Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc gặp gỡ những người vô gia cư tại trung tâm Caritas Washington, Hoa Kỳ ngày 24.09.2015

 

Anh chị em thân mến,

Lời đầu tiên mà Cha muốn nói với anh chị em, chính là lời „cám ơn“. Xin cám ơn anh chị em vì đã đón tiếp Cha. Và xin cám ơn anh chị em về những cố gắng mà anh chị em đã thực hiện để cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra.

Ở đây Cha nghĩ tới một người mà Cha rất yêu mến, nghĩ tới một Đấng mà Ngài đã và đang rất quan trọng đối với cuộc đời của Cha. Đấng ấy chính là một sự hỗ trợ và là một nguồn cảm hứng. Cha luôn hướng về Ngài mỗi khi Cha gặp hoàn cảnh khó khăn. Anh chị em hãy cho phép Cha nghĩ về Thánh Giu-se. Các khuôn mặt của anh chị em đã nhắc Cha nhớ tới Ngài.

Trong cuộc đời của Thánh Giu-se có khá nhiều những trạng huống khó khăn cần phải khắc phục. Một trong những trạng huống mà Ngài đã rơi vào, đó chính là điều xảy ra trong thời điểm khi Đức Maria sinh hạ Chúa Giê-su. Kinh Thánh nói rằng: „Khi hai người đang ở đó [Bethlehem), thì Đức Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ“ (Lc 2,6-7). Kinh Thánh nói rất rõ ràng rằng: Không có chỗ cho hai ông bà. Cha hình dung ra Thánh Giu-se với người vợ trẻ của Ngài đang chuẩn bị sinh con mà không có một mái nhà, không có chỗ nương thân, không có nơi trú ngụ. Con Thiên Chúa đã đến với thế giới này với tư cách là một người vô gia cư, một người không nhà cửa. Con Thiên Chúa đã hiểu về việc bắt đầu cuộc sống mà không có một tấm mái che đầu có nghĩa là gì. Chúng ta có thể mường tượng ra những câu hỏi của Thánh Giu-se trong giây phút ấy: Tại sao Con Thiên Chúa lại không có được một mái nhà để sống? Tại sao chúng ta lại là những kẻ vô gia cư? Tại sao chúng ta lại không có được một căn hộ? Đó là những câu hỏi mà rất có thể chúng vẫn đang được đặt ra bởi anh chị em trong cuộc sống hằng ngày. Giống hệt như Thánh Giu-se, anh chị em cũng có thể hỏi: Tại sao chúng ta lại không nhà cửa? Tại sao chúng ta lại không có được một mái nhà? Sẽ là điều rất tốt cho chúng ta khi tất cả chúng ta đều đặt ra cho mình những câu hỏi sau đây: Tại sao những người anh em và những người chị em này lại không cửa không nhà? Tại sao những người anh em và những người chị em này lại không có được một mái ấm?

Những câu hỏi của Thánh Giu-se vẫn đang còn mang tính thời sự. Nó đang đeo bám tất cả những ai đã và đang không nhà không cửa trong suốt lịch sử.

Thánh Giu-se là người đã từng đặt ra những câu hỏi ấy. Nhưng tiên vàn, Ngài là con người của Đức Tin. Đức Tin chính là điều đã trao sức mạnh cho Thánh Giu-se để Ngài tìm thấy được ánh sáng trong khoảnh khắc khi mà tất cả xem ra đều rất tăm tối mịt mù. Đức Tin đã hỗ trợ Thánh Nhân trong những cơn khó khăn của cuộc đời Ngài. Nhờ có Đức Tin, Thánh Giu-se đã luôn trong tình trạng tiếp tục lên đường, khi tất cả xem ra có vẻ muốn dừng lại.

Khi tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh đầy bất công và đầy khổ đau, Đức Tin sẽ mang ánh sáng đến cho chúng ta, và ánh sáng đó sẽ xua đuổi bóng đêm. Như trong trường hợp của Thánh Giu-se, Đức Tin sẽ làm cho chúng ta mở ra với sự hiện diện âm thầm của Thiên Chúa trong bất cứ khoảnh khắc nào của cuộc đời chúng ta, trong mỗi con người và trong mỗi trạng huống. Thiên Chúa luôn hiện diện trong từng người một nơi anh chị em, trong từng người một nơi chúng ta.

Chúng ta không thể tìm thấy những sự biện hộ vừa mang tính xã hội lẫn luân lý, và nói chung là không thể tìm ra sự biện hộ để đành chấp nhận trước việc thiếu hụt những nơi trú ngụ. Đó là những trạng huống bất công, nhưng chúng ta biết rằng, Thiên Chúa cũng đang phải chịu đựng những trạng huống đó với chúng ta, Ngài đứng về phía chúng ta để cùng trải qua những trạng huống đó. Ngài không để chúng ta phải cô độc.

Như chúng ta đã biết, Chúa Giê-su không chỉ muốn thể hiện tình liên đới với từng người, Ngài cũng không chỉ muốn rằng, không ai phải cảm thấy hay phải kinh qua việc thiếu vắng sự đồng hành của Ngài, thiếu sự giúp đỡ và thiếu Tình Yêu của Ngài. Chính Ngài đã tự đồng hòa mình với tất cả những người đang phải khổ đau, với tất cả những ai đang khóc, với tất cả những ai đang phải chịu đựng sự bất công dưới bất cứ dạng thức nào. Ngài nói với chúng ta một cách hoàn toàn rõ ràng rằng: „Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước“ (Mt 25,35).

Đức Tin cho phép chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đứng về phía anh chị em; rằng, Ngài ở giữa chúng ta; và rằng, sự hiện diện của Ngài thôi thúc chúng ta sống tình Bác Ái với tha nhân. Đức Bác Ái ấy có nguồn cội của nó trong tiếng gọi mời của một Thiên Chúa, Đấng vẫn đang tiếp tục gõ vào các cánh cửa nhà chúng ta, gõ vào cánh cửa nhà của tất cả mọi con người, để mời gọi chúng ta yêu thương, cảm thông và phục vụ lẫn nhau.

Chúa Giê-su vẫn đang gõ vào các cánh cửa nhà chúng ta, gõ vào các cánh cửa cuộc sống chúng ta. Ngài thực hiện điều ấy không theo cách ma thuật, Ngài thực hiện điều ấy không phải với những công lực đặc biệt, với những dấu hiệu của bóng đèn cao oắt hay với pháo hoa. Chúa Giê-su vẫn luôn gõ vào các cánh cửa của chúng ta trong những khuôn mặt của những người anh chị em, trong những khuôn mặt của những người hàng xóm láng giềng, trong những khuôn mặt của những người đang đứng cạnh chúng ta.

Anh chị em thân mến, một trong những phương cách đầy công hiệu để giúp đỡ người khác mà mỗi người chúng ta đều có thể thực hiện, đó là việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ nối kết chúng ta lại với nhau; nó làm cho chúng ta trở thành những người anh em và chị em của nhau; nó mở con tim của chúng ta ra và nhắc chúng ta nhớ tới một chân lý tuyệt vời mà đôi khi chúng ta lại quên. Trong lúc cầu nguyền, tất cả chúng ta đều có thể học để nói tiếng „Cha“, „Bố“, „Ba“, và gặp gỡ nhau với tư cách là những người anh chị em của nhau. Trong việc cầu nguyện sẽ không còn có chuyện phân biệt người giàu hay kẻ nghèo nữa, nhưng chỉ có những người con trai, con gái, chỉ có những người anh em và những người chị em. Trong việc cầu nguyện sẽ không còn có những con người hạng nhất hay hạng hai nữa, nhưng chỉ có tình huynh đệ.

Trong lúc cầu nguyện, con tim của chúng ta sẽ thấy được sức mạnh, để không trở nên lạnh lùng hay vô cảm đối với những trạng huống bất công. Trong việc cầu nguyện, Thiên Chúa vẫn luôn tái gọi mời và đánh thức tình bác ái đối với tha nhân.

Thật là tốt đẹp cho chúng ta biết chừng nào khi chúng ta cùng cầu nguyện chung với nhau. Thật là tốt đẹp biết chừng nào khi chúng ta gặp gỡ nhau trong không gian cầu nguyện, trong đó chúng ta sẽ nhìn ngắm nhau với tư cách là những người anh em và những người chị em, và chúng ta sẽ trở nên ý thức được rằng, chúng ta cần phải hỗ trợ nhau. Ngày hôm nay Cha muốn hiện diện cùng anh chị em. Cha cần sự hỗ trợ cũng như sự gần gũi của anh chị em. Cha muốn mời anh chị em hãy cùng cầu nguyện với nhau và cho nhau. Và như thế chúng ta sẽ có thể tiếp tục thực hiện với sự hỗ trợ này, nó sẽ giúp chúng ta có được kinh nghiệm về niềm vui trước việc hiểu biết rằng, Chúa Giê-su luôn luôn hiện diện giữa chúng ta. Anh chị em có sẵn sàng không?

Lạy Cha chúng con ở trên trời

Trước khi Cha đi, Cha muốn cầu xin phép lành của Thiên Chúa xuống cho anh chị em:

Xin Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ anh chị em.

Xin Thiên Chúa chiếu giãi Dung Nhan Ngài trên anh chị em và tỏ lòng nhân hậu với anh chị em.

Xin Thiên Chúa hướng Dung Nhan Ngài xuống với anh chị em và ban ơn cứu độ cho anh chị em (xc. Ds 6,24-26).

Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé!

Trung tâm Caritas Washington, Hoa Kỳ ngày 24 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội