Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Hiển Linh tại đền thờ Thánh Phê-rô ngày 06.01.2015

Anh chị em thân mến,

Hài Nhi được sinh ra tại Bê-lem bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã không chỉ đến cho một mình dân tộc Israel được đại diện bởi những mục đồng thành Bê-lem, nhưng cũng còn đến cho toàn thể nhân loại, cho những người thuộc thời đại hôm nay được đại diện bởi những nhà chiêm tinh từ phương Đông. Và Giáo hội hôm nay mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện và suy tư về các Ngài và về con đường tìm kiếm Đấng Messia của các Ngài.

Những „nhà thông thái đến từ Phương Đông“ này chính là một đoàn rước đầu tiên của bất cứ đoàn rước vĩ đại nào mà trong Bài Đọc I hôm nay Ngôn Sứ Isaia đã nói với chúng ta về nó (xc 60,1-6) – một đoàn rước mà suốt từ thời đó tới nay đã không bao giờ bị gián đoạn nữa, và nhận ra sứ điệp của vì sao xuyên suốt mọi thời, và tìm thấy Hài Nhi, mà Hài Nhi ấy chỉ ra cho chúng ta thấy sự trìu mến của Thiên Chúa. Con người vẫn luôn luôn được tái chiếu sáng bởi ánh sáng từ ngôi sao của Ngài, sẽ tìm thấy được con đường và đến được với Thiên Chúa làm người.

Theo truyền thống, các „Đạo Sĩ đến từ Phương Đông“ chính là những nhà thông thái: Chiêm Tinh, tức những nhà nghiên cứu thiên văn trong một môi trường văn hóa và tinh thần tôn giáo, mà môi trường ấy gán cho các vì sao tầm quan trọng và sức ảnh hưởng trên số phận con người. Những vì sao ấy xuất hiện cho những ai đang trên đường kiếm tìm Thiên Chúa trong các tôn giáo và trong các triết thuyết của toàn thế giới – một sự kiếm tìm không bao giờ kết thúc.

Các nhà Chiêm Tinh này chỉ ra cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta phải đi trong cuộc sống chúng ta. Các Ngài đã kiếm tìm ánh sáng đích thực: « Lumen requirunt lumine » (Ánh sáng cần tới ánh sáng), như lời của Thánh Thi trong Phụng Vụ Giờ Kinh Đại Lễ Chúa Hiển Linh nói lên như thế, và nó liên hệ riêng đến kinh nghiệm của các nhà Chiêm Tinh. Các Ngài tìm kiếm ánh sáng bằng cách đi theo một ánh sáng. Các Ngài đã ở trong cuộc kiếm tìm Thiên Chúa. Khi các Ngài nhìn thấy chỉ dấu ngôi sao, các Ngài đã cắt nghĩa nó, và đã lên đường, đã thực hiện một cuộc hành trình dài.

Chúa Thánh Thần chính là Đấng đã kêu gọi các Ngài và thúc giục các Ngài lên đường; và trên con đường này, cuộc gặp gỡ cá nhân của các Ngài với Thiên Chúa đích thật cũng sẽ xảy ra.

Trong cuộc hành trình, các nhà Chiêm Tinh đã vấp phải rất nhiều những khó khăn. Khi các Ngài đã tới được Giê-ru-sa-lem, các Ngài đã đi vào trong hoàng cung nhà vua, vì các Ngài nghĩ một cách hiển nhiên rằng, Đức Tân Hoàng Đế phải được sinh ra trong hoàng cung nhà vua. Tại đó, các Ngài đã đánh mất ngôi sao khỏi tầm nhìn, và đã bắt gặp một cơn cám dỗ mà ma quỷ đã chuẩn bị sẵn ở đó: sự lừa dối của Hê-rô-đê. Vua Hê-rô-đê tỏ ra rất quan tâm về Hài Nhi, nhưng không tôn thờ Hài Nhi, trái lại còn tìm cách sát hại Hài Nhi. Hê-rô-đê là một con người đầy quyền lực, người chỉ có thể nhìn thấy những kẻ thù nơi những người khác. Và cuối cùng, ông ta cũng nhìn xem Thiên Chúa như là một kẻ thù, thậm chí còn là kẻ thù nguy hiểm nhất. Tại hoàng cung Hê-rô-đê, các nhà Chiêm Tinh đã trải qua một khoảnh khắc đen tối, khoảnh khắc thê lương tiêu điều, mà các Ngài chỉ có thể vượt thắng được khoảnh khắc ấy nhờ vào những linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đấng nói thông qua các Ngôn Sứ của Kinh Thánh. Các vị Ngôn Sứ ấy chỉ cho thấy rằng, Đấng Messia sẽ được sinh ra tại Bê-lem, thuộc thành Đa-vít.

Vào thời điểm ấy, các Ngài lại tái thực hiện cuộc hành trình của mình và rồi lại tái nhìn thấy ngôi sao: tác giả Tin Mừng phát hiện ra rằng, „họ mừng rỡ vô cùng“ (Mt 2,10), một sự an ủi thực sự. Khi các Ngài đã tới được Bê-lem, các Ngài đã nhìn thấy „Hài Nhi và Đức Maria, Mẹ của Hài Nhi“ (Mt 2,11). Sau cơn cám dỗ tại Giê-ru-sa-lem thì giờ đây là cơn cám dỗ thứ hai đối với các Ngài: cơn cám dỗ muốn khước từ sự hèn mọn. Nhưng thay vì như thế, „các Ngài đã quỳ gối xuống và thể hiện lòng tôn kính đối với Hài Nhi“, và tiến dâng Hài Nhi những món quà đầy quý giá và đầy tính biểu tượng của các Ngài. Ân sủng của Chúa Thánh Thần lại xuất hiện để giúp các Ngài: Ân sủng mà thông qua ngôi sao, nó đã kêu gọi các Ngài và dẫn đưa các Ngài trong suốt cuộc hành trình, giờ đây làm cho các Ngài bước vào trong mầu nhiệm. Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, các Ngài đi tới chỗ nhận thức rằng, tiêu chuẩn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác với những tiêu chuẩn của con người; các Ngài khám phá ra rằng, Thiên Chúa không biểu lộ bản thân mình trong quyền lực của thế gian, nhưng biểu lộ ra cho chúng ta thấy trong sự khiêm nhượng của Tình Yêu Ngài. Như vậy, các nhà Chiêm Tinh chính là mẫu gương trong việc biểu tỏ một Đức Tin đích thực, vì các Ngài đã tin vào sự tốt lành của Thiên Chúa hơn là tin vào sự huy hoàng hiển nhiên của quyền lực thế gian.

Và giờ đây chúng ta có thể tự hỏi: Đâu là mầu nhiệm mà Thiên Chúa tự giấu mình trong đó? Đâu là nơi mà tôi có thể gặp gỡ Ngài? Chúng ta nhìn thấy chung quanh mình những cuộc chiến tranh, sự bóc lột trẻ em, những cuộc tra tấn, nạn buôn bán vũ khí, nạn buôn người… Trong tất cả những thực tế ấy, trong tất cả những người anh chị em nhỏ bé nhất ấy, tức những người đang phải đau khổ vì những tình trạng vừa nêu, Chúa Giê-su đang ở đó (xc. Mt 25,40-45). Hang đá đưa dẫn chúng ta đến với một con đường trước mắt, mà con đường ấy khác hẳn với con đường mà tinh thần thế tục đang mơ mộng: Đó là con đường tự hạ của Thiên Chúa, vinh quang của Ngài được che giấu trong hang đá Bê-lem, trên thập giá tại đồi Gogotha và trong những người đồng loại đang đau khổ.

Các nhà Chiêm Tinh đã xâm nhập vào mầu nhiệm. Các Ngài đã rút mình khỏi những dự tính của nhân loại để đi vào mầu nhiệm – và đó là sự trở lại của các Ngài. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài ban ơn để chúng ta có thể trải qua con đường trở lại giống như con đường mà các nhà Chiêm Tinh đã trải qua. Xin Chúa giúp chúng ta chống trả lại trước những cơn cám dỗ mà chúng che giấu ngôi sao, và xin Ngài giải thoát chúng ta khỏi những cơn cám dỗ đó. Xin Ngài ban cho chúng ta ơn để luôn luôn có sự bất an khiến chúng ta phải tự hỏi: Ngôi sao đang ở đâu? - khi chúng ta đánh mất nó khỏi tầm nhìn của chúng ta trong giữa những lừa bịp của thế gian. Xin Ngài ban cho chúng ta ơn biết học hỏi để nhận ra mầu nhiệm của Thiên Chúa bằng những cách thế luôn luôn mới mẻ. Xin Ngài ban cho chúng ta ơn để không cảm thấy bực bội về „dấu chỉ“ , không bực bội về một sự chỉ dẫn rằng, „một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ“ (Lc 2,12). Và xin Ngài ban ơn hầu chúng ta có được sự khiêm nhượng để cầu xin với Mẹ của Ngài và cũng là Mẹ của chúng ta: xin Mẹ chỉ cho chúng ta thấy dấu chỉ đó. Xin Ngài ban ơn để chúng ta tìm thấy sự can đảm để thoát ra khỏi những ảo tưởng, những sự đen tối và những „ánh đèn“ của chúng ta, tìm thấy sự can đảm này trong sự khiêm nhượng của Đức Tin, giống như các nhà Chiêm Tinh  đã gặp gỡ được ánh sáng đích thực. Để nhờ vậy chúng ta có thể bước vào trong mầu nhiệm. Amen.

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội