Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Phan-Xi-Cô Tại Hội Nghị Quốc Tế Về Sự Khích Lệ Của Thông Điệp Evangelii Gaudium Đối Với Một Nền Kinh Tế Luôn “Bao Gồm Tất Cả“


(Casina Pi-ô IV, thứ Bảy ngày 12 tháng 07 năm 2014)



Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y chủ tịch hội nghị này về những lời của Ngài. Và tôi cũng cám ơn tất cả quý vị vì đã thể hiện sự hiệp thông với tôi qua lời mời và công việc. Điều mà quý vị đang thực hiện, đó là điều rất quan trọng: suy tư về thực tế, nhưng cũng suy nghĩ một cách anh dũng, suy nghĩ một cách thông minh. Quý vị đã làm việc trong sự gan dạ và thông minh. Và đó là một sứ vụ. Một người trong quý vị đã thông báo cho tôi biết về ba dạng thức của khuynh hướng đơn giản hóa sự vật với quan điểm cho rằng, tổng thể là phép cộng đơn thuần của từng thành tố. Tôi nghĩ rằng, trong khoảnh khắc này, chúng ta đã đạt tới được cao điểm của khuynh hướng đơn giản hóa sự vật thuộc về nhân loại học. Điều xảy ra với con người cũng là điều xảy ra với trái nho khi nó biến rành rượu mạnh: nó được tiến hành thông qua một thiết bị chưng cất. Nó không còn là trái nho nữa, nó là một cái gì đó khác: có lẽ có ích hơn, có giá trị cao hơn, nhưng không còn là nho nữa!


Chính điều ấy cũng diễn ra với con người: con người bị biến đổi thông qua quá trình chưng cất ấy, và cuối cùng – tôi xin nói với tất cả sự nghiêm túc nhất! – con người đánh mất nhân tính của mình, và trở thành công cụ của một hệ thống, công cụ của hệ thống kinh tế cộng đồng, của một hệ thống mà trong đó sự mất cân bằng trở thành một nhân tố thống trị. Điều gì đang chờ đợi chúng ta nếu như con người đánh mất nhân tính của mình? Và rồi sau đó sẽ diễn ra điều mà tôi muốn nói lên qua một cách nói rất thông dụng: một chính sách „vất bỏ“, một xã hội „vất bỏ“, một tâm tính „vất bỏ“: người ta quăng ném tất cả mọi thứ mà nó không còn ích lợi gì cho họ nữa, bởi vì lúc ấy con người không còn đứng trong trung tâm điểm. Và giả như khi con người không còn đứng trong trung tâm điểm nữa, thì rồi một cái gì đó khác sẽ đứng vào đó, và con người lại đứng vào trong địa vị tôi đòi của cái khác ấy. Như vậy, sáng kiến nhằm cứu con người, trong ý nghĩa là, con người tái quay về với điểm trung tâm: trong trung tâm điểm của cộng đồng, trong trung tâm điểm của suy tư, trong trung tâm điểm của sự phân tích. Tái đặt con người vào trong những trung tâm điểm ấy, đó là một công việc tuyệt vời mà quý vị đã thực hiện được. Tôi cám ơn quý vị về công việc ấy. Quý vị đã nghiên cứu, đã thực hiện những suy nghĩ, đã tổ chức những ngày hội nghị này hầu đưa tới mục đích nhằm làm cho con người không còn bị „vứt bỏ“ nữa. Người ta „vứt bỏ“ con cái, vì tỷ suất sinh sản – ít nhất là tại châu Âu này – đã trở nên quen thuộc với tất cả chúng ta; người ta thanh toán những người già cả vì họ không còn có ích lợi gì. Và bây giờ thì sao? Người ta đẩy cả một thế hệ những người trẻ ra một bên, và đó là điều rất có căn cứ! Tôi đã nhìn thấy một con số: 75 triệu người trẻ dưới 25 tuổi bị thất nghiệp. Những người trẻ ấy „vừa không, lại cũng không“: họ không được học hành, lại cũng không có công ăn việc làm. Họ không được học hành vì họ không có điều kiện, họ không lao động vì họ không có công ăn việc làm. Đó là một loại „phế phẩm“ khác! Và rồi phế phẩm tiếp theo sẽ là cái gì? Xin hãy ngưng lại kịp thời!


Tôi cám ơn quý vị. Tôi cám ơn quý vị về sự hỗ trợ mà quý vị đã thực hiện qua công việc cũng như qua suy tư của quý vị, hầu tái cân bằng tình trạng đã bị tuột ra khỏi sự cân bằng này, và tái cứu thoát nhân loại cũng như tái đưa con người trở về lại với trung tâm điểm của những suy tư và trung tâm điểm của cuộc sống. Con người là vua của thế giới thụ tạo! Và điều đó không xuất phát từ suy tư Thần Học, cũng không phải từ triết học, nhưng nó là hiện thực thực tế của nhân loại. Nhờ thế nhân loại sẽ tiến bộ. Xin cám ơn tất cả quý vị. Xin chân thành cám ơn.


ĐTC Phan-xi-cô


Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội