Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Kính Đức Mẹ Guadalupe tại Đền Thờ Thánh Phê-rô: Ước gì Mỹ Châu La-tinh sẽ trở thành châu lục của niềm hy vọng!

„Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,

xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,

cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,

và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.

Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,

chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!

Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,

vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,

Người cai trị muôn nước theo đường chính trực

và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.

Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,

chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.

Ðất đã sinh ra mùa màng hoa trái:

Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc.

Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta!

Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!“ (Tv 67)

Lời cầu nguyện vùa rồi của Vịnh Gia, tức lời cầu xin ơn tha thứ và phúc lành xuống cho các dân tộc và các quốc gia, và đồng thời cũng là một bài Thánh Ca đầy niềm vui, diễn tả về ý nghĩa thiêng liêng của Đại Lễ hôm nay. Với niềm biết ơn và với niềm vui, các dân tộc và các quốc gia thuộc quê hương rộng lớn của Mỹ Châu La-tinh chúng ta hôm nay cử hành Đại Lễ Kính Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu Guadalupe, Nữ Bổn Mạng của mình. Việc tôn kính Đức Mẹ Guadalupe trải dài suốt từ Alaska tới Patagonie. Và từ Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel tới Thánh Nữ Elisabeth và cho tới chúng ta hôm nay, tất cả đang vang lên lời nguyện cầu con thảo của chúng ta: „Kính chào Đức Maria đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà…

Nhân ngày Đại Lễ Kính Đức Trinh Nữ Guadalupe này, chúng ta hãy nghĩ tới cuộc viếng thăm và sự đồng hành từ mẫu của Mẹ với lòng đầy biết ơn. Cùng với Mẹ, chúng ta cất lên bài ca Magnificat, và chúng ta trao phó cho Mẹ cuộc sống của các dân tộc chúng ta, cũng như trao phó cho Mẹ „sứ vụ truyền giáo mang tính châu lục“ của Giáo hội.

Khi Mẹ hiện ra với Thánh Juan Diego tại Tepeyac, Mẹ đã tự biểu lộ mình như là người Mẹ trinh trong của Thiên Chúa thật qua mọi thời, và Mẹ cũng đã hiện ra ở đó một lần nữa. Mẹ đã đến để chăm lo cũng như để ôm các dân tộc Mỹ Châu vào lòng, trong một cuộc hiện ra đầy ấn tượng. Nó giống như là „một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng“ (Kh 12,1), người Phụ Nữ ấy tiếp nhận trong mình biểu tượng văn hóa và tôn giáo của các dân tộc bản địa, và công bố cũng như ban tặng Con của mình cho các dân tộc mới mà họ đang bị giằng xé.

Nhiều người nhảy lên vì vui mừng và hy vọng trước cuộc hiện ra và trước quà tặng của Chúa Con, và của Tớ Nữ hoàn mỹ của Thiên Chúa, Người đã trở thành „Nữ đại truyền giáo, người mang Tin Mừng vào trong châu Mỹ chúng ta“ (Văn kiện Aparecida). Như vậy, Người Con của Đức Maria rất thánh, Đấng đầu thai vô nhiễm nguyên tội, đã bày tỏ mình ngay vào lúc bắt đầu lịch sử của các dân tộc mới „như là Thiên Chúa Thật mà chúng ta sống vì Người“, như là Tin Mừng về phẩm giá nơi tình con thảo của tất cả mọi công dân thuộc châu lục. Không ai còn là tôi tớ nữa, nhưng tất cả chúng ta đều là con của cùng một Cha, và là anh chị em của nhau.

Tuy nhiên, Thân Mẫu rất thánh của Thiên Chúa đã không chỉ muốn viếng thăm dân tộc này, nhưng cũng còn muốn lưu lại với dân tộc ấy nữa. Với một cách thức đầy nhiệm màu, Mẹ đã để lại hình ảnh của Mẹ trên chiếc áo choàng của người làm sứ giả cho Mẹ, để Mẹ lưu lại một cách hiển nhiên. Như thế, chiếc áo choàng trở thành biểu tượng của khế ước giữa Đức Maria và dân tộc này, tức dân tộc mà Mẹ đã ban tặng rất nhiều sự chăm sóc và trìu mến. Nhờ lời bầu cử của Mẹ, Đức Tin Ki-tô giáo bắt đầu trở thành kho tàng quý giá nhất của các tâm hồn nơi các dân tộc Mỹ Châu La-tinh, mà viên ngọc quý giá nhất chính là Chúa Giê-su Ki-tô: một gia tài tự giãi bày và được tiếp tục trao đi cho tới ngày hôm nay trong Bí Tích Thanh Tẩy của rất nhiều người, trong Đức Tin, trong niềm hy vọng và trong Đức Ái đối với tha nhân, trong sự phong phú của lối sống đạo đức bình dân, và trong nguyên tắc đối nhân xử thế của người Mỹ Châu La-tinh này, tức nguyên tắc thể hiện sự khôn ngoan về phẩm giá của con người, phẩm giá của việc dấn thân một cách hăng say cho công lý, phẩm giá của tình liên đới với những người nghèo túng và đau khổ nhất, phẩm giá của niềm hy vọng đôi khi trái với tất cả mọi niềm hy vọng khác.

Vì thế, hôm nay và ở đây chúng ta có thể tiếp tục ca ngợi Thiên Chúa vì muôn điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện trong đời sống của các dân tộc Mỹ Châu La-tinh. Theo phong cách của Ngài, Thiên Chúa đã che giấu những điều ấy với những người khôn ngoan và thông thái, nhưng Ngài lại mạc khải cho những kẻ bé mọn và khiêm nhu nhất, cũng như cho những kẻ chất phác trong tâm hồn (Mt 11,25). Trong những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho nên thành toàn trong Đức Maria, Mẹ đã nhận ra cách thế của Con mình hành động trong lịch sử cứu độ thế giới. Bài ca của Đức Maria tuyên xưng rằng, Thiên Chúa sẽ hủy bỏ những bản án trên thế gian, sẽ hủy bỏ sự tôn thờ ngẫu tượng quyền lực, ngẫu tượng giầu sang, ngẫu tượng thành công bằng mọi giá, ngẫu tượng bất phụ thuộc một cách tuyệt đối, ngẫu tượng tự cao tự đại, và chủ nghĩa Messia bị tục hóa – một chủ nghĩa dẫn người ta tới chỗ xa rời Thiên Chúa. Và bài ca ấy cũng tuyên xưng rằng, Thiên Chúa muốn cho những ý thức hệ và những quyền lực thế gian bị xoay chiều. Ngài nâng cao những người khiêm hạ, Ngài đến để cứu giúp những người nghèo và những người bé nhỏ, Ngài ban phúc lành và niềm hy vọng cho những ai tín thác vào lòng nhân hậu trải dài suốt từ đời nọ sang đời kia của Ngài, trong khi đó Ngài lại hạ bệ những kẻ giầu sang quyền quý, Ngài xô đẩy những kẻ quyền uy và những kẽ thống trị ra khỏi ngai báu của chúng.

Do đó, bài ca Magnificat dẫn đưa chúng ta tới với các mối phúc, đó là bản văn tóm gọn và là sự tiên trưng của Tin Mừng. Trong ánh sáng của bài ca đó, chúng ta cảm thấy được thúc giục để cầu xin, hầu cho tương lai của Mỹ Châu La-tinh được mang đến cho những người nghèo và những người khổ đau, cho những người khiêm nhượng, những người đang đói khát sự công chính, những người nhân hậu, những người có tâm hồn tinh tuyền, những người kiến tạo hòa bình, và cho những người bị bách hại vì danh Chúa Giê-su Ki-tô, „vì Nước Trời là của họ“ (Mt 5, 1-11). Ước gì ân sủng sẽ bao bọc tất cả những ai mà ngày hôm nay đang bị biến thành nô lệ bởi hệ thống tôn thờ ngẫu tượng của một xã hội vất bỏ, bị biến thành đối tượng của sự bóc lột, hay đơn giản là bị biến thành đối tượng của sự ruồng bỏ.

Chúng ta hãy cầu xin để Mỹ Châu La-tin trở thành „châu lục của niềm hy vọng“ cũng như để trở nên một mô hình mới trong việc phát triển đối với toàn lục địa, kết hợp truyền thống Ki-tô giáo và sự tiến bộ, công lý và sự bình đẳng với sự hòa giải, kết hợp các bước tiến về khoa học và kỹ thuật với sự khôn ngoan nhân loại, kết hợp những nỗi đau khổ có khả năng đơm bông kết trái với niềm vui tràn đầy hy vọng. Người ta chỉ có thể bảo vệ niềm hy vọng này bằng một tập hợp lớn của chân lý và Tình Yêu, với nền móng của thực tế, với những lực đẩy mang tính cách mạng của một cuộc sống mới đích thực.

Chúng ta hãy đặt thực tế và lời cầu xin này lên bàn thờ như là một của lễ đầy biết ơn đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin Ngài tha thứ cho chúng ta, và chúng ta hãy tín thác vào lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta hãy cử hành hy tế và cuộc chiến thắng mang tính phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Đấng giải phóng chúng ta khỏi tất cả mọi cảnh nô lệ và sự cùng khốn của chúng ta, mà chúng đến từ tội lỗi. Ngài là đại đá tảng góc tường của lịch sử - và đã từng là viên đá bị vứt bỏ. Ngài kêu gọi chúng ta hãy sống một sự sống đích thực, một cuộc sống nhân loại, một cuộc chung sống với tư cách là những người anh em và những người chị em; giờ đây Ngài đang mở sẵn những cánh cửa của trời mới và đất mới. Chúng ta hãy cầu xin cùng Rất Thánh Trinh Nữ Maria, như Mẹ đã hiện ra tại Guadalupe – Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương, bà Chúa, Đức Trinh Nữ, „người con nhỏ bé của Mẹ“, như Mẹ đã gọi Thánh Juan Diego như thế, và tất cả những danh hiệu đầy mến yêu khác, mà trong các danh hiệu đó, chúng ta hướng về Mẹ với lòng đạo đức bình dân – xin Mẹ tiếp tục đồng hành, giúp đỡ và chở che các dân tộc của chúng ta.

Trong cuộc lữ hành trần thế, ước gì cánh tay Mẹ sẽ dìu dắt tất cả mọi người con đang tiến đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô, Con của Mẹ, Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đang hiện diện trong Giáo hội, trong các Bí Tích và trước hết là trong Bí Tích Thánh Thể, hiện diện trong kho tàng Lời Chúa và Giáo huấn của Ngài, hiện diện trong dân thánh của Thiên Chúa, trong những người khổ đau và trong những người có tấm lòng khiêm cung. Và nếu chương trình rất can trường này đe dọa chúng ta hay sự hẹp hòi của thế gian uy hiếp chúng ta, thì ước chi Mẹ sẽ tái nói với tâm hồn chúng ta và nói với giọng nói đầy từ mẫu của Mẹ rằng: Con sợ hãi trước điều chi? Chẳng lẽ Mẹ đây không phải là Mẹ của con sao?

Ngày 12 tháng 12 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội