Vài Nét Về Công Đồng Vaticano II

Radiovaticana 2012-10-13 10:05:52 – Thông thường, Công Ðồng được tổ chức khi Giáo Hội đang đứng trước một khủng hoảng nào đó. Thế nhưng, vào năm 1959, người ta cảm tưởng Giáo Hội không phải bận tâm về một khó khăn nào. Tuy nhiên, một số người và đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII không nghĩ vậy. Đức cố GH Gioan 23 nghĩ rằng Giáo hội dường như đã quá già nua so với những thay đổi chóng mặt của thế giới và kết quả là Giáo hội không thể mở cửa để nhìn ra thế giới. Ngoài ra, các Ki-tô hữu là những người thiểu số trên thế giới những lại bị chia năm xẻ bảy. Những thao thức này được diễn tả cụ thể qua lời của vị Đứng Đầu Giáo hội như sau: “Ngày nay, Giáo hội Chúa chưa dùng thuốc từ bi hơn dùng gươm chống đỡ, chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại bằng cách trình bày giáo lý sung mãn của mình hơn cách lên án các lạc thuyết”. Và vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã quyết định triệu tập Công đồng để Giáo hội có thể đổi mới và nhìn ra thế giới: “Tôi muốn mở lớn các cửa sổ Giáo hội để cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được.”

Ước mơ của ĐGH Gioan 23 đã thành hiện thực. Cách đây đúng nửa thế kỷ, ngày 11 tháng 10 năm 1962, Giáo hoàng Gioan 23 đã long trọng khai mạc Công đồng. Sau hơn ba năm làm việc, qua hai đời Giáo hoàng, Công đồng Vatican II đã bế mạc vào ngày 8 tháng 12 năm 1965. Công đồng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, và đối với Hội thánh thì Công đồng này được xem là một “Lễ Hiện Xuống mới”, một biến cố giúp Giáo Hội trở về nguồn và mở ra với thế giới bên ngoài. Công đồng Vaticano 2 đặc biệt đến nỗi có người nhận xét rằng, Công đồng này khác biệt với tất cả các Công đồng khác. Điểm khác biệt dễ nhận thấy ở đây là quy mô, tính quốc tế và phạm vi bàn thảo. Tuy nhiên, có lẽ điều làm Công đồng này đặc biệt hơn hết là ảnh hưởng lớn lao của nó đối với Giáo hội Công giáo. Công đồng Vaticano 2 có thể được xem là một bước ngoặt đổi mới để Giáo hội trở về nguồn và mở ra đối với thế giới bên ngoài, về các mối liên hệ giữa Hội Thánh với trần gian, trên các địa hạt văn hóa, khoa học, xã hội và tôn giáo.

Công đồng Vaticano II được đánh giá là đồ sộ nhất về số lượng các Nghị Phụ tham dự, quy mô, thời gian, và nội dung làm việc. Đã có 3058 Nghị Phụ trên toàn thế giới được triệu tập trong đó có 129 Bề Trên Tổng Quyền các dòng tu. Các Nghị Phụ đến từ 136 quốc gia. Ngoài các nghị phụ còn có tới 460 chuyên gia là các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Như vậy, đây là lần đầu tiên giáo dân được mời là dự thính viên của Công đồng. Ngoài ra, còn có đại diện của các tôn giáo bạn từ 46 vị trong kỳ họp đầu tiên tăng lên 90 vị trong kỳ họp cuối cùng. Sau ba năm làm việc, Công đồng đã cho ra đời 16 văn kiện, gồm 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn. Ban tổ chức đã phải in tới 46 triệu trang tài liệ cho các đại biểu.

Công đồng Vaticano II là công đồng của tự do và đối thoại. Nhiều nhà thần học chủ trương rằng, sự bàn cãi một vài “chân lý” và một số quan điểm là không thể chấp nhận được. Và khi một văn bản đã được soạn thảo, thì xem như không còn gì phải bình luận nữa. Thế nhưng tại Công Đồng này các Nghị phụ đã bác bỏ chủ trương đó, vì đối với các ngài các vấn đề ấy cũng phải được bàn luận và xem xét lại. Thậm chí, các Nghị phụ đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị sửa đổi của chính Đức Giáo Hoàng và ngay cả một lược đồ mà Đức Giáo Hoàng khuyến khích chấp nhận. Như vậy, các nghị phụ đã vượt qua sự e dè, sợ hãi để tranh luận thẳng thắn dù bất kể tác giả bản dự thảo là ai.

Công đồng Vaticano II được xem là một công đồng của Giáo Hội nói về Giáo Hội. Nghĩa là Giáo Hội đi tìm định nghĩa về chính mình. Đức Gioan XXIII nghĩ rằng, để có thể dấn thân vào sứ mạng hiệp nhất, Giáo Hội, trước hết cần phải đổi mới bộ mặt của mình, làm tươi trẻ các cơ cấu và đem lại nhựa sống cho thân thể xem ra đã già nua của Giáo Hội. Giáo hội do đó được định nghĩa dựa theo các hình ảnh khác nhau của Kinh thánh. Giáo hội trước hết là dân của Thiên Chúa, định nghĩa nghĩa này bao hàm các khía cạnh xã hội và lịch sử của Giáo hội. “Dân Thiên Chúa” không chỉ là Israel, dân được Chúa chọn, nhưng đúng hơn là tất cả cư dân trên thế giới đã nhận phép rửa và giáo hội cũng không loại bỏ thể gian mà là tinh lọc nó. Giáo hội cũng còn được định nghĩa là Thân Thể Thiên Chúa vì Giáo hội muốn làm nổi bật chiều kích Kitô học và huyền nhiệm của mình. Ngoài ra, Giáo hội còn được định nghĩa qua nhiều hình ảnh khác như đoàn chiên của Chúa Kitô, cánh đồng, gia đình của Thiên Chúa, Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

Khởi đi từ việc định nghĩa Giáo hội mà vai trò của người giáo dân cũng được thay đổi. Lần đầu tiên khái niệm “tông đồ giáo dân” ra đời khẳng định vai trò của người giáo dân. Kể từ sau Công Đồng, người giáo dân không những có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô trong nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả của mình. Vai trò của người giáo dân được đề cao đến mức nhiều người cho rằng “đây là thời đại của giáo dân”.

Công đồng Vaticano không chỉ nổi bật vì những đổi mới tận căn ngay trong lòng Giáo hội mà còn được ghi dấu bởi qua Công đồng này Giáo hội đã can đảm mở toang cánh cửa để nhìn ra thế giới bên ngoài. Trước công đồng Vaticano II, Giáo hội đóng cửa với thế giới xung quanh. Giáo hội sử dụng đặc quyền của mình để phán xét các tôn giáo khác theo quan điểm riêng của mình. Công đồng Vaticano II là Công đồng đầu tiên trong lịch sử không đưa ra bất kỳ kết án nào. Thật vậy, một trong những truyền thống đã có từ xa xưa trong Giáo hội là kết án những người Do thái vì đã gây ra cái chết của Chúa Kitô. Vì thế, lời Kinh cầu cho người Do thái cũng là lời kết tội. Công đồng đã thay đổi lại lời kinh này. Thay vì sử dụng những từ ngữ tiêu cực như “bất tín” và “mù quáng”, Công đồng đã sử dụng những từ ngữ đầy yêu thương và hy vọng. Còn đối với tôn Giáo hội đã bị kết án là ly giáo như Chính thống giáo, Anh Giáo, Tin Lành, Công đồng Vaticano II muốn lấp hố ngăn cách với một cái nhìn ôn hoà hơn. “Vậy ngày nay, những người sinh trưởng trong các cộng đoàn ấy và thấm nhuần đức tin nơi Chúa ki-tô không thể bị kết tội chia rẽ và Giáo hội phải kính trọng họ, yêu thương họ như anh em.” Đối với những tôn giáo ngoài Kitô, thay vì kết án là đạo rối, thì Công đồng Vaticano II cũng nhìn nhận những giá trị tốt đẹp nơi các tôn giáo khác và mong ước mở ra để đối thoại với các tôn giáo này. Ngay với những quan điểm vô thần luôn đối lập với Giáo Hội, giờ đây với tinh thần của Công đồng Vaticano II cũng được xem xét thận trong hơn trên tinh thần đối thoại hơn là loại trừ. “

Giáo hội vẫn cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân chối bỏ Thiên chúa tiềm ẩn trong tâm trí những người vô thần và ý thức được tầm quan trọng của những vấn đề do vô thần khơi lên và vì yêu thương mọi người, nên giáo hội thấy cần phải cứu xét những nguyên nhân ấy kỹ lưỡng và sâu xa hơn” (MV, 21).

Một thay đổi nữa của Giáo hội Công giáo đó là thái độ đối với khoa học. Trước đây, vào thời Trung cổ, Giáo hội đã lập ra “Toà án dị giáo” để xét xử những nhà khoa học, các nhà tư tưởng có quan điểm trái với Kinh thánh. Với Công đồng Vaticano II, Giáo hội đã thay đổi quan điểm đối với khoa học, và đã đưa ra một sự phân việt rõ ràng giữa hai lĩnh vực khác nhau: lĩnh vực đức tin và lĩnh vực lý trí.

50 năm đã qua, những ảnh hưởng của Công Đồng Vaticano II vẫn tiếp tục tồn tại một cách sống động; và người ta dường như chưa kín múc hết được nguồn mạch phong phú của Công Đồng này. Trong bức Điện chúc mừng nhân dịp HĐGM Pháp họp tại Lộ Đức ngày 25 tháng 3 năm 2012. ĐGH Biển Đức 16 nói như sau: “Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã là và còn là một dấu hiệu đích thực của Chúa cho thời đại chúng ta. Nếu chúng ta biết đọc và đón nhận dấu hiệu ấy theo truyền thống của Hội Thánh và dưới sự hướng dẫn chắc chắn của Huấn Quyền thì Công Đồng sẽ luôn luôn trở thành một sức mạnh lớn lao cho tương lai của Hội Thánh.”

Nguyễn Minh Triệu S.J.

Tài liệu tham khảo:

Công đồng Vatican II: Nửa thế kỷ nhìn lại của TS Vũ Huy Thông,

50 năm Công đồng Vatican II của L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

 


Văn Kiện Giáo Hội