Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc gặp gỡ các gia đình tại Nhà Thờ Chính Tòa Santiago, Cu-ba, thứ Ba ngày 22.09.2015

 

Anh Chị em thân mến!

Chúng ta đang „ở trong gia đình“! Và khi người ta ở trong gia đình, thì người ta sẽ cảm thấy mình như đang ở nhà. Cha cám ơn anh chị em, hỡi các gia đình Cu-ba thân yêu. Ngươi Cu-ba thân mến, Cha xin cám ơn anh chị em, vì trong tất cả những ngày này, anh chị em đã làm cho Cha có cảm giác rằng, Cha đang ở „trong gia đình“, và làm cho Cha có cảm giác rằng, Cha đang ở nhà! Xin cám ơn tất cả anh chị em về điều đó! Cuộc gặp gỡ với anh chị em giống như là một „chấm nhỏ trên chữ i“. Việc khép lại chuyến viếng thăm của Cha với cuộc gặp gỡ này chính là một lý do để tạ ơn Thiên Chúa: tạ ơn Ngài vì những „hơi ấm“ mà chúng tỏa ra trên những người hiểu được chúng để nồng nhiệt chào đón chúng, để nồng nhiệt lãnh nhận chúng, và qua đó, tạo cho bất cứ ai đó cảm giác rằng họ đang ở nhà. Xin cám ơn tất cả mọi người dân Cu-ba.

Cha cũng xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục Dionisio García của Tổng Giáo phận Santiago về lời chào mừng mà Ngài đã nhân danh tất cả anh chị em để hướng về Cha, và xin cám ơn các cặp vợ chồng đã có sự can đảm để sống những nỗi khát khao, và những cố gắng trong gia đình mình với tư cách là „Giáo hội tại gia“, và sau đó chia sẻ lại với tất cả chúng ta.

Tin Mừng theo Thánh Gio-an trình bày cho chúng ta thấy cuộc xuất hiện công khai đầu tiên của Chúa Giê-su trong tiệc cưới Cana – đó là đại tiệc của một gia đình. Ngài đã hiện diện tại đó cùng với Đức Maria, Thân Mẫu của Ngài, và với một số môn đệ của mình. Các Ngài đã tham dự bữa tiệc gia đình.

Đám Cưới là một khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống của nhiều người. Đối với các cụ „bô lão“, các bậc cha mẹ và các cụ ông cụ bà, thì đây chính là cơ hội để gặt hái những hoa trái mà họ đã gieo trồng. Tâm hồn họ vui mừng khi chứng kiến con cháu mình trưởng thành, và họ được trải nghiệm về việc họ đã có thể hình thành nên một mái ấm riêng. Đó là cơ hội cho một khoảnh khắc để nhìn thấy rằng, tất cả những gì mà người ta đã nỗ lực, đã cố gắng, đều có giá trị của nó. Việc đồng hành với con cái, hỗ trợ chúng và động viên chúng để chúng có thể quyết định xây dựng cuộc sống của chúng, thành lập gia đình riêng của chúng, chính là một thách đố to lớn đối với các bậc cha mẹ. Và trên bình diện khác, đó là niềm vui của các đôi uyên ương. Tất cả đều là sự bắt đầu của một tương lai. Và tất cả đều có „hương vị“ của một căn nhà mới, „hương vị“ của niềm hy vọng. Trong tiệc cưới, quá khứ mà chúng ta thừa hưởng, luôn luôn được liên lết với tương lai mà nó đang đợi chờ chúng ta: Ký ức và hy vọng. Những cơ hội vẫn luôn mở ra cho tất cả để tạ ơn về những điều mà chúng đã tạo điều kiện để chúng ta đạt tới được ngày hôm nay, với chính Tình yêu mà chúng ta đã đón nhận.

Và Chúa Giê-su đã bắt đầu sự xuất hiện chính thức của Ngài ngay trong một tiệc cưới. Ngài đặt mình vào trong những câu chuyện về việc gieo trồng và thu hoạch, trong những câu chuyện về những giấc mơ và những nỗ lực, trong những câu chuyện về sự vất vả và sự dấn thân, trong câu chuyện về công việc nặng nhọc khi phải cầy xới ruộng vườn để nó mang tới hoa trái của nó. Chúa Giê-su đã bắt đầu cuộc sống của Ngài trong cung lòng của một gia đình, trong nội hạt của một mái ấm. Và ngay ở đó, trong giữa những cộng đồng gia đình của chúng ta, Ngài vẫn luôn thường xuyên đặt mình vào trong đó, vẫn còn luôn tham dự vào đó. Ngài cảm thấy vui thích trước việc đặt mình vào trong các gia đình.

Thật là thú vị khi thấy rằng, Chúa Giê-su cũng mạc khải về chính bản thân Ngài ngay trong những bữa ăn, cả trưa lẫn tối. Việc dùng bữa với những con người khác nhau, thăm viếng những ngôi nhà khác nhau chính là việc yêu thích đối với Chúa Giê-su để công bố kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài bước vào trong căn nhà của những người bạn – Mác-ta và Maria -, nhưng Ngài không loại trừ bất cứ ai – Đúng không? – Ngài không cảm thấy bị phiền nhiễu hay bực bội khi những người thu thuế hay những người tội lỗi, chẳng hạn như Gia-kêu hiện diện ở đó. Ngài đi vào trong căn nhà của Gia-kêu. Không chỉ mình Ngài hành động như thế, nhưng Ngài còn muốn các môn đệ của Ngài cũng làm như thế khi Ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và nói với họ: Nhà nào tiếp đón anh em thì hãy ở lại đó; hãy ăn và uống tất cả những gì họ tiếp đãi anh em (xc. Lc 10,7). Đám cưới, khách đến thăm, bữa ăn tối – tất cả những khoảnh khắc ấy đều có một cái gì đó rất „đặc biệt“ trong cuộc sống nhân loại, vì thế Chúa Giê-su đã rất ưa thích mạc khải về mình trong những khoảnh khắc như vậy.

Cha nhớ là, nhiều gia đình trong Giáo phận của Cha đã kể cho Cha nghe rằng, khoảnh khắc duy nhất mà họ có để cùng ngồi bên nhau, chính là bữa ăn tối, nó kéo dài khoảng một giờ, khi mọi người đi làm trở về và hầu hết các em nhỏ cũng đã làm xong các bài tập ở nhà. Đó là một khoảnh khắc đặc biệt trong đời sống gia đình. Người ta kể cho nhau nghe về những gì mỗi người đã làm trong ngày, người ta dọn dẹp nhà cửa, mặc quần áo tươm tất, tổ chức những công việc chính cho ngày hôm sau, các em bé thì cãi lộn… nhưng tất cả chỉ diễn ra trong chốc lát. Đó cũng là những giây phút mà trong đó có người cảm thấy mệt mỏi, và vì thế, có thể bất thần cắt ngang câu nguyện của người này hay của người kia, có thể xảy ra chuyên tranh cãi này nọ giữa vợ chồng, nhưng người ta không phải sợ hãi trước chuyện đó… Cha cảm thấy sợ hơn trước những cặp vợ chồng mà người ta nói với Cha về họ rằng, không bao giờ họ có sự đối thoại với nhau … Rất hiếm, những cặp vợ chồng như thế rất hiếm. Chúa Giê-su đã chọn khoảnh khắc này để chỉ cho chúng ta thấy Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúa Giê-su chọn khung cảnh này để bước vào trong các ngôi nhà của chúng ta và để giúp chúng ta khám phá ra sự hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong các ngôi nhà của chúng ta cũng như trong các công việc thường nhật của chúng ta. Trong gia đình, chúng ta học về tình huynh muội, chúng ta học về tình liên đới, chúng ta học để không bắt chẹt người khác. Trong gia đình, chúng ta học để đón nhận cuộc sống như một phúc lành và biết ơn về phúc lành đó, và chúng ta học biết rằng, bất cứ người nào cũng cần tới người khác để tiến bộ. Trong gia đình, người ta trải qua sự tha thứ và được mời gọi hãy tha thứ luôn luôn cũng như được mời gọi hãy để cho mình được biến đổi. Thật thú vị khi biết rằng, trong gia đình không có chỗ cho những chiếc „mặt nạ“; chúng ta chính là những cái mà chúng ta đang là, và do đó chúng ta được mời gọi khát khao và tìm kiếm những điều tốt nhất cho người khác.

Vì thế, cộng đoàn Ki-tô giáo mô tả gia đình như là „Giáo hội tại gia“, vì trong hơi ấm của gia đình, Đức Tin sẽ thẩm thấu vào bất cứ góc cạnh nào, sẽ chiếu sáng bất cứ không gian nào và sẽ hình thành nên sự hiệp thông. Vì trong những phút giây ấy, người ta đã học từng bước để khám phá ra Tình Yêu cụ thể và đầy công hiệu của Thiên Chúa.

Nơi nhiều nền văn hóa, những không gian ấy đã khuất dạng trong thời đại hôm nay, những phút giây có tính gia đình ấy đã biến mất, và tất cả đều dẫn tới sự chia tách, dẫn tới sự cách ly. Những phút giây chung để ngồi bên nhau đang ngày càng trở nên hiếm hoi. Vì người ta không có khả năng chờ đợi, không hiểu về việc xin phép, không hiểu về việc xin tha thứ, và không biết cám ơn, vì ngôi nhà đang dần dần trở nên trống rỗng, không có người ở, nhưng đó là sự trống rỗng từ việc thiếu các mối tương quan, thiếu giao tiếp, thiếu các cuộc gặp gỡ giữa cha mẹ, con cái, ông bà, cháu chắt và anh chị em. Mới đây thôi, có một người làm việc chung với Cha, đã kể cho Cha hay rằng, vợ con của ông ấy đã đi nghỉ hè, và ông ấy bị bỏ lại một mình vì ông ấy phải làm việc trong những ngày đó. Ở ngày đầu tiên, ngôi nhà của ông hoàn toàn im ắng, „trong bình an“ – ông ấy cảm thấy sung sướng vì không có bất cứ điều gì bị mất trật tự. Nhưng vào ngày thứ ba, Cha đã hỏi ông ấy rằng, tình hình thế nào rồi, và ông ấy nói với Cha rằng: „Con mong họ trở về.“ Ông ấy đã cảm thấy rằng, ông ấy không thể sống mà không có vợ con của ông bên cạnh. Và đó là điều tuyệt vời. Đó là điều tuyệt vời. Nếu không có gia đình, nếu không có hơi ấm gia đình thì cuộc sống sẽ trở nên trống rỗng. Sẽ bắt đầu thiếu những mạng lưới mà chúng hỗ trợ cho chúng ta trong lúc bất hạnh; những mạng lưới mà chúng chăm lo cho chúng ta trong cuộc sống thường nhật và thúc đẩy chúng ta nỗ lực để có được sự hạnh phúc. Gia đình sẽ bảo vệ chúng ta trước hai hiện tượng của thời đại hôm nay, trước hai vấn đề mà chúng đang diễn ra trong thời đại hôm nay: trước sự tan vỡ, tức sự chia rẽ, và trước sự hủy hoại. Trong cả hai trường hợp, con người sẽ biến thành những cá thể biệt lập, mà những cá thể đó sẽ rất dễ dàng bị tác động, sẽ rất dễ dàng bị chế ngự. Và vì thế chúng ta đang nhìn thấy trên thế giới ngày nay những cộng đồng bị phân ly, bị vỡ tung, không còn các mối tương quan nữa và đã trở nên quá đơn điệu, nhưng những cồng đồng như thế lại là hậu quả của việc phá vỡ các mối liên kết trong gia đình – vì các mối tương quan đã bị đánh mất, trong khi chúng lại là những điều làm cho chúng ta thành người, dậy cho chúng ta nên người. Đúng là người ta đã quên mất việc gọi tiếng bố, tiếng mẹ, tiếng con, tiếng ông và tiếng bà… Đồng thời người ta cũng quên mất các mối tương quan ấy, trong khi các mối tương quan ấy lại là một trong những điều có tính căn bản. Chúng là nền tảng cho danh xưng mà chúng ta đang có.

Gia đình chính là một trường học dậy về nhân tính, một trường học dậy chúng ta biết đón lấy những nhu cầu của người khác vào trong con tim của mình, dậy chúng ta biết quan tâm một cách chu đáo tới cuộc sống của người khác. Khi chúng ta sống tốt trong gia đình thì rồi những điều ích kỷ sẽ trở nên hoàn toàn bé nhỏ - chúng vẫn hiện hữu vì tất cả chúng ta đều có một cái gì đó là của riêng mình -; nhưng khi người ta không sống cuộc sống gia đình, thì rồi những điều „có tính cá nhân ấy“ mà chúng ta có thể đặt tên cho chúng, sẽ phát triển: „tôi, của tôi, với tôi, cho tôi“, hoàn toàn tập trung vào cái tôi, không hề có một sự hiểu biết gì về tình liên đới, về tình huynh đệ, về sự cộng tác, về Tình Yêu, về việc trao đổi huynh đệ. Những „cái riêng“ ấy không hề biết tới những điều vừa kể. Bất chấp rất nhiều những khó khăn mà chúng đang hành hạ các gia đình của chúng ta trên toàn thế giới ngày nay, xin tất cả chúng ta đừng quên một điều rằng: các gia đình không phải là một vấn đề, họ chính là một cơ hội ở ngay tuyến đầu. Đó là một cơ hội mà chúng ta phải bảo vệ, phải giữ gìn và phải đồng hành với. Đó là một cách thế để diễn tả rằng, các gia đình là một phúc lành. Khi bạn bắt đầu trải qua cuộc sống gia đình như một vấn đề, thì rồi bạn sẽ trở nên mệt mỏi, không còn muốn tiếp tục tiến bước nữa, vì bạn đang quá tập trung vào chính mình.

Ngày hôm nay người ta đang bàn cãi nhiều về tương lai, về việc chúng ta muốn để lại cho con cháu mình một thế giới như thế nào; chúng ta mong cho con cháu mình có được một xã hội như thế nào. Cha tin rằng, một trong những câu trả lời có thể được tìm thấy trong cái nhìn hướng về anh chị em, trong cái nhìn hướng về gia đình anh chị em, và trong cái nhìn hướng về từng người một trong anh chị em: chúng ta hãy để lại một thế giới với các gia đình! Đó là di sản tốt nhất: Chúng ta hãy để lại một thế giới với các gia đình. Chắc chắn là không có gia đình nào hoàn hảo hết, không có cặp vợ chồng nào hoàn hảo cả, không có những cha mẹ và những người con hoàn hảo, và nếu các bà không lấy làm khó chịu đối với Cha thì Cha sẽ nói: ngay cả các bà mẹ chồng hay mẹ vợ, cũng chả có bà nào hoàn hảo cả. Không có những con người hoàn hảo, không hề có. Nhưng đó không phải là một sự cản trở trong việc nói rằng, các gia đình chính là câu trả lời cho ngày mai. Thiên Chúa khích lệ chúng ta yêu thương, và Tình Yêu sẽ luôn luôn dấn thân cho những con người mà nó hướng đến. Tình Yêu sẽ luôn dấn thân cho những con người mà nó yêu! Vì thế, chúng ta hãy quan tâm và chăm sóc cho các gia đình của chúng ta, đó là những trường học đích thực của ngày mai! Chúng ta hãy chăm lo cho các gia đình của chúng ta, đó là những không gian đích thực của tự do! Chúng ta hãy chăm lo cho những gia đình của chúng ta, đó là những trung tâm thực sự của nhân loại!

Và ở đây, Cha chợt nhớ ra một hình ảnh: Trong những cuộc hội kiến chung vào sáng thứ Tư hằng tuần, khi Cha chạy xe qua những lối đi để chào thăm mọi người, thì nhiều người, nhiều phụ nữ chỉ tay vào bụng mình và nói: „Xin Cha chúc lành cho đứa con của con!“ Giờ đây, Cha xin đề nghị tất cả những phụ nữ đang mang thai và đang mang niềm hy vọng trong tâm hồn - vì một đứa con là một niềm hy vọng –, làm một điều: trong giây phút này, họ hãy đặt tay lên bụng mình. Nếu có thai phụ nào đang ở đây thì thai phụ đó nên thực hiện điều ấy ngay ở đây, kể cả những thai phụ đang nghe đài hay đang xem truyền hình trực tiếp về buổi gặp gỡ này, họ cũng nên làm như vậy. Và cha sẽ ban phép lành cho từng em một trong các em nhỏ đang được mang thai ấy, cho bất cứ cậu con trai hay cô con gái nào đang chờ đợi để được sinh ra. Vậy mỗi thai phụ hãy sờ tay lên bụng mình, và Cha ban phép lành cho chị em: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Và Cha xin cầu chúc cho những em nhỏ này được sinh ra một cách mạnh khỏe, mau lớn khôn, và được đồng hành một cách tuyệt vời trong cuộc sống. Chị em hãy âu yếm đứa con mà Chị em đang mong chờ!

Cha không muốn kết thúc nếu như không nhắc đến Bí Tích Thánh Thể. Anh chị em sẽ nhận ra rằng, Chúa Giê-su đã muốn đặt việc cử hành mầu nhiệm để tưởng nhớ tới Ngài trong khuôn khổ của một bữa ăn tối. Với tư cách là khuôn khổ cho sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta, Chúa Giê-su đã chọn một khoảnh khắc cụ thể trong cuộc sống gia đình. Đó là một khoảnh khắc mà tất cả đều trải qua và tất cả đều có thể hiểu: Bữa ăn tối.

Và Bí Tích Thánh Thể chính là bữa ăn tối của gia đình Chúa Giê-su, mà vào ngày tận cùng của thế giới, gia đình này sẽ quy tụ lại để nghe Lời Ngài và để nuôi dưỡng mình bằng chính thân thể Ngài. Chúa Giê-su là Bánh Sự Sống cho các gia đình chúng ta. Ngài luôn luôn muốn hiện diện và nuôi dưỡng chúng ta bằng Tình Yêu của Ngài, luôn luôn muốn hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta với Đức Tin của Ngài, để chúng ta đi trên con đường của mình với niềm hy vọng của Ngài, để chúng ta có thể có được kinh nghiệm trong tất cả mọi trạng huống rằng, Ngài chính là Bánh đích thực đến từ Trời.

Trong những ngày tới đây, Cha sẽ cùng với nhiều gia đình mà họ đến từ khắp nơi trên thế giới, tham dự Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình, và trong khoảng gần một tháng nữa, Cha cũng sẽ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới với đề tài về Gia Đình. Cha kêu gọi anh chị em hãy cầu nguyện. Với trọn tấm lòng, Cha xin anh chị em hãy cầu nguyện cho hai sự kiện vừa nêu để tất cả chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau trong việc cùng chăm lo cho gia đình; để chúng ta ngày càng có thể khám phá ra Đấng Immanuel, Ngài là Thiên Chúa sống giữa dân mình, và làm cho từng gia đình một cũng như cho tất cả mọi gia đình trở thành mái ấm của Ngài. Cha trông chờ vào lời cầu nguyện của anh chị em.

Xin hết lòng cám ơn!

Nhà Thờ Chính Tòa Santiago, Cu-ba, thứ Ba ngày 22 ngày 09 tháng 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội