Đức Thánh Cha Cử Hành Thánh Lễ và Buổi Canh Thức Với Các Bạn Trẻ


SYDNEY. Sáng thứ bẩy, 19-7-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ với các GM Úc, và ngài lên án nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ban tối, ngài chủ sự buổi canh thức với 250 ngàn bạn trẻ tại trường đua Randwick.


3400 tín hữu đã tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành tại Nhà thờ chính tòa Đức Maria của giáo phận Sydney, cùng với 60 GM Úc và hàng trăm LM. Trong số các tín hữu dự lễ, có đông đảo các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tập sinh. Thánh lễ có kèm theo nghi thức thánh hiến bàn thờ mới của Nhà thờ Chính Tòa Sydney.


Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến ý nghĩa nghi thức thánh hiến bàn thờ và nói rằng: ”Giống như bàn thờ này, chúng ta cũng được thánh hiến, được đặt riêng để phụng sự Thiên Chúa và xây dựng Nước Chúa. Nhưng quá nhiều khi, chúng ta thấy mình bị chìm ngập trong một thế giới gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Nhân danh tự do và quyền tự quyết của con người, thánh danh Chúa không được nhắc tới, tôn giáo bị thu hẹp vào việc sùng mộ riêng tư và tín ngưỡng bị tránh né trong các nơi công cộng. Đôi khi não trạng này (..) có thể làm lu mờ sự hiểu biết của chúng ta về Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội. Chúng ta cũng có thể bị cám dỗ biến đời sống đức tin thành một vấn đề hoàn toàn có tính chất tình cảm, và do đó làm suy giảm sức mạnh của đức tin trong việc soi dẫn một vũ trụ quan thích hợp và một cuộc đối thoại mạnh mẽ với nhiều quan niệm khác đang cạnh tranh, thu hút tâm trí con người ngày nay.


”Nhưng lịch sử, kể cả lịch sử chúng ta ngày nay, chứng tỏ rằng vấn đề Thiên Chúa không bao giờ có thể bị bỏ qua trong im lặng và sự dửng dưng đối với chiều kích tôn giáo của cuộc sống con người rốt cuộc sẽ hạ giá và gây hại cho chính con người. Phải chăng đó chẳng phải là sứ điệp mà kiến trúc hùng vĩ của nhà thờ chính tòa này đang công bố? Đó chẳng phải là mầu nhiệm đức tin sẽ được công bố từ bàn thờ này trong mỗi thánh lễ được cử hành sao?”


ĐTC nói thêm rằng: ”Nơi đây tôi muốn dừng lại để nhìn nhận sự tủi hổ mà tất cả chúng ta cảm thấy do hậu quả của sự lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do một số giáo sĩ và tu sĩ tại nước này gây ra.


”Thực vậy, tôi rất đau buồn vì sự đau khổ và đớn đau mà các nạn nhân phải chịu, và tôi đoan chắc với họ rằng, trong tư cách là Mục Tử của họ, tôi chia sẻ những đau khổ của họ”.


”Những hành động sai trái này là một sự phản bội rất trầm trọng đối với lòng tín nhiệm, và đáng bị quyết liệt lên án. Chúng gây đau khổ rất lớn và gây thiệt hại cho chứng tá của Giáo Hội. Tôi xin anh chị em hãy nâng đỡ và trợ giúp các Giám Mục của mình và cộng tác với các vị trong việc bài trừ tai ương này. Các nạn nhân phải được cảm thông và săn sóc, và những kẻ gây nên sự ác phải bị đưa ra công lý.”


Trong phần cuối của bài giảng, ĐTC đặc biệt ngỏ lời với các chủng sinh và tu sinh: ”Các chủng sinh và tu sinh thân mến, các con sẽ trở thành bàn thờ sống động, nơi mà hy tế tình thương của Chúa Kitô được hiện diện như nguồn linh hứng và nguồn lương thực tinh thần cho mỗi người chúng con gặp gỡ. Qua việc đón nhận tiếng Chúa gọi theo ngài trong sự khiết tịnh, thanh bần và vâng phục, các con bắt đầu hành trình quyết liệt làm môn đệ Chúa, biến chúng con thành ”những dấu chỉ đối nghịch” (Lc 2,34) đối với nhiều người đồng thời. Hãy uốn nắn cuộc sống hằng ngày của các con theo sự tự hiến của Chúa Giêsu trong sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha. Như thế các con sẽ khám phá tự do và niềm vui có thể lôi kéo người khác đến Tình Thương vượt lên trên mọi tình thương khác, như nguồn mạch và là sự viên mãn chung cục của các tình thương.”

Buổi canh thức

 
Từ sáng thứ bẩy, 19-7, hàng trăm ngàn bạn trẻ từ các nơi đi bộ tiến về trường đua Randwick, vừa đi họ vừa cầm cờ, ca hát vui vẻ, một cảnh tượng chưa hề có trong lịch sử tại đây. Trường đua lớn nhất nước Úc này đã từng là nơi Đức Giáo Hoàng Phaolô hồi năm 1970 và Đức Gioan Phaolô 2 chủ sự hai thánh lễ tại đây: lần thứ I hồi năm 1986 và lần thứ hai 9 năm sau đó là lễ phong chân phước cho Mẹ Mary MacKillop hồi năm 1995.


Đến nơi, các bạn trẻ được phân phối vị trí chung với đoàn liên hệ. Nhiều người dựng những lều cá nhân để có thể ở lại qua đêm và sẵn sàng tham dự thánh lễ bế mạc do ĐTC cử hành. Bầu trời mùa đông ở vùng Sydney đã tối sầm vào khoảng 6 giờ sau khi mặt trời lặn. Trong khi chờ đợi, một ban nhạc đã trình diễn nhiều bài với sự cộng tác của các danh ca.


Lúc 7 giờ, Thánh giá Ngày Quốc Tế giới trẻ và bức ảnh Đức Mẹ được các bạn trẻ rước lên lễ đài trải thảm đỏ, trong khi ca đoàn và mọi người cùng nhau ca bài ”Đức Mẹ Thánh Giá miền nam”. Tiếp đến, ĐTC đã cùng với đoàn 12 bạn trẻ trong y phục truyền thống của mình, tiến lên lễ đài, giữa tiếng reo hò chào mừng của mọi người.


Sau kinh nguyện mở cầu buổi canh thức của ĐTC, một thày phó tế lấy lửa từ cây nến phục sinh trao cho ngài để ngài thắp vào một ngọn đèn do thiếu nữ thổ dân mang tới. Từ ngọn đèn này, lửa lan sang ngọn đèn của 12 bạn trẻ đã tháp tùng ĐTC và được lan tỏa tới tất cả mọi người tham dự. Chẳng mấy chốc khu vực trường đua Ranwick lung linh với hàng trăm ngàn ngọn nến sáng giữa đêm tăm tối, trong khi đó ca đoàn hát bài: ”Lạy Chúa, chính Chúa là đèn soi cho con”.

Buổi canh thức được tiếp tục với 7 bạn trẻ lần lượt trình bày chứng từ về 7 hồng ân của Chúa Thánh Linh, đi từ những kinh nghiệm bản thân: từ ơn khôn ngoan, đến ơn thông hiểu, ơn tri thức, ơn chỉ bảo, ơn can đảm, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa. Trong số 7 bạn trẻ trình bày chứng từ, đặc biệt có anh Vasin Manasurangul, thuộc tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan. Anh kể lại tình trạng khủng hoảng kinh tế tại Thái cách đây vài năm, trong đó có cả gia đình anh.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã nói về sứ mạng làm chứng nhân Kitô trong một thế giới bị phân hóa như ngày này và vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống của các tín hữu.


”Đâu là câu trả lời của chúng ta, trong tư cách là chứng nhân Kitô, cho một thế giới bị chia rẽ và phân hóa? Làm thế nào chúng ta có thể mang lại hy vọng hòa bình, chữa lành và hòa hợp cho những nơi đang bị xung đột, đau khổ, và căng thẳng mà các con đã chọn đi qua với Thánh Giá Ngày Quốc Tế giới trẻ? Chúng ta không thể đạt được hiệp nhất và hòa giải bằng những nỗ lực riêng của chúng ta mà thôi. Thiên Chúa đã tạo dụng chúng ta cho nhau (Gen. 2,24) và chỉ trong Chúa và trong Giáo Hội của Ngài chúng ta mới có thể tìm được sự hiệp nhất mà chúng ta kiếm tìm. Đứng trước những bất toàn và thất vọng - về mặt cá nhân cũng như cơ chế, đôi khi chúng ta bị cám dỗ muốn xây dựng một cách giả tạo một cộng đồng 'hoàn hảo'. Cám dỗ ấy không phải là điều mới mẻ. Trong lịch sử Giáo Hội có nhiều thí dụ về những toan tính qua mặt hoặc vượt thắng những yếu đuối, khiếm khuyết của con người để kiến tạo một sự hiệp nhất toàn vẹn, một ảo tưởng tinh thần.


”Nhưng trong thực tế, những toan tính kiến tạo sự hiệp nhất ấy lại làm cho nó bị thương tổn. Tách rời Thánh Linh khỏi của Chúa Kitô hiện diện trong cơ cấu của Giáo Hội, sẽ làm tổn thương tình hiệp nhất của cộng đồng Kitô, vốn là hồng ân của Thánh Linh. Thái độ ấy phản bội chính bản chất của Giáo Hội là đền thờ sống động của Chúa Thánh Linh (1 Cor 3,16). Chính Thánh Linh hướng dẫn Giáo Hội trên con đường sự thật và hiệp nhất Giáo Hội trong tình hiệp thông và trong sứ vụ (LG 4). Đáng tiếc là cám dỗ muốn “đi một mình” vẫn còn. Một số người ngày nay mô tả cộng đoàn địa phương của họ như tách rời khỏi Giáo Hội gọi là cơ chế, bằng cách coi cộng đồng của mình là uyển chuyển và cởi mở đối với Thánh Linh, còn Giáo Hội cơ chế là cứng nhắc và thiếu Thánh Linh.


ĐTC nhấn mạnh rằng hiệp nhất thuộc về yếu tính của Giáo Hội (SGL 813); đó là một hồng ân chúng ta phải nhìn nhận và nuôi dưỡng. Tối hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho quyết tâm nuôi dưỡng hiệp nhất, góp phần xây dựng hiệp nhất và chống lại cám dỗ muốn rời bỏ ra đi!

Sau bài giảng, 24 thanh niên nam nữ sẽ được ĐTC ban phép thêm sức trong thánh lễ bế mạc sáng chúa nhật hôm nay, được gọi lên trình diện trước ĐTC, trong đó có một thanh niên Việt Nam ở Úc, mang áo dài màu lam và khăn đóng. Các bạn trẻ khác là người Úc và nhiều người thuộc các nước khác.

Buổi canh thức được tiếp tục với phần chầu Mình Thánh Chúa, trong thinh lặng và xen kẽ các bài thánh ca và những lời suy niệm. Sau cùng, cộng đoàn đã hát kinh Tantum Ergo, trước khi ĐTC ban phép lành Mình Thánh Chúa cho mọi người.


Lm. G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: Đài Radio Vatican

 


Mục Lục Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII, Sydney Úc Châu