Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong đêm Đại Lễ Chúa Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phê-rô: Thế giới cần nhiều đến sự trìu mến hơn nữa!

Anh chị em thân mến,

Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết“ (Is 9,1). „“Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ (các mục đồng) và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh khiến họ kinh khiếp hãi hùng“ (Lc 2,9). Phụng Vụ trong Đêm Cực Thánh này đặt ra trước mắt chúng ta cuộc Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế với những lời như thế: với tư cách là ánh sáng xuyên thủng màn đêm đen tối và xóa tan bóng đêm ấy. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân của Người lấy đi gánh nặng của sự thất bại và nỗi buồn đau của kiếp nô lệ, cũng như tạo nên niềm vui và hạnh phúc.

Trong Đêm Rất Thánh này, xuyên qua màn đêm đen tối đang bao phủ trái đất, chúng ta cũng đã đi đến Nhà Chúa, nhưng chúng ta đã được dẫn lối bởi ngọn lửa Đức Tin, ngọn lửa ấy đang soi rọi cho những bước chân của chúng ta, và chúng ta được đem lại sinh khí bởi niềm hy vọng được thấy „Ánh Sáng chan hòa“. Nếu chúng ta mở cõi lòng của chúng ta ra, chúng ta sẽ có được khả năng để nhìn thấy những điều tuyệt vời của một Hài Nhi, mà Hài Nhi ấy bừng sáng lên như mặt trời từ trên cao cũng như chiếu sáng đến tận chân trời.

Nguồn cội của bóng tối mà bởi nó thế giới đang bị vây bủa, đang mất dạng trong đêm tối của thời gian. Chúng ta hãy nhớ lại khoảnh khắc đen tối mà trong đó tội ác đầu tiên của nhân loại được bắt đầu, khi Ca-in, bị mù lòa trước sự ghen tị, đã sát hại người em của mình (xc. St 4,8). Và do đó quá trình của những thế kỷ đã bị đánh dấu bởi bạo lực, chiến tranh, hận thù và áp bức. Nhưng Thiên Chúa, Đấng đặt những niềm trông chờ của Ngài trên con người – Ngài đã sáng tạo nên họ theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài -, Ngài đã và đang chờ đợi. Ngài đã chờ đợi quá lâu đến độ vào một thời điểm xác định, Ngài đã thực sự muốn bỏ cuộc. Nhưng Ngài không thể bỏ cuộc, bởi Ngài không thể từ chối chính mình (xc. 2 Tim 2,13). Vì thế, Ngài lại tiếp tục chờ đợi một cách kiên nhẫn khi tận mắt chứng kiến những hủ hóa của nhân loại và của các dân tộc.

Xuyên qua con đường lịch sử, và xuyên qua bóng tối, ánh sáng mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là một người Cha, và rằng, sự trung tín mang tính kiên định của Ngài mạnh mẽ hơn bóng tối và sự hủ hóa. Đó là sứ điệp thực sự của Đại Lễ Chúa Giáng Sinh. Thiên Chúa không biết đến cơn thịnh nộ điên cuồng, và Ngài cũng không biết đến sự bất nhẫn; Ngài luôn luôn ở đó, giống như người Cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, trong sự chờ đợi, để nhận ra sự trở về của đứa con ngay từ đàng xa.

Ngôn Sứ Isaia đã loan báo sự xuất hiện của một Ánh Sáng đầy quyền năng, mà Ánh Sáng ấy chiếu sáng xuyên qua màn đêm đen tối. Ánh Sáng ấy đã được sinh ra tại Bê-lem và được đón nhận bởi đôi tay từ ái của Đức Maria, bởi Tình Yêu của Thánh Giu-se vả bởi sự ngỡ ngàng của các mục đồng. Khi các Thiên Sứ báo tin cho các mục đồng biết về cuộc Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế, các Ngài đã nói: „Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ“ (Lc 2,12). „Dấu chỉ“ chính là sự khiêm nhượng được đẩy đến tột cùng của Thiên Chúa; đó là Tình Yêu, mà với Tình Yêu ấy, trong chính đêm ấy, Thiên Chúa đã đón nhận sự yếu nhược của chúng ta, nhận lấy những cơn đau khổ, những nỗi sợ hãi, những niềm khát mong và những giới hạn của chúng ta. Sứ điệp mà tất cả chờ đợi, và tìm kiếm trong sự thầm kín sâu xa, không phải là điều gì khác ngoài sự trìu mến của Thiên Chúa: Thiên Chúa, Đấng ngắm nhìn chúng ta bằng một cái nhìn được lấp đầy bởi Tình Yêu, Đấng đón nhận nỗi khốn cùng của chúng ta; Thiên Chúa, Đấng bị đắm say trong sự nhỏ bé của chúng ta.

Nếu chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giê-su hài Đồng trong Đêm Cực Thánh này, ngay khi Ngài vừa được được sinh ra và được đặt vào trong chiếc máng dành để đổ thức ăn cho gia súc, thì chúng ta sẽ được mời gọi để suy tư: chúng ta đón nhận sự trìu mến của Thiên Chúa như thế nào? Tôi có để cho sự trìu mến đó đạt được tới mình hay không? Tôi có để cho mình được Ngài ôm chầm lấy không? Hay tôi lại cản ngăn việc Ngài đến gần tôi? „Nhưng tôi kiếm tìm Thiên Chúa“ – chúng ta có thể cãi lại như thế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là việc kiếm tìm Ngài, nhưng là để cho Ngài tìm thấy được tôi cũng như để cho Ngài vỗ về tôi với Tình Yêu tràn đầy. Đó là câu hỏi duy nhất, mà Chúa Giê-su Hài Đồng đặt ra cho chúng ta, đặc biệt là với sự hiện diện của Ngài: Tôi có để cho Thiên Chúa yêu thương tôi không?

Nhưng chúng ta phải tiến thêm một bước nữa: Chúng ta có can đảm để cùng mang vác những trạng huống khó khăn cũng như những vấn đề của những người đang sống bên cạnh chúng ta với sự trìu mến không? Hay chúng ta lại ưa thích kiếm tìm những giải pháp khách quan, mà có lẽ những giải pháp ấy mang lại hiệu quả nhưng chúng lại thiếu vắng nhiệt huyết của Tin Mừng? Thế giới hôm nay rất cần tới sự trìu mến là dường nào!

Câu trả lời của người Ki-tô hữu không thể khác ngoài việc mà Thiên Chúa đã trao ban khi tận mắt chứng kiến sự hèn mọn của chúng ta. Cuộc sống phải được phát triển với những điều tốt lành cũng như với sự dịu hiền. Khi chúng ta ý thức được rằng, Thiên Chúa bị đắm say trong sự hèn mọn của chúng ta, rằng chính Thiên Chúa tự trở nên bé nhỏ để gặp gỡ chúng ta tốt hơn, chúng ta sẽ không thể làm gì khác ngoài việc mở tấm lòng của chúng ta ra cho Ngài, và cầu xin Ngài rằng: „Lạy Chúa, xin giúp con để con trở nên giống như Chúa; xin ban cho con ơn trìu mến trong những trạng huống khó khăn nhất của cuộc sống; xin ban cho con ơn trở nên gần gũi trong nỗi cùng khốn của mỗi người, ơn dịu dàng trong bất cứ cuộc xung đột nào cũng như mãi mãi“.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đến chiêm ngưỡng hang đá trong Đêm Rất Thánh này. Đã xảy ra tại đó: „Dân sống trong bóng tối lầm than đã nhìn thấy ánh sáng chan hòa“ (Is 9,1). Dân tộc đơn thành đã nhìn thấy ánh sáng; đó là bất cứ ai sẵn sàng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Những kẻ kiêu căng hách dịch và những kẻ đưa ra những quy định theo những tiêu chuẩn riêng của mình, những kẻ khép kín trong thái độ của mình, tất cả những kẻ ấy đều đã không nhìn thấy ánh sáng đó. Chúng ta hãy ngắm nhìn hang đá và chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Trinh Nữ Maria với lời nguyện: „Ôi lạy Mẹ Maria, xin Mẹ chỉ cho chúng con thấy Chúa Giê-su!“.

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.

 


Văn Kiện Giáo Hội