CÔNG ÐỒNG VATICAN II

 

Một trong những cải tổ lớn lao và sâu xa trong Giáo Hội ngày nay là Công Ðồng Vatican II. Công Ðồng đã xảy ra cách đây 40 năm, nhưng cho tới nay, dường như tinh thần của Công Ðồng Vatican II chưa được nghiên cứu và áp dụng một cách sâu rộng trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của Giáo Hội Việt Nam. Thiết tưởng vào dịp kỷ niệm Công Ðồng Vatican II vừa tròn 40 năm, ta nên tìm hiểu lại về Công Ðồng để theo kịp những đổi mới của Thánh Thần trong việc sống đời Ki-tô hữu cũng như trong việc tổ chức Giáo Hội.

Thiên Chúa nói với con người mỗi thời mỗi cách

Thiên Chúa điều khiển lịch sử, đặc biệt lịch sử Giáo Hội. Và Thiên Chúa đã mạc khải về chính Ngài, về kế hoạch của Ngài, đồng thời giáo dục con người một cách tiệm tiến qua lịch sử. Ðời sống của toàn nhân loại giống như đời sống của một con người, khởi đầu sinh ra không biết gì hết, nhưng cứ mỗi ngày mỗi thu thập một số kinh nghiệm và kiến thức qua các giác quan, nhờ vậy biết nghe, biết hiểu, rồi biết nói, biết đọc, biết viết. Càng ngày trí thông minh càng phát triển, đứa bé bắt đầu đi học, từ lớp mẫu giáo đến cấp 1, rồi cấp 2, cấp 3, rồi đại học, v. v. Thế giới cứ mỗi ngày mỗi mở rộng ra trước tâm trí của nó. Kiến thức của nó nhiều khi phải thay hình đổi dạng để trở nên tiến hóa và phức tạp hơn.

Nhân loại cũng tiến hóa về mọi mặt: thể chất, tinh thần, kiến thức, trí tuệ, tâm linh. Con người bước từ thời kỳ ăn lông ở lỗ, đến thời kỳ đồ đá, sang thời đồ đồng, đồ sắt, qua biết bao thời đến thời biết sử dụng điện, động cơ nổ, điện thoại, tivi, máy vi tính. Kiến thức và sự hiểu biết của con người tiến hóa không ngừng. Về mặt tâm linh con người cũng tiến hóa từ thấp đến cao, thô sơ đến phức tạp.

Sự hiểu biết về Thiên Chúa của con người cũng tiến hóa từ thấp đến cao tương tự như vậy. Con người tự tìm hiểu về Thiên Chúa qua tự nhiên một phần, và chính Thiên Chúa mạc khải cho con người về Ngài, về kế hoạch của Ngài một phần khác. Nếu chỉ tìm hiểu Thiên Chúa qua sức tự nhiên của mình, con người sẽ hiểu về Thiên Chúa một cách hết sức giới hạn. Nhưng Thiên Chúa muốn cứu độ con người, nên Ngài đã mạc khải cho con người suốt dòng lịch sử. Và Ngài mạc khải một cách tiệm tiến, song hành với trình độ hiểu biết hay văn hóa của con người.

Theo thánh Phao-lô, thì thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử Giê-su (Dt 1,1-2a). Thật vậy, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người mà cụ thể là dân Do Thái qua các tổ phụ (A-bra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp.), rồi qua Mô-sê và Gio-suê, rồi qua các phán quan, các vua, rồi qua các ngôn sứ (khởi đầu là Ê-li-a, Ê-li-dê, rồi A-mos, Ô-dê, rồi I-sa-i-a, v. v.), và sau cùng là qua Ðức Giê-su, Con Thiên Chúa. Cả một lịch sử dài mấy ngàn năm năm như vậy, mỗi lần mỗi cách Thiên Chúa mạc khải cho con người một ít. Ðó là phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, vì con người không thể tiếp thu một lúc quá nhiều kiến thức về Thiên Chúa, cũng như một học sinh không thể tiếp thu trong một tuần kiến thức của cả một năm học, lại càng không thể tiếp thu chương trình của cả một cấp. Ngay cả tới thời Ðức Giê-su, tuy dù mạc khải của Ðức Giê-su là mạc khải viên mãn, nhưng viên mãn ở đây không có nghĩa là mạc khải tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa, mà chỉ được hiểu là tất cả những gì cần thiết và đủ để con người được cứu rỗi. Vì con người tìm hiểu thế giới hữu hạn này suốt cả mấy chục thế kỷ mà mới chỉ biết được một phần tỷ so với những gì chưa biết, lẽ nào kiến thức về Thiên Chúa vô hạn lại có thể gói gọn trong một số lời gồm mấy trăm câu nói của Ðức Giê-su. Chính Ðức Giê-su đã từng nói: Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi (Ga 16,12). Chính vì thế, để tiếp tục công việc mạc khải cho con người, Ngài mới hứa: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13).

Thánh Thần nói với con người thời đại
qua các Công Ðồng chung

Như vậy, sau việc mạc khải của Ðức Giê-su, thì việc mạc khải tiếp theo là do Thần Khí trong Giáo Hội. Thần Khí không tự mình nói ra giống như Ðức Giê-su, mà Ngài linh ứng cho người này người kia, hoặc tập thể này tập thể kia nói lên những điều Ngài muốn nói. Nhưng nhân vật chính thức nhất, được Ngài linh ứng nhiều nhất để nói lên tiếng nói của Ngài cho toàn dân Chúa là tiếng nói của các Công Ðồng chung và của các Ðức Giáo Hoàng, người đại diện Ðức Ki-tô ở trần gian. Qua các Công Ðồng chung và các Ðức Giáo Hoàng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục mạc khải cho nhân loại phù hợp với trình độ tâm linh và văn hóa của họ, để đưa nhân loại tiến gần hơn tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13). Do đó, Công Ðồng chung chính là phương tiện chính thức mà Thánh Thần dùng để nói với con người thời đại.

Trong lịch sử Ki-tô giáo, trước Công Ðồng Vatican II đã có 20 Công Ðồng chung: Công Ðồng đầu tiên là Công Ðồng Nicea I (năm 325), và Công Ðồng cuối cùng vào lúc đó là Công Ðồng Vatican I (năm 1870). Công Ðồng Vatican II là Công Ðồng chung thứ 21 (năm 1962-1965). Công Ðồng chung là một đại hội thượng đỉnh trong Giáo Hội gồm vị giáo hoàng đương nhiệm và các huynh đệ của ngài là các giám mục ở khắp nơi trên thế giới. Các vị họp nhau lại để cùng nhau giải quyết những khó khăn nghiêm trọng đang xảy ra trong Giáo Hội (chẳng hạn khi phải đối diện với các bè phái lạc giáo, hoặc khi có sự ly khai lớn trong Giáo Hội) để cùng đi đến những quyết định sáng suốt cho những vấn đề quan trọng ấy. Giáo hoàng và các giám mục họp nhau như thế là theo gương của các tông đồ xưa.

Trong sách Công Vụ Tông đồ đoạn 15 có kể việc các tông đồ họp nhau lại để cùng quyết định một vấn đề quan trọng. Ki-tô giáo xuất thân từ Do Thái giáo, nên ngay từ thời kỳ đầu, có chuyện xảy ra là các Ki-tô hữu gốc Do Thái giáo đòi hỏi các Ki-tô hữu gốc ngoại giáo rằng: Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ (Cv 15,1). Những người Pha-ri-siêu trở lại Ki-tô giáo còn chủ trương: Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê (15,5). Như vậy là muốn theo Ðức Giê-su thì cũng phải theo Do Thái giáo, cũng phải giữ luật Mô-sê. Thế thì Tân Ước còn cồng kềnh và nặng nề hơn Cựu Ước vốn đã cồng kềnh và nặng nề lắm rồi! Ðức Giê-su đến để giải phóng con người khỏi ách của lề luật, lẽ nào theo Ngài lại phải giữ nhiều lề luật hơn: vừa luật cũ, lại vừa luật mới! Chính vì thế Các Tông Ðồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này (15,6). Trong cuộc họp, các tông đồ đều lên tiếng nói ý kiến của mình: sách Công Vụ chỉ ghi lại hai bài diễn từ của Phê-rô và Gia-cô-bê, chắc hẳn là hai ý kiến tiêu biểu nhất của các tông đồ. Cuối cùng, quyết định của hội nghị được tổng kết thành một lá thư, trong đó có viết: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi (15,28-29).

Công Ðồng chung Vatican I (1870) là một Công Ðồng bị dở dang, chưa hoàn tất, và phải đình hoãn vô thời hạn vì một biến cố chính trị xảy ra tại Ý: giáo phận Rôma bị sát nhập vào vương quốc Ý. Công Ðồng này mới chỉ bàn về vấn đề quyền tối thượng và ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng. Vấn đề này vốn không nằm trong chương trình ban đầu, nhưng lại được Công Ðồng đưa ra bàn và định tín trước. Nhiều vấn đề quan trọng khác chưa được bàn tới thì Công Ðồng bị đình hoãn. Chính vì quyền tối thượng và ơn bất khả ngộ được định tín trong Công Ðồng này, nên người ta - cụ thể và đặc biệt là luận đề của Bismark - cho rằng từ nay sẽ chẳng còn cần tới Công Ðồng chung nữa: giáo hoàng có quyền quyết định tất cả, kể cả vấn đề đức tin, nên giáo huấn của giáo hoàng đã là mực thước của đức tin rồi!

Nhưng không ngờ, năm 1959, Ðức Gioan XXIII, dù tuổi già sức yếu, lại có tư tưởng muốn triệu tập Công Ðồng chung Vatican II, và cuối năm 1961, ngài chính thức quyết định sẽ triệu tập Công Ðồng Vatican II vào ngày 2-2-1962.

Bối cảnh Giáo Hội thời Công Ðồng Vatican II

1.  Thế giới đã và đang thay đổi ngày càng nhanh chóng

Vào thời Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, người ta không thấy một khó khăn nào nổi cộm trong Giáo Hội đến nỗi phải triệu tập Công Ðồng cả: chẳng có lạc giáo, chẳng có ly khai, chẳng bị bách hại, Giáo Hội rất bình yên và có uy quyền lớn mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng dưới con mắt hướng về tương lai và đầy tính tiên tri của vị giáo hoàng rất lớn tuổi này, Giáo Hội hơn bao giờ hết cần phải chuẩn bị đối diện với những vấn đề cực kỳ khó khăn của thời đại đang hoặc sắp xảy đến.

Ngài nhận thấy từ khi bước sang thế kỷ 20, nhân loại thay đổi hết sức nhanh chóng so với thế kỷ 19, vốn đã được coi là có quá nhiều thay đổi vĩ đại so với các thế kỷ trước. Khoa học và kỹ thuật đã có những bước tiến khủng khiếp, đã trở thành một cuộc cách mạng vĩ đại có khả năng thay đổi não trạng và tâm thức con người thời đại. Nhiều thứ lý thuyết đã thượng tôn khoa học kỹ thuật, cho rằng khoa học tiến bộ sẽ có khả năng thay thế tôn giáo. Những lý thuyết này thúc đẩy con người thời đại đặt hết niềm tin và hy vọng vào thế giới vật chất, vào khả năng giải quyết của khoa học kỹ thuật. Niềm tin tôn giáo vì thế bị lung lay, những hứa hẹn của tôn giáo bị tan vỡ. Con người thời đại chịu ảnh hưởng của tinh thần duy lý của René Descartes, tinh thần khoa học thực nghiệm của Claude Bernard: chỉ chấp nhận là đúng những gì đã được chứng minh hay kiểm chứng bằng thực nghiệm.

Quá tin vào khoa học, nhưng con người lại bị chính khoa học phản bội. Chưa bao giờ khoa học lại làm cho con người đau khổ như hiện nay, có khả năng tiêu diệt nhau nhanh chóng, hàng loạt và tối tân như hiện nay. Chiến tranh càng ngày càng dễ xảy ra không chỉ giữa nước này với nước kia, mà giữa khối nước này với khối nước kia. Nguy cơ thế giới bị tiêu diệt bởi bom nguyên tử, nguy cơ thế chiến bùng nổ luôn luôn đe dọa con người.

Trước một thế giới đang và sẽ thay đổi một cách khá toàn diện như thế, Giáo Hội - với tinh thần nhập thể của Ðức Ki-tô - không thể không thay đổi. Vì nếu không thay đổi, Giáo Hội không thể thích ứng với thế giới mới. Mà không chịu thích ứng, Giáo Hội sẽ trở nên xa lạ với thế giới và vì thế sẽ không đem lại ích lợi gì cho thế giới. Vậy, chắc chắn Giáo Hội cần phải thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào để Giáo Hội vừa vẫn là Giáo Hội của Ðức Ki-tô, vừa thích ứng được với thế giới mới? Ðó là điều mà Ðức Gioan XXIII kỳ vọng vào Công Ðồng Vatican II.

2.  Nhiều nỗ lực hướng đến hiệp nhất Ki-tô giáo

Khởi đầu, Giáo Hội chỉ là một Giáo Hội duy nhất do Ðức Ki-tô thiết lập. Thế nhưng qua thời gian, Giáo Hội đã bị rạn nứt thành nhiều mảnh, với biết bao nhiêu giáo phái: tuy cùng tin vào Ðức Giê-su Ki-tô, nhưng tuyên xưng niềm tin cách khác nhau. Tuy đại đồng tiểu dị, nhưng nhiều giáo phái coi nhau như ngoại đạo, như khác tôn giáo nhau, như chẳng phải là anh em con cùng một Cha. Ðiều này thật tủi hổ cho Ðức Giê-su, người Thầy chung của tất cả, Ðấng đã nói: Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,35). Thật vậy, không gì làm đau lòng Ðức Giê-su cho bằng sự kiện những kẻ tin theo Ngài, đều tự nhận là môn đệ Ngài, lại coi nhau như xa lạ, chỉ vì khác nhau trong một số tiểu tiết. Ðó là một gương xấu rất lớn cho thế giới, và vì thế, Giáo Hội đã đánh mất biết bao cơ hội quí giá cho việc truyền giáo.

Các nước trên thế giới đang cố xích lại gần nhau hơn, tìm cách giao lưu, hợp tác với nhau về nhiều mặt, chẳng lẽ các giáo phái Ki-tô giáo - vốn chỉ chiếm 1/3 dân số thế giới - lại cứ tiếp tục chia rẽ nhau? Vì thế, các giáo phái Ki-tô giáo, dường như cũng ý thức được sự chia rẽ sai trái của mình suốt bao thế kỷ nay, cảm thấy cần phải xích lại gần nhau hơn. Từ đó, trong mọi giáo phái, luôn luôn phát sinh những con người cổ võ và hoạt động cho sự hiệp nhất các giáo phái Ki-tô giáo. Vì thế, hơn bao giờ hết, qua Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội quan tâm tới sự hiệp nhất Ki-tô giáo hơn bao giờ hết

Diễn tiến của Công Ðồng chung Vatican II

Công Ðồng Vatican II được thực hiện qua nhiều giai đoạn:

1.  Chuẩn bị xa (1959-1960)

Công Ðồng Vatican II đã bắt đầu manh nha trong tư tưởng của Ðức Gio-an XXIII từ lúc nào và do đâu thì ít ai biết. Nhưng việc tổ chức Công Ðồng đã được ngài chính thức đề nghị và chuẩn bị xa từ tháng 5-1959. Ngài đã đề cử Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Tardini làm chủ tịch Ủy Ban phụ trách việc chuẩn bị này. Ủy ban này có nhiệm vụ thăm dò ý kiến của các nghị phụ sẽ được mời và của các đại học công giáo. Ý kiến từ khắp nơi gửi về đều hoan hỉ tán thành việc tổ chức Công Ðồng. Một sự kiện chưa từng có là khi hỏi ý kiến, Ủy ban không hề giới hạn các đề mục, nên các ý kiến trở nên hết sức phong phú, đề cập đến rất nhiều vấn đề cần thiết phải cải tổ trong Giáo Hội.

Giữa năm 1960, ngài còn thành lập 3 Văn phòng và 12 Ủy ban, tương ứng với các Thánh bộ của giáo triều. Thành phần các Ủy ban được tuyển chọn từ các giáo hội địa phương trên toàn thế giới. Ngày 7-12-1959, ngài chính thức đặt tên cho Công Ðồng là Vatican II.

2.  Chuẩn bị gần (1960-1962)

Các Ủy ban đã thành lập phải làm việc ngày đêm để tổng hợp các ý kiến đã nhận được hầu cung cấp các lược đồ cho hội nghị. Ðể hoàn thành một lược đồ, các thành viên của Ủy ban phải họp nhau lại dưới quyền chủ tọa của một hồng y, với sự cộng tác của nhiều chuyên viên tài giỏi, để phân tích, tổng hợp, phân loại, đúc kết mọi đề tài sẽ được các nghị phụ đem ra bàn thảo và biểu quyết sau này. Ðể tiến hành công việc này, mỗi đề tài lại được phân chia thành nhiều tiểu đề, mỗi tiểu đề lại do một tiểu ban hay một nhóm chuyên viên đảm trách. Mỗi tiểu ban có nhiệm vụ tổng kết tiểu đề của mình thành một bản sơ thảo sau nhiều lần bàn cãi và tu bổ. Các bản sơ thảo đều được in và gửi tới mọi thành phần của Ủy ban và các cố vấn để họ cho nhận xét hay ý kiến. Sau khi nhận được các nhận xét hay ý kiến này, các tiểu ban phải xem xét, hội thảo và soạn thảo lại.

Cuối cùng lược đồ sẽ được Ủy ban nhóm họp lại, bàn cãi tự do và bỏ phiếu quyết định, rồi đệ trình lên Ủy ban Trung ương do chính Ðức Giáo Hoàng làm chủ tịch. Ủy ban Trung ương được coi như một tiểu Công Ðồng, gồm nhiều hồng y, thượng phụ, giám mục. của 37 quốc gia. Ủy ban này sẽ cẩn thận duyệt xét các lược đồ rồi bỏ phiếu chấp thuận. Lược đồ nào chỉ cần bị một phần ba các thành viên không đồng ý là bị loại bỏ, và Ủy ban Trung ương phải soạn thảo một lược đồ khác thay thế. Cuối cùng, lược đồ mới được đệ trình lên Ðức Giáo Hoàng, ngài sẽ quyết định cho đem trình bày với các Nghị phụ ở Công Ðồng. Tất cả có 70 dự án được chấp thuận.

3.  Các khoá họp của Công Ðồng (1962-1965)

Có 4 khoá họp:

a)  Khoá họp đầu tiên (từ 11-10 đến 8-12-1962):

Có 2.449 nghị phụ tới tham dự khóa họp này (số được mời là 2.904 vị). Khi khai mạc, Ðức Giáo Hoàng đưa ra những tôn chỉ của Công Ðồng là:

- cởi mở với thế giới,

- thông cảm chứ không lên án tuyệt thông,

- xót thương hơn là khắt khe,

- nhận chân rằng thế giới cũng rất nhạy cảm, không chấp nhận sai lầm,

- loan truyền Tin Mừng với tinh thần lạc quan hơn là bi quan.

Trong khoá họp này, các nghị phụ tuyển chọn thành phần cho các Ủy Ban Công Ðồng, mỗi Ủy ban gồm khoảng 25 thành viên. Có tất cả 273 nghị phụ được tuyển chọn vào 10 Ủy ban.

Sau khi gửi một sứ điệp cho thế giới, các nghị phụ bắt đầu làm việc theo 7 lược đồ đã được đề nghị cho khóa họp này. Nhưng mới chỉ bàn thảo về 5 lược đồ mà vẫn chưa xong được lược đồ nào. Theo dự tính thì sẽ có 73 lược đồ được bàn thảo tại Công Ðồng. Nhưng tới cuối khoá họp này, các nghị phụ thấy các vấn đề quá bao la, không thể bàn cãi hết được, vì các vấn đề không đơn giản, các đề tài được đưa ra bàn thảo gây nên những cuộc tranh luận hết sức sôi động, căng thẳng, kịch liệt giữa các nghị phụ. Mọi lược đồ nếu được đưa ra bàn cãi thì sẽ tốn rất nhiều thời giờ. Vì thế, Ðức Giáo Hoàng quyết định rút lại còn 20 lược đồ. Khoá họp sau sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9-1963, nên các Ủy ban Công Ðồng còn 9 tháng để soạn thảo và đúc kết lại 20 lược đồ này cho khoá họp tới.

Nhưng rất tiếc trong thời gian này, Ðức Gio-an XXIII đã về với Chúa, và Ðức Phao-lô VI lên kế vị. Vị tân giáo hoàng này sẽ tiếp tục Công Ðồng Vatican II.

b)  Khoá họp thứ hai (từ 29-9 đến 4-12-1963):

Khoá họp này do Ðức Tân Giáo Hoàng Phao-lô VI chủ tọa, ngài có tinh thần vượt trên mọi thành kiến, và tư tưởng của ngài còn có vẻ tiến bộ hơn của Ðức Gio-an XXIII. Ngài cải tổ lại các qui tắc Công Ðồng và dám tuyên bố chỉnh đốn lại giáo triều Rô-ma. Trong diễn văn khai mạc, ngài gọi các giáo phái Ki-tô giáo khác là những anh em bất hòa (chứ không phải ly khai nữa). Ngài còn lên tiếng xin Thiên Chúa và những anh em bất hòa đó tha thứ cho những lỗi lầm của Giáo Hội Rô-ma trong việc chia rẽ Ki-tô giáo. Quả là một điều táo bạo chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội Công giáo.

Cuối khoá họp này, mới chỉ có hai văn kiện được công bố sau khi được bỏ phiếu và được đa số chấp thuận:

1) Sắc lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội

2) Hiến chế Phụng Vụ.

Khác với các Công Ðồng trước, Công Ðồng Vatican II tỏ ra tôn trọng cộng đoàn tính của các giám mục hơn. Các Công Ðồng trước, khi chính thức công bố, Ðức Giáo Hoàng viết: Ta ra sắc lệnh, thiết lập và phê chuẩn. với sự chấp thuận của Thánh Công Ðồng. Như thế, chính Ðức Giáo Hoàng công bố, các giám mục chỉ có việc chấp nhận, xem ra quá thụ động. Còn trong Công Ðồng Vatican II, Ðức Phao-lô VI viết: Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và dùng quyền tông đồ Chúa Ki-tô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính. Chúng tôi phê chuẩn.. Như thế, không phải chỉ Ðức Giáo Hoàng, mà toàn thể các giám mục cùng với Ngài phê chuẩn. Ðó là một bước tiến làm nổi bật tính cộng đoàn của các Giám mục.

c)  Khoá họp thứ ba (từ 14-9 đến 21-11-1964):

Trong bài diễn văn khai mạc khóa này, Ðức Giáo Hoàng đề cao tính cộng đoàn của các giám mục. Qui luật của Công Ðồng được sửa đổi: rút kinh nghiệm những khoá họp trước, để tránh những ý kiến lập lại, các nghị phụ nào muốn phát biểu ý kiến, phải đăng ký trước 5 ngày, nhờ đó công việc tiến hành nhanh hơn.

Kết thúc khoá họp này, có ba văn kiện được công bố:

1) Hiến chế về Giáo Hội,

2) Sắc lệnh về Hiệp Nhất,

3) Sắc lệnh về Các Giáo Hội Công giáo Ðông Phương.

Ðồng thời Ðức Giáo Hoàng công bố Ðức Ma-ri-a là Mẹ Giáo Hội (điều này khiến nhiều nghị phụ bất bình vì không được tham khảo ý kiến, vả lại nó gây đụng chạm với anh em Tin Lành).

d)  Khoá họp thứ tư (từ 14-9 đến 8-12-1965):

Trong diễn văn khai mạc, Ðức Giáo Hoàng quyết định thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục để thể hiện tính cộng đoàn của các ngài.

Cuối khóa này, một số các văn kiện đã được bỏ phiếu chấp thuận và được công bố:

1) Sắc lệnh về Giám mục,

2) Sắc lệnh về Ðời Sống Dòng Tu,

3) Sắc lệnh về Ðào Tạo Linh Mục,

4) Tuyên ngôn về Giáo Dục Ki-tô giáo,

5) Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo,

6) Hiến chế về Mạc Khải,

7) Sắc lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân,

8) Sắc lệnh về Truyền Giáo,

9) Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Các Linh Mục,

10) Hiến chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay.

11) Tuyên ngôn Liên Lạc của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Ngoài Ki-Tô Giáo.

Ngày sau hết của Công Ðồng được đánh dấu bằng một sự kiện lịch sử: vào ngày 7-12-1965, trong tinh thần tiến tới hiệp nhất, Ðức Phao-lô VI tại Rô-ma và Ðức Thượng Phụ Athenagoras tại Istanbul, cùng một lúc xóa bỏ án tuyệt thông lẫn nhau. Án tuyệt thông này do hai vị lãnh đạo hai giáo phái lớn của Ki-tô giáo đã ra cho nhau năm 1054, gây nên sự ly khai giữa Giáo Hội Công giáo Rô-ma và Giáo Hội Chính Thống giáo Ðông Phương. Ðây là thành quả tốt đẹp và giá trị nhất của Công Ðồng Vatican II.

Những đặc điểm tiêu biểu của Công Ðồng

1.  Tinh thần Giáo Hội

Từ trước đến nay, chưa một Công Ðồng Chung nào đề cập một cách qui mô đến nhiều vấn đề phức tạp, phong phú trong Giáo Hội như Công Ðồng Vatican II. Nhưng tư tưởng trụ cột của Công Ðồng chính là quan niệm về Giáo Hội. Có thể nói: Công Ðồng tìm cách diễn tả chính xác về Giáo Hội, vừa phù hợp với bản chất không thay đổi của Giáo Hội (dựa trên Thánh Kinh, Thánh Truyền), vừa phù hợp với ngôn ngữ và quan niệm của thời đại. Chưa hề có một Công Ðồng nào bận tâm về vấn đề này. Có một quan niệm chính xác và đúng đắn về Giáo Hội, ta mới có thể dựa trên đó để xác định những vấn đề quan trọng khác như quan hệ giữa Giáo Hội với thế giới, vấn đề hiệp nhất các giáo phái Ki-tô giáo, v.v. Có thể nói Giáo Hội là đề tài trọng tâm của Công Ðồng Vatican II, tất cả mọi văn kiện của Công Ðồng đều xoay quanh và đặt nền tảng trên vấn đề Giáo Hội. Do đó, Hiến Chế về Giáo Hội là văn kiện căn bản nhất của Công Ðồng Vatican II.

Giáo Hội bao gồm nơi mình rất nhiều quốc gia, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, và các thành phần trong Giáo Hội (các chức sắc, tu sĩ, giáo dân, các tu hội, đoàn thể, v.v.) Vì thế, muốn mang tính Giáo Hội một cách đầy đủ, Công Ðồng phải có sự hiện diện đầy đủ của những người đại diện cho các quốc gia, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, và mọi thành phần của Giáo Hội.

Vì thế, về những người tham dự, chưa có một Công Ðồng Chung nào có một con số nghị phụ được mời mang tính đa dạng và đông tới trên 3.000 vị, và tỷ lệ tham dự khoảng trên 80%. Các nghị phụ là các giám mục đến từ tất cả các quốc gia có Ki-tô giáo trên thế giới (trong thời gian họp Công Ðồng, có 253 vị qua đời, nhưng được thay thế bởi 296 vị tân giám mục được tấn phong).

Ngoài ra còn có:

+   sự hiện diện và hợp tác của 460 nhà chuyên môn (đa số là các linh mục triều và dòng, phần còn lại là các tu sĩ, thành viên các tu hội, và giáo dân).

+   42 dự thính viên là giáo dân, 10 dự tính viên là nữ tu, và 45 dự thính viên là linh mục cùng đi với giám mục của họ (được mời sau các dự thính viên trên).

Có thể nói mọi giáo hội địa phương trên thế giới đều có người đại diện trong Công Ðồng.

2.  Tinh thần hiệp nhất

Một trong những mục đích lớn của Công Ðồng là mở lối và tạo điều kiện cho sự hiệp nhất giữa những người tin theo Ðức Ki-tô. Công Ðồng đã thực hiện mục đích này:

- qua các văn kiện giáo lý như: Sắc lệnh về Hiệp Nhất, Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo, và Tuyên ngôn Liên Lạc của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Ngoài Ki-Tô Giáo.

- qua các cuộc gặp gỡ thân thiện trong bầu khí của Công Ðồng giữa đại diện nhiều giáo phái Ki-tô giáo.

- qua việc mời khoảng 100 quan sát viên ngoài Công giáo đến tham dự, đại diện cho 29 giáo hội và cộng đồng Ki-tô giáo khác nhau.

- qua tinh thần tự do và đối thoại: các nghị phụ tranh luận với nhau một cách hào hứng, thậm chí kịch liệt trong một bầu khí tự do, các ngài có thể bác bỏ ý kiến hay đề nghị của chính Ðức Giáo Hoàng, v.v.

- qua chủ trương bao dung, chấp nhận sự đa dạng, khác biệt, chủ trương không lên án tuyệt thông ai.

Vì thế, Công Ðồng Vatican II đánh dấu một bước vĩ đại tiến về sự hiệp nhất trong tương lai của các giáo phái Ki-tô giáo. Sự việc Ðức Phao-lô VI và Ðức Thượng Phụ Athenagoras xóa bỏ án tuyệt thông lẫn nhau khi Công Ðồng kết thúc là một dấu chỉ lạc quan cho sự hiệp nhất ấy.

Kết luận

Kể từ thế kỷ 19, trào lưu dân chủ trên thế giới càng ngày càng phát triển mạnh, Giáo Hội, qua Công Ðồng Vatican II, cũng có nhiều chiều hướng dân chủ hơn. Mặc dù Công Ðồng Vatican I đã dành cho Ðức Giáo Hoàng một địa vị độc tôn trong Giáo Hội về việc bất khả ngộ trong lãnh vực đức tin và luân lý, nhưng trong Công Ðồng Vatican II, Ðức Giáo Hoàng đã không sử dụng quyền này để quyết định các vấn đề. Hầu như mọi quyết định, mọi chủ trương quan trọng về đức tin, luân lý, chiều hướng tương lai. của Công Ðồng Vatican II đều là quyết định chung của toàn thể các nghị phụ cùng với Ðức Giáo Hoàng. Các quyết định này được các nghị phụ bàn cãi, được các chuyên viên, các nhà chuyên môn thuộc đủ mọi thành phần trong Giáo Hội góp ý. Vì thế, Công Ðồng Vatican II phản ảnh được ý nguyện của toàn Giáo Hội, và như thế, Công Ðồng đánh dấu một bước tiến lớn cho tính cộng đoàn của các giám mục, và tinh thần dân chủ trong Giáo Hội.

Rất mong chiều hướng dân chủ này sẽ càng ngày càng được quan tâm và phát triển đúng mức trong Giáo Hội. Ðó có thể là cách thức mới mà thời nay Thánh Thần dùng để mạc khải và tác động trên Giáo Hội, vì đó cũng là chiều hướng chung của cả thế giới. Hiện nay, sau biết bao thế kỷ sống trong chế độ quân chủ, phong kiến, độc tài, v.v. dần dần thế giới khám phá ra chiều hướng dân chủ là chiều hướng đúng đắn và tiến bộ nhất để phát triển xã hội, vì nó phù hợp với định nghĩa về xã hội và với quyền lợi chung của xã hội. Thật vậy, trong hầu hết các dân tộc trên thế giới, dân tộc nào cũng đều có những câu tục ngữ với ý nghĩa tương tự như câu của người Việt Nam: Ý dân, ý Trời. Qua Công Ðồng Vatican II, ta thấy chân lý và thánh ý của Thiên Chúa được rút ra và được tổng kết từ các ý kiến đã được các nghị phụ phát biểu trong Công Ðồng. Các nghị phụ đại diện cho các thành phần, các tầng lớp, các dân tộc, các quốc gia, các nền văn hóa, các giáo hội địa phương khác nhau trong Giáo Hội. Một cách nào đó, các ngài đại diện cho toàn thế giới.

Thiết tưởng cách tìm ra chân lý và thánh ý Thiên Chúa của Công Ðồng Vatican II - đầy tính dân chủ - là một mẫu mực cho các giáo hội địa phương, các cộng đoàn, các tập thể lớn nhỏ trong Giáo Hội noi theo. Một cách cụ thể, để đi đến một quyết định sáng suốt trong các giáo phận, giáo xứ, các cộng đoàn, tập thể, thiết tưởng người lãnh đạo cần biết lắng nghe mọi thành phần dân Chúa trong đó, và tìm ra chân lý và thánh ý Ngài. Việc đơn phương quyết định một mình của người lãnh đạo mà không cần bàn hỏi với ai, tự cho mình có đủ sáng suốt hơn tất cả, là một thái độ không còn thích hợp với tâm thức của con người thời đại, và chắc chắn cũng là ngược với đường hướng mới của Thánh Thần đang thực hiện trong Giáo Hội hiện nay.

 

NGUYỄN CHÍNH KẾT


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội