BÀI DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDETTO XVI TRƯỚC CÁC THÀNH VIÊN CỦA PHÁI ĐOÀN NGOẠI GIAO

(betrenthuongcap.net 18.01.2010 19:28) – Ước chi ánh sáng và sức mạnh của Đức Giêsu giúp chúng ta biết tôn trọng ‘môi trường con người’, trong sự hiểu biết rằng như thế thì môi trường sinh thái tự nhiên cũng được hưởng lợi, bởi lẽ tự nhiên là một quyển sách duy nhất và bất khả phân chia. Theo cách này, chúng ta sẽ có thể xây dựng hòa bình, cho hôm nay và cho các thế hệ tương lai. Tôi gởi đến tất cả mọi người lời cầu chúc một năm mới hạnh phúc.

Kính thưa quý Đại Sứ thuộc Ngoại Giao Đoàn,
Kính thưa quý vị,

Cuộc gặp gỡ truyền thống vào dịp đầu năm này, được tiến hành hai tuần sau lễ Giáng Sinh, là cơ hội mà tôi rất vui mừng. Như chúng ta tuyên xướng trong phụng vụ: “Chúng con nhận ra nơi Đức Kitô sự mạc khải tình yêu của Cha. Người là Đấng vô hình đã xuất hiện hữu hình giữa chúng con. Người được sinh ra trước mọi thời gian, nay bắt đầu hiện hữu trong thời gian. Người đã đến để nâng mọi loài lên với Người và phục hồi sự hiệp nhất giữa muôn loài tạo vật”(Kinh Tiền Tụng II Lễ Giáng Sinh). Như thế, trong lễ Giáng Sinh, chúng ta chiêm niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm của các tạo vật: bằng lời loan báo của sứ thần với những người chăn chiên, chúng ta nhận được tin mừng về ơn cứu độ cho con người và sự phục hồi toàn vẹn vũ trụ. Đây là lý do tại sao trong thông điệp nhân ngày quốc tế hòa bình 2010, tôi đã kêu gọi mọi người thành tâm thiện chí - những người được nhắm đến trong lời hứa bình an của các thiên thần - hãy bảo vệ các tạo vật. Trong tâm tình vui mừng ấy, tôi hạnh phúc gởi lời chào đến mỗi người trong quý vị, đặc biệt là những người đang có mặt trong giây phút đầu tiên của cuộc gặp gỡ hôm nay. Tôi hết lòng cám ơn những lời chúc tốt lành mà Ngài Đại Sứ Alejandro Valladares Lanza đã dại diện quý vị dành cho tôi. Tôi xin lặp lại rằng tôi hết sức coi trọng sứ vụ của quý vị đối với Tòa Thánh. Thông qua quý vị, tôi muốn gởi lời chào thân ái cùng những lời chúc bình an và hạnh phúc tốt đẹp đến các bậc lãnh đạo quốc gia mà quý vị là những đại điện. Tôi cũng nghĩ đến tất cả những quốc gia khác trên thế giới: Người Kế Vị Thánh Phêrô luôn mở rộng cửa đối với tất cả mọi người, với hy vọng duy trì những mối quan hệ có thể góp phần vào sự phát triển của gia đình nhân loại. Vài tuần trước đây, qua hệ ngoại giao trọn vẹn đã được thiết lập giữa Tòa Thánh và Liên Bang Nga. Đây quả là điều thật đáng hài lòng. Cũng thế, cuộc viếng thăm gần đây của Chủ Tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là rất ý nghĩa. Việt Nam là đất nước thật gần gũi trong trái tim tôi (Bản dịch tiếng Anh: Vietnam is a country close to my heart. Nguyên văn tiếng Ý: Vietnam, Paese che è caro al mio cuore: Việt Nam, đất nước thân thương trong lòng tôi). Nơi ấy, Giáo Hội đang cử hành Năm Thánh để kỷ niệm sự hiện diện hàng trăm năm của mình trên đất nước. Với tinh thần cởi mở, trong suốt năm 2009, tôi đã gặp rất nhiều những chính trị gia từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tôi cũng đã viếng thăm họ và ước mong có thể tiếp tục làm như thế bao lâu còn có thể.

Giáo hội mở ra với tất cả mọi người, bởi vì trong Thiên Chúa, Giáo hội sống vì người khác. Giáo hội hết lòng chia sẻ vận mệnh của nhân loại. Trong năm mới này, vận mệnh ấy tiếp tục còn mang đậm dấu ấn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà kết quả của nó là một sự bất an xã hội nghiêm trọng và rộng khắp.

Trong thông điệp “Bác Ái Trong Chân Lý” tôi đã mời gọi tất cả mọi người nhìn vào những nguyên nhân sâu xa của tình trạng này: trong những phân tích gần đây, nguyên nhân của những cuộc khủng hoảng được nhìn thấy nơi trào lưu ích kỷ và duy vật, là điều đã không thể nhận ra những giới hạn nội tại trong các tạo vật. Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều có thể đưa ra những thí dụ về các thiệt hại mà những xu hướng này gây ra cho môi trường khắp nơi trên thế giới. Tôi sẽ đưa ra một thí dụ giữa vô số những điển hình khác, diễn ra trong lịch sử gần đây của Châu Âu.

Hai mươi năm trước đây, sau sự sụp đổ của bức tường Berlin và sự tan rã của các chế độ duy vật và vô thần đã thống trị trong nhiều năm một phần của lục địa này, chẳng phải thật dễ để người ta nhìn ra những tai hại lớn lao mà một hệ thống kinh tế chẳng đoài hoài gì đến chân lý về con người đã gây ra, không chỉ cho nhân phẩm và tự do của con người, nhưng còn cho chính thiên nhiên, bằng việc làm ô nhiễm đất, nước và bầu không khí? Việc từ chối Thiên Chúa bóp méo tự do của con người, đồng thời cũng tàn phá các tạo vật. Như thế, việc bảo vệ các tạo vật về căn bản không chỉ là một đáp trả của một nhu cầu thẩm mỹ, mà đúng hơn là một nhu cầu về luân lý, xét vì thiên nhiên diễn tả một kế hoạch của tình yêu và của chân lý, là kế hoạch đến từ Thiên Chúa và dành rất nhiều ưu tiên cho loài người chúng ta.

Chính vì thế, tôi chia sẻ mối bận tâm, gây ra bởi sự trì trệ về kinh tế và chính trị, trong việc chống lại sự hủy hoại môi trường. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi gần đây, trong khóa họp thứ XV của Hội nghị các quốc gia với khung hiệp ước Liên Hiệp Quốc về việc thay đổi khí hậu (the XV Session of the Conference of the States Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change), được tổ chức tại Copenhagen từ ngày 7 đến 18 tháng 12 vừa qua. Tôi tin rằng trong tiến trình của năm nay, khởi đầu ở Bonn và sau đó là ở Mexico City, có thể đạt đến một sự đồng thuận để giải quyết hữu hiệu vấn nạn này. Vấn nạn này trở nên nghiêm trọng khi nó đe dọa tương lai của nhiều quốc gia, nhất là những đảo quốc.

Tuy nhiên, điều bận tâm và việc dấn thân cho môi trường nên được đặt trong một bối cảnh rộng hơn của những thách thức lớn lao mà con người đang phải đối mặt. Nếu chúng ta muốn xây dựng một nền hòa bình đích thực, làm sao chúng ta có thể tách rời, hay thậm chí là bỏ rơi, việc bảo vệ môi trường với bảo vệ sự sống con người, bao gồm cả sự sống của những con người chưa được sinh ra? Chính trong việc biết tôn trọng chính mình mà con người có cảm thức trách nhiệm đối với các tạo vật. Như Thánh Tôma Aquinô đã dạy: con người là đại diện cho tất cả những gì quý giá nhất của vũ trụ (cf. Summa Theologiae, I,q.29, a.3). Hơn nữa, như tôi đã lưu ý trong Hội Nghị Lương Thực Quốc Tế (FAO) gần đây: “thế giới có đủ lương thực cho mọi người”(Address of 16 November 2009, No.2), chỉ ra rằng chính sự ích kỷ khiến người ta giữ lại cho riêng mình điều lẽ ra phải dành cho tất cả mọi người.

Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bảo vệ các tạo vật đòi hỏi một sự quản trị hợp lý những nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia, nhất là những quốc gia có nền kinh tế chưa phát triển. Tôi nghĩ đến lục địa Phi Châu, nơi mà tôi đã vui mừng được thăm viếng vào tháng Ba năm ngoái trong chuyến hành trình đến CameroonAngola. Lục địa này là chủ đề chính cho các cuộc bàn luận của cuộc họp đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây. Các đại biểu của hội đồng đã quan tâm đặc biệt đến tình trạng xói mòn và nạn sa mạc hóa của những vùng đất canh tác rộng lớn, như là kết quả của việc khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường (cf. Propositio 22). Tại Châu Phi, cũng như nhiều nơi khác, cần phải có những quyết định về chính trị và kinh tế có thể đảm bảo “những loại hình sản xuất nông nghiệp và công nghiệp biết tôn trọng môi trường và đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người” (Thông điệp cho ngày quốc tế hòa bình 2010, số 10.)

Về vấn đề này, làm sao chúng ta có thể quên rằng chính những xung đột từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc xung đột, không chỉ ở Châu Phi mà còn đe dọa ở khắp mọi nơi trên thế giới? Cũng chính vì thế, tôi lại mạnh mẽ lặp lại rằng: để vun trồng hòa bình, người ta phải bảo vệ các tạo vật! Hơn nữa, còn có những vùng rộng lớn, chẳng hạn ở Afghanistan hay ở một vài quốc gia thuộc Châu Mỹ Latinh, nông nghiệp, một nguồn thu nhập và giải quyết việc làm quan trọng, lại có liên hệ chặt chẽ với việc sản xuất ma túy. Nếu chúng ta muốn có hòa bình, chúng ta cần phải bảo tồn các tạo vật bằng cách tái điều chỉnh các hoạt động này. Một lần nữa, tôi thúc giục cộng đồng quốc tế đừng để ngoảnh mặt làm ngơ trước nền thương mại ma túy và những vấn nạn xã hội đạo đức trầm trọng mà nền thương mại ấy gây ra.

Kính thưa quý vị,

Việc bảo vệ các tạo vật thật sự là một phần quan trọng của hòa bình và công lý. Giữa nhiều thách đố hiện tại, một trong những điều nghiêm trọng nhất đó là sự gia tăng chi phí cho quân sự để duy trì và phát triển vũ khí hạt nhân. Bao nguồn tài nguyên khổng lồ đang bị tiêu tốn cho những mục đích này, trong khi những nguồn tài nguyên ấy có thể được sử dụng cho việc phát triển con người, đặc biệt là những người nghèo nhất. Chính vì lý do này, tôi hết sức hy vọng rằng trong suốt cuộc Hội Nghị Tái Xét Duyệt Hiệp Ước Không Gia Tăng Vũ Khí Hạt Nhân (The Nuclear Non-Proliferation Treaty Review Conference) được tổ chức vào tháng 5 tới đây tại New York, sẽ có những quyết định hữu hiệu hướng đến tiến trình giải giáp vũ khí, với viễn tượng giải phóng hành tinh chúng ta khỏi vũ khí hạt nhân. Trong một cái nhìn tổng quát, tôi rất lấy làm tiếc rằng việc sản xuất và xuất khẩu vũ khí đã góp phần kéo dài thêm mãi những xung độ và bạo lực, như tại Darfur, tị Somalia hay tại Cộng Hòa Dân Chủ Công Gô. Cùng với sự bất lực của các đảng phái liên quan trực tiếp trong việc rút lui khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực và những đau khổ gây ra bởi các cuộc xung đột, có cả sự bất lực của các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác trong việc phục hồi hòa bình, khi những tổ chức này đã chẳng nói gì về thái độ thờ ơ và nhẫn nhục cam chịu của công luận quốc tế. Chẳng cần phải khẳng định về tầm mức tổn hại mà những xung đột như thế đã gây ra cho môi trường. Cuối cùng, tôi không thể không nói đến chủ nghĩa khủng bố, là điều đã gây ra không biết bao nhiêu tai ương cho những người vô tội và đã tạo nên một sự lo lắng trải lan mọi nơi. Nhân dịp họp mặt long trọng này, tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi mà tôi đã đưa ra trong dịp cầu nguyện Kinh Truyền Tin của ngày mùng 1 tháng 1 vừa qua, nhắm đến tất cả các nhóm vũ trang, dù ở bất cứ loại nào: hãy từ bỏ con đường bạo lực và mở rộng con tim của mình đón nhận niềm vui của hòa bình.

Những hành động nghiêm trọng của bạo lực mà tôi đã có nhắc tới trước đây, cùng với những đe dọa của nghèo đói, của thiên tai và của việc hủy hoại môi trường, đã làm gia tăng con số những người phải di tản ra khỏi phần đất của họ. Đứng trước một cuộc xuất hành như thế, tôi mời gọi các cấp chính quyền dân sự thực hiện công việc của họ với sự công bằng, tình liên đới và với tầm nhìn xa. Ở đây, cách riêng tôi muốn đề cập đến các Kitô hữu ở vùng Trung Đông. Bị tấn công bằng nhiều phương cách, thậm chí ngay chính trong việc thực hiện tự do tôn giáo của mình, họ đang phải lìa bỏ mảnh đất tổ tiên của họ, là nơi mà Giáo hội đã bén rễ từ những thế kỷ đầu tiên. Để khích lệ họ và để họ cảm nghiệm được sự gần gũi của những người anh chị em cùng niềm tin với họ, tôi đã triệu tập một Hội Đồng Đặc Biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông, sẽ nhóm họp vào mùa Thu tới đây.

Kính thưa quý vị,

Đến đây, tôi chỉ mới đề cập đến một vài khía cạnh của vấn đề môi trường. Tuy vậy, duyên do của tình trạng này, điều mà bây giờ đã trở nên hiển nhiên đối với mọi người, chính là vấn đề luân lý. Vấn đề này phải được đối diện trong khuôn khổ của một chương trình giáo dục rộng khắp, nhắm đến việc thăng tiến một sự thay đổi thực sự trong lối suy nghĩ và kiến tạo nên những lối sống mới. Cộng đồng các tín hữu có thể và ước mong chia sẻ điều này. Để được như thế, vai trò công cộng của cộng đồng ấy phải được nhìn nhận. Thật đáng buồn là trong nhiều quốc gia, phần lớn là các nước Phương Tây, các cuộc gặp gỡ xoay quanh những chủ đề chính trị và văn hóa cũng như là truyền thông, hiếm thấy có sự tôn trọng, đôi khi còn là thù nghịch nếu không nói là khinh miệt, dành cho các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Nếu chủ nghĩa tương đối được xem như là một nhân tố thiết yếu của nền dân chủ, thì rõ ràng người ta rơi vào nguy cơ chỉ xét những kế hoạch dài hạn trong theo cách thế loại trừ và từ khước tầm quan trọng xã hội của tôn giáo. Thế nhưng phương cách ấy tạo nên những xung đột và chia rẽ, phá hoại hòa bình, gây tổn hại đến bầu sinh thái của con người, và do bởi thái độ từ khước, sẽ dẫn đến một kết cục chết chóc. Do đó, cần khẩn cấp vạch ra một kết hoạch dài hạn tích cực và cởi mở, đặt nền trên một sự tự lập chính đáng giữa trật tự thế tục và trật tự tâm linh, là kế hoạch có thể thúc đẩy cách lành mạnh một sự hợp tác và một tinh thần trách nhiệm được chia sẻ. Ở đây tôi nghĩ đến Châu Âu, vào lúc này Hiệp Ước Lisbon đã bắt đầu phát huy hiệu quả, đã bước vào trong một tiến trình hội nhất, là tiến trình mà Tòa Thánh sẽ tiếp tục theo dõi với một sự quan tâm gần gũi. Nhận thấy với sự hài lòng rằng Hiệp Ước ấy đã giúp Khối Liên Hiệp Châu Âu duy trì một cuộc đối thoại “cởi mở, thông suốt và bình thường” với Giáo Hội (Art. 17), tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng trong việc xây dựng tương lai của mình, Châu Âu sẽ luôn nhớ đến suối nguồn của căn tính Kitô hữu của mình. Như tôi đã nói trong chuyến viếng thăm của mình hồi tháng 9 năm ngoái tại Cộng Hòa Czech, Châu Âu đóng một vai trò bất khả thay thế trong việc “đào tạo lương tâm của mỗi thế hệ và thăng tiến một sự nhất trí căn bản về đạo đức là điều có thể phục vụ cho tất cả những ai gọi lục địa này là ‘nhà’(Cuộc gặp gỡ với chính quyền chính trị và dân sự và với ngoại giao đoàn, 26.09.2009).

Để tiếp tục việc dòng suy tư, chúng ta nên nhớ rằng vấn đề về môi trường là điều rất phức tạp: người ta có thể ví vấn đề ấy với một hình lăng trụ đa giác. Các tạo vật khác biệt nhau nên có thể được bảo vệ hay bị de dọa theo những cách thế khác nhau, như chúng ta biết từ kinh nghiệm thường ngày. Một cuộc tấn công vào các tạo vật thế có thể bắt nguồn từ chính luật pháp và những chủ trương khác nhau, là những điều nhân danh việc chống lại phân biệt đối xử, tất công vào nền tảng sinh học của sự khác biệt giữa các giới tính. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến một số quốc gia của Châu Âu hoặc ở vùng Bắc và Nam Mỹ. Thánh Colomban đã nói rằng “Nếu bạn tước đoạt tự do, bạn tước đoạt nhân phẩm”(Ep. 4 ad Attela, in S. Columbani Opera, Dublin, 1957, p. 34). Dẫu vậy, tự do không thể là tuyệt đối, bởi lẽ con người không phải là Thiên Chúa, nhưng con người là hình ảnh của Thiên Chúa, là tạo vật của Thiên Chúa. Đối với con người, nẻo đường họ đi không thể được hướng dẫn bởi sự thất thường nhất thời hay bởi sự ương bướng cố chấp, nhưng đúng hơn phải phù hợp với cấu trúc đã được sắp đặt bởi Đấng Tạo Hóa.

Việc bảo vệ môi trường cũng đưa đến nhiều thách đố khác, là những điều chỉ có thể giải quyết được bởi một sự liên đới quốc tế. Tôi nghĩ đến những thiên tai trong năm qua đã gây ra chết chóc, đau khổ và phá hủy tại Philippin, Việt Nam, Lào, Campuchia và Đài Loan. Tôi cũng không thể bỏ qua Indonesia và mới đây là vùng Abruzzi, bị tấn công bởi những cơn động đất. Đối mặt với những biến cố thế này, những trợ giúp quảng đại là điều không thể thiếu, bởi lẽ chính cuộc sống các tạo vật của Thiên Chúa đang bị đe dọa. Tuy nhiên, thêm vào với tình liên đới, việc bảo vệ các tạo vật cũng đòi hỏi phải có sự hòa thuận và ổn định giữa các quốc gia. Khi nào có sự bất hòa và xung đột nổi lên, để bảo vệ hòa bình, họ phải kiên định bước theo đường lối đối thoại mang tính xây dựng. Đây là điều đã xảy ra 25 năm trước đây với Hiệp Ước Hòa Bình và Hữu Nghị giữa Argentina và Chile, đạt được nhờ sự trung gian của Tòa Thánh. Hiệp Ước ấy đã sản sinh ra nhiều hoa quả trong việc hợp tác và thịnh vượng, và đã có ít nhiều ảnh hưởng trên tất cả các nước thuộc Châu Mỹ La tinh. Cũng trên vùng này, tôi hài lòng với sự kiện ColombiaEcuador đã thiết lập trở lại quan hện ngoại giao sau nhiều tháng trời căng thẳng. Gần với chúng ta hơn, tôi lấy làm hài lòng với thỏa thuận mà Coroatia và Slovenia đã đạt được liên quan đến biên giới trên biển và đất liền của họ. Tôi cũng rất hài lòng về sự hòa hợp giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi hy vọng rằng, thông qua đối thoại, những quan hện sẽ tiếp tục được thăng tiến giữa các quốc gia vùng Nam Caucasus. Trong chuyến hành hương của tôi về Đất Thánh, tôi đã hết sức kêu gọi người Israel và Palestin hướng đến một cuộc đối thoại và tôn trọng những quyền lợi của nhau. Một lần nữa, tôi kêu gọi sự nhìn nhận quốc tế về quyền của nhà nước Israel: quyền được tồn tại, được hưởng nếm hòa bình và an toàn trong những biên cương được nhìn nhận bởi quốc tế. Cũng thế, quyền của những người Palestine về một vương quốc và một lãnh thổ độc lập, được sống trong nhân phẩm và được hưởng nếm tự do, cũng là điều phải được nhìn nhận. Tôi cũng muốn kêu gọi sự ủng hộ của mọi người để bảo về căn tính và những đặc trưng thánh thiêng của Giêrusalem và của những di sản văn hóa và tôn giáo ở vùng này, là những điều có giá trị hoàn vũ. Chỉ như vậy, thành phố đặc biệt này, thành phố thánh thiêng nhưng lại gặp nhiều vấn đề gay go, mới là một dấu chỉ và là một lời tiên báo về hòa bình mà Thiên Chúa ước muốn cho tất cả gia đình nhân loại. Vì lòng yêu mến dành cho sự đối thoại và hòa bình, là những điều bảo vệ các tạo vật, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia và các công dân Iraq vượt qua những chia rẽ và những cám dỗ của bạo lực và bất bao dung, để cùng nhau xây dựng tương lai cho quốc gia của họ. Cộng đồng Kitô giáo ước muốn dự phần vào trong tiến trình xây dựng này, thế nhưng để điều này xảy ra, họ cần phải được đảm bảo về sự tôn trọng, về an ninh và tự do. Pakistan cũng đã bị tấn công nặng nề bởi bạo lực trong những tháng gần đây, và bi kịch này vẫn tiếp tục nhắm vào thiểu số người Kitô giáo. Tôi đề nghị rằng chúng ta phải làm mọi cách để ngăn chặn việc tái diễn những hành động hung hăng như thế, và để đảm bảo rằng các Kitô hữu có thể cảm nhận được trọn vẹn rằng họ là một phần đời sống trong đất nước của họ. Liên quan đến bạo lực chống lại các Kitô hữu, tôi không thể không nhắc đến cuộc tấn công tồi tệ mà cộng đồng người Ai Cập Coptic đã phải hứng chịu trong những ngày gần đây, trong thời gian họ cử hành mừng lễ Giáng Sinh. Liên quan đến Iran, tôi hy vọng rằng thông qua đối thoại và cộng tác, những giải pháp kết nối sẽ có thể được tìm thấy ở cấp độ quốc gia cũng như là ở cấp độ quốc tế. Tôi khuyến khích Leban, quốc gia đã vượt lên khỏi một cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài, tiếp tục bước đi trên nẻo đường hòa hợp. Tôi hy vọng rằng Honduras, sau một giai đoạn mất ổn định và náo động, sẽ hướng đến việc phục hồi lại tình trạng bình thường trong đời sống chính trị và xã hội. Tôi cũng cầu mong cùng điều ấy cho GuineaMadagascar, cùng với sự trợ giúp hữu hiệu và vô vị lợi của cộng đồng quốc tế.

Thưa quý vị,

Chỉ trong một bài nói chuyện ngắn ngủi, thật khó có thể đề cập đến tất cả những tình huống đáng ghi nhận. Để kết thúc cái nhìn tổng hợp thoáng qua này, tôi muốn nhắc lại lời của Thánh Phaolô Tông Đồ, theo Ngài: “muôn loài thọ tạo rên xiết trong cơn khốn quẫn” và “cả chúng ta cũng rên xiết trong lòng”(Rm 8, 20-23). Đã có quá nhiều đau khổ trên thế giới của chúng ta, và sự ích kỷ của con người vẫn tiếp tục gây tổn hại đến tạo vật theo nhiều cách thế khác nhau. Bởi lý do này, khát mong được cứu độ, là khát mong ảnh hưởng trên mọi loài thọ tạo, hơn bao giờ hết, đang hiện diện mạnh mẽ trong những trái tim nhân loại, những người có niềm tin cũng như không có niềm tin. Giáo hội chỉ rõ rằng câu trả lời cho khát mong này chính là Đức Kitô “Trưởng Tử của mọi loài thọ tạo, trong Người tất cả mọi vật được tạo thành, trên trời cũng như dưới đất”(Cl 1, 15-16). Nhìn lên Người, tôi kêu mời mọi người thành tâm thiện chí hãy làm việc cách xác tín và quảng đại cho nhân phẩm và tự do của con người.

Ước chi ánh sáng và sức mạnh của Đức Giêsu giúp chúng ta biết tôn trọng ‘môi trường con người’, trong sự hiểu biết rằng như thế thì môi trường sinh thái tự nhiên cũng được hưởng lợi, bởi lẽ tự nhiên là một quyển sách duy nhất và bất khả phân chia. Theo cách này, chúng ta sẽ có thể xây dựng hòa bình, cho hôm nay và cho các thế hệ tương lai. Tôi gởi đến tất cả mọi người lời cầu chúc một năm mới hạnh phúc.

Benedetto XVI

Vatican 11.01.2010

(Nguồn: Radio Vatican – Chuyển ngữ : Gia An)


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội