Bản văn của Thượng Hội Đồng Giám Mục liên quan đến những người ly dị tái hôn

Vào hôm thứ Bảy ngày 24 tháng 10 vừa qua, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thường kỳ lần thứ XIV đã bế mạc, và Văn Kiện Đúc Kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục này cũng đã được công bố. Sau đây là phần trích lục liên quan tới người ly dị tái kết hôn, từ Văn Kiện trên:

Biện phân và hội nhập

84.Những người lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đã ly dị và đã tái kết hôn theo chính quyền dân sự, phải được hội nhập hơn nữa vào trong các cộng đoàn Ki-tô hữu – bằng những cách thế tốt nhất có thể, nhưng dưới sự ngăn ngừa bất cứ  nguyên cớ nào dẫn tới gương mù. Lô-gich của sự hội nhập chính là chìa khóa giúp thực hiện việc đồng hành mục vụ với họ, để họ không chỉ biết rằng, họ vẫn đang thuộc về thân thể Chúa Ki-tô, tức Giáo hội, nhưng cũng còn để họ sống điều đó một cách vui mừng và phong nhiêu. Họ là những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, là anh chị em, Chúa Thánh Thần cũng vẫn đang đổ xuống trên họ phúc lành của tất cả mọi ân sủng và đặc sủng. Sự tham dự của họ có thể được thể hiện trong những sứ vụ khác nhau của Giáo hội; vì thế vấn đề nằm ở chỗ là phải biện phân xem, những hình thức khai trừ khác nhau mà chúng đang tồn tại trong lãnh vực Phụng Vụ, mục vụ, trường học và cơ quan, có thể được vượt thắng bằng cách nào. Họ không chỉ nên cảm thấy mình không bị tuyệt thông, nhưng còn có thể sống và phát triển như là những thành viên sống động của Giáo hội, và ở đây nhận ra Giáo hội như là một người Mẹ luôn luôn đón nhận họ, chăm sóc cho họ với trọn mối thiện cảm, và khích lệ họ tiến lên trên con đường cuộc sống và Tin Mừng. Sự hội nhập này cũng là điều cần thiết đối với việc chăm sóc và giáo dục Ki-tô giáo cho con cái của họ, chúng phải đứng ở vị trí trước tiên. Đối với cộng đoàn Ki-tô giáo, việc chăm lo cho con người không có nghĩa là làm giảm giá trị của Đức Tin và của chứng tá đối với sự bất khả phân ly của đời sống hôn nhân – trái lại, Giáo hội thể hiện trực tiếp qua Đức Ái của mình đối với tha nhân.

85.Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng đã sưu tập một danh mục tóm tắt các tiêu chuẩn, mà bản danh mục đó vẫn đang còn là điều căn bản đối với việc đánh giá những tình huống như thế: „Ước chi các Mục Tử có thể lưu ý rằng, họ bị ép buộc vì Đức Ái đối với chân lý để biện phân cho tốt những tình huống khác nhau. Đó là một sự biện phân để xét xem, liệu một ai đó, bất chấp những nỗ lực chân thành của họ trong việc cứu vãn hôn nhân trước kia, có bị phó mặc hoàn toàn cho sự bất công hay không, hay liệu một ai đó đã hủy hoại một cuộc hôn nhân thành sự theo Giáo luật bởi một lỗi nặng của riêng mình hay chưa. Một số người khác đã bước vào một cuộc kết hợp mới vì việc giáo dục con cái, và đôi khi có sự tin tưởng một cách chủ quan rằng, cuộc hôn nhân trước kia bị phá hủy một cách không thể hồi phục, chưa bao giờ thành sự“ (Familiaris Consortio, số. 84).

Như vậy, nhiệm vụ của các Linh mục là đồng hành với những người có liên quan trên con đường biện phân, chiếu theo giáo huấn của Giáo hội và những nguyên tắc chỉ đạo của Giám mục. Trong quá trình này, đương sự sẽ được giúp đỡ để thực hiện một cuộc kiểm thảo lương tâm nhờ vào những phút giây hồi tâm và thống hối. Những người ly dị tái lập gia đình nên tự hỏi, họ đã đối xử với con cái của họ như thế nào khi sự hiệp thông hôn nhân rơi vào cơn khủng hoảng; liệu họ có cố gắng để hòa giải không; tình trạng của người bạn đời bị bỏ, đang thế nào; mối quan hệ mới đang tác động trên các gia đình khác và trên cộng đoàn tín hữu như thế nào; gương sáng nào sẽ được trao cho những người trẻ mà họ nên chuẩn bị cho hôn nhân. Một sự nhận thức trung thực sẽ có thể củng cố niềm tín thác vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng không khước từ bất cứ ai.

Thêm vào đó, người ta sẽ không thể phủ nhận được rằng, trong một số những hoàn cảnh, vì những tác động khác nhau, „khả năng phân biệt đúng sai và trách nhiệm đối với một hành vi có thể bị giảm nhẹ hoặc bị thủ tiêu“. Vì thế, sự phán quyết trên một tình trạng khách quan không thể dẫn tới một phán quyết trên „khả năng phân biệt phải trái có tính chủ quan“ (Hội Đồng Tòa Thánh phụ trách việc giải thích các văn bản luật, Tuyên Ngôn ngày 24.06.2000, 2a). Trong những hoàn cảnh xác định, con người bất ngờ phải đối diện với những khó khăn to lớn, và do đó dẫn tới việc xử sự khác đi. Vì thế, ngay cả khi người ta tuân giữ những quy tắc chung một cách chân thực, cũng cần phải nhận ra rằng, trách nhiệm đối với những hành vi được xác định hay với những quyết định sẽ không giống hệt nhau trong tất cả mọi trường hợp. Sự biện phân mang tính mục vụ, trong mối liên hệ đến lương tâm con người được đào tạo một cách ngay thẳng, cũng phải quan tâm tới những tình trạng này. Những hậu quả của những hành vi đã mắc phải, một cách cần thiết, cũng không giống hệt nhau trong mọi trường hợp.

86.Con đường được đồng hành và sự biện phân sẽ dẫn đưa các tín hữu này tới việc đưa ra quyết định theo lương tâm về tình cảnh của họ trước Thiên Chúa. Sự đối thoại với Linh mục, trong Forum Internum (trong cuộc thảo luận có tính riêng tư, thân mật), sẽ thúc đẩy sự hình thành nên một phán quyết hợp lý về điều mà nó tạo khả năng cho một sự tham dự hoàn toàn vào với đời sống của Giáo hội, và về những bước đi mà chúng có thể thúc đẩy và làm cho sự tham dự đó được phát triển. Vì ngay ở trong luật cũng không có cấp độ tính (s. FC, Nr. 34), nên sự biện phân này không bao giờ có thể khước từ những đòi hỏi của chân lý và của Đức Ái đối với tha nhân chiếu theo Tin Mừng, như Giáo hội đã ấn định. Và để cho điều đó diễn ra, những điều kiện cần thiết của sự khiêm nhượng, của niềm tín thác, của Tình Yêu đối với Giáo hội và đối với Giáo huấn của Giáo hội cần phải được bảo đảm, trong sự kiếm tìm Thánh Ý Thiên Chúa một cách chân thành, và trong niềm mong ước có được câu trả lời hoàn toàn cho vấn đề đó.

Vatican ngày 24 tháng 10 năm 2015

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội