Giáo hội còn ra đi, và với nụ cười của một người mẹ, kiếm tìm tất cả mọi người con của mình còn đang ở xa, hầu dẫn đưa những người con đó tới với Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Đó là sự ngạc nhiên của Đại Lễ Giáng Sinh.

Nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa trao ban hoàn toàn bản thân Ngài cho chúng ta, bằng cách là Ngài ban tặng Con Một của Ngài cho chúng ta, Đấng là người Con duy nhất và là toàn bộ niềm vui của Ngài. Và chỉ với con tim của Đức Maria, của nữ tử Si-on nghèo nàn và khiêm nhượng, người đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, người ta mới có thể reo hò và vui mừng về ân sủng lớn lao mà qua đó, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta ngạc nhiên. Ước gì Mẹ sẽ giúp chúng ta để chúng ta tái tìm thấy được sự ngạc nhiên, tái tìm thấy ba biến thể này của sự ngạc nhiên – về những người đang sống cùng thời, về lịch sử và về Giáo hội – mà với chúng, chúng ta sẽ gặp gỡ với cuộc giáng sinh của Chúa Giê-su, ân sủng lớn lao nhất của mọi ơn sủng, ân sủng nhưng không mà nó mang ơn cứu độ đến cho chúng ta. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su cũng sẽ làm cho chúng ta cảm thấy được sự ngạc nhiên lớn lao này. Nhưng chúng ta sẽ không thể thấy được sự ngạc nhiên này, cũng như chúng ta sẽ không thể gặp gỡ được Chúa Giê-su, nếu chúng ta không gặp gỡ Ngài trong những con người đang sống cùng thời với chúng ta, trong lịch sử và trong Giáo hội.

 

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

 

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay Cha muốn hướng một niềm cảm nghĩ tới đất nước Syria đáng yêu, và muốn bày tỏ sự hài lòng của Cha với bản thỏa thuận mà cộng đồng các quốc gia trên thế giới vừa mới đạt được. Tôi khích lệ tất cả mọi người, với sự dấn thân quảng đại, hãy tiếp tục con đường đưa tới việc chấm dứt bạo lực và dẫn tới những đàm phán hòa bình. Đồng thời, Cha cũng nghĩ tới đất nước Lybia, mà tại đó, những cuộc đàm phán giữa các đảng phái tham chiến đang tạo ra niềm hy vọng cho tương lai.

Cha cũng muốn hỗ trợ sự dấn thân để cộng tác mà các quốc gia Costa Rica và Nicaragua đang được mời gọi thực hiện. Cha hy vọng rằng, một tinh thần canh tân của tình huynh đệ sẽ có thể củng cố cho sự đối thoại và cộng tác, cho cả hai quốc gia cũng như cho tất cả mọi quốc gia khác trong vùng.

 

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến,

niềm cảm nghĩ của Cha giờ đây đang hướng tới những người Ấn Độ thân yêu mà cách đây không lâu họ đã bị tấn công và bị gây thiệt hại bởi những trận lũ lụt kinh hoàng. Chúng ta hãy đọc một Kinh Kính Mừng Maria để cầu nguyện cùng Đức Mẹ cho những người anh chị em ấy.

Cha xin nồng nhiệt kính chào tất cả mọi người hành hương đã đến đây từ nhiều quốc gia khác nhau để tham dự buổi cầu nguyện này. Hôm nay, lời chào trước tiên của Cha xin được gửi đến các em nhỏ của thành phố Rô-ma. Những em nhỏ này có vẻ khá vui vẻ! Các em đã đến đây để tham dự nghi thức làm phép truyền thống các Bambinelli (tượng Chúa Hài Đồng), nghi thức này được tổ chức bởi hiệp hội Oratorien của Rô-ma. Các con thân mến, hãy nghe Cha nói này: Khi các con cầu nguyện trước hang đá, các con cũng hãy nhớ tới cả Cha nữa nhé, cũng như Cha nhớ tới các con vậy. Cha cám ơn các con; chúc Giáng Sinh vui vẻ!

Cha cũng xin kính chào các gia đình của cộng đoàn Figli in Cielo và kính chào tất cả những người đang hiệp thông trong niềm hy vọng và trong đau khổ với bệnh viện Bambino Gesù. Các bậc cha mẹ thân mến, Cha xin cam đoan với anh chị em về sự gần gũi thiêng liêng của Cha, và Cha khích lệ anh chị em hãy tiếp tục con đường Đức Tin và tình huynh đệ.

Cha xin kính chào Ca Đoàn Polyphoni của Racconigi, kính chào nhóm cầu nguyện I ragazzi der Papa – xin cám ơn sự hỗ trợ của anh chị em! Và xin kính chào các tín hữu đến từ Parma.

Cha xin kính chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật tuyệt đẹp, và một Đại Lễ Giáng Sinh tràn đầy hy vọng và ngạc nhiên, nhưng là thứ ngạc nhiên mà Chúa Giê-su ban tặng cho chúng ta với Tình Yêu và ơn bình an của Ngài. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé. Chúc anh chị em một bữa ăn trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 20 tháng 12 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội