Diễn văn của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trước các Đức Giám Mục Thụy Sĩ

Anh em trong hàng Giám Mục thân mến,

Trọng kính quý Cha Viện Phụ,

Cha xin chào kính anh em với tất cả niềm vui, vì trong những ngày này, anh em đang thực hiện chuyến viếng thăm Ad limina Apostolorum, một chuyến hành hương đầy hy vọng, huynh đệ, rộng mở và phong nhiêu đối với từng người trong anh em cũng như đối với Giáo hội tại Thụy Sĩ. Cha xin cám ơn Đức Cha Markus Büchel về những lời mà Ngài đã nhân danh tất cả để nói với Cha.

Thụy Sĩ nổi tiếng với tư cách là một đất nước hòa bình, đất nước có sự đồng tồn tại của các nền văn hóa cũng như các tín ngưỡng. Đất nước này là nơi đặt trụ sở của các tổ chức quốc tế quan trọng về hòa bình, về lao động, về khoa học và về kinh tế. Ngay cả khi nhiều cư dân đang đứng xa Giáo hội, thì hầu hết mọi người cũng đều nhìn nhận rằng, người Công Giáo và người Tin Lành có một vai trò tích cực trong lãnh vực xã hội: Sự tham gia trong tổ chức Caritas của họ mang đến cho những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề một mẫu gương về Tình Yêu dịu hiền của Thiên Chúa Cha. Đất nước của anh em có một truyền thống Ki-tô giáo lâu đời. Sang năm tới, anh em sẽ cử hành Đại Lễ Mừng Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Của Đan Viện Saint-Maurice. Đan Viện này chính là một nhân chứng đầy ấn tượng của đời sống Ki-tô giáo kéo dài liên tục suốt 1500 năm nay, một trường hợp ngoại lệ trên toàn châu Âu.

Anh em thân mến, anh em có một trách nhiệm to lớn và tuyệt vời, đó là việc làm sao để nuôi dưỡng Đức Tin trong đất nước của anh em cho được sống động. Nếu không có Đức Tin sống động vào Chúa Ki-tô phục sinh, các ngôi thánh đường và các Đan Viện đẹp đẽ sẽ dần dần biến thành những bảo tàng viện, các công trình cũng như các cơ sở đáng khen ngợi sẽ mất đi linh hồn của chúng, và sẽ chỉ để lại những không gian trống rỗng và những con người hoang đàng. Sứ mạng được trao phó cho anh em phải hàm chứa trong việc chăn dắt đoàn chiên, bằng cách, trước sau như một, nhất thiết anh em phải đi giữa chúng hay đi đàng sau chúng. Dân Chúa sẽ không thể tồn tại nếu không có các mục tử của họ, không có Giám mục hay Linh mục; với tư cách là người phục vụ sự hiệp nhất của Đức Tin và tiếp tục truyền giao Đức Tin một cách nguyên vẹn, Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội ơn kế nhiệm mang tính Tông Truyền (xc Lumen fidei, số 49). Sự kế nhiệm Tông Truyền sẽ là một hồng ân quý báu cùng với tập thể tính có nguồn gốc từ chính nó, nếu chúng ta hiểu để làm cho nó trở nên hiện thực và làm cho nó có hiệu lực, hầu hỗ trợ lẫn nhau để sống tập thể tính ấy, và để dẫn dắt những người mà Thiên Chúa đã sai chúng ta đến với họ, dẫn đưa họ tới cuộc gặp gỡ với Ngài, Đấng là „Đường, là Chân Lý và là Sự Sống“ (xc Ga 14,6). Như thế, những con người ấy, đặc biệt là các thế hệ trẻ, sẽ có thể thấy được những lý do một cách dễ dàng hơn để tin và để hy vọng.

Cha khích lệ anh em, hãy tiếp tục những nỗ lực của mình đối với việc đào tạo các Chủng Sinh. Ở đây là một vấn nạn liên quan đến tương lai của Giáo hội. Giáo hội cần tới những Linh mục, mà bên cạnh việc am hiểu một cách chắc chắn với truyền thống và giáo huấn của Giáo hội, còn để cho mình được gây xúc động bởi Chúa Ki-tô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, hướng dẫn con người đi trên những con đường của Ngài (xc. Ga 1,40-42). Do đó các Linh mục ấy sẽ học hỏi để càng ngày càng sống trong sự hiện diện của Chúa Ki-tô, bằng cách đón nhận Lời của Ngài, nuôi dưỡng mình bằng Bí Tích Thánh Thể, làm chứng cho tầm quan trọng mang tính chữa lành của Bí Tích Giao Hòa, và kiếm tìm „những gì thuộc về Thiên Chúa Cha“ (Lc 2,49). Trong sự hiệp thông huynh đệ, các Linh mục sẽ có được một sự trợ giúp đầy công hiệu khi chứng kiến cơn cám dỗ muốn co rút lại trong chính mình hay trong một đời sống hư ảo, cũng như tìm thấy được một phương dược có tính chữa lành thường xuyên nhằm trị liệu sự cô độc đôi khi rất nặng nề. Cha mời gọi anh em, hãy trao cho các Linh mục của anh em sự kính trọng, cũng như hãy dành thời gian cho họ, đặc biệt là khi họ đã bỏ đi và đã quên mất ý nghĩa về tình phụ tử tinh thần của Giám Mục, hay nghĩ rằng không cần tới tình phụ tử ấy nữa. Một cuộc đối thoại bình dị, chân thành và huynh đệ sẽ thường tạo điều kiện cho một sự tái khởi động.

Anh em đã mở ra một sự cộng tác cần thiết giữa các Linh mục và những người Giáo dân. Trong thực tế, sứ mạng của người Giáo dân trong Giáo hội có một ý nghĩa quan trọng, vì họ đóng góp vào với đời sống của các Giáo xứ cũng như các cơ sở thuộc Giáo hội, với tư cách là những cộng tác viên trong các hoạt động công vụ hay mang tính danh dự. Thật tốt trong việc đánh giá cao sự tham gia của họ, cũng như hỗ trợ cho sự tham gia ấy, nhưng dưới sự tuân thủ một cách rõ ràng trước sự phân biệt giữa chức Linh mục cộng đồng của các tín hữu với chức Linh mục thừa tác. Trong điểm này, Cha khuyến khích anh em, hãy tiếp tục việc đào tạo những người đã được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy trước các chân lý Đức Tin cũng như về tầm quan trọng của chúng đối với đời sống Phụng vụ, Giáo xứ, gia đình và xã hội, cũng như hãy tuyển chọn các cộng sự viên một cách chu đáo và ân cần. Như vậy, anh em sẽ tạo điều kiện cho các Giáo dân hợp nhất với nhau một cách thực sự trong Giáo hội, giúp họ nhận được chỗ của mình trong Giáo hội, và làm cho ân sủng của Bí Tích Thanh Tẩy mà họ đã lãnh nhận trở nên phong nhiêu, cùng đi đến với sự thánh thiện và mang đến niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Sứ mạng chúng ta đã được đón nhận từ Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy đi đến với những người mà chúng ta tiếp xúc với họ, ngay cả khi họ khác biệt với chúng ta về văn hóa, về tín ngưỡng tôn giáo hay về Đức Tin của họ. Nếu chúng ta tin vào các tác động tự do và đại lượng của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ có thể hiểu cũng như sẽ có thể cộng tác với nhau một cách tốt hơn nhằm phục vụ xã hội hơn nữa, cũng như tham gia một cách cương quyết cho hòa bình. Công cuộc Đại Kết không chỉ là một sự đóng góp cho sự hiệp nhất của Giáo hội, nhưng cũng còn là một sự đóng góp nhằm đưa đến sự hiệp nhất của toàn gia đình nhân loại (xc Evangelii gaudium, số 245). Công cuộc đại Kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc chung sống hòa bình và huynh đệ. Nhưng trong việc cầu nguyện và trong việc cùng loan báo Chúa Giê-su, chúng ta phải chú ý trong việc cho phép các tín hữu của bất cứ niềm tuyên xưng Ki-tô giáo nào cũng đều được sống niềm tin của họ một cách rõ ràng và được giải phóng khỏi sự nhầm lẫn, và không hề có chuyện cắt bớt đi những khác biệt về giá trị của chân lý. Chẳng hạn như khi chúng ta đem che giấu đi Đức Tin của mình vào Bí Tích Thánh Thể, dưới một lý do của một sự tử tế nào đó, thì có nghĩa là chúng ta đã không sử dụng kho tàng riêng của mình cũng như đã không đón nhận những người bạn đối thoại của chúng ta một cách nghiêm túc cho đủ. Cũng vậy, trong các trường học, giờ học về tôn giáo phải lưu ý đến tính đặc biệt của bất cứ tín ngưỡng nào.

Cha cũng khuyến khích anh em, hãy nói một lời rõ ràng chung về các vấn đề của cộng đồng, trong một khoảnh khắc mà trong đó chính con người – thậm chí ngay trong nội bộ Giáo hội – bị cám dỗ, muốn từ bỏ tính thực tế nơi chiều kích xã hội của Tin Mừng (xc. Evangelii gaudium, số 88). Tin Mừng sở hữu sức mạnh riêng và nguyên thủy của nó hầu thực hiện các đề nghị. Trách nhiệm của chúng ta là giới thiệu Tin Mừng trong mức độ toàn vẹn của nó, làm cho nó trở nên có thể mà không hề làm vẩn đục cho vẻ đẹp của nó, cũng không làm yếu đi sự thúc đẩy của nó, hầu làm cho nó đến được với những người mà họ đang phải bận tâm tới những khó khăn của cuộc sống hằng ngày; họ đang kiếm tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình, hay những người đã đi ra khỏi Giáo hội. Bị gây thất vọng hay đang bị loay hoay với vấn đề tài chánh, họ để cho mình bị lôi cuốn bởi những cách nghĩ mà chúng bác bỏ một cách hoàn toàn có ý thức về chiều kích siêu việc của con người, của cuộc sống và của các mối tương quan nhân loại, đặc biệt nhất là khi chứng kiến những nỗi khổ đau cũng như sự chết. Chứng tá của các Ki-tô hữu và của các Cộng Đoàn Giáo xứ sẽ có thể chiếu sáng một cách thực sự cho con đường của họ, cũng như có thể hỗ trợ cho những cố gắng của họ trong việc hướng tới hạnh phúc. Và như thế, Giáo hội tại Thụy Sĩ sẽ có thể trở nên chính mình một cách rõ ràng hơn, trở nên thân mình Chúa Ki-tô và Dân Thiên Chúa, không chỉ là một tổ chức đẹp, một NGO mới.

Ngoài ra, thật quan trọng rằng, các mối tương quan giữa Giáo hội và các tiểu bang của quốc gia sẽ được tiếp tục thực hiện một cách an bình. Sự phong phú của nó nằm trong một sự cộng tác đặc biệt cũng như trong việc giới thiệu các giá trị của Tin Mừng trong đời sống cộng đồng và trong các quyết định công cộng. Nhưng điều đặc biệt của các mối tương quan này đã thúc đẩy một sự phản chiếu mà nó đã bắt đầu từ nhiều năm nay, hầu duy trì sự khác biệt của các chức năng giữa các hiệp hội và các cơ cấu của Giáo hội Công giáo. Kim chỉ nam mà nó được thực hành trong thực tế lúc này, chính là một bước tiến tiếp theo trên con đường làm sáng tỏ và các mối thông tin liên lạc. Mặc dù các điều kiện áp dụng giữa các Giáo phận có sự khác biệt, một sự làm việc chung cũng sẽ giúp anh em cộng tác tốt hơn với các cơ quan thuộc các tiểu bang. Nếu Giáo hội ngăn ngừa việc lệ thuộc vào các cơ sở mà chúng có thể đặt gánh nặng lên một phong cách sống thông qua những phương tiện kinh tế, mà phong cách sống ấy ít gắn bó với Chúa Ki-tô, Đấng đã trở nên nghèo hèn, thì chắc chắn Giáo hội sẽ làm cho Tin Mừng trở nên tốt hơn trong các cấu trúc của mình.

Anh em thân mến, Giáo hội có nguồn cội của mình trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nhờ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, các Tông Đồ đã đi ra khỏi chính mình và bắt đầu nói nhiều ngôn ngữ, và nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Ngài đã có thể loan báo cho toàn thể nhân loại biết Đức Tin sống động của các Ngài vào Chúa Ki-tô phục sinh. Đấng Phục Sinh không ngừng tái mời gọi chúng ta hãy loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Người ta phải công bố Tin Mừng và không được phép cúi mình trước những tính khí của con người. Chúng ta thường cố trả lời mà không hề nhận thấy rằng, những người bạn đối thoại của chúng ta hoàn toàn không kiếm tìm những câu trả lời. Người ta phải loan báo Tin Mừng, phải đi đến với người khác, phải đặt ra những câu hỏi trong tầm nhìn truyền giáo không hề bị vượt qua: „Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; tất cả chúng tôi xin làm chứng về điều ấy“ (Cv 2,32).

Cha xin cam đoan về việc cầu nguyện của Cha cho anh em, cho các Linh Mục của anh em, và cho các Giáo phận của anh em. Cha xin cầu chúc anh em, hãy canh tác cánh đồng của Thiên Chúa với sự đam mê và kiên nhẫn, và do đó, hãy duy trì niềm đam mê cho chân lý, và Cha khuyến khích anh em, tất cả hãy cùng nhau hành động một cách cương quyết. Cha xin phó thác tương lai của việc loan báo Tin Mừng trong đất nước của anh em cho Đức Trinh Nữ Maria và cho lời bầu cử của Thánh Ni-cô-la thành Flüe, cũng như cho Thánh Mauritius và các Bạn của Ngài. Với tất cả tấm lòng của Cha, Cha ban phép lành Tông Tòa cho anh em, và với tình huynh đệ, Cha xin anh em, đừng quên cầu nguyện cho Cha.

Vatican ngày mồng 01 tháng 12 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ