Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc hội kiến chung ngày 18.2.2015: GIA ĐÌNH – ANH CHỊ EM (*)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong loạt bài Giáo Lý của chúng ta, sau khi đã chiêm ngưỡng vai trò của người mẹ, người cha và của con cái, ngày hôm nay chúng ta sẽ dành cho những người anh chị em. Từ ngữ „anh em“ và „chị em“ nằm rất sâu trong con tim của thế giới Ki-tô giáo. Đó là những từ ngữ, nhờ vào kinh nghiệm gia đình, mà ý nghĩa của chúng đều được hiểu biết bởi tất cả các nền văn hóa cũng như bởi mọi thời đại.

Trong lịch sử của Dân Thiên Chúa, tức Dân mà Thiên Chúa đã mặc khải chính mình một cách trực tiếp trên kinh nghiệm của con người, sự gắn bó giữa những người anh chị em đã chiếm được một vị trí đặc biệt. Vẻ đẹp của nó được ca ngợi bởi tác giả Thánh Vịnh sau đây: ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau (xc. Tv 132,1). Điều đó thật đúng; tình huynh đệ thuộc về một trong những điều đẹp đẽ nhất! Với Chúa Giê-su Ki-tô, kinh nghiệm của con người về sự hiện hữu như là những người anh em và chị em ấy, cũng tìm thấy sự viên mãn của nó. Như vậy, Chúa Giê-su đã đón nhận kinh nghiệm ấy trong Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, và đã phát triển nó, đến độ nó trải rộng trên tất cả các mối quan hệ họ hàng, cũng như vượt thắng được bất cứ bức tường ngăn cách nào của sự xa lạ.

Chúng ta biết rằng, sự đổ vỡ của mối tương quan giữa anh chị em với nhau đã mở ra một con đường cho những kinh nghiệm đau thương và chồng chất xung đột; mở ra một con đường dẫn tới sự gian dối và căm thù. Trình thuật của Kinh Thánh về Ca-in và A-ben đã đưa đến cho chúng ta một ví dụ điển hình về con đường tiêu cực này. Sau khi A-ben bị sát hại, Thiên Chúa đã đặt ra cho Ca-in một câu hỏi: „A-ben em của người đâu?“ (St 4,9a). Thiên Chúa vẫn tái đặt ra câu hỏi ấy cho bất cứ thế hệ nào. Nhưng tiếc rằng, câu trả lời mang đầy tính bi kịch của Ca-in vẫn tiếp tục lặp lại ngay cả trong thế hệ chúng ta: „Tôi không biết nó ở đâu, tôi có phải là người bảo vệ em tôi đâu?“ (St 1,9b). Sự đổ vỡ mối tương quan giữa những người anh chị em là một cái gì đó kinh khủng và tồi tệ đối với nhân loại. Và cũng như thế ngay cả trong gia đình; biết bao nhiêu là những người anh chị em đã tranh chấp với nhau chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt hay chỉ vì chuyện chia gia tài, và rồi sau đó không thể nói chuyện với nhau được nữa, không thể chào hỏi nhau được nữa, dù chỉ một lần. Đó là điều kinh khủng! Tình huynh đệ là một cái gì đó vĩ đại. Người ta chỉ cần chú ý đến một điều rằng, tất cả mọi anh chị em đều đã sống trong cung lòng của cùng một người mẹ, trong suốt chín tháng trời, và đã được phát sinh từ máu thịt của cùng một người mẹ! Mối tình anh chị em không được phép bị hủy hoại. Chúng ta hãy nghĩ tới những điều sau đây: tất cả chúng ta đều biết đến những gia đình mà trong đó những người anh chị em bị gây chia rẽ với nhau, họ đã cãi lộn với nhau; chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những gia đình ấy – có lẽ trong gia đình của chúng ta cũng đang có một số trường hợp như thế - xin Chúa giúp họ để họ có thể hiệp nhất với nhau trong tình anh em, và giúp họ tái kiến tạo gia đình. Tình huynh đệ không được phép bị hủy hoại. Nếu điều ấy xảy ra, thì nó chẳng khác gì thái độ của của Ca-in và A-ben. Khi Thiên Chúa hỏi Ca-in về việc em của ông đang ở đâu, ông đã trả lời: „Đơn giản là tôi không biết chuyện ấy, em của tôi không quan trọng đối với tôi“. Đó là điều kinh khủng, và tạo ra vô vàn sự đau đớn nếu người ta phải nghe thấy câu trả lời ấy. Trong các giờ cầu nguyện của chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện thường xuyên cho những người anh chị em đang bị gây chia rẽ. Mối dây huynh đệ phát sinh trong gia đình giữa những người anh chị em; nếu môi trường giáo dục bao hàm cả chuyện mở ra đối với người khác, thì đó quả là một ngôi trường vĩ đại của tự do và hòa bình. Cuộc sống chung của con người giữa những người anh chị em, và cuộc sống chung trong xã hội, được học hỏi ngay từ trong gia đình. Có lẽ chúng ta không luôn luôn ý thức về điều đó, nhưng tình huynh đệ trong thế giới bắt đầu ngay từ trong gia đình! Dựa vào kinh nghiệm đầu tiên này về tình huynh đệ mà nó được tiếp liệu bởi mối thiện cảm và bởi sự giáo dục trong gia đình, lối sống huynh đệ sẽ chiếu sáng như một lời hứa trên toàn thể cộng đồng và trên mối tương quan giữa các dân tộc. Phúc lành mà Thiên Chúa rưới lên trên sự gắn bó huynh đệ này trong Chúa Giê-su Ki-tô, sẽ được mở rộng qua những cách thế không thể hình dung, và có khả năng vượt thắng hết mọi bất đồng giữa các quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa và thậm chí giữa các tôn giáo.

Hãy nghĩ xem điều gì sẽ phát sinh từ sự gắn bó giữa những con người với nhau và rất khác biệt nhau, khi người này có thể nói với người khác: „Người ấy như một người anh em, và chị ấy thì như là một người chị em đối với tôi!“ Điều đó thật tuyệt vời biết bao! Ngoài ra, lịch sử đã chỉ ra một cách rộng rãi rằng, ngay cả trong sự tự do và sự bình đẳng, nếu thiếu tình huynh đệ, chủ nghĩa cá nhân cũng như thói xu thời từ những mối quan tâm riêng, cũng có thể ăn nhờ ở đợ tại đó.

(*) Tình huynh đệ sẽ chiếu sáng một cách đặc biệt trong gia đình nếu chúng ta nhìn xem nó với sự cẩn thận, kiên nhẫn và thịnh tình, mà người yếu đuối nhất hay người bệnh tật nhất, hay những người anh chị em bị mắc phải một khuyết tật, sẽ được bao bọc bởi chúng. Có rất nhiều những người anh em và chị em đang thực hiện điều đó trên khắp thế giới, và có lẽ chúng ta đã chưa kính trọng cho đủ đối với sự rộng lượng của họ. Khi nhiều người anh chị em cùng chung sống trong một gia đình – hôm nay Cha đã chào thăm một gia đình có 9 người con – thì người anh hay người chị cả sẽ giúp cha mình hay mẹ mình trong việc chăm sóc những đứa em bé nhất. Và sự giúp đỡ giữa những người anh chị em như thế là rất tuyệt vời.

Có một người anh hay một người chị yêu thương chúng ta, thì đó là một kinh nghiệm mạnh mẽ, vô giá và không thể thay thế. Đồng thời, điều đó cũng xảy ra trong tình huynh đệ Ki-tô giáo. Những người nhỏ nhất, những người yếu đuối nhất và những người nghèo nhất phải khơi lên sự trìu mến trong chúng ta: Họ có „quyền“ xâm chiếm tâm hồn và con tim của chúng ta. Vâng, họ là những người anh chị em của chúng ta, và do đó, chúng ta phải yêu thương họ, phải đối xử tốt với họ. Nếu điều ấy diễn ra, nếu những người nghèo có thể được gọi là cùng sống với chúng ta, thì tình huynh đệ Ki-tô giáo của chúng ta sẽ được lấp đầy với sự sống mới. Như thế, các Ki-tô hữu đến với những người nghèo và những người yếu đuối không phải từ sự tuân thủ đối với kế một hoạch không tưởng, nhưng là vì Lời Chúa và gương lành của Ngài nói với chúng ta rằng, tất cả chúng ta đều là anh em của nhau. Vấn đề ở đây chính là nguyên tắc của Tình Yêu Thiên Chúa và của bất cứ sự công bằng nào giữa con người với nhau. Cha khuyên anh chị em một điều sau đây: Trước khi kết thúc bài nói chuyện này của Cha, mà bài này chỉ còn mấy dòng nữa là hết, chúng ta hãy đi vào trong sự thinh lặng và hãy nghĩ tới những người anh em và chị em của chúng ta. Và trong thinh lặng, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ với tất cả tấm lòng. Hãy dành ra một khoảnh khắc thinh lặng. Giờ đây, với lời cầu nguyện này, chúng ta đã mang tất cả những người anh em và chị em thân yêu của chúng ta vào trong sự tưởng nhớ với cả con tim, tại đây, trên quảng trường Thánh Phê-rô này, để nhận lãnh phép lành.

Việc đặt tình huynh đệ vào trong trung tâm của xã hội kỹ trị và quan liêu của chúng ta trong thời đại hôm nay là điều cần thiết hơn bao giờ hết: Do đó, sự tự do và sự bình đẳng cũng nên nhận được trọng lượng hợp lý của nó. Vì thế, không nên vì sự ngượng ngùng hay sợ hãi một cách hời hợt mà chúng ta cướp đi mất sự tuyệt vời của một kinh nghiệm bao gồm tình huynh đệ giữa những người con trai và những người con gái khỏi các gia đình của chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng đừng đánh mất đi niềm tin tưởng của mình vào chân trời rộng mở mà Đức Tin được chiếu sáng bởi ân sủng của Thiên Chúa có thể kín múc từ kinh nghiệm ấy.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Cha muốn tái nhắc lại lời kêu gọi cầu nguyện cho những người anh em của chúng ta tại Ai-cập, họ đã bị sát hại cách nay ba ngày tại Libia chỉ vì họ là những Ki-tô hữu. Ước gì Thiên Chúa sẽ đón nhận họ vào trong nhà của Ngài, và ban niềm an ủi xuống cho các gia đình cũng như cho các Giáo xứ của họ.

Trong khi tưởng nhớ tới tất cả những nạn nhân đã tử vong, những người bị gây thương tổn và những người tị nạn, chúng ta cũng hãy cầu xin ơn hòa bình xuống cho vùng Trung Đông và cho vùng Bắc Phi. Ước chi cộng đồng cuốc tế sẽ tìm cho ra những giải pháp hòa bình để giải quyết tình trạng khó khăn và phức tạp tại Libia.

Vatican ngày 18 tháng 02 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội