Bài diễn văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc gặp gỡ các đại diện chính quyền dân sự tại nhà thờ Thánh Pha-xi-cô, Quito, Ecuador, thứ Ba ngày mồng 07.07.2015: Tình Yêu luôn hướng tới mối tương quan

Kính thưa quý vị,

Thật vui mừng cho tôi vì được cùng ở đây với quý vị - những quý ông và quý bà đại diện cho đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước, cũng như đang làm cho quốc gia này được tiến bộ.

Ngay trước khi tôi bước vào ngôi Thánh Đường này, ngài Alcade đã trao cho tôi những chiếc chìa khóa của thành phố. Vì thế tôi có thể quả quyết rằng, tôi đang ở trong nhà của mình tại đây, trong nhà thờ Thánh Phan-xi-cô của Quito. Bằng chứng về niềm tin tưởng và mối thiện cảm của quý vị trong việc mở những cánh cửa ra cho tôi, đã trao cho tôi cơ hội để vạch ra cho quý vị những chìa khóa dành cho đời sống chung của cư dân, mà đời sống ấy phát xuất từ đời sống gia đình.

Xã hội của chúng ta sẽ tốt hơn nếu như mỗi người, mỗi nhóm xã hội đều cảm thấy xã hội này, cộng đồng này thực sự là nhà của mình. Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà và con cháu – ai cũng cảm thấy đây là nhà của mình; không ai bị loại trừ. Nếu một người gặp phải một sự khó khăn, hay thậm chí gặp phải một điều gì đó trầm trọng hơn, thì những người khác sẽ đến giúp đỡ người ấy cũng như sẽ hỗ trợ người ấy, ngay cả khi người ấy đã „gây ra chuyện rắc rối“ với chính họ. Nỗi đau khổ của người ấy chính là sự khổ đau của tất cả. Phải chăng nó cũng không phải là như thế trong một cộng đồng? Tuy nhiên, các mối quan hệ xã hội của chúng ta hay các trò chơi chính trị  thường đặt nền tảng trên sự đối đầu và sự loại trừ. Chức vụ của tôi, ý tưởng của tôi, dự định của tôi sẽ được phát triển nếu tôi có khả năng chế ngự những người khác, nếu tô có khả năng chiến thắng. Trong gia đình có như thế không? Trong các gia đình, tất cả cùng góp phần để tạo điệu kiện cho những dự định chung, tất cả đều làm việc cho hạnh phúc chung, nhưng không hề có chuyện „lật đổ“ cá nhân. Trái lại, họ hỗ trợ và khuyến khích cá nhân ấy. Niềm vui và nỗi khổ của mỗi người cũng sẽ là niềm vui và sự khổ đau của tất cả. Đó là gia đình! Ước gì chúng ta sẽ có thể nhìn ngắm những đối thủ chính trị, những người hàng xóm láng giềng với một cặp mắt giống hệt như khi chúng ta ngắm nhìn con cái, ngắm nhìn người vợ, ngắm nhìn người chồng, ngắm nhìn người cha hay người mẹ của chúng ta! Chúng ta có yêu mến cộng đồng của chúng ta không? Chúng ta có yêu mến đất nước, yêu mến xã hội mà chúng ta đang cố gắng gầy dựng không? Phải chăng chúng ta đang yêu mến những điều ấy theo những lý thuyết đã được dậy và trong thế giới ý tưởng? Chúng ta hãy yêu mến quốc gia và cộng đồng của chúng ta bằng những hành động hơn là bằng những lời nói suông! Chúng ta hãy chia sẻ điều đó trong mỗi người, trong sự cụ thể và trong đời sống. Tình Yêu luôn luôn khát khao mối tương quan, và không bao giờ hướng tới sự cách biệt.

Từ mối thiện cảm này, những cử chỉ đơn sơ sẽ lớn lên, những cử chỉ ấy sẽ tăng cường và củng cố các mối tương quan cá nhân. Trong nhiều cơ hội khác nhau, tôi đã nói về tầm quan trọng của gia đình như là những tế bào của xã hội. Trong lãnh vực gia đình, người ta tiếp nhận những giá trị căn bản của Đức Ái, của tình huynh đệ và của sự tôn trọng lẫn nhau, mà những giá trị ấy lại được thể hiện trong những giá trị căn bản của xã hội: sự miễn phí, tình liên đới và sự giúp đỡ.

Đối với các bậc cha mẹ, tất cả mọi đứa con của họ đều đáng yêu như nhau, ngay cả khi mỗi đứa đều có những tính cách riêng. Ngược lại, nếu con cái khước từ việc chia sẻ cái mà nó nhận được một cách nhưng không từ cha mẹ, thì đứa con này sẽ phá vỡ các mối tương quan. Tình Yêu của cha mẹ sẽ giúp người con ấy tự giải phóng mình khỏi sự ích kỷ, hầu có thể học để sống chung với những người khác, để mở cõi lòng mình ra đối với những người khác. Trong lãnh vực xã hội, điều đó có nghĩa là chấp nhận rằng, sự miễn phí không phải là sự thêm vào, nhưng là điều kiện cần thiết đối với công lý. Điều mà chúng ta là và chúng ta có, đang được ủy thác cho chúng ta, để chúng ta đặt chúng vào trong sự phục vụ người khác. Sứ mạng của chúng ta hàm chứa trong việc để cho chúng được đơm bông kết trái trong những công việc tốt lành. Mọi tài sản vật chất đều được dành cho tất cả mọi người, và khi một người chứng tỏ quyền sở hữu đối với chúng, thì một gánh nặng xã hội sẽ đè nặng lên chúng. Và vì thế, một chương trình kinh tế dựa trên nguyên lý mua bán sẽ bị khuất phục nhờ vào chương trình công lý xã hội, mà chương trình ấy bảo vệ những quyền lợi nền tảng của mỗi con người, và quyền lợi ấy đặt nền tảng trên phẩm giá của sự sống.

Việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà Ecuador là nước rất giầu tài nguyên ấy, không được phép tìm kiếm những lợi nhuận trực tiếp. Việc trở thành nhà quản lý các tài nguyên này, tức những tài nguyên mà chúng ta đã đón nhận, ràng buộc chúng ta với xã hội trong sự toàn thể của nó, và đối với những thế hệ tương lai, chúng ta không được phép để lại cho họ di sản ấy mà không hề có sự quan tâm cân xứng đối với môi trường, không hề có sự ý thức về tính miễn phí mà nó phát sinh từ sự chiêm ngưỡng thế giới như là công trình sáng tạo. Ở đây, những người anh chị em thuộc các dân tộc bản địa đang đồng hành với chúng ta, những dân tộc ấy xuất thân từ vùng Amazon của Ecuador. Bất cứ vùng nào cũng đều thuộc về những khu vực phong phú nhất, với những giống loài bản địa đang rất hiếm hay rất ít được bảo vệ một cách thực sự … Chúng đòi hỏi phải có một sự cẩn trọng đặc biệt vì tầm quan trọng to lớn của chúng đối với hệ thống sinh thái toàn cầu, vì hệ thống sinh thái này chứa đựng một sự đa dạng sinh học của một sự phức tạp to lớn, mà sự phức tạp ấy hầu như hoàn toàn không có khả năng để được nhận biết, nhưng khi nó bị đốt sạch hay bị san bằng để mở rộng đất canh tác, thi vô vàn những giống loài sẽ bị mất đi trong một ít năm nữa, thậm chí ngay cả khi những khu vực ấy không bị biến thành những sa mạc khô cằn (xc. Laudato si‘ 37-38). Ở đó – cùng với những quốc gia khác thuộc vùng Amazon – Ecuador đang có được một cơ hội để áp dụng khoa sư phạm của một hệ sinh thái học mang tính toàn thể. Chúng ta đã đón nhận thế giới như là di sản của tổ tiên chúng ta, nhưng cũng với tính cách là đồ vay mượn của các thế hệ tương lai mà chúng ta phải trả nó lại cho họ!

Tình liên đới trong cộng đồng phát triển từ tình huynh đệ được sống trong gia đình, tình liên đới ấy không chỉ hàm chứa trong việc trao cho những người túng thiếu một điều chi đó, nhưng hàm chứa trong việc có trách nhiệm với nhau. Nếu chúng ta nhìn thấy trong người khác một người anh em hay một người chị em, thì không ai có thể còn bị loại trừ hay bị đẩy ra bên cạnh nữa.

Giống như nhiều quốc gia tại Mỹ châu La-tinh, Ecuador ngày nay cũng đang trải qua những thay đổi sâu sắc về xã hội và văn hóa, cũng như những thách đố mới mà chúng đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người hoạt động xã hội. Sự di dân, việc tập trung về các thành phố, chủ nghĩa tiêu thụ, cơn khủng hoảng gia đình, việc thiếu công ăn việc làm, hầu bao của sự nghèo túng – những hiện tượng ấy đang tạo nên một sự không chắc chắn và làm phát sinh những căng thẳng mà chúng sẽ là mối nguy hiểm đối với sự chung sống trong cộng đồng xã hội. Những quy tắc và những bộ luật phải quan tâm tới sự bao hàm giống như những kế hoạch của xã hội dân sự, phải mở ra những không gian cho sự đối thoại và sự gặp gỡ, và như thế phải loại trừ bất cứ hình thức đàn áp nào, cũng như phải loại trừ sự kiểm soát quá đáng và sự gây ảnh hưởng xấu tới sự tự do của ký ức đau đớn. Niềm hy vọng vào một tương lai tốt hơn sẽ được đạt tới trên con đường nhằm giới thiệu cho những công dân nam nữ, đặc biệt là những người trẻ, những cơ hội thực tế, bằng cách là người ta tạo ra công ăn việc làm – với một sự phát triển kinh tế mà nó đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, chứ không chỉ ở lại trong những biểu đồ có tính kinh tế vĩ mô; với một sự phát triển bền vững, mà nó sản sinh ra một mạng lưới xã hội được gắn kết một cách chắc chắn và tốt đẹp.

Rốt cục, sự tôn trọng đối với người khác mà người ta học trong gia đình, sẽ được thể hiện trong lãnh vực xã hội bằng sự giúp đỡ. Để chấp nhận rằng, quyền lựa chọn của chúng ta không cần phải là một điều duy nhất hợp lý, điều đó có nghĩa là một sự luyện tập đức khiêm nhượng có tính chữa trị. Trong khi nhìn nhận sự tốt lành nơi người khác, thậm chí với những giới hạn của họ, chúng ta sẽ thấy được sự phong phú mà sự đa dạng mang đến với chính nó, cũng như sẽ thấy được giá trị của việc bổ túc cho nhau. Mọi người, mọi nhóm đều có quyền đi theo con đường của mình, ngay cả khi điều này thỉnh thoảng bao gồm cả việc mắc phải những lỗi lầm. Trong khi tôn trọng sự tự do, cộng đồng xã hội dân sự được kêu gọi hãy hỗ trợ mỗi cá nhân cũng như thúc đẩy bất cứ sức mạnh xã hội nào, để những cá nhân và những sức mạnh ấy có được vai trò riêng của chính mình, cũng như có thể đưa những điều đặc biệt của mình tới, nhằm tạo nên hạnh phúc chung. Sự đối thoại là điều cần thiết và có tính căn bản để đạt tới được chân lý, mà chân lý ấy không thể bị cưỡng bức, nhưng phải được kiếm tìm một cách chân thành và với tinh thần phê phán. Trong một nền dân chủ có sự tham gia của các đảng phái, bất cứ lực lượng xã hội nào – các nhóm dân cư bản địa, những người Ecuador có nguồn gốc từ châu Phi, những người phụ nữ, những nhóm cư dân và tất cả những ai đang làm việc cho cộng đồng xã hội trong các dịch vụ công – cũng đều là vai chính không thể bỏ qua trong cuộc đối thoại. Những bức tường, những quảng trường và những ngã tư của nơi này đều nói về nó với sự hùng biện to lớn rằng: các yếu tố trong nền văn hóa Inka và Caranqui đang được ghi nhận và được khắc ghi bởi vẻ đẹp từ tính cân xứng và từ những hình thức của chúng, và bởi phong cách được liên kết với sự táo bạo nơi sự khác biệt của chúng trong cách thế đáng ghi nhận, đang tái trao đi những công trình văn hóa mà chúng đã nhận được danh hiệu „Trường Học Quito“, đó là sự diễn tả của một cuộc đối thoại bao gồm toàn bộ lịch sử Ecuador – với những điểm yếu và điểm mạnh của mình. Đó là điều hoàn toàn đẹp đẽ trong thời đại ngày nay, và ngay cả khi trong quá khứ đã có nhiều hiểu lầm và sự bất công – mà người ta muốn chối bỏ nó như thế nào -, nhưng chúng ta vẫn có thể quả quyết rằng, sự hợp nhất đang tỏa ra một sự đa dạng như thế, rằng nó cho phép chúng ta nhìn về tương lai với một sự tin tưởng to lớn.

Ngay cả Giáo hội, thông qua những hoạt động giáo dục và xã hội của mình, cũng rất muốn hỗ trợ trong công cuộc kiếm tìm hạnh phúc, và cũng muốn thúc đẩy những giá trị đích thật, chẳng hạn như những giá trị tinh thần. Vâng, Giáo hội là một dấu chỉ mang tính Ngôn Sứ, dấu chỉ ấy đang tỏa ra một tia sáng và một tia hy vọng nơi tất cả mọi người, đặc biệt là nơi những người túng thiếu nghèo nàn nhất.

Xin cám ơn quý vị thật nhiều vì đã hiện diện tại đây và lắng nghe tôi nói. Tôi chân thành xin quý vị hãy mang những lời khích lệ của tôi đến với những nhóm người mà quý vị là đại diện của họ trong những lãnh vực xã hội khác nhau. Xin Thiên Chúa làm cho cộng đồng dân sự mà quý vị là đại diện, luôn trở thành một không gian thích hợp, mà tại nơi đó người ta sẽ sống những giá trị vừa nêu.

Quito, Ecuador, ngày mồng 07 tháng 07 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội