Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 03.02.2016: Mục 6 – Lòng Thương Xót và sự công chính

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Kinh Thánh trình bày Thiên Chúa như là Đấng Thương Xót vô bến bờ, nhưng cũng là Đấng hoàn toàn Công Chính. Hai điều này thống nhất với nhau thế nào? Lòng Thương Xót có liên hệ đến những đòi hỏi của đức công chính như thế nào? Người ta có thể nghĩ rằng, hai đặc tính này đối kháng nhau; nhưng trong thực tế thì lại không phải như thế, vì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chính là điều đưa sự công chính đích thực đi tới chỗ hoàn hảo. Nhưng đó là loại công chính nào?

Nếu chúng ta nghĩ tới nền công lý thế trần thì rồi chúng ta sẽ thấy rằng, một người nào đó nghĩ mình là một nạn nhân của một vụ tấn công thì người ấy sẽ đưa vấn đề ra tòa án để đòi lại công lý cho mình. Đó là một loại công lý „ăn miếng trả miếng“ và trừng phạt những kẻ phạm tội, theo nguyên tắc là, mỗi người đều phải nhận lãnh điều thuộc về mình. Như trong sách Châm Ngôn có viết: „Người thực thi công chính được đi vào cõi sống, kẻ theo đuổi gian tà phải đến chốn tử vong“ (Cn 11,19). Ngay cả Chúa Giê-su cũng nói về loại công lý này khi Ngài kể về dụ ngôn của vị quan tòa vô đạo trước bà góa, người không ngừng đi đến với vị quan tòa và đòi hỏi: „Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi!“ (Lc 18,3).

Nhưng con đường này không dẫn tới sự công chính đích thực, vì nó không thực sự chiến thắng sự ác, nhưng chỉ mơ mơ màng màng trước nó. Chỉ bằng cách là người ta báo đáp sự ác bằng sự tốt lành thì người ta mới có thể chiến thắng nó cách thực sự.

Nhưng cũng còn một loại công lý khác mà Kinh Thánh giới thiệu với chúng ta như là con đường lý tưởng. Nó là một con đường mà trên đó người ta sẽ ngăn ngừa việc đi đến trước tòa án. Nạn nhân sẽ hướng đến chính người gây nên tội ác và mời gọi người ấy hoán cải, bằng cách là giúp anh ta hiểu được rằng, anh ta đã làm điều ác. Kêu gọi tiếng nói lương tâm của anh ta. Và bằng cách đó, kẻ làm điều ác, nếu anh ta hối hận và thừa nhận điều bất công nơi mình, sẽ có thể mở ra cho sự tha thứ mà nó được giới thiệu cho anh ta bởi nạn nhân. Và đó là điều tuyệt vời: bởi vì, khi nhìn vào việc mình đã làm điều xấu, sẽ mở con tim ra cho sự tha thứ mà nó đang được giới thiệu cho phạm nhân. Đó là hình thức thích hợp để bãi bỏ và thủ tiêu các cuộc xung đột, chẳng hạn như trong các gia đình chúng ta, trong đời sống hôn nhân, trong mối tương quan giữa cha mẹ và con cái, và luôn luôn sau đó, khi nạn nhân yêu thương kẻ gây ra tội ác và muốn cứu mối tương quan mà nó liên kết nạn nhân với người khác, thì nạn nhân sẽ không muốn hủy hoại mối tương quàn này.

Chắc chắn đó là một con đường khó khăn gập ghềnh. Con đường này giả thiết rằng, nạn nhân của một vụ bất công sẽ sẵn sàng tha thứ và mong muốn điều tốt lành cho kẻ thủ ác. Chỉ có như thế thì công lý mới có thể chiến thắng, vì khi kẻ phạm tội nhận ra điều ác và từ bỏ nó, thì rồi điều đó sẽ không còn là điều ác nữa, và kẻ gây điều bất công sẽ trở nên công chính, vì anh đã được tha thứ cũng như đã được giúp đỡ để tái tìm thấy con đường thiện hảo. Và tất cả những điều đó sẽ có nhiều việc để làm với sự tha thứ và Lòng Thương Xót.

Đó là cách thức mà Thiên Chúa đã thực hiện với các tội nhân chúng ta. Thiên Chúa không ngừng giới thiệu cho chúng ta ơn tha thứ của Ngài, và không ngừng giúp chúng ta đón nhận Ngài, cũng như ý thức về những tội chúng ta đã phạm, để chúng ta được giải phóng khỏi sự ác. Vì Thiên Chúa không muốn kết án chúng ta, nhưng muốn cứu độ. Thiên Chúa không muốn kết án bất cứ một ai. Có thể người ta sẽ vặn lại Cha: „Nhưng thưa Đức Thánh Cha, có lẽ những người như ông Phi-la-tô chẳng hạn, sẽ đáng bị kết án lắm chứ? Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không muốn kết án những kẻ như thế sao?“ – Không! Thiên Chúa cũng muốn cứu độ cả Phi-la-tô lẫn Giu-đa, tất cả! Ngài – Thiên Chúa của Lòng Thương Xót – muốn cứu độ tất cả! Vấn đề nằm ở chỗ là, chúng ta phải cho phép Ngài đi vào lòng chúng ta. Tất cả những lời của các Ngôn Sứ đều là một lời gọi mời mạnh mẽ và đầy Tình Yêu, nó muốn gây ra sự hối cải của chúng ta. Chẳng hạn như thông qua Ngôn Sứ Ezechiel, Thiên Chúa đã nói:  Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?“ (Ez 18,23; xc. 33,11). Đó là điều làm hài lòng Thiên Chúa.

Con tim của Thiên Chúa là như thế: đó là con tim của một người Cha rất yêu thương con cái của mình, và muốn chúng sống trong sự tốt lành và trong sự công chính, và vì thế, sống sự viên mãn và được hạnh phúc. Đó là con tim của một người cha, con tim ấy vượt lên trên sự hiểu biết nhỏ nhoi của chúng ta về công lý, hầu mở chúng ta ra cho đường chân trời vô biên xuất phát từ Lòng Thương Xót của Ngài. Đó là một trái tim của người Cha, trái tim ấy không đối xử với chúng ta theo những tội lỗi của chúng ta, và không báo oán những lầm lỗi của chúng ta như Thánh Vịnh đã nói (xc. Tv 103,9-10). Và trái tim người Cha này chính là điều mà chúng ta kiếm tìm, khi chúng ta bước vào trong Tòa Cáo Giải. Có lẽ trái tim đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự ác. Người ta đến với Tòa Cáo Giải để tìm đến với một người Cha, Đấng sẽ giúp chúng ta canh tân cuộc sống của mình; Đấng sẽ ban sức mạnh cho chúng ta để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta; Đấng sẽ nhân danh Thiên Chúa để tha thứ cho chúng ta. Vì thế, việc trở thành Cha Giải Tội là một trách nhiệm to lớn: vì những người con trai hay con gái sẽ đến với bạn, họ không tìm kiếm bất cứ điều gì khác ngoài một người Cha. Và vị Linh mục ngồi trong Tòa Cáo Giải chính là người đại diện của người Cha ấy, Đấng thực thi công lý thông qua Lòng Xót Thương của Ngài.

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày mồng 03 tháng 02 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội