Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ dành riêng cho các Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Manila, Philippine ngày 16.01.2015: Gặp gỡ hằng ngày với Thiên Chúa

Anh chị em thân mến!

 

Anh có yêu mến Thầy không? … Hãy chăn dắt chiên của Thầy!“ (Ga 21,15-17). – „Có“ – Cộng đoàn cắt ngang – Cám ơn! Nhưng Cha đã đọc một lời của Chúa. Không phải Cha nói lời đó, nhưng là Chúa Giê-su nói! Những Lời của Chúa Giê-su nói với Thánh Phê-rô trong bài Tin Mừng hôm nay chính là những lời đầu tiên mà Cha đã hướng tới anh chị em, hỡi anh em trong sứ vụ Giám Mục và Linh Mục thân mến, hỡi các Tu Sĩ nam nữ và các Chủng Sinh thân mến. Những lời đó nhắc nhớ chúng ta về một cái gì đó có tính căn bản. Bất cứ sứ vụ mục vụ nào cũng được sinh ra từ Đức Ái, bất cứ sứ vụ mục vụ nào cũng được sinh ra từ Tình Yêu. Bất cứ đời sống Thánh Hiến nào cũng đều là một dấu chỉ về Tình Yêu giao hòa của Chúa Ki-tô. Như Thánh Tê-rê-sa đã được kêu gọi trong sự đa dạng nơi những ơn gọi của mỗi người chúng ta để trở thành Tình Yêu trong con tim của Giáo hội, trong bất cứ một phương thức nào đó.

Cha xin kính chào tất cả anh chị em với một Tình Yêu to lớn. Và Cha xin anh chị em hãy mang Tình Yêu của Cha tới với tất cả những người anh em và chị em già cả và ốm đau của anh chị em, cũng như mang tới với tất cả những ai mà hôm nay không thể hiện diện tại đây với chúng ta. Vì Giáo hội tại Philippine đang nhìn về năm thứ 500 trong việc loan báo Tin Mừng của họ, nên chúng ta cảm thấy biết ơn đối với di sản mà rất nhiều các Giám Mục, Linh Mục và Nam Nữ Tu Sĩ của những thế hệ đi trước, đã để lại cho chúng ta. Sự đóng góp của họ không chỉ có giá trị đối với việc loan báo Tin Mừng và việc xây dựng Giáo hội trên đất nước này, nhưng họ cũng còn cố gắng để hình thành nên một xã hội mà nó được ghi đậm dấu ấn bởi Tin Mừng Tình Yêu, về sự tha thứ và về tình liên đới trong sự phục vụ lợi ích chung. Ngày hôm nay, công trình Tình Yêu ấy của họ vẫn đang tiếp tục. Họ đã được kêu gọi để kiến tạo nên những chiếc cầu, để chăn dắt đoàn chiên của Chúa Ki-tô, và để chuẩn bị những con đường mới cho việc loan báo Tin Mừng tại Á Châu, nơi bắt đầu của một kỷ nguyên mới như thế nào.

Tình Yêu Chúa Ki-tô thúc bách tôi“ (2 Cor 5,14). Trong Bài Đọc I hôm nay, Thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng, Tình Yêu mà chúng ta được kêu gọi để công bố, chính là một Tình Yêu giao hòa, nó tuôn trào từ con tim của Đấng Cứu Thế bị đóng đinh trên Thập Giá. Chúng ta được kêu gọi trở nên „Sứ giả thay mặt Chúa Ki-tô“ (2 Cor 5,20). Bổn phận của chúng ta là phục vụ ơn giao hòa. Chúng ta loan báo Tin Mừng Tình Yêu và lòng nhân hậu không biên giới của Thiên Chúa cũng như sự cảm thông khôn cùng của Ngài. Chúng ta loan báo niềm vui của Tin Mừng. Vì Tin Mừng là ơn tha thứ của ân sủng Thiên Chúa, mà chỉ có ân sủng ấy mới có thể mang đến cho thế giới bị vỡ vụn của chúng ta sự toàn vẹn và ơn chữa lành. Ân sủng ấy thúc đẩy sự kiến tạo nên một trật tự xã hội thực sự công lý và công bằng.

Những người nghèo: Những người nghèo đứng trong trung tâm của Tin Mừng, thực sự là trong trung tâm của Tin Mừng. Khi chúng ta loại bỏ người nghèo ra khỏi Tin Mừng thì rồi chúng ta sẽ không thể hiểu được sứ điệp của Chúa Giê-su Ki-tô nữa.

Trở nên những sứ giả thay mặt Chúa Ki-tô, trước hết có nghĩa là, mời gọi tất cả đi đến một cuộc tái gặp gỡ cá nhân với Chúa Giê-su, Đấng là Thiên Chúa (xc. Evangelii gaudium, 3): Cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng ta với Ngài. Lời mời gọi này phải đứng trong trung tâm điểm của việc cử hành năm Hồng Ân mà anh chị em sẽ thực hiện để tưởng nhớ tới việc loan báo Tin Mừng tại Philippine. Nhưng Tin Mừng cũng là một lời mời gọi thống hối, mời gọi thực hiện một cuộc hạch toán lương tâm với tư cách cá nhân cũng như với tư cách toàn dân tộc. Các Đức Giám Mục tại Philippine đã rất có lý như thế nào khi dậy: Giáo hội tại Philippine được kêu gọi để nhận ra cũng như để chiến đấu chống lại những nguyên nhân của sự bất bình đẳng và sự bất công đã bén rễ rất sâu, chúng đang làm biến dạng khuôn mặt của cộng đồng Philippine, và đứng trong sự đối kháng một cách kịch liệt với giáo huấn của Chúa Ki-tô. Tin Mừng thúc giục từng Ki-tô hữu hãy xúc tiến một cuộc sống ngay thật và chính trực cũng như chăm nom cho lợi ích chung. Nhưng Tin Mừng cũng thúc giục các cộng đoàn Ki-tô giáo hình thành nên „vòng chính trực“, những mạng lưới của tình liên đới mà chúng có thể khuếch trương lớn đến độ ôm ghì cả cộng đồng và biến đổi cộng đồng ấy thông qua chứng tá ngôn sứ của mình.

Với tư cách là những sứ giả thay mặt Chúa Ki-tô, các Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ chúng ta nên trở thành những người đầu tiên đón nhận ơn giao hòa trong con tim chúng ta. Thánh Phao-lô đã làm sáng tỏ cho thấy điều đó có nghĩa là gì. Nó có nghĩa là dũ bỏ cách nhìn có tính thế tục, và tái nhìn tất cả trong ánh sáng của Chúa Ki-tô. Nó có nghĩa là, chúng ta phải khảo sát lương tâm của mình với tư cách là những người đầu tiên, nhìn nhận những lầm lỗi và những khuyết điểm của mình, và phải chọn đi theo con đường hoán cải không ngừng. Chúng ta sẽ có thể loan báo cho người khác về sự mới mẻ và sức mạnh giải thoát của Thập Giá thế nào đây nếu như chính chúng ta lại khước từ việc tạo điều kiện cho lời Chúa lay động thói tự mãn của chúng ta, lay động nỗi sợ hãi của chúng ta trước những đổi thay, lay động những thỏa hiệp nhỏ nhoi của chúng ta với những con đường của thế gian này, lay động „thế giới thiêng liêng“ của chúng ta (xc. Evangelii gaudium, 93)?

Đối với các Linh Mục và những người được thánh hiến chúng ta, sự trở về với sự mới mẻ của Tin Mừng khép lại trong sự gặp gỡ hằng ngày với Thiên Chúa trong sự cầu nguyện. Các Thánh dậy chúng ta rằng, đó chính là nguồn mạch của mọi niềm hăng say tông đồ! Đối với các Tu Sĩ, đời sống trong sự mới mẻ của Tin Mừng cũng có nghĩa là luôn luôn tái nhìn thấy sự khích lệ trong đời sống Cộng đoàn và luôn luôn nhìn đời sống tông đồ trên sự mới mẻ đối với một sự hiệp thông càng ngày càng gắn bó với Thiên Chúa trong Tình Yêu trọn hảo. Đối với tất cả chúng ta, điều ấy có nghĩa là thực hành một đời sống mà nó phản chiếu sự nghèo khó của Chúa Ki-tô, được tập trung hoàn toàn vào trong cuộc sống của Ngài để thực hiện Thánh Ý Chúa Cha và để phục vụ những người khác. Mối nguy hiểm lớn nhất của một lối sống như thế chính là một chủ nghĩa duy vật nào đó mà nó có thể lọt vào trong đời sống chúng ta và có thể gây hại cho chứng tá mà chúng ta giới thiệu. Chỉ khi nào chính chúng ta trở nên nghèo khó, chỉ khi nào chúng ta khước từ thói tự mãn của chúng ta, thì khi đó chúng ta mới có khả năng đồng nhất mình với những con người nhỏ bé nhất nơi những người anh em và chị em của chúng ta. Chúng ta sẽ nhìn thấy mọi sự trong ánh sáng mới, và như thế đặt mình vào với sự chân thật và chính trực của thách đố đối với việc công bố tính cấp thiết của Tin Mừng trong một xã hội mà nó đã làm cho chính nó trở nên dễ chịu và quen thuộc với việc loại trừ và sự phân cực xã hội, cũng như với sự bất bình đẳng một cách ô nhục.

Ở đây Cha muốn dành cho các Linh Mục trẻ, các Tu Sĩ và các Chủng Sinh đang ở giữa chúng ta một lời đặc biệt. Cha xin anh chị em, hãy chia sẻ niềm vui và niềm hăng hái của anh chị em trong Tình Yêu của anh Chị em dành cho Chúa Ki-tô và Giáo hội với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là với những người cùng lứa tuổi với anh chị em. Anh chị em hãy đến gần với những người trẻ mà có lẽ họ đang bị mất phương hướng và mất sự can đảm, nhưng họ vẫn còn nhìn Giáo hội như là người bạn đường trên cuộc hành trình và là một nguồn hy vọng. Anh Chị em hãy gần gũi với những người, mà vì họ phải sống trong một xã hội đang bị gây thiệt hại bởi sự nghèo túng và tham nhũng, nên họ đang bị dày vò nội tâm và đang bị cám dỗ muốn nghỉ học để sống lang thang trên đường. Hãy công bố vẻ đẹp và chân lý của sứ điệp Ki-tô giáo cho một xã hội đang bị đưa dẫn vào cơn cám dỗ thông qua những trình bày rối rắm và sai lạc về tình dục, hôn nhân và gia đình. Như anh chị em biết, những thực tại ấy càng ngày càng bị công kích mạnh mẽ  bởi những sức mạnh quyền lực mà chúng đang đe dọa trong việc làm biến dạng kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa và đồng thời phản bội lại những giá trị mà chúng đã truyền cảm hứng cũng như đã hình thành nên điều tốt nhất trong nền văn hóa của anh chị em.

Trong thực thế, nền văn hóa của Philippine được ghi đậm dấu ấn thông qua việc giới thiệu Đức Tin. Người Philippine nổi tiếng khắp nơi về Tình Yêu của họ đối với Thiên Chúa, về lòng đạo đức bừng cháy của họ cũng như về sự tôn kính nồng nàn của họ dành cho Mẹ Thiên Chúa, và về việc lần chuỗi Mân Côi của họ. Di sản quan trọng ấy chứa đựng một tiềm lực truyền giáo đầy sức mạnh. Nó là con đường mà trên đó dân tộc của anh chị em đã đi vào trong Tin Mừng, và làm cho sứ điệp của Tin Mừng vẫn luôn còn có thể lĩnh hội được (xc. Evangelii gaudium, 122). Trong khi anh chị em nỗ lực nhằm chuẩn bị cho việc cử hành năm Hồng Ân thứ 500, anh chị em hãy tái thiết trên nền tảng của tình liên đới ấy.

Chúa Ki-tô đã chết cho tất cả mọi người, do đó nếu chúng ta đã chết trong Ngài, chúng ta sẽ không còn được phép sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Ngài (xc. 2 Cor 5,15). Anh chị em trong sứ vụ Giám Mục, Linh Mục và trong đời sống Dòng Tu thân mến, Cha cầu xin Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, cho tất cả anh chị em có được sự nỗ lực hầu đạt tới ơn hăng hái tràn trề, để anh chị em phục vụ những người anh chị em của chúng ta một cách vô vị lợi và với sự dâng hiến trọn vẹn. Ước chi, qua cách thức này, Tình Yêu của Chúa Ky-tô càng ngày càng xuyên vào trong những cấu trúc của xã hội Philippine một cách trọn vẹn hơn, và thông qua anh chị em, đạt đến được những khu vực xa nhất của thế giới. Amen.

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội