Kỷ niệm hai năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô (phần 3): Những cuộc tiếp kiến dành cho các giám mục nhân dịp ad limina

(dongten.net) 13/03/2015

Cũng không kém quan trọng khi đề cập đến những chia sẻ của Đức Thánh Cha dành cho các Hội Đồng Giám Mục từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Tòa Thánh năm năm một lần, bởi nó sẽ giúp Giáo Hội địa phương hiểu hơn về thực tại mà họ đang đối diện

Hai cuộc tiếp kiến ad limina trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng: các giám mục Ý và Hà Lan

Các giám mục của 16 vùng tại Ý đã có cuộc gặp gỡ, bắt đầu với Đức Biển Đức 16 vào tháng 1.2013 và kết thúc vào 19.5 với sự can thiệp của Đức Phanxicô trong việc triệu tập Đại Hội chung lần thứ 66 của Hội Đồng Giám Mục Ý. Trong một bài phát biểu, Đức Phanxicô đã mời gọi các giám mục hãy “lắng nghe con chiên”, chứ đừng bảo thủ.

Trong năm đầu tiên, Đức Phanxicô cũng gặp gỡ các Giám Mục Hà Lan, một đất nước bị cho là tục hóa nhiều nhất ở Châu Âu. Ngài trao gửi đến các giám mục hai điều: thứ nhất là chú tâm đến việc giáo dục lương tâm, đòi hòi các tín hữu Công Giáo phải có một nền huấn luyện vững chắc và chất lượng, vì tất cả những ai đã rửa tội đều được mời gọi để trở nên “người môn đệ-nhà truyền giáo”; thứ hai, ngài khuyên rằng trong những cuộc tranh luận công cộng, phải giúp người khác thấy được lòng nhân từ của Thiên Chúa, sự dịu dàng của Ngài dành cho tất cả mọi thụ tạo.”

26 cuộc viếng thăm ad limina của các giám mục Phi Châu vào năm 2014

Trong năm 2014, ngài đã có 26 cuộc tiếp kiến với các Hội Đồng Giám Mục đến từ các nước ở Châu Phi: Guinea Conakry, Rwanda, Burundi, Tanzania, Madagascar, Zambia, Sudafrica, Etiopia và Eritrea, Zimbabwe, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Camerun, Bờ Biển Ngà, Ghana, Ciad, Malawi, Senegal, Mauritania, Guinea Bissau và Capoverde, và Zambia. Ngài chia sẻ với các giám mục này về vai trò của Giáo Hội địa phương trong việc thăng tiếng hòa bình và hòa giải nơi các quốc gia đã xảy ra quá nhiều những cuộc xung đột đẫm máu giữa các sắc tộc, tôn giáo và xã hội như Rwanda, Burundi và Cộng Hòa Dân Chủ Congo; cuộc chiến chống lại nghèo đói và phân biệt xã hội; đối thoại liên tôn và tự do tôn giáo, đặc biệt là trong các quốc gia có Hồi Giáo chiếm đa số. Trong cuộc gặp gỡ các giám mục Ghana, ngài nói đến thảm kịch Ebola, những hậu quả của nó cũng như những chứng tá anh dũng của nhiều thiện nam tín nữ khi ở lại bên cạnh các bệnh nhân, đánh liều sự sống của mình.

Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo các linh mục tại châu lục này và vai trò trọng tâm của gia đình đơn thê trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu và xã hội địa phương, vì việc Tin Mừng hóa bắt đầu trong mái ấm gia đình. Rồi ngài cũng nói đến nhu cầu phải thắt chặt niềm tin vốn đang bị đe dọa bởi nhiều điều trong thế giới ngày nay.

Hai cuộc viếng thăm ad limina của các giám mục Á Châu trong năm 2014

Năm 2014, ĐTC cũng tiếp kiến hai phái đoàn Hội Đồng Giám Mục đến từ Châu Á: Đông Timor và Sri Lanka. Với Đông Timor, ngài khích lệ họ hãy luôn ý thức có phê bình về quốc gia, trong việc loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa và mời gọi họ hãy làm sao để việc rao giảng Tin Mừng này có thể được thực hiện bằng ngôn ngữ địa phương. Với Sri Lanka, ngài khuyến khích họ hãy tiếp tục phấn đấu trong việc xây dựng sự hòa giải quốc gia mà Giáo Hội đã thực thi, để tái chữa lành những vết thương còn đó do những cuộc nội chiến gây ra. Ngài cũng mong họ tiếp tục hướng đến những người nghèo và người cô thế, đồng thời không ngừng nỗ lực đối thoại liên tôn, vì đây là một đất nước có sự phân biệt rất lớn về chủng tộc và tôn giáo.

Cuộc viếng thăm của các giám mục Mexico

Thăng tiến văn hóa gặp gỡ và hòa bình, cũng như một xã hội công bằng, tự do và dân chủ chính là những thông điệp mà ĐTC gửi đến các giám mục đến từ Mexico, Hội Đồng Giám Mục duy nhất của Mỹ Latin đến thăm Tòa Thánh trong năm 2014. ĐTC đã chia sẻ về những vấn đề lớn trong xã hội mà Giáo Hội tại đất nước này đang phải đối diện: nghèo đói, bạo lực trên tất cả mọi phương diện, di dân. Ngài xin các giám mục đừng bỏ qua những đóng góp của giáo dân, gia đình, và đặt biệt nhấn mạnh đến nhu cầu phải đào tạo họ để nhờ họ mà chiều kích công cộng của đức tin được nhìn thấy rõ hơn.

Những cuộc gặp gỡ với các Hội Đồng Giám Mục từ các nước ở Châu Âu

Trong năm 2014, ĐTC Phanxicô cũng đã gặp gỡ một số Hội Đồng Giám Mục đến từ các nước ở Châu Âu có truyền thống Kitô giáo lâu đời: Ba Lan, Áo, Bungari, Tây Ban Nha, Cộng Hòa Séc, Thụy Sĩ. Thực tại khác nhau nhưng tất cả đều có chung một thách đố là sự tục hóa các giá trị và một nhu cầu là phải tái truyền giảng Tin Mừng cho những ai đang ở xa đức tin. Những cuộc gặp gỡ này là một dịp để đối diện với nó. Những quốc gia này đã từng là những quốc gia có nhiều tín hữu công giáo, nay lại bị đe dọa bởi ý thức hệ gây xáo trộn đời sống tâm linh của con người.

Trước những thách đố này, ĐTC khuyến khích các giám mục hãy “đi ra” để loan báo Tin Mừng (Áo), mở ra với những chân trời sứ mạng nhưng không xao lãng chiều kích xã hội, mà điều quy chiếu là học thuyết xã hội của Giáo Hội và điều ưu tiên là phải bao gồm cả người nghèo (Bungari), nhưng không rơi vào cám dỗ trở thành một tổ chức phi chính phủ thuần túy (Thụy Sĩ); phải đối thoại để “cộng đoàn Kitô hữu có thể là nơi đón tiếp với sự mở ra và niềm nở (Cộng Hòa Séc); và mở ra những con đường mới cho Tin Mừng để Tin Mừng có thể đến được với tất cả mọi con tim, kêu gọi mọi người thắt chặt đức tin, đặc biệt là các trẻ em (Tây Ban Nha), và đặt gia đình ở vị trí ưu tiên trong việc loan báo Tin Mừng, ngay tâm điểm ưu tiên trong việc mục vụ của Giáo Hội địa phương (Ba Lan)

Bốn cuộc viếng thăm đầu tiên của năm 2015

Tin tưởng, liên đới, sự tục hóa, hòa bình, đối thoại và gia đình. Đây chính là những từ khóa trong các diễn từ mà ĐTC dành cho các cuộc viếng thăm ad limina trong năm 2015: Lituania, Hy Lạp, Ucraina, Bắc Phi. Ba nước sau đang cùng đối mặt với những vấn đề khủng hoảng của thế giới ngày nay: vấn đề kinh tế, chính trị và tương quan với Hồi Giáo. Với những nước đầu tiên, ĐTC khuyến khích họ hãy tin tưởng vào tương lai dù đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và hãy đào sâu một viễn tượng về tình liên đới trong một thái độ hợp tác với các quốc gia Âu Châu khác.

Tâm điểm bài phát biểu dành cho các giám mục Ucraina là lời thỉnh cầu hãy cố gắng kết thúc chiến tranh tại quốc gia này, tôn trọng các hiệp ước quốc tế và hãy thương cảm cho những hiểu lầm và nỗi đau giữa các giáo hội Kitô giáo. Với các giám mục Bắc Phi (CERNA), ĐTC đã cảm ơn họ vì sự dũng cảm và sự hiện diện hòa bình của họ trong một khu vực nơi mà thỉnh cầu cho sự tự do và nhân phẩm đang gặp nhiều thách đố. Chủ đề về gia đình và “thách đố được mời gọi để đối diện trong thời đại chúng ta” nằm tại tâm điểm của bài phát biểu của ĐTC dành cho các giám mục Lituania. Ngài đặc biệt mời gọi họ hãy chú ý đến ảnh hưởng của ý thức hệ muốn phá vỡ cơ cấu gia đình, là kết quả của việc hiểu sai về tự do cá nhân.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ (theo Radio Vatican)