Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ngày 01.01.2016

 

Salve, Mater misericordiae!

Với lời chào ấy, chúng ta muốn hướng về Đức Trinh Nữ Maria trong Vương Cung Thánh Đường này tại thành phố Rô-ma mà nó được dành để tôn kính Mẹ dưới tước hiệu „Mẹ Thiên Chúa“. Lời chào này là lời đầu tiên của một Thánh Thy cổ mà chúng ta sẽ hát khi kết thúc buổi Phụng Vụ hôm nay. Thánh Thy này có xuất xứ từ một tác giả vô danh và nó đến với chúng ta với tư cách là một lời cầu nguyện toát ra một cách hồn nhiên từ tâm hồn các tín hữu: „Xin kính chào Mẹ, Thân Mẫu Lòng Thương Xót, Thánh Mẫu Thiên Chúa và là Mẹ của ơn tha thứ, của niềm hy vọng, của ân sủng, và là Mẹ của niềm hân hoan lành thánh.“ Trong một ít lời này, một bản đúc kết Đức Tin đã được thích ứng từ những thế hệ của những người đã luôn hướng cặp mắt của mình về bức ảnh Đức Trinh Nữ, và đã xin Đức Maria nguyện giúp cầu thay và ban niềm ủi an.

Hôm nay chính là ngày đặc biệt hơn bất cứ lúc nào để gọi Đức Mẹ là Mẹ của Lòng Xót Thương. Cổng Thánh mà chúng ta đã mở, trong thực tế, chính là Cổng của Lòng Thương Xót. Bất cứ ai luôn bước qua ngưỡng của chiếc Cổng này, cũng đều được kêu gọi, hãy tín thác hoàn toàn và không hề có bất cứ một nỗi sợ hãi nào để ngụp lặn trong Tình Yêu đầy xót thương này của Thiên Chúa Cha; và người ấy có thể tái đi ra khỏi Vương Cung Thánh Đường này với niềm xác tín rằng, Đức Maria luôn đồng hành bên mình. Mẹ là Thân Mẫu Lòng Thương Xót, vì Mẹ đã sinh ra Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong cung lòng của Mẹ, Chúa Giê-su, Đấng Emmanuel, niềm trông đợi của tất cả mọi dân tộc, và là „Hoàng Tử Hòa Bình“ (Is 9,5). Con Thiên Chúa, Đấng tiếp nhận thân xác để cứu độ chúng ta, đã ban tặng cho chúng ta Thân Mẫu của Ngài. Cùng với chúng ta, Mẹ sẽ trở thành một người lữ hành để làm cho chúng ta không bị cô đơn trên đường đời của chúng ta, đặc biệt là trong những phút giây bất an và khổ đau.

Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa, Đấng thứ tha, Đấng ban tặng ơn tha thứ, và do đó chúng ta có thể nói, Mẹ chính là Thân Mẫu của ơn tha thứ. Lời „tha thứ“ này -, mà nó không thể được hiểu theo cách nghĩ của thế gian, trái lại, chỉ cho thấy hoa trái thực thụ và nguyên thủy của Đức Tin Ki-tô giáo. Ai không biết tha thứ, người ấy sẽ không thể có được kinh nghiệm về sự viên mãn của Tình Yêu. Và chỉ những ai thực sự yêu thương, thì những người ấy mới có khả năng đạt tới được ơn tha thứ, bằng cách là người ấy quên đi sự xúc phạm mà họ đã phải gánh chịu. Dưới chân Thập Giá, Đức Maria đã nhìn thấy Con của mình, Đấng hoàn toàn trao hiến chính bản thân mình, và bằng cách thức này, chứng thực cho biết, thế nào là yêu thương như Thiên Chúa yêu. Trong khoảnh khắc ấy, Mẹ đã nghe những lời của Chúa Giê-su nói, mà những lời ấy có lẽ bắt nguồn từ những gì mà chính Mẹ đã dậy cho Ngài lúc còn là một em bé: „Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm là gì“ (Lc 23,34). Trong khoảnh khắc ấy, Đức Maria đã trở thành Thân Mẫu của Lòng Xót Thương đối với tất cả chúng ta. Sống theo gương Chúa Giê-su và với ân sủng của Ngài, Mẹ có khả năng tha thứ cho những người đang sát hại Người Con vô tội của Mẹ.

Đối với chúng ta, Đức Maria đã trở thành tấm gương cho thấy Giáo hội phải khuếch trương ơn tha thứ trên những kẻ cầu khẩn mình như thế nào. Thân Mẫu của sự tha thứ dậy cho Giáo hội biết rằng, ơn tha thứ được đưa ra trên đồi Golgota, không biết đến những giới hạn. Kể cả giới luật với những điều quá tinh tế của nó lẫn sự khôn ngoan của thế gian với những phân biệt của mình, cũng đều không thể cản ngăn được ơn tha thứ. Sự tha thứ của Giáo hội phải có trương độ giống như sự tha thứ của Chúa Giê-su trên Thập Giá, cũng như của Đức Mẹ dưới chân Thập Giá. Không có khả năng thứ hai. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Đồ trở thành những khí cụ đầy hiệu năng của ơn tha thứ, bởi vì điều mà nó được đạt tới bởi cái chết của Chúa Giê-su, sẽ có thể đạt được tới bất cứ ai ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thời đại nào (xc. Ga 20,19-23).

Sau cùng, Thánh Thy về Đức Mẹ viết: „Mẹ của niềm hy vọng và Mẹ của ân sủng, Mẹ của niềm hân hoan lành thánh“. Niềm hy vọng, ân sủng, niềm hân hoan lành thánh chính là ba người chị em: tất cả đều là ân sủng của Chúa Ki-tô, và còn hơn thế nữa, chúng cùng mang danh của Ngài, tức danh xưng mà người ta có thể nói được rằng, được viết vào trong xác thân Ngài. Hồng ân mà Đức Maria ban tặng cho chúng ta với ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, chính là hồng ân tha thứ mà nó canh tân cuộc sống, nó cho phép cuộc sống tái thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha, và nó lấp đầy bằng niềm hạnh phúc đích thực. Ân sủng này mở con tim ra để nhìn về tương lai với niềm vui của kẻ mang niềm hy vọng. Giáo huấn này cũng đến từ Thánh Vịnh 51: „Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con“ (Tv 51,12-14). Sức mạnh của ơn tha thứ chính là phương dược đích thực chống lại nỗi buồn chán mà nó được khơi lên bởi mối ác cảm và sự thù oán. Ơn tha thứ mở ra cho niềm vui và cho sự thanh thản, vì nó giải phóng tâm hồn khỏi những nghĩ ngợi chết chóc, trong khi mối ác cảm và sự thù oán lại kích động tinh thần và hủy hoại con tim, bằng cách là chúng cướp đi niềm thư thái và bình an.

Vì thế, chúng ta hãy bước qua Cổng Lòng Thương Xót trong niềm xác tín rằng, Đức Trinh Nữ và Mẹ Maria sẽ đồng hành với chúng ta, Mẹ Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta với tư cách là nữ Trạng Sư. Chúng ta hãy để cho Mẹ đồng hành với chúng ta hầu khám phá ra sự tuyệt diệu của cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, Con của Mẹ. Chúng ta hãy tiếp tục mở con tim chúng ta ra cho niềm vui về ơn thứ tha, và chúng ta hãy thực hiện điều đó trong niềm ý thức của niềm hy vọng đầy tin tưởng mà nó tái được ban cho chúng ta hầu biến cuộc sống hằng ngày của chúng ta thành một khí cụ đơn giản của Tình Yêu Thiên Chúa.

Và với Tình Yêu con thảo, chúng ta hãy thưa lên Mẹ bằng chính những lời mà dân thành Ê-phê-sô đã thốt lên vào thời Công Đồng mang đầy tính lịch sử: „Thánh Mẫu Thiên Chúa!

Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ngày mồng 01 tháng 01 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội