Thư của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi các Ki-tô hữu tại Trung Đông

Anh chị em thân mến,

Chúc tụng Thiên chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta. Người là Cha giầu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó“ (2 Cr 1,3-4).

Cha đã bất chợt nhớ tới những lời trên của Thánh Phao-lô Tông Đồ khi Cha nghĩ tới chuyện sẽ viết thư gửi tới anh chị em, hỡi anh chị em Ki-tô hữu tại vùng Trung Đông thân mến. Cha viết lá thư này nhân dịp Đại Lễ Chúa Giáng Sinh đang gần kề, vì Cha biết rằng, đối với nhiều người trong anh chị em, những giai điệu của những bài ca Giáng Sinh sẽ được trộn lẫn với nước mắt và những tiếng thở than. Thế nhưng, cuộc Giáng Sinh của Con Thiên Chúa trong thân xác nhân loại chúng ta lại là một mầu nhiệm khôn tả xiết của sự ủi an: „Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người“ (Tt 2,11).

Tiếc rằng, trong thời gian vừa qua đã không thiếu những nỗi khổ đau và tình trạng tuyệt vọng tại Trung Đông. Những điều ấy đã trở nên trầm trọng hơn trong những tháng vừa qua bởi các cuộc xung đột đang gây ra những nỗi khổ ải trong vùng, nhưng trước hết bởi tác động của một tổ chức khủng bố hoàn toàn mới mẻ và đáng sợ nhất từ trước tới nay, mà người ta không thể ngờ tới quy mô của chúng. Tổ chức này đang phạm phải tất cả mọi dạng thức của những điều phi pháp, và đang sử dụng những thủ đoạn phi nhân tính. Tổ chức ấy đã làm tổn thương một cách hoàn toàn đặc biệt đến một số người trong anh chị em: Họ bị ép buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở của mình bằng những cách thế tàn nhẫn, mà tại xứ sở ấy các Ki-tô hữu đã sống như là tổ ấm suốt từ thời các Thánh Tông Đồ.

Trong khi hướng đến anh chị em, Cha không thể để các nhóm tôn giáo và sắc tộc khác ra ngoài sự kính trọng của Cha, mà những nhóm ấy cũng đang phải chịu khổ đau dưới sự bách hại cũng như dưới những hậu quả của những cuộc xung đột này. Hằng ngày Cha vẫn theo dõi tin tức về nỗi khổ đau quá mức của nhiều người tại Trung Đông. Cha nghĩ một cách đặc biệt tới các em nhỏ, tới những người mẹ, những cụ già, những người bị trục xuất và những người tị nạn, nghĩ đến tất cả những người đang đói khổ, nghĩ đến những người mà họ đang phải trải qua sự khắc nghiệt của mùa Đông mà không hề có một mái nhà bảo vệ trên đầu. Nỗi khổ đau nay đang kêu thấu tới Thiên Chúa, và kêu gọi tất cả chúng ta hãy tham gia trong sự cầu nguyện và trong bất cứ dạng thức sáng kiến nào. Cha muốn bày tỏ với tất cả những người ấy về sự gần gũi và sự liên đới của Cha cũng như của toàn thể Giáo hội, và muốn nói với tất cả những người ấy một lời an ủi, một lời hy vọng.

Anh chị em thân mến, anh chị em đang can đảm làm chứng cho Chúa Giê-su trong đất nước của anh chị em – đất nước được chúc lành bởi Thiên Chúa, sự an ủi và niềm hy vọng của chúng ta là chính Chúa Giê-su. Vì thế, Cha khích lệ anh chị em, hãy lưu lại trong sự hiệp thông vững chắc với Ngài như ngành nho với thân nho, trong sự nhận thức rằng, không tình trạng tuyệt vọng lẫn nỗi khốn cùng nào, kể cả sự bách hại, có thể tách anh chị em ra khỏi Chúa Ki-tô (xc. Rom 8,35). Ước gì cơn thử thách mà anh chị em đang phải trải qua sẽ tăng cường thêm Đức Tin và niềm trung tín cho tất cả anh chị em.

Cha cầu xin rằng, anh chị em sẽ có thể sống tình hiệp thông huynh đệ theo mẫu gương của cộng đoàn Giê-ru-sa-lem tiên khởi. Vì sự hiệp nhất được mong muốn bởi Thiên Chúa chúng ta  thì cần thiết trong những khoảnh khắc đầy khó khăn này hơn bất cứ lúc nào; sự hiệp nhất chính là quà tặng của Thiên Chúa, quà tặng ấy kêu gọi sự tự do của chúng ta cũng như chờ đợi câu trả lời từ phía chúng ta. Ước chi Lời Chúa, các Bí Tích, việc cầu nguyện và tình huynh đệ sẽ thường xuyên nuôi dưỡng và canh tân các cộng đoàn của anh chị em.

Tình trạng mà anh chị em đang sống trong đó là một lời mời gọi mạnh mẽ đối với sự thánh thiêng của sự sống, như các Thánh và các vị Tử Đạo của tất cả mọi chi nhánh Giáo hội đã chứng tỏ. Trong Tình Yêu và sự kính trọng, Cha nghĩ tới các vị mục tử và các tín hữu đã phải hy sinh mạng sống của mình trong thời gian vừa qua, thường chỉ vì sự thật rằng, họ là các Ki-tô hữu. Cha cũng nghĩ tới những người bị bắt cóc, mà trong số họ có một số các Đức Giám mục thuộc chính Thống giáo cũng như các Linh mục thuộc các nghi lễ khác nhau. Ước chi các Ngài sớm được trở về lại với những ngôi nhà và các cộng đoàn của mình một cách bình an vô sự! Cha cầu xin cùng Chúa rằng, ước chi nỗi khổ đau được liên kết với thập giá của Chúa sẽ mang lại hoa trái là sự bình an cho Giáo hội và cho các dân tộc thuộc khu vực Trung Đông.

Sự hiệp thông được sống nơi anh chị em, trong tình huynh đệ và trong sự đơn thành, ở ngay giữa những thái độ thù địch và xung đột, chính là một chỉ dấu về Triều Đại Thiên Chúa. Cha vui mừng về các mối tương quan tốt lành và về sự cộng tác giữa các Đức Thượng Phụ Giáo Chủ thược Chính Thống giáo và các Đức Thượng Phụ Giáo Chủ thuộc các Giáo hội Công Giáo Đông Phương, cũng như giữa các tín hữu của các Giáo hội khác nhau. Những nỗi khổ đau được gánh mang bởi các Ki-tô hữu đang hoàn thành một sự đóng góp vô giá cho công cuộc hiệp nhất. Đó là sự đại kết của máu, mà công cuộc đại kết ấy đòi hỏi một sự trao hiến đầy tin tưởng vào tác động của Chúa Thánh Thần.

Ước chi những khó khăn sẽ luôn biến thành những cơ hội để anh chị em làm chứng cho Chúa Giê-su! Chính sự hiện diện của anh chị em là một điều vô cùng quý giá đối với vùng Trung Đông. Anh chị em là một đoàn chiên nhỏ, nhưng với một trách nhiệm to lớn trong đất nước, nơi mà Ki-tô giáo đã phát sinh và đã lan rộng. Anh chị em được ví như men trong khối bột. Các Ki-tô hữu đang hiện diện tại vị trí đầu tiên trước nhiều công việc của Giáo hội, được đánh giá cao bởi tất cả mọi người, trong lãnh vực thuộc hệ thống giáo dục và y tế,  hay trong những công trình trợ giúp. Anh chị em chính là một kho báu lớn nhất trong vùng. Cha xin cám ơn về sự kiên định của anh chị em!

Những nỗ lực của anh chị em trong việc cộng tác với những người thuộc các tôn giáo khác – Do-thái giáo và Hồi giáo – chính là một chỉ dấu tiếp theo cho Triều Đại Thiên Chúa. Hoàn cảnh càng khó khăn thì việc đối thoại liên tôn càng cần thiết. Không có con đường khác. Sự đối thoại được đặt nền móng trên một thái độ cởi mở trong Chân lý và Đức Ái cũng là phương tiện tốt nhất nhằm chống lại cơn cám dỗ của sự cực đoan về tôn giáo, mà sự cực đoan này đang thể hiện như là một mối đe dọa đối với các tín hữu của tất cả mọi tôn giáo. Đồng thời, đối thoại cũng là một sự phục vụ cho công lý, và là một điều kiện tiên quyết cần thiết đối với nền hòa bình đang rất được khát khao.

Phần đông nhất của anh chị em đang sống trong một môi trường với đa số là người Hồi giáo. Anh chị em có thể giúp đỡ các công dân thuộc Hồi giáo đang cùng chung sống với mình, để với với khả năng biện phân, chỉ ra một hình ảnh xác thực của Hồi giáo, mà biết bao nhiêu người trong họ đang ước muốn, họ không ngừng lập đi lập lại rằng, Hồi giáo là một tôn giáo của hòa bình, rằng Hồi giáo để cho mình thống nhất với sự kính trọng nhân quyền và có thể thúc đẩy cuộc sống chung của tất cả mọi người. Điều đó sẽ có ích lợi đối với họ cũng như đối với toàn xã hội. Tình cảnh bi ai mà các anh chị em Ki-tô hữu của chúng ta tại I-rak cũng như các tín hữu Jesiden và các tín đồ của các tôn giáo khác, kể cả các cộng đồng sắc tộc khác đang phải trải qua, đòi hỏi tất cả những người mang trách nhiệm tôn giáo phải thể hiện một quan điểm rõ ràng và can đảm, họ phải đồng lòng và phân minh trong việc kết án tội ác ấy, cũng như công khái tố cáo thực tế muốn biện minh cho hành vi của mình dựa trên tôn giáo.

Anh chị em thân mến, hầu như tất cả anh chị em đều là những công dân bản địa của quốc gia mình, và do đó, anh chị em có bổn phận và có quyền được tham dự vào với đời sống và sự phát triển của quốc gia mình, một cách đầy đủ và hợp pháp. Trong khu vực, anh chị em được kêu gọi hãy trở nên những sáng lập viên của hòa bình, của sự hòa giải và của sự phát triển; anh chị em được kêu gọi hãy thúc đẩy công cuộc đối thoại, kiến tạo nên những cây cầu chiếu theo tinh thần các mối phúc (xc. Mt 5,3-12), công bố Tin Mừng hòa bình và trở nên rộng mở cho sự cộng tác với tất cả những ai mang trọng trách trong đất nước cũng như quốc tế.

Một cách đặc biệt, Cha xin bày tỏ sự kính trọng và niềm biết ơn của Cha đối với các Anh Em, hỡi các Anh Em trong sứ vụ Thượng Phụ Giáo Chủ, Giám mục và Linh mục thân mến, cũng như đối với các anh em và các chị em Tu Sĩ, anh chị em đang đồng hành một cách đầy ân cần trên con đường của các cộng đoàn mình. Sự hiện diện và hoạt động của những người đã được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và phục vụ Ngài trong những người cùng sống với mình - đặc biệt là trong những người khốn khổ nhất – và do đó, làm chứng cho sự cao cả và Tình Yêu không biên giới của Ngài, thì thật đáng quý biết dường nào! Sự hiện diện của các mục tử bên đoàn chiên của mình, đặc biệt là trong những thời khắc khó khăn, thật quan trọng biết bao!

Các bạn trẻ thân mến, Cha gửi đến cho các con một cái ôm của người cha. Cha cầu nguyện cho Đức Tin của các con, cho sự phát triển của các con với tư cách là con người và với tư cách là các Ki-tô hữu. Và Cha cầu xin cho những kế hoạch tốt nhất của các con được hiện thực hóa. Và Cha lập lại với các con lần nữa rằng: „Đừng sợ và cũng đừng xấu hổ vì các con là những Ki-tô hữu. Mối tương quan với Chúa Giê-su sẽ ban cho các con thái độ sẵn sàng nội tâm để đi tới một sự cộng tác vô điều kiện với những công dân đang cùng sống với các con, mà họ cũng là thành viên của một tôn giáo“ (Đức Bê-nê-đíc-tô XVI. Tông Huấn hậu Thượng hội Đồng Giám Mục, Ecclesia in Medio Oriente, 63).

Các cụ già thân mến, Cha xin bày tỏ lòng kính trọng của Cha đối với các cụ. Các cụ chính là ký ức của các dân tộc mình; Cha hy vọng rằng, ký ức này sẽ là một động lực thúc đẩy sự phát triển đối với các thế hệ trẻ.

Cha muốn khích lệ một số người trong anh chị em mà họ đang hoạt động trong những lãnh vực rất quan trọng, đó là các hoạt động bác ái đối với tha nhân và hoạt động giáo dục. Cha cảm phục trước công việc mà anh chị em đang thực hiện, đặc biệt thông qua các tổ chức Caritas và với sự trợ giúp của các tổ chức Caritas thuộc Giáo hội Công giáo tại những quốc gia khác nhau, trong khi anh chị em đã và đang giúp đỡ tất cả mọi người mà không nhận bất cứ một đặc ân hay đặc lợi nào. Nhờ vào chứng tá Đức Ái, anh chị em đang giới thiệu cho đời sống xã hội một chỗ dựa công hiệu nhất, cũng như góp phần đưa đến hòa bình cho vùng đang đói khát nó giống như đói khát cơm bánh. Thế nhưng, tương lai của xã hội cũng ở ngay trong lãnh vực giáo dục. Việc giáo dục đối với nền văn hóa gặp gỡ cũng như đối với sự tôn trọng nhân phẩm và các giá trị vô hạn của mỗi một con người thật quan trọng biết bao!

Anh chị em thân mến, dù nhỏ bé về con số, nhưng anh chị em chính là những nhân vật chủ chốt của đời sống Giáo hội và của các quốc gia mà anh chị em đang sống tại đó. Toàn thể Giáo hội đang ở gần bên anh chị em và hỗ trợ anh chị em, với tình yêu và niềm kính trọng to lớn trước các cộng đoàn cũng như sứ vụ của anh chị em. Chúng tôi sẽ lên đường để giúp đỡ anh chị em bằng lời cầu nguyện và bằng những phương tiện khác có thể sử dụng được.

Đồng thời, Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tiếp tục trợ giúp những nhu cầu của anh chị em cũng như của những người thuộc các nhóm thiểu số khác đang bị đau khổ - trước hết, thông qua việc thúc đẩy hòa bình trên con đường của các cuộc đàm phán cũng như với sự trợ giúp của các hoạt động ngoại giao, trong sự cố gắng sớm nhất bao nhiêu có thể để ngăn chặn và chấm dứt bạo lực mà nó đã gây ra rất nhiều sự hủy hoại. Cha xin khẳng định về sự hoàn toàn và nhất quyết không tán thành của Cha trước việc buôn bán vũ khí. Chúng ta cần nhiều những phương án hòa bình cũng như những sáng kiến hòa bình hơn nữa hầu thúc đẩy một giải pháp toàn cầu cho những vấn đề của vùng. Trung Đông còn phải chịu đựng sự thiếu vắng hòa bình cho tới bao lâu nữa? Chúng ta không được phép cam chịu trước những cuộc xung đột, khi không thể có một sự thay đổi! Trên cùng một tuyến với cuộc Tông du hành hương của Cha đến Đất Thánh và cuộc hội ngộ cầu nguyện sau đó tại Vatican với tổng thống Israel và tổng thống Palestine, Cha đã mời gọi anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông. Cầu mong sao cho những người mà họ đã bị cưỡng ép phải rời bỏ quê hương xứ sở của mình, sẽ có thể quay trở lại đó, cũng như sẽ có thể sống trong sự hòa bình và an toàn. Ước chi sự trợ giúp nhân đạo sẽ được làm tăng thêm, và ở đây, niềm hạnh phúc của con người cũng như của bất cứ quốc gia nào, cũng đều được đặt vào trung tâm điểm, dưới sự tôn trọng căn tính riêng của mỗi người, không hề có chuyện đưa những mối quan tâm khác lên trên. Ước chi toàn thể Giáo hội cũng như cộng đoàn quốc tế càng ngày càng ý thức một cách rõ ràng hơn về tầm quan trọng trước sự hiện hiện của anh chị em trong vùng.

Anh chị em Ki-tô hữu tại vùng Trung Đông thân mến, anh chị em có một trách nhiệm to lớn, và anh chị em không hề cô đơn trong việc hoàn thành trách nhiệm đó. Vì thế Cha muốn viết lá thư này cho anh chị em để khích lệ anh chị em cũng như để nói với anh chị em rằng, sự hiện diện cũng như sứ vụ của anh chị trong đất nước này, tức đất nước được chúc lành này bởi Thiên Chúa, thật giá trị biết là dường nào. Chứng tá của anh chị em đã đem đến cho Cha nhiều điều tốt đẹp. Cha cám ơn anh chị em! Ngày ngày Cha đều cầu nguyện cho anh chị em cũng như cho những niềm mong muốn của anh chị em. Cha cám ơn anh chị em vì Cha biết rằng, trong nỗi thống khổ của mình, anh chị em vẫn luôn cầu nguyện cho Cha cũng như cho sứ vụ phục vụ của Cha đối với Giáo hội. Cha hy vọng rằng, Cha sẽ nhận được ơn để đến viếng thăm anh chị em một cách cá nhân, hầu an ủi và tăng cường sức mạnh cho anh chị em. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu rất thánh của Thiên Chúa, Người cũng là Mẹ của chúng ta, sẽ đồng hành và bảo vệ anh chị em luôn mãi với Tình Yêu trìu mến của Mẹ. Cha ban phép lành Tông Tòa đến cho tất cả anh chị em cũng như các gia đình của anh chị em. Và Cha cầu mong rằng, anh chị em sẽ được sống Đại Lễ Giáng Sinh trong Tình Yêu và Bình An của Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Thế.

Vatican ngày 21 tháng 12 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội