Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung ngày 04.02.2015: GIA ĐÌNH – 3.2 Người Cha (II)

Anh chị em thân mến, xin kính chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Cha muốn tiếp tục những suy tư của chúng ta về nhân vật người cha trong phạm vi gia đình. Tuần trước Cha đã nói về những mối nguy hiểm mà chúng liên quan đến nhiều gia đình với việc vắng mặt của những người cha; trái lại, hôm nay Cha muốn nói về những khía cạnh tích cực. Ngay cả Thánh Giu-se cũng đã cảm thấy cơn cám dỗ muốn lìa bỏ Đức Maria, khi Ngài phát hiện ra rằng, Đức Maria đang có mang. Nhưng sau đó Sứ Thần Chúa đã can thiệp và đã mạc khải cho Thánh Nhân biết về kế hoạch của Thiên Chúa, và trong kế hoạch này, Thánh Giu-se trở thành cha nuôi của Chúa Giê-su. Thánh Giu-se, Người Công Chính, đã „đón vợ về nhà“ (Mt 1,24), và do đó, trở thành người Cha của Thánh Gia Nazareth.

Bất cứ gia đình nào cũng cần tới nhân vật người cha. Ngày hôm nay chúng ta sẽ nói về giá trị nơi vai trò của người cha, và Cha muốn bắt đầu với một diễn tả mà chúng ta thấy được trong sách Châm Ngôn. Đó là những lời mà một người cha nói với con của mình: „Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan thì lòng dạ cha cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chính trực thì tâm hồn cha sẽ mừng rỡ hân hoan“ (Cn 23,15-16). Đúng hơn, người ta không thể diễn đạt được bằng lời về sự hãnh diện và sự xúc động của một người cha, khi người cha ấy thấy rằng, ông đã thành công trong việc cung cấp cho con của mình những gì thực sự là đáng kể trong cuộc sống: một tâm hồn khôn ngoan. Chẳng lẽ người cha này lại nói: „Bố tự hào về con, vì con giống hệt như bố, vì con nói về chính những việc mà con làm, giống như bố.“ Thay vào đó, ông sẽ nói với con của ông về một cái gì đó quan trọng hơn nhiều; về một cái gì đó mà chúng ta có thể diễn tả lại như thế này: „Mỗi lần khi ba thấy con hành động cách khôn ngoan thì ba rất hạnh phúc; bất cứ khi nào ba nghe con nói một cách chân thật, thì ba rất lấy làm cảm động. Đó là điều mà ba muốn trao cho con trên đường để con chiếm lấy nó làm của riêng: tố chất để luôn luôn khôn ngoan và đúng đắn trong quan điểm và thái độ của con, trong những lời nói và ý kiến của con. Để tạo điều kiện cho con trở nên như thế, ba đã giảng giải cho con về những điều mà con không biết, cũng như ba đã sửa chữa những lỗi lầm mà con đã không thể nhìn thấy. Ba đã trao cho con Tình Yêu thẳm sâu, và đồng thời cũng đầy khiêm tốn của ba để con có thể cảm nhận, ngay cả khi mà có lẽ con đã không nhận ra Tình Yêu ấy một cách hoàn toàn, khi con còn nhỏ và do dự ngập ngừng. Ba đã trao cho con một mẫu gương nghiêm khắc và cương quyết, mà có lẽ con đã không luôn luôn hiểu ra, khi con khao khát tình bạn và sự bao bọc chở che. Chính ba, với tư cách là người đầu tiên đã phải kiểm tra tâm hồn của ba về sự khôn ngoan của nó và đã cảnh giác để cho những cảm giác không phát triển theo chiều hướng xấu; chính ba cũng phải mang gánh nặng của những hiểu lầm không thể tránh khỏi, và cũng đã tìm kiếm những lời để giải thích. Ngày hôm nay, khi ba nhìn thấy con tỏ thái độ với những đứa con của con giống như thế, và muốn có kinh nghiệm về sự đúng đắn với tất cả mọi người, thì ba vô cùng xúc động. Ba rất hạnh phúc trước việc ba là ba của con.“ Đó là điều mà một người cha khôn ngoan và chín chắn nói.

Bất cứ người cha nào cũng biết rằng, việc giới thiệu những di sản ấy vất vả là dường nào: người ta cần tới sự gần gũi biết bao, cần tới sự trìu mến biết bao và cần đến sự cương quyết biết là chừng nào. Nhưng cũng lại là niềm an ủi biết bao, và điều này chính là phần thưởng khi con cái đánh giá cao về những di sản ấy! Đó là một niềm vui, và niềm vui này bồi đắp lại cho tất cả mọi nỗ lực, nó giúp vượt thắng mọi hiểu lầm và chữa lành hết mọi vết thương.

Nhưng điều kiện trước tiên đối với điều đó chính là việc người cha phải ở trong gia đình. Ông phải gần gũi với vợ mình, và phải chia sẽ với bà tất cả mọi việc: niềm vui và khổ sầu, những nỗ lực và những niềm hy vọng. Và ông phải hiện diện tại đó đối với con cái của ông, trong lúc chúng lớn lên: khi chúng chơi đùa và học hành, khi chúng được tự do và bị vỡ mộng, khi chúng nói và thinh lặng, khi chúng dám làm một điều gì đó, và không dám, khi chúng phạm phải một lỗi lầm và khi chúng tái phát hiện ra con đường của chúng; một người cha phải luôn luôn ở đó. Điều ấy không có nghĩa là ông nên kiểm soát con cái của ông! Có nhiều người cha kiểm soát con cái mình một cách quá nghiêm khắc, đến độ không còn để cho chúng phát triển trong sự tự do nữa.

Tin Mừng trình bày cho chúng ta về mẫu gương của Cha trên Trời – của Đấng duy nhất mà Chúa Giê-su nói rằng, người ta có thể gọi Ngài là „người Cha nhân lành“ (xc. Mc 10,18). Tất cả chúng ta đều biết về câu chuyện tuyệt vời mà chúng ta thường hay gọi câu chuyện đó là „Dụ ngôn về đứa con hoang đàng“, hay cũng có thể gọi là „Dụ ngôn về người cha nhân hậu“, và câu chuyện này được tìm thấy trong chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (xc. Lc 15,11-32). Có biết bao nhiêu là phẩm cách và sự trìu mến nằm trong nhân vật người Cha ấy, ông đứng tại ngưỡng cửa để chờ mong đứa con trở về! Những người cha cần phải có rất nhiều sự kiên nhẫn. Thường không có bất cứ điều gì khác với điều mà họ có thể làm, ngoài việc chờ đợi; cầu nguyện và chờ đợi với rất nhiều kiên nhẫn, hiền hòa, độ lượng và nhân từ.

Một người cha tốt lành hiểu rõ về việc chờ đợi và tha thứ với tất cả tấm lòng. Dĩ nhiên ông cũng biết, người ta phải sửa chữa những lỗi lầm với đôi tay cứng rắn như thế nào: ông không phải là một người cha yếu nhược, hay nhân nhượng, đa cảm và ủy mị. Ông là một người cha có thể sửa chữa nhưng không gây thương tổn, cũng có thể bảo vệ nhưng không hề quan tâm tới bản thân. Một lần kia Cha có nghe một người cha nói rằng: „Đôi khi con phải quất cho mấy đứa con của con vài cái roi… nhưng không bao giờ đụng tới khuôn mặt chúng để không làm nhục chúng.“ Đó là điều tuyệt vời. Người cha ấy bận tâm tới phẩm giá của con cái ông. Ông phải trừng phạt chúng nhưng ông không thái quá.

Như vậy, nếu có một ai đó đang ở trong tình trạng giải thích sâu xa về Kinh Lạy Cha, tức Kinh mà Chúa Giê-su đã dậy cho chúng ta, thì đó là một con người đang làm gương một cách nhất quán về tình cha của ông. Không có ân ban từ Cha Trên Trời, mọi người cha nơi thế trần đều sẽ đánh mất sự can đảm của họ và rồi sẽ bỏ cuộc. Nhưng con cái cần tới một người cha, mà người cha ấy biết chờ đợi chúng khi chúng quay trở về từ sự thất bại của chúng. Chúng sẽ làm tất cả để không thú nhận điều thất bại đó, để không chỉ ra sự thất bại đó; nhưng chúng cần tới ông. Nếu chúng không nhìn thấy ông, điều đó sẽ đánh vào những vết thương, mà những vết thương ấy thật khó để có thể được chữa lành.

Giáo hội, mẹ của chúng ta, với tất cả mọi sức lực, sẽ hỗ trợ sự hiện diện đầy độ lượng của những người cha trong các gia đình, vì họ chính là những người bảo vệ không thể thay thế đối với những thế hệ mới, và là người giới thiệu Đức Tin vào những điều tốt lành, vào đức công chính và vào sự bao bọc chở che của Thiên Chúa, như Thánh Giu-se.  

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, một lần nữa những suy nghĩ của Cha lại đi đến với dân tộc Ucraina thân yêu. Thật tiếc rằng, tình hình đang càng ngày càng tồi tệ đi, và một sự đồng thuận giữa các đảng phái càng ngày càng bị đẩy xa hơn. Chúng ta hãy cầu nguyện, trước hết là cho các nạn nhân, mà trong số họ có rất nhiều thường dân, cũng như hãy cầu nguyện cho các gia đình; và chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài làm cho cơn bạo lực chết chóc và đầy sợ hãi này mau chấm dứt.

Tôi xin lập lại lời kêu gọi của tôi rằng, xin hãy làm mọi cách, ngay cả trên bình diện quốc tế, để có thể tái bắt đầu cuộc đối thoại, vì đối thoại là một con đường duy nhất để tái đem lại sự hòa bình và sự đồng tâm nhất trí tại quốc gia đang bị hành hạ này. 

Anh chị em thân mến, khi Cha nghe thấy những lời „chiến thắng“ và thất bại, Cha cảm thấy đau nhói và sầu muộn trong con tim của Cha. Đó không phải là những lời chính xác; lời duy nhất được đồng tình chính là lời: „Hòa Bình“. Đó là lời chính xác. Cha nghĩ tới anh chị em, hỡi những người anh em và chị em Ucraina… Nhưng hãy nghĩ xem, đó là một cuộc chiến tranh giữa các Ki-tô hữu! tất cả anh chị em đều đã đón nhận một Bí Tích Thanh Tẩy giống hệt nhau! Sao anh chị em lại đang chiến đấu chống lại nhau giữa các Ki-tô hữu! Hãy nghĩ xem, đó là một gương mù! Chúng ta hãy cùng cầu nguyện, vì trước mặt Thiên Chúa, lời cầu nguyện chính là sự kháng nghị của chúng ta đối với chiến tranh.

Vatican ngày 04 tháng 02 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.

 


Văn Kiện Giáo Hội