Cây Thánh Giá

Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

 

1.          Lịch sử

    Cây Thánh Giá ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được làm bằng gỗ thiên nhiên, đơn sơ và được gọi từ lúc đầu với nhiều tên khác như “Cây Thánh Giá Năm Thánh”, “Cây Thánh Giá năm kỷ niệm hồng ân ơn cứu chuộc”“Cây Thánh giá của Giới Trẻ”. Đó là những danh xưng của Cây Thánh Giá được Đức thánh cha Gioan Phaolo II vào dịp mừng kỷ niệm “Năm Thánh Cứu Chuộc”, 25.3.1983-22.4.1984, cho dựng ở công trường đền thờ Thánh Phêrô và sau đó trao cho Giới Trẻ Thế Giới. Cây Thánh Giá này đã được Giới Trẻ đón nhận và rước đi vòng quanh khắp các Châu lục.

    Một vài con số về Cây Thánh Giá ngày Giới Trẻ Thế Giới được làm bằng gỗ thiên nhiên có kích thước : - chiều cao của cây thẳng đứng 3m80 ; bề rộng của cây ngang 1m75 ; bề rộng của khúc gỗ 25 cm ; bề dầy khúc gỗ 05 cm ; sức nặng 31 kg.

    Khi di chuyển trên máy bay hay xe, Cây Thánh Giá ngày Giới Trẻ Thế Giới được làm bằng gỗ thiên nhiên được tháo ra hai khúc dọc và ngang, rồi được đặt trong một thùng dài 4m ; rộng 35,4 cm, cao 15,6 cm, sức nặng 53 kg. Cây thánh giá được dựng trên một chân đế bàng sắt cao 51 cm ; mặt rông phía trước và sau mỗi phía 45 cm ; mặt rộng hai bên mỗi phía 50 cm, sức nặng của chân đế 31 kg. Chân đế cây thánh giá cũng được đựng trong một hòm khi di chuyển có chiều dài 60 cm, chiều ngang 60 cm, chiều cao 70 cm và nặng 15 kg.

Các Bạn Trẻ thân yêu, cha chào mừng các con nhân dịp kỷ niệm Năm Thánh. Cha tin tưởng trao vào tay các con cây Thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Các con hãy mang cây Thánh Giá này đi qua mọi đất nước trên địa cầu. Cây Thánh Giá là dấu hiệu tình yêu Chúa Giêsu Kitô cho con người và hãy loan truyền : chỉ qua sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô chúng ta mới tìm thấy được ơn đức cứu chuộc” (Gioan-Phaolô II, Roma, 22.4.1984 trong buổi lễ trao Cây Thánh Giá cho giới trẻ).

2.          Sứ điệp

    Năm 1984 Cây Thánh Giá được Giới Trẻ rước đến Lộ-Đức bên Pháp và năm sau 1985 rước sang bên Tiệp Khắc về thủ đô Prag. Cuộc họp mặt Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ nhất 1986 ở Roma. Và cũng từ đó ngày họp mặt giới trẻ thế giới trở thành một truyền thống trong Giáo Hội công giáo. Mỗi khi có ngày đại hội giới trẻ, cây Thánh Giá được các Bạn Trẻ rước về.

    Cây Thánh Giá được Bạn Trẻ rước xuyên qua mọi phần đất qủa địa cầu đến những nơi con người sinh sống như những vùng ổ chuột nghèo khổ, nhà tù và những đường phố người đi qua. Cây Thánh Giá cũng đã được các bạn trẻ rước đến Ground zeroNewyork cũng như đến những trung tâm buôn bán. Cây Thánh Giá là biểu hiệu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh trên đó, và qua Thánh Giá, Ngài đã trở nên vị Cứu Thế, cho con người khỏi hình phạt tội lỗi và loan báo ơn cứu độ, sự tha thứ hòa giải cho con người. Cây Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, vì thế trở nên dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại.

    Cây Thánh Giá Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, trong thời gian không được rước đi đâu, sẽ được dựng trong ngôi nhà nguyện của trung tâm giới trẻ ở San Lorenzo bên Roma. Từ ngày Chúa nhật lễ lá 2004 cho tới khi chấm dứt Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới XX, năm 2005 ở Cologne, cây Thánh Giá được rước trong các giáo phận nước Đức.

    Cây Thánh Giá Ngày Quốc Tế Giới Tr trên đường đồng hành loan báo sứ điệp tha thứ hòa giải.

Cuộc hành hương rước cây Thánh giá xuyên qua các châu lục và các bạn trẻ tụ họp lại, nói lên lòng tuyên xưng : Cũng một Chúa Giêsu Kitô cho tất cả mọi người và sứ điệp tin mừng của Người cũng đồng nhất là như nhau cho tất cả. Nơi Chúa Giêsu Kitô không có chia rẽ phân biệt kỳ thị mầu da tiếng nói chủng tộc. Tất cả mọi người là anh chị em với nhau trong gia đình của Thiên Chúa” (Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ngày đại hội giới trẻ thế giới X ở Manila 1995).

3.          Cây Thánh giá với đời sống

    Thánh giá ở vòng dây chuyền trên cổ là một trang sức đẹp. Nhưng đứng trước Thánh Giá hầu như ai cũng như nhau, nhất là người Trẻ, đều có tâm tưng đến đau khổ, đến sự chết. Một điều mang đến nhiều buồn phiền thất vọng và ai cũng muốn tránh, nhất là nơi người Trẻ.

    Nhưng đau khổ bệnh tật nào có ai có thể tránh được ? Vì thế gặp gỡ đối diện với Thánh Giá, với Chúa Giêsu Kitô Đấng đã chết trên thánh giá, là cuộc gặp gỡ với chính đau khổ, với chính kinh nghiệm bản thân về sự thất bại cùng thất vọng trong chính đời sống của mình.

    Kinh nghiệm cùng cảm nghiệm bản thân trong đời sống, ngay cả nơi người Trẻ nữa, nói cho hay : * Làm gì có đời sống nào mà không có đau khổ ; ** Trong đời sống con người thường hay gặp thất bại, khi tự sức mình bài trừ đau khổ. Đó là một kinh nghiệm cay đắng đau đớn cho đời sống.

    Và có những đau khổ không thể nào bài trừ hay tránh được. Chúng luôn có đó. Cảm nghiệm nay chúng ta đọc thấy nơi Chúa Giêsu khi bị đóng đinh treo trên Thánh giá. Ngài cũng có những lo âu sợ hãi và cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi : Lạy Cha, sao Cha bỏ rơi con một mình ? (Mc 15,34).

    Vì thế chúng ta thường đặt câu hỏi, nhiều khi dến độ hồ nghi : Tại sao Thiên Chúa lại để cho sự dữ, sự đau khổ xảy ra ?

    Đau khổ gắn liền với đời sống con người và hướng nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh treo trên Thánh Giá, ta cảm nhận được không phải là không có lối giải thoát khỏi đau khổ ; không phai đau khổ là vô nghĩa lý cho đời sống.

    Thánh Giá là dấu hiệu cho đau khổ và sự chết. Nhưng Thánh Giá cũng là dấu hiệu của niềm hy vọng và sự tha thứ làm hòa.

    Một cây gỗ như cây thánh giá, nếu không có tình yêu trao tặng cho con người của Đấng bị đóng đinh treo trên đó, thì qủa là trống rỗng và vô nghĩa lý, không mang lại không giúp gì cho ai cả.

    Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa với con người, con người với nhau ở dưới chân cây Thánh Giá là cuộc gặp gỡ tình yêu thương, niềm hy vọng và sự tha thứ làm hòa. Vì qua cây Thánh giá, sự chết không còn là tiếng nói cuối cùng nữa, nhưng sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô đã thay đổi ý nghĩa hình phạt cho cây thập giá. Thánh Giá đã trở nên bằng chứng tình yêu lớn lao của Thiên Chúa trao tặng con người.

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-38)

    Giữa lòng thế giới ngày hôm nay vẫn luôn còn dấu chỉ của tình yêu, cùng với ngưòi khác chia xẻ bớt nỗi đau khổ, đề cùng thông cảm và hy sinh liên đới vơi nhau.

    Thế giới và nhân loại được cứu chuộc khỏi vòng đau khổ trầm luân. Đó là niềm hy vọng của chúng ta vào sự tha thứ làm hòa.

    Qua cây Thánh Giá bạn Trẻ chúng ta tìm gặp đưỡc một thực tế quan trọng cho đc tin : không có đức tin nào mà không có thánh giá và không có sự phục sinh sống lại mà không có đau khổ.

 

4.          Mẩu truyện về thánh giá đời sống

“Một bạn Trẻ trong khi cầu nguyện than van với Chúa về đời sống mình, vì phải vác quá nhiều thánh giá mà lại nặng khác thường nữa...

Chúa lắng nghe tâm sự đó với tâm tình thông cảm. Ngài dẫn Bạn ta đi đến gian phòng trưng bày nhiều kiểu thánh giá khác nhau và bảo : Cha thông cảm với hoàn cảnh của con. Bây giờ con được quyền chọn cây thánh giá nào tùy ý con muốn !

Chị tín hữu này nửa mừng nửa lo. Chị ngắm nghiá kỹ càng từng cây thánh giá. Lần lượt từng cây chị đều nhấc lên vai vác thử. Cây xem ra mỏng manh nhẹ nhàng, nhưng lại quá dài, chị không thể vác kéo lê được...

Cây khác nhỏ hơn, có lẽ thích hợp với khổ người của chị, nhưng lại mặng hơn khối đá vài chục kýlô, nên chị cũng chẳng sao nhấc lên nổi.

Đến cây khác vừa hợp với khổ người cùng sức lực của chị. Nhưng khi vừa nhấc lên vai, thì chiếc gai nhọn đâm xuống vai làm chị đau đớn khó chịu muốn kêu khóc thành tiếng và chị liền buông xuống.

Lần lượt chị thử hầu hết mọi cây thánh giá trong phòng, nhưng chị vẫn chưa tìm ra được cây nào thích hợp cho mình. Quay đi ngắm lại một lượt khắp gian phòng, bỗng chị nhìn thấy một cây thập giá xem có vẻ hấp dẫn ẩn lẫn trong đám những cây to hơn nơi góc phòng. Chị hân hoan kéo ra.

Quả đúng như vậy, cây thập giá này không nặng như các cây khác. Cây này chẳng có gai nhọn và cũng chẳng dài lê thê. Hơn nữa cây này lại chạm khắc nghệ thuật trông đẹp mắt.

Chị nhủ thầm : Thế là từ nay mình có cây thập giá thích hợp này rồi. Cuộc đời ta sẽ bớt đi những phiền muộn khổ đau. Cám ơn Chúa đã thương ta !

Chị tươi cười ngắm ngiá cây thập giá lại lần nữa và đưa lên vai vác thử đi ra khỏi phòng. Dưới ánh sáng tự nhiên của mặt trời, chị nhận ra đây chính là cây thập giá chị đã vác mà chị hằng than vãn kêu ca ..”..

    Adalbert von Chamisso – Sống đức tin chuyển ý

5.          Ý nghĩa dấu Thánh Giá

    5.1. Dấu Thánh Giá đơn. Ngay từ khi mở mắt chào đời có những Cha Mẹ, Ông Bà Nội Ngoại đã vẽ dấu Thánh Giá + trên vầng trán cho con em mình. Họ làm để bày tỏ niềm vui mừng tạ ơn Thiên Chúa và cũng muốn xin Ngài chúc lành cho em bé. Và trong suốt dọc cuộc sống chúng ta cũng thường làm dấu Thánh Giá khi cầu nguyện, khi đi ngủ, khi ăn.

    Vậy dấu Thánh Giá có ý nghĩa gì cho đời sống ?

    Khi làm dấu Thánh Giá, bàn tay phải được đưa lên vầng trán và đọc Nhân danh Cha. Rồi bàn tay được đưa xuống trước ngực và đọc : Và Con. Sau đó bàn tay được đưa sang bờ vai bên trái rồi sang bên phải, đang khi đọc : Và Thánh Thần. Sau cùng chắp hai bàn tay lại trước ngực và đọc : Amen.

    Cử chỉ đơn giản và lời kinh ngắn gọn có ý muốn nói lên niềm tin vào Thiên Chúa : “Vâng Thiên Chúa Cha ở nơi cao trên trời”. Trời và đất, Thiên Chúa và con người được nối liền lại qua Chúa Giêsu, đấng đã xuống trần gian làm người. Tất cả mọi người liên kết lại với nhau trong Chúa Thánh Thần. Amen : Vâng, con xin tin.

    5.2. Dấu Thánh Giá kép. Người Công giáo Viêtnam khi đọc kinh tối sáng, khi đọc kinh cầu cho thân nhân đã qua đời, thường hay làm dấu hình Thánh Giá ba lần : trên trán, trên môi miệng và trên ngực.

    Và trong thánh lễ, trước khi nghe lời Chúa trong Phúc âm, chúng ta cũng làm dấu Thánh Giá “kép”: trên trán, trên môi miệng và trên ngực.

    Dấu Thánh giá “kép”mang ý nghĩa gì và tại sao lại làm dấu “kép”này ?

1. Vẽ dấu Thánh Giá trên trán, chúng ta muốn nói : Vâng, con nghe hay đọc lời Chúa với sự hiểu biết của trí khôn con.

2. Trên môi miệng, chúng ta cũng muốn biểu lộ : Và con còn muốn qua môi miệng loan truyền Lời Chúa con đã nghe, đã đọc.

3. Rồi trên ngực, chúng ta muốn tuyên xưng : Con xin tin và yêu mến Lời Chúa.

Lm. Nguyễn Ngọc Long


Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005