Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc hội kiến chung ngày 05.11.2014: Giáo hội vừa có tính phẩm trật vừa là người Mẹ thánh thiện

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta đã nghe thấy những lời mà Thánh Phao-lô Tông Đồng gửi cho Đức Giám Mục Ti-tô. Các Đức Giám Mục chúng tôi phải thủ đắc bao nhiêu các đức tính? Chúng tôi đã có được tất cả các đức tính đó chưa? Điều đó không dễ, nó hoàn toàn không dễ, vì ngay cả chúng tôi cũng là những con người tội lỗi. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào lời cầu nguyện của anh chị em, để ít ra chúng tôi cũng có thể đến gần được với những điều mà Thánh Phao-lô Tông Đồ đã khuyên nhủ tất cả các Giám Mục chúng tôi. Anh chị em có đồng ý không? Anh chị em hãy cầu nguyện cho chúng tôi nhé?

Trong những bài Giáo Lý vừa qua, chúng ta đã có cơ hội để nêu bật việc Chúa Thánh Thần vẫn luôn phủ đầy Ân Sủng của Ngài một các dồi dào trên Giáo hội như thế nào. Và trong quyền năng cũng như trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, Chúa Ki-tô cũng khơi dậy những sứ vụ khác biệt, hầu dựng xây cộng đoàn Ki-tô hữu như là thân thể của Ngài. Trong các sứ vụ ấy, một tầm quan trọng đặc biệt được chuyển giao cho các Giám Mục. Trong số các Giám Mục mà các Linh Mục cũng như các Phó tế đứng về phía các Ngài như là các cộng sự viên, chính Chúa Ki-tô sẽ hiện diện và chăm sóc một cách riêng tư cho Giáo hội của Ngài, và ngài chăm sóc bằng cách chuyển giao cho Giáo hội sự bảo vệ và hướng dẫn của Ngài.

1.Thông qua sự hiện diện và sứ vụ của các Giám Mục, của các Linh Mục và của các Phó Tế, chúng ta có thể nhận biết được khuôn mặt đích thực của Giáo hội: Giáo hội vừa có tính phẩm trật nhưng đồng thời cũng là một người Mẹ thánh thiện. Vì trong thực tế: thông qua những người anh em được tuyển chọn bởi Thiên Chúa, nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, Giáo hội thể hiện được tình mẫu tử của mình: qua Bí Tích Thanh Tẩy, Giáo hội ban cho chúng ta một sự tái sinh trong Chúa Ki-tô; Giáo hội canh phòng cho sự phát triển Đức Tin của chúng ta; Giáo hội dẫn chúng ta đi vào trong vòng tay của Thiên Chúa Cha, để chúng ta được đón nhận ơn tha thứ của Ngài; Giáo hội chuẩn bị sẵn sàng cho chúng ta nơi bàn tiệc của Bí Tích Thánh Thể, và tại bàn tiệc này, Giáo hội cung cấp cho chúng ta Lời Chúa cũng như Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su; và Giáo hội kéo phúc lành của Thiên Chúa cũng như sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta, qua đó, Giáo hội củng cố chúng ta trong những thách đố hằng ngày của cuộc sống chúng ta, và bao bọc chúng ta bằng hơi ấm Tình Yêu của mình, đặc biệt là ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của những cơn thử thách, của sự đau khổ và của cái chết.

2.Tình mẫu tử ấy của Giáo hội được diễn tả một cách đặc biệt mạnh mẽ trong con người của vị Giám Mục và trong sứ vụ của Ngài. Vì như Chúa Giê-su đã sai các Tông Đồ đi công bố Tin Mừng và chăn dắt đoàn chiên của Ngài thế nào thì Chúa Ki-tô cũng đặt các Giám Mục với tư cách là những Đấng kế vị của các Tông Đồ, thành những người bảo vệ các cộng đoàn Ki-tô hữu, thành người canh chừng cho sự hiệp nhất trong Đức Tin của các cộng đoàn ấy, và trở nên chỉ dấu sống động cho sự hiện diện của Chúa giữa các cộng đoàn như vậy. Vì thế, chúng ta hiểu rằng, việc trở thành Giám Mục không phải là một vinh dự, cũng không phải là một vấn đề thuộc về quyền uy. Chức Giám Mục không phải là một sự tôn vinh nhưng là sự phục vụ. Chúa Giê-su đã muốn chức Giám Mục phải như thế. Trong Giáo hội không được có chỗ cho bậc thang giá trị theo tinh thần thế tục. Bậc thang giá trị theo tinh thần thế tục nói với chúng ta rằng: „Người đàn ông này đã thành công trên bước đường công danh trong Giáo hội; ông ta đã trở thành Giám Mục.“ Không, trong Giáo hội không được phép có chỗ cho cách suy nghĩ ấy. Chức Giám mục là một sự phục vụ, không phải là một vinh dự mà với nó người ta có thể khoe khoang. Trở thành Giám Mục có nghĩa là luôn đặt gương của Chúa Giê-su trước mặt, Đấng đã đến với tư cách là một mục tử tốt lành để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (xc. Mt. 20, 28; Mc.10, 45); Ngài đã đến để hiến mạng sống mình cho đoàn chiên (xc. Ga. 10, 11). Các Thánh Giám Mục – có rất nhiều Giám Mục trong lịch sử Giáo hội đã làm Thánh – chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng, người ta không tìm kiếm sự phục vụ ấy, người ta không cần tới nó, người ta không mua nó, nhưng người ta đón nhận sự phục vụ ấy trong đức vâng lời, không phải để nâng mình lên, nhưng để hạ mình xuống, như Chúa Giê-su, Đấng đã „tự khiêm tự hạ và vâng phục cho đến chết, chết trên cây thập giá“ (Phil. 2, 8). Sẽ là điều đáng buồn khi người ta nhìn thấy một con người khát khao đạt cho được chức Giám Mục, đang gắng sức để đạt được nó, và rồi khi ông ta đạt được chức Giám Mục rồi, ông ta sẽ không phục vụ nữa, nhưng lại tô vẽ cho chức vụ đó và chỉ sống cho sự tự cao tự đại của mình.

3.Còn có một yếu tố quý giá thứ ba mà nó xứng đáng được nêu bật. Chúa Giê-su đã không kêu gọi các Tông Đồ một cách riêng lẻ, nhưng Ngài đã kêu gọi chung các ông, để cùng với Ngài, Chúa Ki-tô, trở nên một gia đình duy nhất. Như vậy, các Giám Mục hiệp nhất với nhau dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng, Đấng thực thi trách nhiệm với tư cách là người bảo vệ và bảo đảm cho sự hiệp thông sâu xa ấy, mà sự hiệp thông rất quan trọng đối với Chúa Giê-su cũng như đối với các Tông Đồ của Ngài. Thật tuyệt vời biết bao khi các Giám Mục, cùng với Đức Giáo Hoàng, biểu lộ tinh thần tập thể này, và cố gắng để càng ngày càng trở nên những người phục vụ tốt hơn của các tín hữu và của Giáo hội! Mới cách đây chưa lâu, chúng ta lại có được một kinh nghiệm về điều đó khi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình diễn ra. Chúng ta hãy nghĩ tới nhiều Đức Giám Mục được phân bổ đều trên khắp thế giới, bất chấp việc các Ngài sống trong những quốc gia, những nền văn hóa và những truyền thống khác nhau – một Giám Mục mới nói với Cha rằng, Ngài đã phải bay mất 30 tiếng đồng hồ từ chỗ Ngài ở mới tới được Rô-ma – nhưng các Đức Giám Mục vẫn cảm thấy mình thuộc về nhau, cảm thấy được hiệp thông trong Chúa Ki-tô, và đồng thời cảm thấy mình như là mối liên kết của bất cứ cộng đoàn nào mà các Ngài phục vụ, lại mới nhau. Trong việc cùng cầu nguyện cho Giáo hội, các Đức Giám Mục lắng nghe Lời Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài, cam kết nghiên cứu các dấu chỉ thời đại, và giải thích chúng trong ánh sáng của Tin Mừng (GS. 4).

Các bạn thân mến, tất cả những điều đó làm cho chúng ta nhận ra lý do tại sao các cộng đoàn Ki-tô giáo khám phá ra Ân Sủng rất lớn lao trong Đức Giám mục của họ, và cảm thấy mình được kêu gọi để xây dựng một sự hiệp thông sâu xa và chân thành với Ngài, được bắt đầu từ các Linh Mục và các Phó Tế. Không thể có một Giáo hội lành mạnh nếu các tín hữu, các Phó Tế và các Linh Mục không hiệp nhất với Đức Giám Mục của mình. Một Giáo hội mà không có sự hiệp nhất với Giám Mục của mình thì đó là một Giáo hội bệnh hoạn. Chúa Giê-su đã mong muốn có được sự hiệp nhất ấy của tất cả các tín hữu, cũng như của tất cả các Linh mục và các Giám Mục với Đức Giám Mục của mình. Sự hiệp nhất này củng cố trong chúng ta niềm ý thức rằng, sự hiệp thông của bất cứ Giáo hội địa phương đơn lẻ nào với các Tông Đồ và với tất cả các cộng đoàn khác, được diễn tả trong sự hiệp nhất với Giám Mục. Tất cả mọi cộng đoàn đều được hiệp nhất với các Đức Giám Mục của mình và với Đức Giáo Hoàng, trong một Giáo hội của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta, tức Giáo hội vừa có tính phẩm trật vừa là một người Mẹ thánh thiện. Cám ơn.

 ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.

 


Văn Kiện Giáo Hội