Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chung trưa Chúa Nhật ngày 15.02.2014

 

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến, xin kính chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Như các ngày Chúa Nhật vừa qua, Thánh Sử Mác-cô đã tường thuật cho chúng ta biết về hoạt động của Chúa Giê-su trong việc chống lại bất cứ hình thức nào của sự ác, hầu mang lại ích lợi cho những người đang phải đau khổ nơi thân xác và trong tâm hồn: những người bị quỷ ám, các bệnh nhân, các tội nhân… Ngài chỉ ra cho chúng ta thấy, Ngài đã chiến đấu để chống lại sự dữ như thế nào, tại bất cứ nơi đâu, và vào bất kỳ lúc nào Ngài bắt gặp chúng. Trong bài Tin Mừng hôm nay (xc. Mc 1,40-45), Chúa Giê-su đã chạm trán với sự dữ qua một cách thức mang đầy tính biểu tượng trong một bệnh nhân phong hủi. Bệnh phong hủi, một loại bệnh truyền nhiễm và tàn nhẫn, nó dẫn tới việc làm biến dạng con người, có ý nghĩa như là biểu tượng của sự „ô uế“: Người bị mắc hủi phải lưu lạc tại những khu vực xa dân cư, và phải ra dấu cho khách qua đường phát hiện ra mình. Người mắc bệnh này trở thành người bị loại trừ bởi cộng đồng tôn giáo và dân sự, và đồng thời, trở thành một người chết nhưng vẫn còn chuyển động.

 

Sự kiện chữa lành người bệnh hủi xảy ra trong ba bước ngắn: lời cầu xin của bệnh nhân, câu trả lời của Chúa Giê-su, tiếp theo sau là sự chữa lành nhiệm mầu. Người mắc bệnh phong cùi „quỳ gối xuống“ kêu xin Chúa Giê-su và nói với Ngài: „Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch“ (c. 40). Chúa Giê-su đã phản ứng lại lời cầu xin đầy khiêm nhượng và tín thác ấy với một thái độ đã bén rễ sâu trong tinh thần của Ngài: chạnh lòng thương. Đây là một thuật ngữ đi vào trong chiều sâu: chạnh lòng thương có nghĩa là „chịu đau khổ với người khác“. Con tim của Chúa Ki-tô bày tỏ niềm cảm thông đầy tình cha của Thiên Chúa đối với con người, trong khi Ngài đến gần người bệnh và đụng tay vào anh. Chi tiết ấy mang một ý nghĩa to lớn. Chúa Giê-su „giơ tay đụng vào người anh … ngay lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch“ (c. 41). Lòng nhân hậu của Thiên Chúa vượt qua bất cứ mọi rào cản nào, và bàn tay của Chúa Giê-su đã đụng chạm tới bệnh nhân phong cùi. Ngài không giữ khoảng cách an toàn, và không thực hiện theo bổn phận. Hơn nữa, Ngài đã bị phơi nhiễm trực tiếp từ những điều xấu xa của chúng ta; ngay khi sự xấu xa của chúng ta trở thành nơi để tiếp xúc: Chúa Giê-su đã lấy đi nhân tính bệnh hoạn của chúng ta khỏi chính chúng ta, và ban tặng lại cho chúng ta bản tính lành mạnh và làm cho nên lành mạnh của Ngài. Điều này sẽ diễn ra mỗi lần khi chúng ta lãnh nhận một Bí Tích với Đức Tin: Chúa Giê-su „đụng chạm“ vào chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng của Ngài. Trong trường hợp này, chúng ta hãy nghĩ một cách đặc biệt tới Bí Tích Cáo Giải, Bí Tích này sẽ chữa lành chúng ta khỏi bệnh hủi của tội lỗi.

 

Tin Mừng tái chỉ cho chúng ta thấy điều mà Thiên Chúa thực hiện đối với sự xấu xa của chúng ta. Ngài đến, không phải để truyền đạt cho chúng ta một „giáo lý“ về sự đau khổ, hay xóa bỏ sự đau khổ và sự chết chóc khỏi thế gian. Nhưng hơn thế, Ngài đến để nhận về cho mình gánh nặng của nhân tính chúng ta, và chiến thắng nó nhờ vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

 

Tin Mừng về cuộc chữa lành người bệnh phong hủi gửi đến cho chúng ta ngày nay một sứ điệp sau đây: nếu chúng ta thực sự muốn trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, thì chúng ta sẽ được kêu gọi trở nên hiệp nhất với Ngài và trở nên những khí cụ cho Tình Yêu nhân hậu của Ngài, và vượt thắng bất cứ hình thức nào của sự loại trừ. Để „bắt chước Chúa Giê-su“ (1 Cor 11,1), chúng ta không được phép sợ hãi trước những người nghèo, hầu nhìn ngắm họ trong sự lưu tâm, cũng như để đến gần họ với sự trìu mến và cảm thông, để đụng chạm tới họ, để ôm ghì lấy họ. Cha vẫn thường ủy thác cho những người mà họ giúp đỡ những người khác, bổn phận nhìn ngắm những người mình giúp đỡ trong sự lưu tâm, không hãi sợ trước việc đụng chạm tới họ; hãy nhìn những cử chỉ giúp đỡ như là những cử chỉ giao tiếp. Chúng ta cũng cần tới việc được đón nhận từ họ: một cử chỉ trìu mến, một cử chỉ cảm thông…

 

Nhưng Cha xin đặt ra cho anh chị em một số câu hỏi sau đây: Anh chị em có nhìn những người mà anh chị em giúp đỡ với tất cả sự trân trọng không? Anh chị em có đón nhận họ mà không hề sợ hãi trước việc đụng chạm tới họ không? Anh chị em có đón nhận họ với sự trìu mến hay không? Anh chị em có suy nghĩ về chuyện mình đã giúp đỡ họ như thế nào không? Anh chị em đã giúp đỡ họ từ khoảng cách xa hay với sự trìu mến và từ sự gần gũi? Nếu sự xấu xa có khả năng lây nhiễm thì đó cũng là một điều tốt. Vì thế, thật là cần thiết rằng, điều này sẽ càng ngày càng có sẵn một cách dồi dào hơn trong chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình bị lây nhiễm bởi sự tốt lành, và chúng ta hãy truyền lây cho người khác sự tốt lành!

 

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến,

 

Với niềm hy vọng về sự bình an và hòa bình, Cha xin gửi lời kính chào đến tất cả những người nam và những người nữ sống tại phương Đông, và trên những vùng khác nhau của thế giới, mà họ đang chuẩn bị đón mừng năm mới theo lịch mặt trăng. Những ngày Lễ Tết này sẽ giới thiệu cho họ một cơ hội tuyệt vời để tái khám phá, cũng như để có được một kinh nghiệm sâu xa về tình huynh đệ, mà nó thể hiện mối liên kết đầy giá trị của đời sống gia đình, cũng như hình thành nên nền tảng căn bản của đời sống xã hội. Ước chi sự quay trở về lại với gốc rễ của con người và gia đình theo chu kỳ của tháng năm, sẽ trợ giúp các dân tộc ấy trong công cuộc xây dựng một xã hội mà trong đó mối tương quan giữa con người với nhau, được khắc ghi bởi niềm kính trọng, bởi công lý và lòng nhân hậu, sẽ được tái thiết.

 

Cha xin nồng nhiệt kính chào anh chị em – hỡi các công dân Rô-ma và những người hành hương thân mến; Cha hướng lời chào đặc biệt đến những người đã đến đây để tháp tùng các Đức Tân Hồng Y nhân dịp có Công Nghị tấn phong Hồng Y; tiếp đến, tôi xin cám ơn tất cả những quốc gia đã gửi các phái đoàn chính thức tới để tham dự sự kiện này. Chúng ta hãy kính chào các Đức Tân Hồng Y với một tràng pháo tay!

 

Cha cũng xin kính chào những người hành hương Tây-ban-nha đã đến từ San Sebastián, từ Campo de Criptana, từ Orense, từ Pontevedra và từ Ferrol; Cha xin kính chào các sinh viên đến từ Campo Valongo và Porto của Bồ-đào-nha, cũng như những sinh viên đến từ Paris; Cha xin kính chào „Diễn Đàn Thuộc Các Viện Ki-Tô Giáo“ đến từ Slowakia, kính chào các tín hữu đến từ Buren (Hà-lan), kính chào các quân nhân Hoa Kỳ đang đóng quân tại Đức, và kính chào cộng đồng người Vê-nê-duy-ê-na đang sống tại Ý.

 

Với niềm vui, Cha xin kính chào các bạn trẻ đến từ Busca, kính chào các tín hữu đến từ Leno, từ Mussoi, từ Monteolimpino, từ Rivalta sul Mincio và từ Forette di Vigasio. Hôm nay, vô vàn các nhóm sinh viên học sinh và các nhóm Giáo lý viên đã tụ hội về đây từ nhiều vùng miền khác nhau của nước Ý – Cha đang nhìn thấy những người vừa lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức đến đây từ Galzignano … Các con thân mến, Cha khích lệ các con hãy trở nên chứng nhân vui mừng và can đảm của Chúa Giê-su trong cuộc sống mỗi ngày.

 

Cha xin kính chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tuyệt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Xin chúc anh chị em một bữa trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em!

 

Vatican ngày 15 tháng 02 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội