Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Chiều I Đại Lễ Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa 31.12.2014: Tự do hay nô lệ?

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, bằng một cách thế hoàn toàn đặc biệt, Lời Chúa đã dẫn chúng ta đi vào trong tầm quan trọng của thời gian, trong sự hiểu biết rằng, thời gian không là bất cứ điều gì khác ngoài Thiên Chúa, bởi vậy, vấn đề hoàn toàn đơn giản, vì Thiên Chúa đã muốn tự mạc khải chính mình trong lịch sử và đã cứu độ chúng ta. Tầm quan trọng của thời gian, của sự hữu hạn, chính là tâm trạng của cuộc Hiển Linh, tức là sự mạc khải của Thiên Chúa, của mầu nhiệm Thiên Chúa, trong Tình Yêu hoàn toàn cụ thể. Thời gian chính là sứ giả của Thiên Chúa, như Thánh Pierre Favra đã diễn tả.

Phụng Vụ hôm nay nhắc chúng ta nhớ tới câu nói của Thánh Gio-an Tông Đồ: „Hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng“ (1 Ga 2,18), đó là chính điều mà Thánh Phao-lô đã diễn tả: „Sự viên mãn của thời gian“. Ngày hôm nay chỉ ra cho chúng ta biết thời gian đã được đụng chạm đến, có thể nói được rằng bởi Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria như thế nào, và thông qua Ngài, đạt tới được ý nghĩa mới và bất ngờ như thế nào: nó trở thành „Thời cứu độ“, trở nên thời gian của sự giải thoát và ân sủng.

Tất cả những điều đó dẫn đưa chúng ta tới việc suy tư về sự cùng tận của con đường cuộc sống, về sự kết thúc nơi mỗi con đường của chúng ta. Đối với chúng ta, đã có sự khởi đầu và cũng sẽ có sự kết thúc, „một thời để sinh ra và một thời để chết đi“ (Gv 3,2). Với chân lý ấy, một cách đơn giản và căn bản, nhưng cũng bị che đậy và bị quên lãng, Mẹ Giáo hội dậy chúng ta hãy kết thúc một năm cũng như mỗi ngày sống của chúng ta bằng một cuộc kiểm thảo về lương tâm, mà qua việc kiểm thảo này, chúng ta có thể khám phá ra điều đã thực sự diễn ra; chúng ta tạ ơn Chúa về tất cả những ơn lành mà chúng ta đã lãnh nhận, và tạ ơn về tất cả những gì chúng ta đã đạt được, và đồng thời chúng ta cũng lưu tâm đến tất cả những lầm lỗi và thiếu sót của chúng ta. Hãy tạ ơn và xin ơn tha thứ!

Và chúng ta cũng hãy thực hiện những điều đó trong ngày hôm nay nhân dịp kết thúc năm cũ. Chúng ta hãy ngợi khen Chúa với Thánh Thi Te Deum, và đồng thời chúng ta hãy cầu xin ơn tha thứ. Thái độ biết ơn sẽ dẫn chúng ta tới với sự khiêm tốn, tới với sự nhận biết và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Trong bức thư của Ngài mà giờ Kinh Chiều hôm nay đã sử dụng một phần từ đó, Thánh Phao-lô Tông Đồ đã tóm tắt về lý do nền tảng của việc tạ ơn Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trở nên con cái của Ngài, Ngài đã đón nhận chúng ta như là những người con. Hồng ân nhưng không này lấp đầy chúng ta với niềm biết ơn và sự thán phục! Người ta có thể nói rằng: „Nhưng tất cả đều không là con của Thiên Chúa được, bởi chúng ta là những con người?“ Thực sự Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người trên cõi đất này. Nhưng chúng ta không được phép quên rằng, mối tương quan con thảo của chúng ta đã bị gây thương tổn một cách sâu sắc; vì tội nguyên tổ, chúng ta đã trở nên xa cách Thiên Chúa; tội nguyên tổ đã tách chúng ta ra khỏi Cha của chúng ta. Vì thế, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến để chuộc lại chúng ta với cái giá là chính bửu huyết của Ngài. Và đó là một sự cứu chuộc, vì nó cứu chúng ta ra khỏi kiếp nô lệ. Chúng ta đã là con cái, nhưng chúng ta cũng đã trở thành những kẻ nô lệ trong việc nghe theo giọng nói của điều ác. Ngoài Chúa Giê-su ra, không ai có thể chuộc lại chúng ta khỏi kiếp nô lệ ấy. Chúa Giê-su đã đón nhận thân xác chúng ta trong con người của Đức Trinh Nữ Maria, và đã chết trên thập giá để giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗi, và tái hồi phục lại cho chúng ta tính cách làm con mà chúng ta đã bị đánh mất.

Phụng Vụ hôm nay cũng nhắc nhớ rằng, ngay từ lúc ban đầu, trước tất cả mọi thời đại, đã có Ngôi Lời, và rằng, Ngôi Lời đã trở thành người. Vì thế mà Thánh I-rê-nê đã nói: „Đó là lý do tại sao Ngôi Lời đã trở thành người và Con Thiên Chúa trở thành Con Người: vì thế con người, bước vào trong sự hiệp thông với Ngôi lời và đạt tới được tính chất làm con Thiên Chúa, sẽ trở nên con Thiên Chúa“ (Adversus haereses 3.19.1).

Đồng thời đó là một hồng ân mà chúng ta phải tạ ơn; đó là lý do khiến chúng ta phải thực hiện việc kiểm thảo lương tâm, phải thực hiện việc rà soát lại đời sống riêng cũng như đời sống cộng đồng; đó là lý do khiến chúng ta phải tự vấn xem, chúng ta đã sống thế nào? Chúng ta có sống như là những người con không, hay lại như là những người nô lệ? Chúng ta có sống với tư cách là người đã được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy trong Chúa Ky-tô, với tư cách là người được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, đã được chuộc lại để được tự do hay không? Hay là chúng ta lại sống theo lô-gich thế tục, bị hủ hóa, thực hiện những điều mà ma quỷ làm cho chúng ta tin rằng, đó chính là cái thuộc về mối quan tâm của chúng ta? Trên con đường cuộc sống của chúng ta luôn luôn có khuynh hướng muốn đi ngược lại với việc được giải thoát. Chúng ta sợ hãi trước sự tự do, và một cách nghịch lý cũng như vô thức, hoặc nhiều, hoặc ít, chúng ta lại ưa thích kiếp nô lệ hơn. Sự tự do làm cho chúng ta kinh hãi, vì nó đòi hỏi thời gian của chúng ta cũng như trách nhiệm của chúng ta, cũng như đòi hỏi rằng, chúng ta sẽ sử dụng tốt sự tự do ấy. Trái lại, kiếp nô lệ hạn chế thời gian vào trong khoảnh khắc và do đó chúng ta cảm thấy an toàn, và bằng cách ấy, nó làm cho chúng ta sống một trình tự của những khoảnh khắc không được nối kết với quá khứ của nó và với tương lai của chúng ta. Nói một cách khác, sự nô lệ ngăn cản chúng ta sống tròn đầy và hoàn toàn thời điểm hiện tại, vì nó sử dụng quá khứ của nó, và tách rời khỏi tương lai, khỏi sự vĩnh cửu. Sự nô lệ làm cho chúng ta tin rằng, chúng ta không thể ước mơ, chúng ta không thể bay cao và không thể hy vọng.

Cách nay một ít ngày, một đại nghệ sĩ người Ý đã nói rằng, đối với Chúa, việc kéo Israel ra khỏi Ai-cập thì dễ dàng hơn là việc kéo người Ai-cập ra khỏi tấm lòng của người Israel. Họ đã được giải thoát khỏi kiếp nô lệ một cách cụ thể, nhưng trong cuộc hành trình xuyên qua sa mạc của họ, với những khó khăn và sự đói khát, họ đã bắt đầu nhớ tiếc những ngày ở Ai-cập, khi họ „ngồi ăn những củ hành, củ tỏi“ (Ds 11,5). Nhưng họ đã quên rằng, họ đã ăn ở bàn ăn dành cho người nô lệ. Nỗi nhớ về kiếp nô lệ cũng đang được che giấu trong lòng mỗi người chúng ta, vì nó có vẻ như đang gây ra sự vỗ về rằng, có rất nhiều sự tự do và ít nguy hiểm hơn. Và nó làm chúng ta hài lòng về việc đang có rất nhiều pháo hoa, tức những điều trông có vẻ rất đẹp, nhưng trong thực tế, chúng chỉ kéo dài trong một ít khoảnh khắc! Đó là sự thống trị trong giây lát!

Từ sự kiểm thảo lương tâm ấy, đối với các Ki-tô hữu chúng ta, vấn để tùy thuộc vào chất lượng của thái độ chúng ta, của cuộc sống chúng ta, của sự hiện diện của chúng ta trong cộng đồng, của sự phục vụ của chúng ta đối với phúc lợi chung, và của sự cộng tác của chúng ta vào với những hoạt động công cộng và Giáo hội.

Vì thế và cũng vì Cha là Giám mục của Giáo phận Rô-ma, nên Cha muốn hướng cái nhìn về cuộc sống của chúng ta tại Rô-ma này. Việc được sống trong kinh thành muôn thủa đó là một đại hồng ân. Đối với một Ki-tô hữu, điều đó cũng có nghĩa là trở nên thành phần của Giáo hội, một Giáo hội được dựng xây trên chứng tá tử đạo của Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô Tông Đồ. Vì thế, chúng ta cũng hãy tạ ơn Chúa về chuyện đó. Nhưng đồng thời, đó cũng là một trách nhiệm to lớn. Chúa Giê-su đã nói rằng, ai được trao cho nhiều, người ấy cũng sẽ bị đòi hỏi nhiều (Lc 12,48). Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình xem: Chúng ta ở trong thành phố này, trong Cộng Đoàn Giáo hội này, với tư cách là những người tự do hay là những người nô lệ? Chúng ta có là ánh sáng và muối không? Chúng ta có là men trong bột không? Hay chúng ta lại trở nên vô hiệu, nhạt nhẽo, có vẻ bẩn thỉu, ngờ vực, vô nghĩa và mệt mỏi?

Không thể nghi ngờ gì nữa, những vụ hủ hóa tồi tệ mà chúng đã được làm sáng tỏ trong những ngày gần đây, đang đòi hỏi một cuộc trở lại tự tận đáy tâm hồn đối với một cuộc tái sinh về tinh thần và luân lý, cũng giống như đối với một cuộc tái tham gia nhằm kiến tạo một thành phố công bằng và liên đới, nơi mà những người nghèo, những người yếu đuối và những người bị gạt ra bên lề cuộc sống, trở thành trung tâm điểm trong sự lo lắng cũng như thái độ hằng ngày của chúng ta. Cần một nỗ lực to lớn và hằng ngày của sự tự do Ki-tô giáo để có được lòng can đảm trong việc công bố trong thành phố này rằng, chúng ta phải bảo vệ người nghèo, và chúng ta không cần phải bảo vệ chúng ta trước người nghèo, cũng như công bố rằng, chúng ta phải phục vụ những người yếu đuối, chứ chúng ta không phải để cho mình được phục vụ bởi những người yếu đuối!

Lời Giáo huấn của một vị Phó Tế giản dị người Rô-ma có thể giúp chúng ta trong vấn đề vừa nêu. Khi người ta xin Thánh Lô-ren-xô chỉ cho họ thấy những kho tàng của Giáo hội, một cách đơn giản, Thánh Nhân đã mang đến một số người nghèo. Khi người ta quan tâm chăm sóc cho những người nghèo và những người yếu đuối trong một thành phố, khi những người ấy được giúp đỡ, thì rồi họ sẽ trở nên kho tàng của Giáo hội, và trở nên kho tàng của xã hội. Nhưng nếu một xã hội làm ngơ không thèm đếm xỉa gì đến người nghèo, bách hại họ, kỳ thị họ, đẩy họ vào trong một tổ chức tội phạm, thì rồi xã hội ấy sẽ bị bần cùng hóa cho tới cùng tận, sẽ đánh mất sự tự do và sẽ yêu thích „những củ hành củ tỏi“ của kiếp nô lệ hơn, kiếp nô lệ của một sự ích kỷ riêng, kiếp nô lệ của tính hèn nhát riêng. Xã hội ấy sẽ thôi không còn là xã hội Ki-tô giáo nữa.

Anh chị em thân mến, chúng ta kết thúc năm cũ và tuyên xưng rằng, có „thời cùng tận“, một sự „viên mãn của thời gian“. Kết thúc năm cũ này trong sự biết ơn và trong sự cầu xin ơn tha thứ, điều đó sẽ rất tốt để xin cho được ơn bước đi trên con đường của Chúa trong sự tự do, để có thể sửa chữa rất nhiều những điều hư hỏng, và bảo vệ chúng ta trước sự nhung nhớ về kiếp nô lệ, để chúng ta không buồn nhớ về kiếp nô lệ nữa.

Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu rất thánh của Chúa Giê-su, đã thực sự đứng trong trung tâm thời gian của Thiên Chúa, khi Ngôi Lời, Đấng đã hiện hữu ngay từ lúc ban đầu, trở nên một người trong chúng ta, trong thời gian. Xin Mẹ, Đấng đã ban tặng Đấng Cứu Thế cho thế giới, hãy giúp chúng con để chúng con có thể đón nhận Đấng Cứu Độ với tấm lòng rộng mở, để chúng con có thể sống thực sự với tư cách là những người con tự do của Thiên Chúa.

Vatican ngày 31 tháng 12 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.