Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 15.03.2015: „Thiên Chúa tha thứ tất cả và luôn luôn!

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin kính chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hay về những Lời của Chúa Giê-su khi Ngài nói với ông Ni-cô-đê-mô: „Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời“ (Ga 3,16). Khi nghe những lời ấy, chúng ta hãy hướng cái nhìn của con tim chúng ta về với Đấng Chịu Đóng Đinh, và hãy cảm nhận trong lòng mình rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài yêu thương thực sự và vô cùng yêu thương! Sự diễn tả đơn giản nhất mà nó hình thành nên một sự thống nhất của toàn bộ Tin Mừng, toàn bộ Đức Tin và toàn bộ Thần Học, chiếu theo những điều sau đây: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một Tình Yêu nhưng không và vô bến bờ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, và Ngài chỉ ra cho chúng ta Tình Yêu của Ngài, trước hết là trong công trình sáng tạo, như được cử hành trong Phụng Vụ qua Kinh Nguyện Thánh Thể IV: „Cha đã tác tạo mọi loài để ban cho chúng đầy tràn ơn phúc, và cho nhiều thụ tạo vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha“. Vào lúc khai nguyên vũ trụ, chỉ có Tình Yêu nhưng không và khôn cùng của Cha hiện hữu. Thánh I-rê-nê, một vị Thánh của thế kỷ thứ nhất, đã viết: „Thiên Chúa đã sáng tạo nên A-đam không phải vì Ngài cần tới con người, nhưng là để chứng tỏ cho một ai đó về những điều tốt lành của Ngài“ (Adversus haereses, IV, 14, 1). Tình Yêu của Thiên Chúa thì như thế, hệt như thế.

Khúc cuối của Kinh Nguyện Thánh Thể IV có một đoạn viết rằng: „Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha“. Thiên Chúa đã đến với lòng nhân từ của Ngài. Như trong công trình sáng tạo, Tình Yêu nhưng không của Thiên Chúa cũng đã biểu lộ trong những chặng tiếp theo của lịch sử cứu độ: Thiên Chúa đã tuyển chọn dân của Ngài không phải vì dân xứng đáng với sự tuyển chọn ấy, nhưng – chiếu theo những Lời của Chúa – vì dân là dân nhỏ bé nhất giữa các dân tộc. Và khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người, bất chấp việc con người nhiều lần vi phạm giao ước, nhưng còn ký kết một giao ước mới với họ trong bửu huyết của Chúa Giê-su – giao ước mới và vĩnh cửu – một mối tương quan không gì có thể cắt đứt.

Thánh Phao-lô đã nhắc chúng ta nhớ tơi những lời sau: „Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống lại với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ“ (Eph 2,4-5). Thập Giá của Chúa Ki-tô chính là bằng chứng về lòng Nhân Từ tối cao và Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta „cho đến cùng“ (Ga 13,1), có nghĩa là Ngài đã không chỉ yêu chúng ta cho tới giây phút cuối cùng trong cuộc sống tại thế của Ngài, nhưng Ngài còn yêu cho đến sự cùng tận tuyệt đối của Tình Yêu. Nếu như trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa Cha đã đưa ra bằng chứng cho Tình Yêu vô biên của Ngài bằng cách là Ngài ban sự sống cho chúng ta, thì Ngài cũng đã trao cho chúng ta bằng chứng của mọi bằng chứng trong cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Con: Ngài đã đến để cùng chịu đau khổ với chúng ta cũng như để chết với chúng ta. Lòng nhân từ của Thiên Chúa lớn lao quá mức như thế: Ngài yêu thương chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta; Thiên Chúa tha thứ tất cả và luôn luôn.

Xin Đức Maria – Mẹ từ nhân – cấy vào trong con tim chúng ta niềm tin tưởng vững chắc rằng, chúng ta được yêu thương bởi Thiên Chúa. Xin Mẹ hãy giúp đỡ chở che chúng con trong những giây phút khó khăn, và xin Mẹ ban cho chúng con những tình cảm của Con Mẹ, hầu cho con đường của chúng con, ngang qua Mùa Chay này, trở thành một kinh nghiệm về ơn tha thứ, về sự đón nhận và về lòng nhân từ.

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Tin tức trong ngày hôm nay về những hành động khủng bố nhắm vào hai ngôi Thánh Đường tại thành phố Lahore của Pakistan, và do đó, vô vàn người đã bị sát hại hay đã bị gây tổn thương, đã đem đến cho Cha một nỗi đớn đau khôn cùng. Đó là các Giáo hội Ki-tô. Các Ki-tô hữu đang bị bách hại; máu của những người anh chị em của chúng ta đã bị đổ ra chỉ vì họ là những Ki-tô hữu. Trong khi Cha đoan chắc với anh chị em về sự cầu nguyện của Cha cho các nạn nhân và các gia đình của họ, Cha cầu xin Thiên Chúa và khẩn khoản kêu lên Người, Đấng là nguồn mạch của mọi sự thiện hảo, xin Người ban bình an và sự đồng tâm nhất trí đến cho quốc gia này. Ước chi cuộc bách hại mà nó đang nhằm chống lại các Ki-tô hữu nhưng lại đang cố gắng che đậy trước thế giới, sẽ mau kết thúc và trở thành niềm bình an.

Cha cũng xin bày tỏ sự gần gũi của Cha đối với cư dân của đảo Vanuatu nằm tại khu vực Thái Bình Dương. Hòn đảo này đã bị tấn công bất ngờ bởi một cơn lốc hung bạo. Cha cầu xin cho những ai đã qua đời, những người bị chấn thương và những người không còn nhà cửa, và xin cám ơn tất cả những ai đã khởi sự những biện pháp cứu trợ tức thì.

Vatican ngày 15 tháng 03 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội