Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trước các tham dự viên của Đại Hội do Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa tổ chức ngày 07.02.2015

 

Anh chị em thân mến!

Cha rất vui khi được đón tiếp anh chị em nhân dịp ngày bế mạc đại hội của anh chị em, mà trong đại hội này, anh chị em đã thảo luận với sự phân tích và nghiên cứu về đề tài „Nền văn hóa nữ giới: sự bình đẳng và khác biệt“. Cha cũng xin cám ơn Đức Hồng Y Ravasi về những lời mà Ngài đã nhân danh tất cả anh chị em để hướng về Cha. Cha muốn bày tỏ niềm biết ơn đặc biệt của Cha đối với những chị em nữ giới đang hiện diện tại đây, cũng như đối với những người – và Cha biết rằng, rất nhiều – mà họ đã tham gia bằng những cách thức khác nhau hầu chuẩn bị và sắp xếp công việc này.

Đề tài mà anh chị em đã chọn nằm rất sâu trong con tim của Cha, và Cha đã có khá nhiều cơ hội để nói về nó cũng như đã mời gọi đào sâu thêm về nó. Đó là việc tìm ra những tiêu chuẩn và những con đường mới hầu làm cho giới phụ nữ không còn cảm thấy mình như là những người khách, nhưng cảm thấy họ được góp phần vào trong các lãnh vực khác nhau của đời sống cộng đồng và Giáo hội. Giáo hội là phụ nữ; theo ngôn ngữ Tây phương, từ Giáo hội có mạo từ là giống „cái“ chứ không phải giống „đực“. Đó là một thách đố không được phép bị đẩy qua một bên. Cha nói điều đó với các vị mục tử của các Cộng Đoàn Ki-tô giáo, mà ở đây họ được coi như là những vị đại diện của Giáo hội hoàn vũ, nhưng Cha cũng nói cả với những người nam và những người nữ đang sống đời Giáo dân, mà họ đang hoạt động bằng những phương thức khác nhau trong đời sống văn hóa, trong việc Giáo dục và đào tạo, trong hoạt động kinh tế, trong đời sống chính trị, trong thế giới lao động, trong các gia đình và trong các cơ sở tôn giáo.

Việc đi theo các chủ đề mà anh chị em đã dự trù cho quá trình làm việc của những ngày này – một công việc mà nó cũng sẽ được tiếp tục thực hiện trong tương lai -, đã cho phép Cha vạch ra cho anh chị em một con đường cũng như trao cho anh chị em một số những nguyên tắc chỉ đạo, hầu trải rộng ra trên khắp mọi khu vực của trái đất, trong con tim của mọi nền văn hóa, trong sự đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo khác nhau.

Đề tài thứ nhất có tên là: „Giữa sự bình đẳng và khác biệt:  trên con đường kiếm tìm một sự cân bằng“, nhưng tìm kiếm một sự cân bằng không phải chỉ là sự đồng đều, nhưng còn là một sự hòa điệu. Quan điểm này không được phép bị đặt dưới quan điểm của ý thức hệ, vì „lăng kính“ của ý thức hệ sẽ ngăn cản không cho nhìn thấy thực tại. Người ta nhận ra sự bình đẳng và sự khác biệt của nữ giới - giống như trong những điều thuộc về nam giới – một cách tốt hơn trong viễn tượng „VỚI“, trong mối tương quan, cũng như trong sự „đối nghịch“. Từ lâu rồi, ít nhất là trong các xã hội phương Tây, chúng ta đã để lại phía sau lưng mình mô hình lệ thuộc về mặt xã hội của nữ giới đối với nam giới – một mô hình rất cổ xưa, nhưng những hậu quả tiêu cực của nó chưa bao giờ được nghiên cứu một cách tường tận. Chúng ta cũng đã vượt qua được một mô hình thứ hai: sự bình đẳng thuần túy và đơn giản mà nó được áp dụng một cách tự động, và sự bình đẳng tuyệt đối. Và như vậy, một kiểu mẫu mới đã hình thành, đó là kiểu mẫu hỗ tương trong sự đương đối và trong sự khác biệt. Do đó, trong mối tương quan giữa người nam và người nữ nên được nhìn nhận rằng, cả hai đều cần thiết, vì thực ra cả hai đều sở hữu một bản tính giống hệt nhau, nhưng với những biểu lộ riêng. Người phụ nữ thì cần thiết cho người nam và ngược lại, để con người thực sự đạt tới được sự viên mãn hoàn toàn.

Đề tài thứ hai: „Phổ quát tính như là một bộ mã hóa có tính biểu tượng“. Nó hướng tới một cái nhìn thẳm sâu trên tất cả những người mẹ, và nới rộng viễn tượng về việc tiếp tục chuyển giao cũng như việc bảo vệ sự sống, mà sự sống ấy không tự giới hạn trên những phạm vi sinh học. Chúng ta có thể tóm gọn điều ấy với bốn động từ: „mong muốn“, „sinh hạ“, „chăm sóc“ và „để cho tự do“. Trong lãnh vực này, Cha luôn có trước mắt sự hợp tác của nhiều phụ nữ mà họ đang thi hành công việc trong gia đình, đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục Đức Tin, trong công việc mục vụ, trong công tác giáo dục tại các trường học, nhưng cũng kể cả trong các cơ cấu xã hội, văn hóa và kinh tế, và vẫn thường khích lệ họ trong những hoạt động đó. Chị em nữ giới các con hiểu về việc thể hiện dung nhan trìu mến của Thiên Chúa, lòng nhân từ của Ngài, mà lòng nhân từ ấy yêu thích trở nên sẵn sàng trao đi thời giờ hơn là việc chiếm hữu không gian, và để đón nhận thay vì loại trừ.

Trong ý nghĩa ấy, Cha thích mô tả chiều kích nữ tính của Giáo hội như là chiếc tử cung, tức nơi đón nhận và phát sinh ra sự sống mới. Đề tài thứ ba: „Thân thể nữ giới giữa văn hóa và sinh học“ – gợi lên cho chúng ta vẻ đẹp và sự hài hòa của thân thể trong ký ức mà Thiên Chúa đã ban tặng cho những người phụ nữ, nhưng cũng gợi lên những vết thương vô cùng đau đớn mà chúng bị bổ sung thêm cho họ với tư cách là nữ giới, đôi khi với bạo lực tàn nhẫn. Nhưng tiếc rằng, thân thể nữ giới, biểu tượng của sự sống, không hiếm khi bị tấn công và bị làm biến dạng ngay cả bởi những người  mà đúng ra, họ nên trở thành những người bảo vệ cũng như những người đồng hành với họ. Nhiều hình thức nô lệ, hình thức thương mại hóa, hình thức gây tàn tật cho thân xác người phụ nữ đang thúc ép chúng ta phải dấn thân hầu thắng vượt những hình thức sỉ nhục ấy, tức những hình thức biến người phụ nữ trở thành một món hàng thuần túy, mà món hàng ấy lại bị bán đổ bán tháo tại các thị trường khác nhau. Trong mối liên hệ này, Cha muốn hướng mối quan tâm đến tình trạng đau khổ của nhiều phụ nữ nghèo, họ đang bị bắt buộc phải sống trong những tình trạng bị đe dọa, trong những tình trạng bị bóc lột, bị phát lưu trong những vùng ngoại vi của cộng đồng xã hội, và bị biến thành nạn nhân của một nền văn hóa vứt bỏ.

Đề tài thứ tư: „Giới phụ nữ và tôn giáo: sự chạy trốn hay sự khát khao tham gia vào đời sống Giáo hội?“ Ở đây, các tín hữu được kêu gọi một cách đặc biệt. Cha được thuyết phục bởi tính cấp bách trong việc giới thiệu những không gian cho giới phụ nữ trong đời sống Giáo hội cũng như đón nhận họ, dưới sự lưu ý tới tâm lý văn hóa và xã hội một cách đặc biệt và được cải biến. Vì thế, một sự hiện diện bao trùm và có uy tín của người phụ nữ trong các cộng đồng là điều đáng mong ước, đến độ chúng ta có thể nhìn thấy nhiều phụ nữ trong trách nhiệm mục vụ, trong sự đồng hành với những con người, với các gia đình cũng như với các nhóm, kể cả trong suy tư thần học.

Vai trò không thể thay thế của phụ nữ trong gia đình không được phép bị lãng quên. Hồng ân tinh tế, đặc biệt là hồng ân mềm dỏe và dịu hiền, mà với chúng, con tim của người phụ nữ trở nên phong phú, không chỉ biểu lộ một sức mạnh đích thực đối với đời sống của các gia đình, đối với tầm ảnh hưởng của một bầu khí bình an và hòa điệu, mà chúng cũng còn là một thực tại mà nếu không có nó, ơn gọi của con người không thể được tiến hành. Ngoài ra, chúng còn là việc khích lệ sự hiện diện đầy công hiệu của giới phụ nữ trong nhiều lãnh vực của đời sống công cộng, và thúc đẩy – trong thế giới lao động và tại những nơi mà những quyết định quan trọng có liên quan tới – và đồng thời bảo vệ sự hiện diện của họ cũng như mối quan tâm có tính ưu tiên và hoàn toàn đặc biệt trong gia đình và đối với gia đình. Vì thế, người ta không được phép để cho giới phụ nữ phải đơn độc trong việc mang những gánh nặng ấy cũng như trong việc đưa ra những quyết định, nhưng tất cả các cơ quan, kể cả các cộng đoàn Giáo hội, đều được kêu gọi để đảm bảo cho giới phụ nữ được tự do quyết định, hầu họ có khả năng đảm nhận những trách vụ trong xã hội và trong Giáo hội bằng một cách thế hài hòa với cuộc sống gia đình.

Anh chị em thân mến, Cha khích lệ anh chị em hãy tiếp tục công việc này. Cha xin trao phó công việc mà anh chị em đang thực hiện cho lời bầu cử của rất thánh Trinh Nữ Maria, Mẹ là mẫu gương đích thực và cao vượt của mọi phụ nữ và mọi người mẹ. Và Cha xin anh chị em hãy cầu nguyện cho Cha. Với tất cả tấm lòng, Cha ban phép lành cho anh chị em. Xin cám ơn anh chị em.

Vatican ngày 07 tháng 02 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội