Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính Thánh Gia tại Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày 27.12.2015

 

Anh chị em thân mến,

các bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe hôm nay, chỉ cho chúng ta thấy hình ảnh của hai gia đình đã thực hiện cuộc hành hương của mình để đi tới Nhà Thiên Chúa. Elcana và Anna đã mang con của mình là Samuel tới đền thời Si-lô, và đã thánh hiến người con trai này cho Thiên Chúa (xc. 1Sm 2,20-22.24-28). Trong một cách thức tương tự, Thánh Giu-se và Đức Maria cũng đã cùng với Chúa Giê-su đi lên đền thờ Giê-ru-sa-lem với tư cách là những người hành hương để tham dự Lễ Vượt Qua (xc. Lc 2,41-52).

Chúng ta vẫn thường trông thấy những người hành hương, họ hành hương tới những thánh địa hay tới những địa điểm mà chúng là đích đến ưa chuộng của giới đạo đức bình dân. Trong những ngày vừa qua, rất nhiều người đã lên đường để đến được với Cổng Thánh mà nó đã được mở ra trong tất cả các nhà thờ Chính Tòa trên khắp thế giới hay tại nhiều địa điểm hành hương. Nhưng điều tuyệt vời nhất mà Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh tới, chính là thực tế rằng, toàn bộ gia đình cùng thực hiện một cuộc hành hương. Cha, mẹ và con cái cùng nhau đi đến nhà Thiên Chúa để thánh hóa ngày Đại Lễ qua lời cầu nguyện. Đó cũng là một bài học có tầm quan trọng đối với các gia đình chúng ta.

Thật là tốt đẹp biết mấy cho chúng ta khi chúng ta lưu tâm tới việc Đức Maria và Thánh Giu-se đã dậy cho Chúa Giê-su biết cầu nguyện! Và cũng thật tốt đẹp biết chừng nào nếu chúng ta biết rằng, các Ngài vẫn cầu nguyện cùng nhau trong suốt ngày sống; các Ngài cùng đi vào Hội Đường trong những ngày Sabbat để lắng nghe giáo huấn của Lề Luật và của các Ngôn Sứ, và cùng ca ngợi Thiên Chúa với toàn thể cư dân! Và trong khi hành hương tới Giê-ru-sa-lem, chắc chắn các Ngài cũng đã cầu nguyện qua việc hát Thánh Vịnh: „Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ´Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!` Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân!“ (Tv 122,1-2).

Những con đường chung

Việc cùng tiến về phía trước và việc khát khao để đạt được một mục tiêu chung, là điều quan trọng đối với các gia đình chúng ta biết là dường nào! Chúng ta biết rằng, chúng ta đã chọn đi theo một con đường chung; đó là một con đường mà trên đó chúng ta phải đối diện với những khó khăn, nhưng cũng trải qua những phút dây vui mừng và ủi an. Trong cuộc lữ hành cuộc sống này, chúng ta cũng chia sẻ với nhau những phút giây cầu nguyện. Điều gì có thể tuyệt vời hơn đối với một người cha và với một người mẹ khi khởi đầu và kết thúc một ngày sống, họ chúc lành cho con cái của họ; khi họ làm dấu Thánh Giá trên trán con của họ vào ngày chúng lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy? Phải chăng đó không phải là lời cầu nguyện đơn giản nhất của cha mẹ đối với con cái của mình: chúc lành cho chúng có nghĩa là phó thác chúng cho Thiên Chúa để Ngài trở thành người bảo vệ và giữ gìn của chúng trong những giây phút khác nhau trong ngày? Việc quy tụ lại với nhau để thực hiện một phút cầu nguyện ngắn trước khi dùng bữa chung, để tạ ơn Chúa vì những món ăn này, và học để chia sẻ những điều được lãnh nhận với những người thường xuyên trong cảnh túng quẫn, cũng sẽ là điều tốt đẹp đối với các gia đình biết là chừng nào!

Tất cả những điều đó đều là những cử chỉ nho nhỏ, nhưng chúng diễn tả một vai trò có tính giáo dục to lớn mà gia đình có thể có được.

Quay trở về với cuộc sống hằng ngày

Kết thúc chuyến hành hương, Chúa Giê-su đã quay trở về Nazareth và đã vâng phục cha mẹ của mình (xc. Lc 2,51). Hình ảnh này cũng chứa đựng một giáo huấn rất đẹp đối với các gia đình chúng ta. Thực ra, cuộc lữ hành không kết thúc khi người ta đã đi tới được đích đến là Thánh Địa, nhưng khi người ta trở về nhà và tái đón nhận cuộc sống thường nhật, và ở đây, khi người ta thực hành trong thực tế những hoa trái thiêng liêng của điều mà người ta đã trải qua.

Chúng ta biết Chúa Giê-su đã làm gì hồi đó. Thay vì cùng với người thân của mình quay trở về nhà, Ngài đã ở lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, và do đó, đã gây ra sự khổ cực và lo lắng lớn cho Đức Mẹ và Thánh Giu-se, vì hai Ngài đã không thấy con của mình nữa. Đối với việc „bỏ nhà ra đi“ này, có lẽ Chúa Giê-su cũng phải xin Cha Mẹ Ngài thứ lỗi cho. Nhưng Tin Mừng không tường thuật lại bất cứ điều gì về chuyện đó. Dẫu vậy mặc lòng, Cha nghĩ rằng, chúng ta được phép giả định như vậy. Vả lại, câu hỏi của Đức Maria còn diễn tả một sự trách móc nào đó, trong khi Mẹ đã để cho sự lo lắng và nỗi sợ hãi mà Mẹ và Thánh Giu-se đã phải trải qua, trở nên rõ ràng. Trên đường về nhà, chắc chắn là Chúa Giê-su cũng sẽ phải áp sát vào các Ngài, để chỉ ra tất cả Tình Yêu và sự tuân phục của Ngài.

Trải nghiệm niềm vui của sự tha thứ

Ước gì trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót này, bất cứ gia đình Ki-tô hữu nào cũng đều trở thành một nơi ưu tiên, mà tại đó người ta có thể trải nghiệm được niềm vui của sự tha thứ. Tha thứ chính là bản chất của Tình Yêu mà nó biết cách để hiểu về những lầm lỗi và tái sửa chữa những khuyết điểm. Nội trong gia đình, sự giáo dục về tha thứ sẽ diễn ra, vì người ta có sự tin tưởng rằng, bất chấp những lỗi lầm mà có thể người ta đã mắc phải, người ta vẫn luôn được thông cảm và hỗ trợ. Chúng ta đừng để mất niềm tin tưởng trong gia đình! Càng ngày càng mở tấm lòng ra cho nhau mà không hề giấu giếm nhau bất cứ chuyện gì, thì tuyệt vời biết là chừng nào! Nơi đâu có Tình Yêu, ở đó cũng sẽ có sự cảm thông và tha thứ. Hỡi các gia đình thân mến, Cha xin trao phó sứ mạng rất quan trọng này cho tất cả anh chị em, đó là điều mà cả sau lẫn trước, cả thế giới và Giáo hội đều đang rất cần.

 

Đền Thờ Thánh Phê-rô, Chúa Nhật Kính Thánh Gia Thất, ngày 27 tháng 12 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội