Diễn từ của ĐTC Bênêđictô XVI dành cho thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh

 

Sáng ngày 23 tháng 4 năm 2009, ĐTC đã tiếp kiến 30 đại diện của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinhn khi họ vừa hoàn tất buổi họp thường niên về “Linh Hứng và Sự Thật trong Thánh Kinh”. Chủ tích Ủy Ban là ĐHY William Joseph Levada, Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý (Giáo Lý) Đức Tin. Dưới đây là bản dịch bài diễn từ của ĐTC nguyên văn Tiếng Ý.

 

* * *

 

Kính thưa Đức Hồng Y, Đức Cha,

Các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh thân mến,

 

Tôi vui mừng lại được đón tiếp anh chị em trong ngày kết thúc buổi họp thường niên của anh chị em. Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Levada đã ngỏ lời chào mừng và đã tóm tắt đề tài là vấn đề mà anh chị em đã suy nghĩ cẩn thận trong phiên họp của anh chị em. Một lần nữa anh chị em lại họp để bàn luận cách tỷ mỉ một đề tài rất quan trọng: sự linh hứng và sự thật  của Thánh Kinh. Đây là một vấn đề không những chỉ liên quan đến thần học, mà còn liên quan đến chính Hội Thánh, vì đời sống và sứ vụ Hội Thánh cần phải dựa trên Lời Chúa, là linh hồn của thần học, và cùng thần học, truyền cảm cho toàn thể đời sống Kitô hữu. Đề tài mà anh chị em đã bàn thảo cũng đáp lại những ưu tư mà chính tôi ấp ủ trong lòng, vì việc giải thích Thánh Kinh là điều tối quan trọng đối với Đức Tin Kitô giáo và đời sống Hội Thánh.

 

Thưa ĐHY Chủ Tịch,

như ĐHY đã nhắc đến, trong Thông Điệp Providentissimus  Deus, ĐTC Lêô XIII đã ban cho các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo một khích lệ mới và những chỉ dẫn mới về vấn đề linh hứng, sự thật và khoa chú giải Thánh Kinh. Sau đó, ĐTC Piô XII trong Thông Điệp Divino afflante Spiritu đã thu thập và hoàn tất huấn thị trước đó, thúc đẩy các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo đi đến những giải pháp hoàn toàn phù hợp với giáo lý của Hội Thánh, đồng thời lưu tâm đến những đóng góp tích cực của các phương pháp giải thích mới. Sự thúc đẩy sống động được hai ĐTC ấy đưa ra trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, như ĐHY cũng đã nói, được Công Đồng Vaticanô II hoàn toàn công nhận và khai triển thêm, để Hội Thánh đã rút tỉa từ đó và hưởng ích lợi. Đặc biệt là Hiến Chế Dei Verbum của Công Đồng vẫn còn soi sáng việc làm của các nhà chú giải Thánh Kinh cùng mời gọi các mục tử và tín hữu đến bàn Tiệc Lời Chúa để được nuôi dưỡng cách sâu đậm hơn. Về việc này, Công Đồng trước hết nhắc nhở rằng Thiên Chúa chính là tác giả của Thánh Kinh: “Những điều mà Thiên Chúa mặc khải trong các sách của Thánh Kinh được Thiên Chúa ban và được lãnh nhận, được trao lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Mẹ Hội Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ Cựu Ước cũng như Tân Ước, với tất cả các thành phần đều là sách thánh và được ghi vào quy điển Thánh Kinh, bởi vì được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, nên tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa và được lưu truyền lại cho Hội Thành với tình trạng như vậy.” (Dei Verbum 11). “Vì thế, phải xem mọi lời các tác giả được linh ứng, tức là các thánh sử, viết ra là những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta” (Dei verbum 11).

 

Tiếp cận đúng về quan niệm mặc khải của Thiên Chúa và sự thật của Thánh Kinh dẫn đến một số quy luật ảnh hưởng đến việc giải thích Thánh Kinh. Cùng một Hiến Chế Dei Verbum, sau khi nói rằng Thiên Chúa là tác giả Thánh Kinh, nhắc cho chúng ta rằng trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với loài người theo cách thế của loài người.  Sự hợp tác giữa Thiên Chúa và loài người này là điều rất quan trọng: Thiên Chúa thật sự nói với loài người bằng cách thế của loài người. Cho nên để giải thích Thánh Kinh cách đúng đắn cần phải cẩn thận nhìn đến điều mà các thánh ký thật sự muốn nói và điều mà Thiên Chúa muốn bày tỏ qua những ngôn từ của loài người này. “Những lời của Thiên Chúa diễn tả qua ngôn ngữ loài người, được trở nên giống ngôn ngữ của loài người, cũng như xưa Ngôi Lời của Chúa Cha Hằng Hữu khi mặc lấy sự yếu đuối của bản tính nhân loại, đã trở nên giống loài người” (Dei Verbum 13). Những ám chỉ này rất cần thiết để giải thích đúng đắn tính chất lịch sử và văn chương như là bình diện đầu tiên của mỗi cách giải thích Thánh Kinh, rồi phải nối kết với những điều trên với giáo lý về linh hứng và sự thật trong Thánh Kinh. Thật vậy, vì Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng, cho nên có một nguyên tắc tối thượng để giải thích cách đúng đắn, nếu không có nguyên tắc này thì Thánh Kinh vẫn chỉ là những văn tự chết trong quá khứ: Thánh Kinh “phải đươc đọc và giải thích với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần là Đấng viết Thánh Kinh” (Dei Verbum 12).

 

Về điểm này, Công Đồng Vaticanô II đưa ra ba tiêu chuẩn để giải thích Thánh Kinh cho đúng theo Chúa Thánh Thần là Đấng linh hứng cho Thánh Kinh. Trước hết, chúng ta phải thận trọng chú ý đến nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Thánh Kinh: tính duy nhất của Thánh Kinh. Như thế, dù do nhiều sách khác nhau hợp lại, Thánh Kinh là một sách vì tính duy nhất của chương trình của Thiên Chúa, mà trong đó Đức Chúa Giêsu Kitô là trung tâm và trọng tâm (x. Lc 24:25-27; Lc 24:44-46). Thứ đến, chúng ta phải đọc Thánh Kinh trong phạm vi truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh. Theo lời Giáo Phụ Ôrigen thì “Sacra  Scriptura principalius est in corde Ecclesiae quam in materialibus instrumentis scripta” nghĩa là “Thánh Kinh chính thức được ở trong con tim của Hội Thánh trước khi được viết bằng công cụ vật chất”. Thực ra, Hội Thánh mang trong truyền thống của mình ký ức sống động của Lời Chúa, và chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho Hội Thánh cách giải thích Thánh Kinh theo nghĩa thiêng liêng (x. Origen, Homilliae in Leviticum, 5, 5). Tiêu chuẩn thứ ba là phải chú ý đến loại suy Đức Tin, là sự liên quan của những chân lý riêng biệt của Đức Tin với các nhau và với chương trình tổng quát của Mặc Khải cùng sự trọn vẹn của công trình của Thiên Chúa được chứa đựng trong đó.

 

Công tác của các nhà nghiên cứu, dù nghiên cứu Thánh Kinh bằng nhiều phương tiện khác nhau, là đóng góp theo những nguyên tắc nói trên trong việc hiểu sâu xa hơn và trình bày ý nghĩa của Thánh Kinh. Việc nghiên cứu các bản văn thánh theo khoa học là điều cần thiết, nhưng tự nó chưa đủ vì chỉ ở trong bình diện nhân loại. Để đạt được sự mạch lạc của Đức Tin của Hội Thánh nhà chú giải Thánh Kinh phải quan tâm đến việc nhìn đến Lời Chúa trong những bản văn này theo cùng một cái nhìn của Đức Tin của Hội Thánh. Nếu thiếu điểm quy chiếu thiết yếu này, thì cuộc nghiên cứu về chú giải Thánh Kinh vẫn còn thiếu sót, không nhìn thấy được mục đích chính của nó, và có nguy cơ trở thành một việc nghiên cứu thuần túy văn chương, mà trong đó vị tác giả chính, là Thiên Chúa, không còn xuất hiện nữa. Hơn nữa, việc giải thích Thánh Kinh không phải đơn thuần là cố gắng khoa học của cá nhân, nhưng phải luôn được so sánh, lồng vào, và chứng thực bằng truyền thống sống động của Hội Thánh. Quy luật này là điều thiết yếu để điều chỉnh và làm sáng tỏ sự quan hệ hỗ tương giữa việc giải thích Thánh Kinh và Huấn Quyền Hội Thánh. Nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo không những là thành viên của cộng đồng khoa học, mà còn trên hết là thành viên của cộng đồng các tín hữu của mọi thời đại. Thực ra, các bản văn này không được ban cho cá nhân những nhà nghiên cứu hay các cộng đồng khoa học để “thoả mãn tính hiếu kỳ của họ hay cung cấp cho họ những đề tài để nghiên cứu và tìm hiểu.” (Divino afflante Spiritu, EB 566). Những bản văn được Thiên Chúa linh hứng này chủ ý được trao cho cộng đồng các tín hữu, là Hội Thánh của Đức Kitô, để nuôi dưỡng đời sống Đức Tin và hướng dẫn đời sống Đức Ái. Mục đích của sự so sánh này là xác định tính vững chắc và những hiệu quả của việc chú giải Thánh Kinh. Thông Điệp Deus Providentissimus nhắc lại chân lý căn bản này và nhận xét rằng, thay vì ngăn trở việc nghiên cứu Thánh Kinh, việc tôn trọng sự kiện này sẽ bồi dưỡng sự tiến bộ thật sự của việc nghiên cứu Thánh Kinh. Tôi có thể nói, cách chú giải theo Đức Tin thích hợp với thực tại của bản văn hơn là cách chú giải theo lý trí, một lý trí không biết Thiên Chúa.

 

Thực ra, trung thành với Hội Thánh trong lập trường cố hữu của truyền thống vĩ đại, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, những tác phẩm được công nhận trong quy điển là những lời mà Thiên Chúa phán với Dân Ngài và người ta đã không ngừng suy niệm cùng khám pha ra sự phong phú khôn lường của những Lời này. Công Đồng Vaticanô II tái xác nhận một cách rõ ràng: “Tất cả những gì liên hệ đến việc chú giải Thánh Kinh cuối cùng đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Hội Thánh, vì Hội Thánh được Thiên Chúa trao cho sứ mạng và chức năng gìn giữ và giải thích Lời Chúa” (Dei Verbum 12). Hiến Chế trên nhắc lại cho chúng ta sự kết hợp không thể phân ly được giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền như thế nào, bởi vì cả hai phát xuất từ cùng một nguồn: “Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết và phối hợp mật thiết với nhau vì cả hai phát xuất từ cùng một nguồn mạch là Thiên Chúa, có thể nói kết hợp làm một duy nhất và cùng hướng về một mục đích. Thực vậy, Thánh Kinh là Lời Chúa được ghi lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần; còn Thánh Truyền lưu lại trọn vẹn Lời Chúa, đã được Đức Kitô và Chúa Thánh Thần đã trao phó cho các Tông Ðồ, và những người kế vị các ngài, để nhờ Thần Chân Lý soi sáng, họ bảo trì, giải thích và phổ biến qua lời rao giảng trung thành. Do đó, Hội Thánh không chỉ nhờ Thánh Kinh mà biết cách xác thực những điều mạc khải. Chính vì thế cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình quý mến và kính trọng như nhau” (Dei verbum 9). Như chúng ta biết, cụm từ “pari pietatis affectu ac reverentia - với một lòng quý mến và tôn trọng như nhau” được Thánh Basil đặt ra, rồi được đưa vào Sắc Lệnh Gratianô (Decretum Gratiani), và được dùng trong Công Đồng Trentô và Vaticanô II. Cụm từ ấy diễn tả cách chính xác sự liên hệ mật thiết giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Chỉ trong Hội Thánh mà người ta có thể hiểu Thánh Kinh như Lời chân chính của Thiên Chúa, là chỉ nam, chỉ tiêu và quy luật cho đời sống của Hội Thánh và sự phát triển tâm linh của các tín hữu. Điều này, như tôi đã nói, không thể là trở ngại cho những giải thích theo khoa học nghiêm chỉnh, nhưng mở ra bên cạnh nó một con đường đi đến những bình diện xa hơn của Đức Kitô, mà người ta không thể đi đến được qua việc phân tích bản văn mà thôi, vì việc phân tích này là điều không có khả năng chứa đựng ý nghĩa tổng quát mà qua nhiều kỷ nguyên đã hướng dẫn Truyền Thống của toàn thể Dân Chúa.

 

Các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh thân mến, tôi xin kết luận bài nói chuyện của tôi bằng cách cám ơn và khuyến khích riêng từng người. Tôi thân ái cảm ơn anh chị em vì những công tác nặng nề trong việc phục vụ Lời Chúa và Hội Thánh qua việc nghiên cứu, giảng dạy và ấn loát những công trình nghiên cứu của anh chị em. Tôi xin thêm lời khuyến khích của tôi vào cuộc hành trình vẫn còn tiếp tục cùa anh chị em. Trong một thế giới mà việc nghiên khoa học mỗi ngày một trở nên quan trọng trong nhiều lãnh vực, việc chú giải Thánh Kinh theo khoa học cũng phải ở một mức độ thích hợp là điều quan trọng. Đó là một trong những bình diện của việc hội nhập văn hóa của Đức Tin, là một phần của sứ vụ Hội Thánh, hoà hợp với việc đón nhận Mầu Nhiệm Nhập Thể. Anh chị em thân mến, nguyện xin Đức Chúa Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa Nhập Thể và Vị Thầy đến từ Thiên Chúa là Đấng đã mở tâm trí của các môn đệ để hiểu biết Thánh Kinh (x. Lc 24:45), hướng dẫn anh chị em và nâng đỡ anh chị em trong những suy nghĩ cẩn thận của anh chị em. Xin Đức Trinh Nữ Maria, gương mẫu của sự ngoan ngoãn và vâng phục Lời Chúa, dạy anh chị em đón nhận dễ dàng hơn sự phong phú khôn lường của Thánh Kinh, không những chỉ qua trí hiểu, nhưng còn trong đời sống anh chị em như những tín hữu, để việc làm và hành động của anh chị em có thể giúp cho ánh sáng của Thánh Kinh chiếu rọi nhiều hơn nữa trên các tín hữu. Để đảm bảo sự nâng đỡ của lời cầu nguyện của tôi cho công việc của anh chị em, tôi ưu ái gửi đến cho anh chi em Phép Lành Toà Thánh, như bảo chứng của lòng quý yêu của Thiên Chúa.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Muc Luc