Bài huấn dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung trưa Chúa Nhật ngày 02.11.2014: „Sự chết không phải là lời nói cuối cùng về số phận của con người!“

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm qua chúng ta đã cử hành Đại Lễ Kính Các Thánh Nam Nữ; hôm nay Phụng Vụ mời gọi chúng ta tưởng nhớ tới các tín hữu đã qua đời. Cả hai ngày Đại Lễ này được liên kết khắng khít với nhau, giống hệt như niềm vui và nỗi buồn đã kinh qua một biện chứng pháp trong Chúa Giê-su Ki-tô, mà biện chứng pháp ấy lại là nền tảng cho Đức Tin và niềm Hy Vọng của chúng ta. Thực ra, một mặt thì Giáo hội, tức người phụ nữ đang trên đường lữ hành của lịch sử, vui mừng về lời chuyển cầu của các Thánh cũng như của các phúc nhân, các Ngài đang hỗ trợ Giáo hội trong sứ vụ truyền giáo của mình cũng như trong việc công bố Tin Mừng; mặt khác, như chính Chúa Giê-su, Giáo hội chia sẻ nỗi buồn đau của những ai đã phải xa cách những người thân thuộc, đồng thời, như Chúa Giê-su và nhờ Chúa Giê-su, Giáo Hội dâng lời tạ ơn của chúng ta lên Thiên Chúa Cha, vì Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi và tử thần.

Hôm qua và hôm nay, rất nhiều người đã đến viếng các nghĩa trang, tức nơi mà theo cách gọi của Giáo hội, là „nơi bình an“, bình an trong sự chờ đợi ngày phục sinh mang hiệu lực cuối cùng. Thật là tuyệt vời khi chúng ta hình dung ra rằng, chính Chúa Giê-su sẽ làm cho chúng ta được phục sinh. Chính Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết rằng, cái chết của thân xác chỉ như là một giấc ngủ, mà vào một ngày nào đó, Ngài sẽ làm cho chúng ta thức dậy từ giấc ngủ ấy. Trong niềm tin tưởng như thế, và cả trong tinh thần, chúng ta bước tới trước những nấm mộ của những người thân yêu chúng ta; bước tới trước những nấm mộ của những người đã yêu thương chúng ta, cũng như đã làm cho chúng ta những điều tốt lành. Nhưng ngày hôm nay chúng ta còn được kêu gọi để tưởng nhớ tới tất cả những ai đã qua đời, cũng như tưởng nhớ tới tất cả những ai đã bị mọi người lãng quên. Chúng ta hãy nhớ tới các nạn nhân của những cuộc chiến tranh và bạo lực, nghĩ tới vô vàn vô số „những con người bé mọn“ trên thế giới đang bị nghiền nát bởi sự đói khát và nghèo túng; chúng ta hãy nghĩ tới những người vô danh tiểu tốt đã không tìm thấy nơi nghỉ yên cuối cùng của mình trong nhà chứa hài cốt tại các khu nhà thờ hay tại các nghĩa trang. Chúng ta cũng hãy nhớ tới những người anh chị em của chúng ta đang bị sát hại vì Đức Tin Ki-tô giáo của họ, và chúng ta cũng hãy nhớ tới tất cả những ai đã hy sinh mạng sống cũng như cuộc sống của mình để giúp đỡ những người khác. Một cách hoàn toàn đặc biệt, chúng ta hãy trao phó cho Thiên Chúa linh hồn của những người đã lìa xa chúng ta trong suốt năm qua.

Truyền thống của Giáo hội vẫn không ngừng kêu gọi cầu nguyện cho những người đã qua đời, đặc biệt là việc xin Lễ cho họ. Thánh Lễ là sự trợ giúp thiêng liêng tốt nhất mà chúng ta có thể trao cho linh hồn của họ, đặc biệt nhất là những linh hồn đã bị mọi người lãng quên. Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nền tảng nơi sự hiệp thông của thân thể mầu nhiệm. Vì thế, Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh rằng: „Từ sự nhận thức thẳm sâu về mối hiệp thông trong thân thể hoàn toàn nhiệm mầu của Chúa Giê-su Ki-tô, ngay từ khi đạo giáo Ki-tô được hình thành, Giáo hội lữ hành đã quan tâm tới việc tưởng nhớ tới những người đã qua đời với sự kính cẩn lớn lao“ (LG 50).

Việc tưởng nhớ tới những người đã khuất, việc chăm sóc cho những ngôi mộ và việc cầu nguyện cho linh hồn của những người đã qua đời, là một bằng chứng của niềm hy vọng đầy tín thác, mà nó bén rẽ từ trong sự xác tín rằng, cái chết không phải là lời nói cuối cùng về số phận của con người, vì con người được dành sẵn cho một cuộc sống không biên giới, nhưng nó có nguồn cội cũng như sự thành toàn của nó trong Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện này: „Lạy Chúa là Đấng khoan dung khôn cùng, lòng tốt lành của Chúa thì mênh mông vô hạn, chúng con xin trao phó vào tay Chúa tất cả những ai đã lìa bỏ cõi đời này và đã bước vào trong sự vĩnh cữu, nơi Chúa đã trù tính cho toàn thể nhân loại, tức những người đã được cứu chuộc nhờ vào bửu huyết vô giá của Chúa Ki-tô, Con Chúa, Đấng đã chết cho tội lỗi của chúng con.  Khi chúng con đến trước tòa phán xét của Chúa, ôi lạy Chúa, để chúng con tiếp nhận từ Chúa niềm hạnh phúc đời đời hay bản án trầm luân của chúng con, thì xin Chúa đừng nhìn tới sự nghèo hèn, nhỏ nhoi và những yếu nhược thuộc thân phận con người chúng con. Xin Chúa hãy nhìn đến chúng con bằng ánh mắt đầy khoan hậu của Chúa, tức ánh mắt xuất phát từ sự trìu mến của thánh tâm Chúa, và xin hãy giúp chúng con bước đi trên con đường thanh luyện trọn vẹn. Ước gì không người con nào của Chúa sẽ bị hư mất trong lửa hỏa ngục đời đời, mà nơi đó không còn có khả năng để ăn năn hối cải được nữa. Lạy Chúa, chúng con xin trao phó cho Chúa linh hồn của những người thân yêu của chúng con, và linh hồn của những ai đã qua đời mà không có niềm an ủi của các Bí Tích, hay linh hồn của những ai đã không tìm thấy khả năng hoán cải ngay tại giây phút cuối cùng của cuộc đời họ. Ước chi đừng ai có được lý do để sợ hãi trước cuộc gặp gỡ với Chúa; ước chi tất cả mọi người đều được lấp đầy bởi niềm hy vọng hợp lý, để sau khi hoàn tất quãng đường lữ hành trần thế của chúng con, sẽ được đón nhận vào trong vòng tay khoan hậu vô bến bờ của Chúa. Ước gì người anh em của chúng con, tức người đã chết nơi thân xác, sẽ nhìn thấy được sự tỉnh thức của chúng con trong lời cầu nguyện, và sẽ được chất đầy bằng mọi điều tốt lành mà chúng con đã, đang và sẽ thực hiện  trong cuộc sống mới đây hay đã lâu rồi của chúng con. Lạy Chúa, ước gì đừng có điều chi giữ chúng con lại trần gian này, khiến chúng con phải xa cách Chúa, nhưng ước chi tất cả mọi sự trong chúng con sẽ hỗ trợ niềm mong muốn cháy bỏng của chúng con trong việc được an nghỉ trong Chúa, trong bình an và đời đời“ (Cha Antonio Rungi, „Lời cầu nguyện cho những người đã qua đời“).

Với Đức Tin vào sự tiền định cao nhất của con người, giờ đây chúng ta hãy hướng tâm trí lên cùng Mẹ Thiên Chúa, bởi dưới chân Thập Giá, Mẹ đã trải qua tấn bi kịch về cái chết của Chúa Ki-tô, và rồi sau đó lại có được kinh nghiệm trước niềm vui về sự Phục Sinh của Ngài. Ước chi với tư cách là „Cổng Thiên Đàng“, Mẹ sẽ giúp chúng ta càng ngày càng hiểu sâu sắc hơn về giá trị của việc cầu nguyện dành cho những người đã qua đời. Những người đã qua đời đang ở gần bên chúng ta! Ước chi Mẹ sẽ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình xuyên suốt cuộc sống này của chúng ta, và giúp chúng ta, để cho không bao giờ đích điểm cuối cùng của cuộc hành trình này bị mất dạng trước mắt chúng ta, mà đích điểm ấy chính là Thiên Đàng. Và trong niềm hy vọng không bao giờ gây thất vọng ấy, chúng ta sẽ tiến về phía trước!

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến!

Cha xin kính chào các gia đình, các nhóm Giáo xứ, các hiệp hội và tất cả mọi người hành hương đã đến đây từ Rô-ma, từ những nơi khác của nước Ý, và từ khắp thế giới. Một cách hoàn toàn đặc biệt, Cha xin kính chào các tín hữu của Giáo phận Sevilla (Tây-ban-nha), những người đến từ Case Finali thuộc Cesena, cũng như kính chào các thiện nguyện viên đến từ Oppeano và Granzette, tức những người đang thực hiện liệu pháp Clown trong các bệnh viện. Cha nhìn thấy anh chị em ở đó, ở bên dưới kia: Anh chị em hãy tiếp tục công việc ấy nhé! Công việc ấy đang đem lại những điều rất tốt cho các bệnh nhân! Chúng ta cùng chào thăm tất cả những con người thiện chí!

Cha cầu chúc cho tất cả anh chị em một Ngày Chúa Nhật tốt lành, trong niềm tưởng nhớ mang tính Ki-tô giáo tới những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Và xin anh chị em đừng quên điều này: hãy cầu nguyện cho cả Cha nữa nhé!

Chúc anh chị em một bữa ăn ngon miệng và hẹn gặp lại anh chị em!

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ 


Văn Kiện Giáo Hội