Đức Gioan Phao lô II, người diễn giải Công Đồng Vatican II

(tgphanoi.org) THỨ NĂM, 11 THÁNG 10 2012

 Lời giới thiệu. Dựa theo JAROSLAW KUPCZAK, O.P. – giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tư Tưởng của đức Gioan Phaolô II tại đại học giáo hoàng Gioan Phalô II ở Krakow – với bài « JOHN PAUL'S INTERPRETATION OF THE SECOND COUNCIL », trong COMMUNIO, số Xuân-Hè 2012, International Catholic Review, p.152-168.

Jaroslaw Kupczk, O.P.

- - - - - - - - - - - - - - -- - - - - - - - - - - - - -

"Đức Giêsu Kitô, đấng Cứu Chuộc loài người, chính là trung tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử" . Đó là câu đầu tiên trong thông điệp đầu tiên của đời giáo hoàng đức Gioan Phaolô II, mang tên "Đấng Cứu Chuộc loài người" ('Redemptor hominis'), ban hành năm 1979. Đây không chỉ là lời tuyên xưng đức tin của vị giáo hoàng này, mới được bầu chọn chỉ mới năm tháng trước đó, mà có thể nói đó còn là câu văn then chốt có thể dùng để diễn giải giáo huấn và rất nhiều việc làm của ngài từ khi làm giáo hoàng. Thật ra, câu văn này chỉ diễn đạt ý tưởng của công đồng Vatican II trong hiến chế "Vui mừng và hy vọng", số 10: "Giáo Hội.... tin rằng chúng ta có thể tìm thấy nơi Đấng vừa là Chúa vừa là Thầy nhân lành của mình chìa khóa, tâm điểm và mục đích của con người cũng như của lịch sử nhân loại". Trong bài viết này, trước khi trình bày Đức Kitô đã được đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đặt làm tâm điểm của lịch sử, văn hóa và con người như thế nào khi nhìn tất cả các khoa này dưới lăng kính thần học, chúng ta cần lưu ý vài điểm quan trọng có liên quan đến bản thân ngài.

1. Một con người được khuôn đúc lên từ công đồng Vatican II

Trước khi đứng ra làm công việc diễn giải công đồng Vatican II cho người đương thời, đức Gioan Phaolô II đã để mình được khuôn đúc phần nào bởi Công Đồng ấy. Thật vậy, khi đến tham dự lễ khai mạc kỳ họp thứ nhất của Công Đồng ấy vào mùa thu năm 1962, đức giáo hoàng chỉ là một nghị phụ 42 tuổi, nghĩa là vừa làm linh mục được 16 năm và mới làm giám mục được 4 năm. Ngài đúng là một trong những giám mục trẻ nhất tham gia hội nghị.

Thế nhưng, ngài đã đăng ký phát biểu tới 24 lần, trong đó có 8 lần được lên tiếng (kể cả 2 lần nói thay mặt hội đồng giám mục Ba Lan – dưới dạng "allocutiones" hay "diễn văn"). Ngài cũng đăng ký với ban Thư Ký Công Đồng 16 lần góp ý với văn bản ("animadversiones scriptae"); nhưng có 3 lần không được trình bày tại Đền Thánh Phêrô. Hồng Y Angelo Sodano nhận xét: "Giám mục Wojtyla (tức là đức giáo hoàng Gioan Phaolô sau này) nằm trong số nghị phụ có những đóng góp hết sức phong phú cho Công Đồng: không những phong phú về số lượng, mà còn phong phú và đa dạng về mặt lý thuyết...Không có nhiều nghị phụ phát biểu tại các phiên họp khoáng đại thường xuyên như giám mục giáo phận Krakow" ('L'esperienza elementare. La vena profonda del magistero di Giovanni Paolo II" [Milan, 2003], 111).

Và hình như đóng góp quan trọng của ngài cho Công Đồng nằm ở chỗ ngài hết sức đề cao quan điểm nhân học Kitô giáo. Thật ra, khá lâu trước khi Công Đồng khai mạc, ngài đã có sự đóng góp này. Tháng 12 năm 1959, khi trả lời thỉnh nguyện của Ủy Ban Tiền Trù Bị của Công Đồng (« Commisione Antepraeparatoria »), trong tư cách đại diện giáo phận Krakow, ngài đã nêu ra những để tài chính mà Công Đồng nên đưa ra bàn luận. Sử gia George Weigel đã có lý khi lưu ý chúng ta tới bản chất của những gì ngài trả lời cho hồng y Tardini : « Nhiều giám mục đưa ra những bảng phác họa các vấn đề nội bộ của Giáo Hội cần bàn luận. Nhưng giám mục Karol Wojtyla lại đệ trình một bảng kiến nghị của một nhà tư tưởng, chứ không phải của một nhà giáo luật. Thay vì khởi sự với những gì Giáo Hội cần làm để cải tổ cơ nghiệp của mình, ngài chọn một điểm khởi hành khác hẳn. Ngài đặt câu hỏi : thân phận con người hiện nay thế nào ? Con người hiện nay đang muốn nghe điều gì từ nơi Giáo Hội ? Phương pháp trình bày của ngài trong bài ấy là phương pháp quy nạp và hiện tượng luận rồi đây cũng sẽ được Công Đồng chấp nhận, dù phải mất nhiều thời gian để tranh đấu và tranh luận trong nội bộ. Trong biên bản gởi cho Ủy Ban Tiền Trù Bị, giám mục Wojtyla nhấn mạnh rằng vấn đề then chốt của thời đại hôm nay, bị ảnh hưởng sâu đậm bởi chủ nghĩa duy vật, chính là phải hiểu thế nào về con người. Thế nên, nhiệm vụ chính của Công Đồng là làm sao giới thiệu những giá trị trong chủ trương nhân vị Kitô giáo và phân biệt nó với các quan điểm nhân học khác hiện nay, chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa cá nhân và chủ trương duy kinh tế nặng tính duy vật. Ngài cũng lưu ý mọi người về một vài yếu tố căn bản để trình bày chủ trương nhân vị Kitô giáo ».

Trước hết, sự thật đầy đủ về con người chỉ thấy được dựa vào đức tin : « sự thật ấy chỉ thấy được một phần nếu dựa vào lý trí, còn sẽ thấy được đầy đủ nếu dựa vào mặc khải của Thiên Chúa ; và vì thế, phải phân biệt con người với các hữu thể hữu hình khác trên thế gian này vì các hữu thể ấy không phải là những ngôi vị » (Acta et Documenta Concilio Oecumenico Vaticano II Apparando. Series prima [Ante praeparatoria] vol. 2, pars II [Vatican City, 1960], 742). Và chính vì dựa trên nền tảng nhân học này mà giám mục Wojtyla mới đề nghị các đề mục khác để Công Đồng bàn cãi : chẳng hạn như một khoa thần học thỏa đáng hơn về Giáo Hội; việc đào tạo giáo sĩ; việc canh tân đời tu; vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội... Nhấn mạnh tới thần học về con người và nhạy cảm về ngôi vị con người trong mọi sự, hai điều này có mặt trong mọi can thiệp của ngài tại Công Đồng, như những góp ý của ngài về văn kiện « De Ecclesia » (Giáo Hội), «De libertate religiosa » ('Tự do tôn giáo') và Lược Đồ XIII, sau này trở thành hiến chế « Gaudium et Spes ». Cụ thể hơn, Wojtyla là một trong các nghị phụ đã thành công trong việc đưa bản văn về sự tự do tôn giáo (« Dignitatae humanae ») ra khỏi những suy tư mang tính chính trị về tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước, như thường thấy trong các văn kiện trước kia của Giáo Hội về vấn đề này, và tập trung suy tư theo nhân học về những điều kiện cần thiết để có « actus fidei » ('hành vi đức tin' hay 'đời sống đức tin'), cũng như về tương quan giữa con người với lương tâm và chân lý.

Đối với Karol Wojtyla, được tham dự Công Đồng là một kinh nghiệm của sự trưởng thành và phát triển. Ngài đã ghi lại điều ấy trong tập sách « Crossing the Threshold of Hope » ('Bước qua ngưỡng của hy vọng'): "Khi mới tham dự Công Đồng, tôi chỉ là một giám mục trẻ. Tôi còn nhớ ban đầu mình được xếp ngồi ngay ở cửa ra vào đền thánh Phêrô. Nhưng kể từ kỳ họp thứ ba trở đi – sau khi được đặt làm tổng giám mục Krakow – tôi được chuyển lên ngồi gần bàn thờ hơn... Dĩ nhiên, các giám mục lớn tuổi và chuyên nghiệp hơn đã đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển những suy tư của Công Đồng. Ban đầu, vì còn trẻ, tôi học nhiều hơn là đóng góp. Tuy nhiên, dần dần tôi tham gia Công Đồng một cách trưởng thành và sáng tạo hơn ». Chắc chắn, như chính đức giáo hoàng thú nhận, được chuyển lên ngồi gần bàn thờ hơn không chỉ là một cách bày tỏ lòng kính trọng danh giá của vị tân tổng giám mục, mà còn cho thấy sự tham gia nhiều hơn và trưởng thành hơn, song song với sự chín muồi về tri thức và tâm linh của bản thân đức giáo hoàng. « Vào khoảng cuối công đồng Vatican II năm 1965, vị giám mục trẻ từng đến Roma năm 1962 như một giám mục vô danh đại diện giáo phận Krakow, nay đã là một trong những chức sắc nổi tiếng nhất trên thế giới, nếu không dựa theo báo chí thế giới thì ít là theo ý kiến của các chức sắc Giáo Hội. Ngài được biết tới không phải như một sự tương phản đối lập với nhân cách dường như áp đảo của hồng ý giáo chủ Wyszynsky, cho bằng như một con người có nhiều ý kiến và như một nhân vật gây được nhiều ấn tượng trong chính con người của mình » (George Weigel, « Witness to Hope . The Biography of Pope John Paul II » [ New York, 1999],158).

Công Đồng đã khuôn đúc lên con người giám mục Wojtyla về nhiều mặt. Chúng ta hãy vắn tắt chỉ ra một số ảnh hưởng căn bản ấy. Trước tiên, Wojtyla đến họp Công Đồng trong tư cách là một nhà triết học chưa có tác phẩm quan trọng nào về thần học được xuất bản. Nhưng sau khi rời Công Đồng như một nhà thần học, ngài đã viết được nhiều bài báo quan trọng về thần học trong vòng bốn năm bên cạnh những nhà thần học giỏi nhất Giáo Hội và không bao lâu đã xuất bản được một vài cuốn sách quan trọng về thần học của chính mình.

Thứ đến, Wojtyla đến với Công Đồng như một giám mục trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm quốc tế, nhưng khi trở về ngài đã trở thành một tổng giám mục lớn say mến Giáo Hội toàn cầu.

Thứ ba, Công Đồng đã làm thay đổi ngài trong lãnh vực tri thức về nhiều mặt. Chẳng hạn, sau khi làm việc với hiến chế « Vui Mừng và Hy Vọng », ngài đã đón nhận quan điểm nhân học quy Kitô một cách rất sâu xa và đặc biệt, thay vì quan điểm nhân học thần học chung chung như trước đây. Nếu thế, Công Đồng đã giúp ngài giải thích theo thần học quan điểm triết học của ngài trước đây dựa vào những khái niệm về Ba Ngôi, Giáo Hội, Bí Tích và Hiệp Thông.

Thứ tư, Công Đồng cũng có ảnh hưởng lớn trên ngôn ngữ thần học của ngài. Như Robert Skrzypczak đã chỉ ra một cách đúng đắn, những góp ý của ngài bằng tiếng la-tinh tại Công Đồng ban đầu là thứ tiếng la-tinh hết sức truyền thống, cứng nhắc của thần học nặng tính siêu hình theo trường phái Tôma. Người ta có thể đánh hơi thấy có một sự căng thẳng giữa những trích dẫn Thánh Kinh với phần còn lại của những bản văn ấy. Tính Thánh Kinh sâu đậm trong bản văn chung quyết của các văn kiện Công Đồng đã cống hiến cho ngài một số viễn tượng mới để sử dụng trọn vẹn gần 10 năm sau đó khi ngài viết các bài suy niệm về thần học thân xác (Nên biết những phần quan trọng trong các bài giáo lý thứ tư hằng tuần của đức Gioan Phaolô II về thần học thân xác đã được viết từ năm 1976 khi ngài còn làm hồng y Krakow). Trong những bài ấy ngài đã khéo léo dung hòa việc chú giải Thánh Kinh với quan điểm nhân học theo triết học và hiện tượng luận, cũng như thần học theo lối siêu hình của Tôma. Ngoài ra, các tông thư của đức Gioan Phaolô II, mà khởi đầu là thông điệp « Redemptor hominis », cũng mang tính chất Thánh Kinh rất đậm.

Như thế, rõ ràng là công đồng Vatican II chính là một kinh nghiệm có tính giáo dục rất cao đối với Karol Wojtyla. Nhưng chúng ta cũng đừng quên nhận xét hết sức độc đáo của Wanda Poltawska – vừa là bạn thân vừa là cộng sự viên của ngài – về đức giáo hoàng trong trang nhật ký của bà ngày 21/2/1868 : « Tôi đang đọc các văn kiện Công Đồng và có thể nói tất cả điều đó đều có trong tác phẩm của Karol Wojtyla – những điều mà bây giờ Công Đồng đang trình bày. Lúc ấy tôi mới hiểu tại sao tôi chẳng thấy trong Công Đồng có gì mới mẻ. Tôi đã biết các điều ấy trong tác phẩm « Tình yêu và Trách nhiệm » ['Love and responsibility'] của ngài. Có mới mẻ chăng là quan niệm của ngài về tình yêu. Tôi đã từng nhất trí với ngài về quan niệm này, và vì thế, tôi mới thấy các văn kiện Công Đồng chẳng cho tôi biết gì mới về tình yêu. Rõ ràng là suy tư của Đức Giáo Hoàng đã đi trước Công Đồng. Công Đồng chỉ xác nhận lại mà thôi ! ».

2. Đức Giáo Hoàng và Công Đồng : biết ơn và tìm cách thực hiện

Rõ ràng là Đức Gioan Phaolô II rất ý thức công đồng Vatican II từng là biến cố quan trọng nhất đối với Hội Thánh Công Giáo trong thế kỷ 20. Ngài luôn nói về Công Đồng bằng những ngôn từ thần học cao cấp như lễ Hiện Xuống mới, biến cố Chúa Thánh Thần, v.v... Có thể nói quan hệ của ngài với Vatican II là biết ơn và tìm cách thực hiện. Ngay trong những bài nói chuyện và giảng dạy đầu tiên của vị giáo hoàng mới được bầu chọn này, người ta đã đọc thấy ngài ý thức rất rõ mục tiêu ưu tiên của ngài khi làm giáo hoàng là thực hiện Vatican II.

Như trong thông điệp gởi cho Roma và thế giới (« Urbi et Orbi ») ngày hôm sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài đã nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên của ngài khi làm giáo hoàng là đưa giáo huấn của Công Đồng ấy vào thực hành ngay trong đời sống hằng ngày của Hội Thánh : « Tôi ước ao chỉ cho mọi người thấy tầm quan trọng không thuyên giảm của công đồng Vatican II, và tôi chấp nhận nhiệm vụ tiên quyết của mình là cần mẫn đưa Công Đồng ấy đến chỗ có kết quả. Thật vậy, Công Đồng chẳng phải là một loại cột mốc hay một sự kiện vô cùng quan trọng trong gần 2000 năm lịch sử của Hội Thánh, và bởi đó cũng là lịch sử tôn giáo và văn hóa của thế giới, hay sao ? ».

Tuy nhiên, trong bài diễn văn của tân giáo hoàng, người ta đã có thể phát hiện thấy có một quãng cách nào đó giữa ngài với cách thế mà người ta thường giải thích Vatican II vào những thập niên 1960 và 1970 :

« Vì Công Đồng không chỉ giới hạn với các văn kiện, cũng chẳng phải được bổ sung bằng những cách thế áp dụng Công Đồng trong những năm sau Công Đồng, nên chúng ta có nhiệm vụ ưu tiên là phải tìm cách thực hành một cách hết sức chuyên cần các sắc lệnh và các chuẩn mực hướng dẫn của Công Đồng. Chúng ta sẽ phải làm việc này một cách vừa khôn ngoan vừa mạnh dạn. Đặc biệt, chúng ta sẽ cố gắng làm sao cho nảy nở một não trạng thích hợp. Cụ thể là phải có một tầm nhìn giống với Công Đồng để khi thực hành các điều ấy đúng như Công Đồng yêu cầu và nếu như có điều gì còn ẩn khuất hay còn « mặc nhiên » thì phải làm sao cho chúng trở nên minh nhiên dựa vào những kinh nghiệm đã được thi hành kể từ đó và dựa theo những đòi hỏi của hoàn cảnh. Tắt một lời, cần làm cho các hạt giống phong phú mà các nghị phụ đã gieo vào đất tốt sau khi đã được Lời Chúa nuôi dưỡng (cf. Mt 13,8.23) – tức là các giáo huấn và suy tư mục vụ quan trọng – được trở nên chín muồi phù hợp với mọi diễn biến và cuộc sống ».

Hiện nay, đã có trong tay cả chục ngàn trang giáo huấn của đức Gioan Phaolô II, chúng ta có thể dùng đó làm những bài giải thích có thẩm quyền về các văn kiện Công Đồng và làm những điểm tham chiếu cần thiết khi đọc các văn kiện này. Sau đây, chúng ta sẽ cho thấy các văn kiện chính của đức Gioan Phaolô II có liên quan thế nào với các văn kiện của Công Đồng.

Chắc chắc hai trong bốn hiến chế của công đồng Vatican II là « Lumen gentium » (hiến chế tín lý về Giáo Hội) và « Gaudium et Spes » (hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay) là tâm điểm chú ý của đức Gioan Phaolô II. Vì trước tiên, ngài đã tham gia hết sức tích cực vào việc soạn thảo hai văn kiện này. Thứ đến, trong những năm làm giáo hoàng ngài cũng dành rất nhiều bài viết và quan tâm tới hai văn kiện ấy.

« Lumen gentium » đã trở thành đề tài chính yếu của tác phẩm thần học đầu tiên của Karol Wojtyla – cuốn « Sources of Renewal : The Implementation of the Second Vatican Council » (Krakow, 1972). Chính nhờ tập trung về Giáo Hội « ad intra » (nội bộ) như thế ngài mới kêu gọi mở một thượng hội đồng giám mục khi kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng. Và một trong những hoa trái của kỳ Thượng Hội Đồng này (1985) là đã chọn được khái niệm « hiệp thông » ('communio') làm khái niệm căn bản của khoa giáo hội học diển tả đúng tính cách của công đồng Vatican II. Cũng thế, có thể giải thích tông thư cuối cùng của đức Gioan Phaolô II « Ecclesia de Eucharistia » như nỗ lực cuối cùng của ngài muốn đưa ra định nghĩa về Giáo hội bằng thuật ngữ « hiệp thông » hay « giáo hội học dựa trên bí tích Thánh thể » ('Eucharistic Ecclesiology'), như hồng y Joseph Ratzinger đã gọi (« Called to Communion : Understanding the Church Today » [San Francisco : Ignatius Press, 1996], 77-83).

Nói tới hiến chế « Lumen gentium », chúng ta không thể không nhắc tới quan điểm thánh mẫu học của đức Gioan Phaolô II, rất quan trọng đối với lòng sùng kính riêng của ngài cũng như đối với thần học của ngài. Trong cuộc tranh luận thời danh tại Công Đồng về vị trí của thánh mẫu học, tổng giám mục Krakow đã chủ trương thánh mẫu học nên tiếp tục là một phần nằm trong hiến chế về Giáo Hội.

Còn về hiến chế « Gaudium et Spes », Karol Wojtyla đã tham gia rất tích cực vào việc chuẩn bị văn kiện này. Trong nhật ký của mình về thời gian trước khi tới Roma tham dự Mật Tuyển Viện bầu giáo hoàng tháng 10 năm 1928, hồng y Wojtyla thú nhận lúc ấy ngài đang say sưa đọc « Gaudium et Spes ». Vì thế, chắc hẳn giáo huấn xã hội của ngài qua các thông điệp « Laborem exercens », « Sollicitudo rei socialis » và « Centesimus annus » có liên quan mật thiết với phương cách suy tư của « Gaudium et Spes ».

Giáo huấn của hiến chế phụng vụ về các bí tích đã trở thành đề tài cho ngài trình bày suy tư của mình trong tông huấn « Reconciliatio et paenitentia » (1982) và « Ecclesia de Eucharistia » (2003).

Vatican II công bố 9 sắc lệnh và hầu hết đã trở thành đề tài cho đức Gioan Phaolô II suy tư thêm trong các thông điệp và tông huấn của mình. Chẳng hạn ba văn kiện có liên quan đến chức linh mục là « Optatam totius », « Presbyterorum Ordinis » và « Christus Domininus » đã trở thành đề tài cho ngài suy tư trong tông huấn « Pastores Dabo Vobis » (1992).

Sắc lệnh Công Đồng về đời tu mang tên « Perfectae caritatis » đã gợi ý cho Đức Gioan Phaolô II viết hai văn kiện quan trọng về đời tu là « Redemptionis donum » (1984) và « Vita consecrata » (1996). Nói tới Giáo Hội « ad extra » (trong các hoạt động bên ngoài), sắc lệnh « Ad gentes » của Vatican II về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội đã được khai triển thành tông thư của đức Gioan Phaolô II về sứ mạng truyền giáo luôn luôn hiệu lực của Giáo Hội : « Redemptoris missio » (1990). Sắc lệnh Công Đồng về tông đồ giáo dân « Apostolicam actuositatem » sẽ được tiếp nối trong tông huấn của đức Gioan Phaolô II « Christifideles laici » (1988). Sắc lệnh Công Đồng về đại kết « Unitatis redintegratio » được tiếp nối trong tông thư « Ut sint unum » (1995) của đức Gioan Phaolô II. Song song với sắc lệnh Công Đồng «Inter mirifica » về các phương tiện truyền thông xã hội, ngoài việc chính bản thân mình trở thành tấm gương sống động của sự thận trọng và khôn ngoan khi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, đức Gioan Phaolô II từ năm 1979 tới năm 2005 đã viết 26 thông điệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông, thường được cử hành vào ngày chúa nhật trước lễ Hiện Xuống.

Ngoài các hiến chế và sắc lệnh, Công Đồng còn công bố ba tuyên ngôn, và các tuyên ngôn này cũng trở thành đề tài cho đức Gioan Phaolô II suy tư và giải thích. Tuyên ngôn Công Đồng về giáo dục Kitô giáo « Gravissimum educationis » đã được khai triển trong tông huấn của đức Gioan Phaolô II mang tên « Catechesi tradendae », ký ngày 16/10/1979, một năm sau khi lên ngôi giáo hoàng. Tuyên ngôn của Công Đồng về quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo « Nostra aetate » chính là nguồn cảm hứng để ngài thực hiện nhiều sáng kiến đối thoai liên tôn, như đối thoại sâu xa và tích cực với Do Thái giáo và tổ chức hội nghị liên tôn tại Assisi. Sau cùng, chúng ta phải nhắc tới « Dignitatis humane », một tuyên ngôn về tự do tôn giáo. Những can thiệp sau này của ngài cho các quyền con người, nhất là quyền tự do tôn giáo trên khắp thế giới, cũng như tất cả những tuyên bố và hành động của ngài, đều có thể coi là những cách thức thực hành tuyên ngôn « Dignitatis humanae ».

3. Một vài nét đặc biệt trong cách đức Gioan Phaolô II giải thích Vatican II

Có thể nói ngay đó là « tổng hợp những cái đối lập » ('complexio oppositorum'), như nhà thần học người Ba-lan Robert Skrzypczak nhận xét : « Ngài giới thiệu các khái niệm đối lập chung với nhau : đối thoại và giữ gìn bản sắc, đổi mới và truyền thống...(...) Đó chính là cái mà Công Đồng đang tìm kiếm : một cái nhìn thần học trưởng thành về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội, được xây dựng theo đường lối tổng hợp hơn là phân tích. Từ nay, giáo hoàng không còn đứng một mình mà không có giám mục đoàn, và không thể có giám mục đoàn mà không có giáo hoàng . Cũng thế, không thể có Thánh Kinh mà không có Truyền Thống, không thể có Truyền Thống mà không có Thánh Kinh ; không thể cử hành bí tích mà không rao giảng Tin Mừng, không thể rao giảng Tin Mừng mà không cử hành bí tích... ».

Cha Skrzypczak đã có lý khi chỉ ra rằng cái khó khăn mà các phương tiện truyền thông của Tây Phương gặp phải khi sắp đặt vị thế cho Gioan Phaolô II đã phản ảnh tình hình « hòa hợp những điều mâu thuẫn » ( 'coincidentia oppositorum') cũng như nhãn quan rộng rãi của ngài. Vì quan tâm tới người nghèo nên ngài được xếp vào cánh tả, nhưng vì mạnh mẽ phê bình chủ nghĩa cộng sản nên ngài được coi là khuynh hữu. Vì có nhiều sáng kiến liên tôn nên ngài được coi là người có khuynh hướng phóng khoáng, nhưng vì rất lưu ý tới các vấn đề luân lý, nhất là bênh vực thông điệp « Sự sống con người » ('Humanae vitae') của đức Phaolô VI nên ngài bị coi là bảo thủ...

Một thí dụ điển hình cho thấy khả năng dung hợp một số suy nghĩ có vẻ đối chọi vào trong tư duy của ngài là quan điểm của ngài về Giáo Hội. Khi tranh luận về lược đồ « De Ecclesia » (về Giáo hội) tại Công Đồng, Wojtyla đã chỉ trích lập trường hơi một chiều của một số người khi nhấn mạnh tới ý tưởng « dân Thiên Chúa » và qua đó ngài như đã nhìn thấy trước một số vấn đề hậu Công Đồng sẽ nảy sinh trong khoa giáo hội học Công Giáo : đó là có thể người ta sẽ giải thích khái niệm này của Cựu Ước một cách thuần túy theo chiều ngang và trên bình diện xã hội. Bởi đó, Wojtyla cho rằng cần phải quân bình khái niệm « dân Thiên Chúa » bằng khái niệm Hội Thánh là « Thân Thể Đức Kitô » ('Corpus Christi'). Khi phân tích Công Đồng trong tác phẩm « Sources of Renewal », ngài đã lấy khái niệm « communio » ('hiệp thông') để giải thích Công Đồng càng ngày càng nhiều hơn. Chính Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985 cũng sẽ chọn « hiệp thông » làm chìa khóa được cho là thích đáng nhất để giải thích khoa giáo hội học của Công Đồng.

Tuy nhiên, có một sự kiện đáng lưu ý là cũng trong tác phẩm « Sources of Renewal », cũng như trong nhiều tác phẩm khác sau Công Đồng, Wojtyla cũng sử dụng thuật ngữ « dân Thiên Chúa ». Ngài cho biết 2 lý do khiến ngài thích sử dụng thuật ngữ này. Một là nó cho thấy chiều kích lịch sử của Giáo Hội : Giáo Hội là dân lữ hành đang băng qua bao nhiêu thế kỷ cho tới ngày cuối cùng khi mọi sự được thâu họp và đổi mới trong Đức Kitô. Hai là khái niệm dân Thiên Chúa cho thấy Giáo Hội ngụp lặn trong thế giới để đổi mới và biến cải thế giới.

Nét đặc biệt thứ hai trong cách đức Gioan Phaolô II giải thích Công Đồng là quan điểm nhân học quy Kitô của ngài. Một đàng, nhân học luôn luôn được coi là một phần trong giáo huấn tín lý của Hội Thánh liên quan đến các mầu nhiệm sáng tạo và nhập thể, nguyên tội, tự nhiên và ân sủng, công chính hóa và chung thẩm, v.v... Đàng khác, nhân học quy Kitô đã trở thành một nét đặc biệt của giáo huấn Công Đồng, nhất là dựa vào bố cục và nội dung của hiến chế « Vui Mừng và Hy Vọng ». Đoạn văn được đức Gioan Phaolô II trích dẫn nhiều nhất từ các văn kiện của Vatican II chính là MV số 22. Đoạn này không chỉ là một phần trong nội dung của hiến chế, mà còn là một đoạn cho thấy rõ nhất bố cục (hay hình thức) của văn kiện này. Rất có thể Wojtyla và sau này đức Gioan Phaolô II đọc hiến chế « Vui Mừng và Hy Vọng » cũng như toàn bộ Công Đồng qua đoạn văn này. Thế nên, chúng ta cần dừng lại phân tích quan điểm Kitô học và nhân học sâu sắc của ngài trong đoạn văn này.

Đoạn văn ấy như sau : « Sự thật là mầu nhiệm con người ('mysterium hominis') chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể ('mysterium Verbi incarnati'). Vì Ađam – con người đầu tiên ('primus homo') – chính là hình bóng của Đấng sẽ đến ('figura futuri'), tức là Kitô Đức Chúa. Đức Kitô – hay Ađam cuối cùng ('novissimus Adam') – khi mặc khải mầu nhiệm của Chúa Cha và tình yêu của Ngài – đã mặc khải trọn vẹn con người cho con người và đã minh định rõ ràng ơn gọi cao cả của con người » (MV 22).

Chúng ta hãy chỉ ra những yếu tố có ý nghĩa nhất về mặt thần học trong đoạn văn này. Trước hết, Ađam – con người đầu tiên – là hình bóng của Đức Kitô, cũng là Ađam cuối cùng và là con người hoàn hảo. Thế nên, chỉ trong Đức Kitô con người mới biết rõ về mình. Có thể dựa vào đoạn Thánh Kinh sau đây để đưa ra một cái nhìn thần học sâu sắc – trích từ chương một trong thư gởi giáo hội Côlôxê : « Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ sinh ; trong Ngài muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dầu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người » (Cl 1,15-16).

Khi giải thích đoạn văn Thánh Kinh ấy, người ta sẽ chú tâm tới câu nói phản ảnh quan niệm nhân học và quy Kitô : « Đức Kitô đã mặc khải trọn vẹn con người cho con người ». Tuy nhiên, đối với Karol Wojtyla hay đức Gioan Phaolô II sau này, câu này lại dựa trên thần học về lịch sử loài người. Từ ngữ « hình bóng » (la-tinh : 'figura' và hy-lạp : 'typos'), rất then chốt để hiểu câu nói của Công Đồng « Ađam, con người đầu tiên, chính là một hình bóng của Đức Kitô », xuất hiện hai lần trong Tân Ước : Rm 5,15 và 1Cr 10. Trong Rm 5, Phaolô liên tưởng tới Ađam ở St 1 – 3 để nhấn mạnh ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại là dành cho hết mọi người. Nếu Ađam mang cái chết đến và tội lỗi thống trị khắp nơi chính là hậu quả của lần lỗi phạm đầu tiên ấy, thì sự cứu chuộc do Đức Kitô mang lại sẽ mang ân sủng và sự công chính hóa cho mọi người đi vào lịch sử nhân loại.

Khái niệm Thánh Kinh « typos » ('hình bóng') không phải chỉ là một hình thức so sánh trong văn chương, mà nó phản ảnh một cái nhìn thần học về hữu thể, rất quan trọng đối với Karol Wojtyla hay Gioan Phaolô trong quan điểm nhân học quy Kitô của ngài và trong thần học lịch sử. Đây có lẽ là một khía cạnh thường bị các nhà phê bình hiến chế Mục Vụ bỏ qua. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong thí dụ thứ hai có sử dụng khái niệm « typos » (x. 1Cr 10). Theo bản văn Thánh Kinh này, « typos » ám chỉ mối quan hệ giữa các biến cố được tường thuật trong Cựu Ước và các biến cố xảy ra trong thời cánh chung, như trong các thư Phaolô viết cho giáo hội Côrintô. Sự so sánh các biến cố trong Cựu Ước và các biến cố thời cánh chung chủ yếu là sự so sánh mang tính thiêng liêng hay tu đức. Phaolô cho thấy có sự tương tự giữa kinh nghiệm của dân Israel trong sa mạc, cuộc chiến đấu thiêng liêng của họ với các cám dỗ bên ngoài và chính sự yếu đuối của họ, với tình cảnh của các độc giả lá thư này. Hiểu như thế thì các biến cố xảy ra từ thời ông Môsê có thể được dùng làm những thí dụ thiêng liêng (làm các « typos » hay 'hình bóng') cho giáo hữu Côrintô.

Sở dĩ có thể so sánh một cách thiêng liêng giữa Cựu Ước và Tân Ước như thế là vì chúng ta dựa vào một quan niệm thần học về hữu thể. Phaolô so sánh con đường người Israel đã đi qua trong sa mạc với con đường bí tích của các kitô hữu hôm nay, đặc biệt bí tích Thanh Tẩy và Thánh Thể : dân Isarel « đã được thanh tẩy trong Môsê khi bước vào đám mây và đi vào lòng biển : và « cùng ăn một thức ăn thiêng liêng, cùng uống một thức uống thiêng liêng ». Thế nên, ngài mới viết : « họ uống nước từ tảng đá thiêng liêng – một tảng đá luôn đi theo họ và chính là Đức Kitô ».

Chắc hẳn phải giải thích câu này dựa vào toàn bộ Kitô học của thánh Phaolô, nhất là dựa vào các thánh thi nói về sự tiền hữu của Đức Kitô (cf. Ep 1,3-13 ; Cl 1,15-20), là nền tảng Thánh kinh và là điểm tham chiếu Thánh Kinh ưu tiên của hiến chế « Vui Mừng và Hy Vọng ». Trong bối cảnh ấy, nếu Phaolô tuyên bố chính Đức Kitô đã từng tháp tùng dân Isarel trong sa mạc, thì đó là một kết luận đúng theo lôgíc cho những câu của thư Êphêxô : trong Đức Kitô chúng ta được chọn « trước cả khi đặt nền móng cho thế giới » (Ep 1,4), trong Đức Kitô chúng ta được « mọi phúc lành thiêng liêng », Chúa Cha đã đưa ra trong Đức Kitô một quyết định có liên hệ tới « ngày thời gian viên mãn để qui tụ tất cả mọi sự vào nơi Ngài » (9-10). Việc Phaolô đồng hóa hòn đá tảng có từ thời dân Israel băng qua sa mạc là chính Đức Kitô, chính là rút ra một kết luận hợp lý : chỉ có Đức Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Cha chỉ hành động cùng với Con mình và thông qua Con mình (cf. Ga 1,1-3).

Hiến chế Mục Vụ đã dựa vào Ep 1 và Cl 1 để giới thiệu một quan điểm thần học vừa sâu vừa mạnh về lịch sử nhân loại, văn hóa nhân loại và con người. Quan điểm này cho thấy có một tương quan hết sức đặc biệt giữa tạo dựng và cứu chuộc, giữa tự nhiên và ân sủng. Mọi sự đã được tạo thành (« primus Adam » hay Ađam thứ nhất) đều được tạo dựng là vì Đức Kitô (« novissimus Adam » hay Ađam mới) và cho Đức Kitô, là đấng đã xuất hiện trong thân xác con người vào ngày tận thế, sinh bởi lòng Đức Trinh Nữ Maria. Khoa Kitô học từ trên cao đi xuống đã nhìn lịch sử con người từ góc độ là một chương trình huyền nhiệm (hy-lạp : « mysterion » hay la-tinh : « sacramentum ») do Thiên Chúa cưu mang nơi Con mình trước khi thế giới được tạo thành. Những nguồn Thánh Kinh mà hiến chế Mục Vụ dựa vào (MV 22 [ Ep 1 và Cl 1]) sẽ đưa chúng ta tiến dần tới chỗ : chấp nhận một quan điểm như thế.

Trong cái nhìn thần học này của MV 22 mà đức Gioan Phaolô II đã đón nhận, trật tự tạo thành chỉ có sự tự lập tương đối và mục đích thật của nó là hướng chúng ta tới ngày mọi sự được hoàn thành trong Đức Kitô (« được thâu họp » hay « recapitulatio »). Chúng ta sẽ từ viễn tượng này mà giải thích câu nói mà chúng ta đã trích từ MV 10 để bắt đầu các suy tư này : Đức Kitô là « chìa khóa, là tiêu điểm và là mục tiêu của con ngưới cũng như của toàn thể lịch sử nhân loại ». câu này cũng sẽ được đức Gioan Phaolô II dùng để mờ đầu tông thư đầu tiên của mình là «Đấng Cứu Chuộc loài người » ('Redemptor hominis').

Vẫn còn cả một lô câu hỏi cần giải thích ở đây. Nhưng chúng ta hãy tạm kết thúc với một vài điểm mà sau này chúng ta nên suy tư thêm. Trước hết, nói trật tự vũ trụ chỉ được độc lập và tự trị cách tương đối không có nghĩa là đã làm phương hại sự tự lập nào đó của vũ trụ hay làm phương hại sự hiểu biết triết học hiện thực của mình về vấn đề đó. Vì được dạy dỗ trong siêu hình học hiện thực của Tôma, Karol Wojtyla luôn tìm cách duy trì một số yếu tố trong suy tư hiện thực này như đã được phản ảnh trong các tông thư như « Veritatis splendor » ('Ánh thiều quang chân lý') và « Fides et ratio » ('Đức tin và lý trí').

Điểm thứ hai có liên quan tới ngôn ngữ triết học mà Gioan Phaolô II đã tiếp nhận, nhất là các khái niệm về nhân quyền và nhân phẩm. Đối với Karol Wojtyla hay Gioan Phaolô II, nhân phẩm là một khái niệm thần học hay đúng hơn, Kitô học, vì chỉ nhìn dưới ánh sáng Đức Kitô chịu chết để cứu mọi người chúng ta mới thấy rõ thế nào làm phẩm giá của mỗi con người, dù đã được sinh ra hay không được sinh ra, đã được gọi làm con cái Thiên Chúa để tham gia vào sự sống đời đời.Tuy nhiên, có thể thêm rằng khi đứng ra bảo vệ con người trong những lời phát biểu của mình, đức Gioan Phaolô II làm chúng ta nhớ tới một khái niệm hiện đại, nhưng bị hạn chế và tự nó phá hỏng mình. Hình như nhờ lịch sử con người hiện đại, có Chúa hoạt động theo nhiều cách khác nhau, mà Giáo Hội đã biết nhìn tới những kho tàng thần học cụ thể của mình. Dù sao, mặc khải của Kitô Giáo vẫn là điểm tham chiếu cuối cùng để sửa chữa. Vòng tròn giải thích – được giới thiệu cách riêng trong tông thư « Fides et Ratio » như một cuộc đối thoại và trao đổi giữa triết học và thần học chỉ có thể thực hiện được khi lịch sử con người đã được Đức Chúa ('Kyrios') cai trị.

Chúng ta cũng có thể áp dụng một sự phân tích tương tự cho khái niệm nhân quyền, nhất là quyền tự do tôn giáo. Quyền này không phải là đặc ân được nhà nước hay trật tự dân chủ nào đó trong hiện tại ban cho, mà đó chính là một phần làm nên cái con người là, như việc phân tích theo thần học của truyền thống Giáo Hội về « actus fidei » ('hành vi đức tin') và « voluntarium » ('điều con người muốn'). Đứng trước chủ nghĩa ngẫu thần hiện nay của các nhà chính trị, được biểu lộ cách đặc biệt nơi các chính thể độc tài trong thế kỷ 20, khái niệm nhân quyền quả là một khí cụ hữu ích để bảo vệ con người trong tương quan độc đáo giữa họ với Thiên Chúa.

Kết luận

Gioan Phaolô II chính là nghị phụ cuối cùng trong công đồng Vatican II. Chính vì thế, ngài có thể chuyển tới chúng ta những lời giải thích công đồng Vatican II một cách hết sức đặc biệt. Đây chính là điều mà đức Biển Đức XVI muốn nói khi được phỏng vấn trên truyền hình Ba-lan ngày 20 tháng 9 nằm 2005 : « Chúng tôi biết đức giáo hoàng là người của Công Đồng, ngài hết sức quan tâm tới tinh thần và chữ viết của Công Đồng. Thông qua các bút tích của mình, ngài đã giúp chúng ta nhận thức đâu là ý hướng thật sự của Công Đồng và đâu không phải, đồng thời giúp chúng ta trở thành một Giáo Hội xứng đáng với thời đại của mình – hiện nay và tương lai ».

Dịch giả: linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành

 

 


Văn Kiện Giáo Hội