"ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN"

 Bài giáo lý của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney

 

Dẫn nhập

I. Vậy Chúa Thánh Thần là ai mà quan trọng như thế?

II. Tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Đức Kitô

III. Chúa Thánh Thần và Phép rửa nhân danh Chúa Giêsu

IV.  Hãy để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt

Kết luận

Dẫn nhập

Năm nay Đức Thánh Cha muốn cho các con học hỏi về Chúa Thánh Thần. Thật là hợp thời được học hỏi về Chúa Thánh Thần, vì nếu không có Chúa Thánh Thần, sẽ không có Đại hội giới trẻ Sydney, không có sư hiện diện của các con ở đây, hăng say, vui vẻ. Không có Chúa Thánh Thần, không ai trong chúng ta có thể tin vào Chúa Kitô, không ai quy tụ chúng ta thành Giáo hội. Nếu không có Chúa Thánh Thần, Tin Mừng chỉ còn là chữ chết, Giáo hội chỉ còn là cơ chế. Không có Chúa Thánh Thần, sẽ không có Sự Sống, không có sinh hoạt, không có dấn thân, không có rao giảng, không có chứng từ, không có đặc sủng, không có niềm vui, không có tiến bộ, không có đổi mới, không có gì cả. Không có Thần Khí của Thiên Chúa như Hơi Thở thần linh ĐƯỢC THỔI VÀO, thì thế giới chỉ còn là một cánh đồng xương khô (x. Ed 37, 1-14).

I. Vậy Chúa Thánh Thần là ai mà quan trọng như thế?

Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, so với Chúa Giêsu là Ngôi thứ Hai, và Chúa Cha là Ngôi thứ Nhất. Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài không được tạo ra bởi Chúa Cha và Chúa Con như chúng ta là các thụ tạo, nhưng xuất phát cách nhiệm mầu từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là Sự Sống của Chúa Cha và Chúa Con, là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, la Hạnh Phúc, là Niềm Vui của Thiên Chúa.

Điều lạ lùng hơn nữa là Chúa Thánh Thần vừa là một ngôi vị Thiên Chúa, vừa là hồng ân Thiên Chúa. Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là Ân sủng không được tạo dựng, là chính sự tự hiến của Thiên Chúa, Đấng thông ban chính mình cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là nhận lãnh Tình yêu, Sự sống, Sức mạnh của Thiên Chúa, là nhận lãnh chính Thiên Chúa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy cầu nguyện luôn mãi, để Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta (x. Lc 11, 13).

Chúa Thánh Thần thật là kỳ diệu, không thể mô tả bằng một hình ảnh duy nhất. Phải cần rất nhiều hình ảnh, nhưng hình ảnh nào cũng chỉ là tượng trưng, chỉ diễn tả được một khía cạnh. Những hình ảnh biểu tượng ấy nâng tâm hồn chúng ta lên và cho chúng ta kinh nghiệm một phần nào về Chúa Thánh Thần. Ví dụ Chúa Thánh Thần là Nước Sự Sống chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Nước ấy chảy đến đâu, thì làm trổ sinh hoa trái bốn mùa ở đó. Đó là Nước trường sinh mà con người cần để được giải khát, được trường sinh bất tử. Chúa Thánh Thần là Mưa, Sương đem lại mùa màng hoa trái cho thế giới thụ tạo.

Chúa Thánh Thần là Hơi Thở của Thiên Chúa thổi vào các thụ tạo, để chúng được hiện hữu và sống động. Nếu Thiên Chúa rút lại hơi thở thì các thụ tạo chết ngay lập tức. Chúa Thánh Thần là Hơi thở của Chúa Kitô Phục sinh thổi vào Giáo hội, ban cho Giáo hội sự sống, thổi vào chúng ta để chúng ta sống. Chúa Thánh Thần là hơi thở ban cho sự sống mới. Chúa Thánh Thần là Mây, Gió làm cho mọi thực tại di động, làm cho các tâm hồn có thể vươn lên, làm cho lời nguyện cầu của chúng ta bay lên trước tôn nhan Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần là Dầu xức hay là sự Xức dầu hiến thánh, dành riêng cho Thiên Chúa. Ngài là Dầu xức làm cho con người trở nên mạnh mẽ lạ thường, đầy sức mạnh thần linh. Ngài cũng là Dầu xức ban ơn thánh hoá; Ngài làm cho các kitô hữu toả ra Hương thơm của Đức Kitô. (Dầu xức trong phép rửa, phép thêm sức, trong bí tích truyền chức, đặc biệt là chức giám mục).

Chim bồ câu cũng là một biểu tượng cho Chúa Thánh Thần, vì sách Tân Ước tường thuật việc Chúa Thánh Thần lấy hình dạng chim bồ câu mà đáp xuống trên Chúa Giêsu khi Chúa Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan. Chim bồ câu là dấu hiệu của hoà bình, hoà giải, dấu hiệu của sự trong sạch, công chính, thánh thiện, dấu hiệu của sự sống mới.

Các thánh giáo phụ còn dùng nhiều hình ảnh khác, như  thang máy, ròng rọc, như nụ hôn của Thiên Chúa, bàn tay hay cánh tay của Thiên Chúa. Sách Tân ước dùng hình ảnh ngón tay của Thiên Chúa để chỉ Chúa Thánh Thần.

 II. Tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Đức Kitô

Đọc kỷ các sách Tân ước, chúng ta thấy rất rõ, Chúa Thánh Thần có tương quan mật thiết với Đức Kitô. Theo Tin mừng thời niên thiếu, việc Chúa Giêsu xuống thế làm người, sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria, là do tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu được Mẹ Maria sinh ra ở trần gian trong Tình yêu và Quyền năng của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, mạc khải sự nhiệm sinh vĩnh hằng: Chúa Cha không ngừng sinh ra Chúa Con trong Tình yêu là Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần có tương quan mật thiết với nhau từ trong cội nguồn là Thiên Chúa và cả trong lịch sử cứu độ. Chúa Kitô được các sách Tin mừng gọi là Lời của Thiên Chúa. Các thánh giáo phụ vẫn quen gọi ngài là Ngôi Lời. Chúa Thánh Thần là Hơi thở của Thiên Chúa, là Thần Khí của Thiên Chúa. Hơi thở của Cha cũng là Hơi thở của Con, Thần Khí của Cha cũng là Thần Khí của Con. Chúa Thánh Thần là Hơi Thở của Lời, làm cho Lời thành Lời ban sự sống. Thiên Chúa phán ra Lời và thở ra Thần Khí. Trong Lời của Chúa Cha bao giờ cũng có Thần Khí. Thần Khí của Thiên Chúa, nói qua miệng các ngôn sứ.

Trong lịch sử cứu độ, Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đều được Chúa Cha sai đến thế gian, được Chúa Cha ban cho nhân loại. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho thế gian, để những ai tin vào Người Con Một đó thì được sống đời đời (x. Ga 3, 16). Chúa Giêsu thúc giục các môn đồ hãy cầu nguyện liên lỉ, Chúa Cha sẽ ban Chúa Thánh Thần (x. Lc 11, 13). Sác Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhiều lần nói đến sứ mạng gắn kết (Missions conjointes) của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.

Trước hết Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho việc Chúa Giêsu đến trần gian. Biến cố Nhập Thể là một trong những chóp đỉnh của hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ. Trong phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu đã nhận lãnh tràn đầy Thánh Thần, vì đã được Chúa Cha xức dầu tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu Thế được xức dầu. Từ đó Chúa Giêsu không ngừng sống và hoạt động trong Chúa Thánh Thần.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, làm các dấu lạ, chữa bệnh, trừ quỷ, tha tội. Chúa Giêsu không ngừng tiếp xúc với Chúa Cha, Người hân hoan cầu nguyện với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Thánh Thần Người hiến mình làm lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (x. Dt 9, 14). Người sống lại và đã được đặt làm Con Thiên Chúa toàn năng nhờ Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần (Rm 1, 4). Người được đầy tràn Chúa Thánh Thần, ngay cả trong thân xác phục sinh, Người là Thần Khí ban sự sống (2 Cr 3, 17; 1 Cr 15, 45).

Chúa Giêsu đã hứa và đã ban tràn đầy Thánh Thần. Chúa Thánh Thần được Tin mừng Gioan coi như hồng ân đặc thù của phép rửa mới, được hứa với Nicôđêmô như “ sự tái sinh từ trên ” (x. Ga 3, 4-7), hứa cho người phụ nữ xứ Samaria như Nước vọt ra sự sống đời (x. Ga, 4-10). Chúa Giêsu đã tự giới thiệu như “nguồn suối ban Thánh Thần từ mầu nhiệm Vượt Qua của Người” (x. Ga 7, 37-39). Trên thập giá, từ cạnh sườn bị đâm thâu có Nước và Máu chảy ra (x. Ga 19, 34). Ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra và thổi hơi vào các môn đồ, ban cho họ Thánh Thần (x. Ga 20, 22-23), mà họ sẽ nhận lãnh như cơn gió mạnh và lưởi lửa ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2, 2-4), theo lời hứa của Chúa Giêsu được chính Người lặp lại trước khi lên trời (Cv 1, 8).

 “Trong Ba Ngôi không thể phân chia, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời nhau. Thực vậy, từ khởi đầu cho đến cùng tận thời gian, khi Chúa Cha sai Con của Ngài, thì cũng sai Thánh Thần, Đấng kết hợp chúng ta với Đức Kitô trong đức tin, để với tư cách là dưỡng tử, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8, 15). Chúa Thánh Thần vô hình, nhưng chúng ta nhận ra qua tác động của Ngài, khi Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và khi Ngài hoạt động trong Hội Thánh ” (TYGLCG, số 137).

Theo lời thánh giáo phụ Irênê, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu cho chúng ta trình diện với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta với Chúa Giêsu, để chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần khơi dậy đức tin nơi chúng ta, để chúng ta trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, bước theo Chúa Giêsu dưới sự hướng dẫn của Ngài, hành trình đi về cùng Chúa Cha, là Cội Nguồn và là Cùng Đích của mọi loài.

Chúa Thánh Thần là Tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta, gắn bó chúng ta với Chúa Giêsu, làm cho chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, sẵn sàng noi gương Người về mọi mặt, sẵn sàng hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống vì Người. Dĩ nhiên trước đó Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta, cho chúng ta nhận biết Chúa Giêsu là ai và đến thế gian để làm gì. Chúa Thánh Thần mạc khải Chúa Giêsu cho chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta không ngừng khám phá ra Chúa Giêsu và yêu mến Người.

III. Chúa Thánh Thần và Phép rửa nhân danh Chúa Giêsu

Theo Tin mừng Máthêu, trước khi lên trời Chúa Giêsu đã ra lệnh cho Giáo hội qua các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 18, 19).

Phép rửa Chúa Giêsu truyền dạy là phép rửa bằng Thánh Thần và trong Thánh Thần, là phép rửa ban sự sống mới là Thần Khí của Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian để làm Đấng Messia Cứu Thế. Người đến cho con người được sống và sống dồi dào. Sự sống viên mãn đó, chính là Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh, mà chúng ta được chia sẻ, được thông phần nhờ Phép Rửa.

Theo thánh Phaolô, “chịu phép rửa là được tẩy rửa, được tác thánh, được công chính hoá nhân danh Đức Giêsu Kitô và trong Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 6, 11) ; là “được tháp nhập vào Thân Mình độc nhất của Đức Kitô bởi Thần Khí độc nhất của Người” (1 Cr 12, 13) ; là « cùng được mai táng với Đức Kitô để cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ Quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới » (Rm, 6, 4) ; là được Thiên Chúa xức dầu trong Đức Kitô (2 Cr 1, 21-22 ).

Tất cả các con đã chịu phép rửa tái sinh bằng nước và Thần Khí (Ga 3, 5-6), nhận lãnh sự sống mới là Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh, trở thành môn đệ của Đức Kitô, các con thuộc về Đức Kitô. Các con đừng ngại thuộc về Đức Kitô, nhưng hãy hãnh diện, vì có như thế các con mới có thể trở nên con cái của Thiên Chúa cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô. Và đó là ơn gọi của các con. Đó là một ơn gọi hết sức cao cả, mà ngày xưa người ta chỉ dành cho vua chúa. Người ta gọi vua là thiên tử, là “con Trời”. Thực ra, mọi người đều được mời gọi làm con trời, chứ không phải chỉ có vua. Mọi người đều được tạo dựng theo “hình ảnh của Thiên Chúa”, nên được tiền định làm con cái Thiên Chúa, chứ không phải là độc quyền của vua.

Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo số 263 có nêu ra rất rõ ràng và đầy đủ các hiệu quả của bí tích rửa tội: - được tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội; - thông phần vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá; - tháp nhập vào Chúa Kitô và Hội Thánh nhờ ơn công chính hoá; - thông phần chức Tư tế của Chúa Kitô, làm nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các kitô hữu; - lãnh nhận các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần; - thuộc về Đức Kitô luôn mãi, vì được đóng ấn không thể tẩy xoá của Đức Kitô.

IV.  Hãy để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt

Từ ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Hội Thánh ban bí tích rửa tội cho những ai tin vào Đức Giêsu Kitô. Các con đã nhận lãnh bí tích rửa tội, vì đã tin vào Người. Chính Chúa Thánh Thần khơi dậy đức tin nơi các con; nếu đức tin các con bị phai lạt hay lu mờ đi, thì hãy để cho Chúa Thánh Thần khơi lại. Đại hội giới trẻ này là cơ hội để Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các con. Nếu đức tin của các con còn yếu, Chúa Thánh Thần sẽ củng cố đức tin cho các con, vì Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa sẽ được ban tràn đầy cho các con.

Nếu các con chưa biết Chúa Kitô, hoặc biết một cách lờ mờ, Chúa Thánh Thần sẽ tô đậm nét hình ảnh của Chúa Kitô trong các sách Tin mừng, khi các con đọc hoặc lắng nghe. Nếu các con chưa yêu mến Chúa Kitô, hoặc chỉ yêu mến bằng một tình yêu hời hợt, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho tình yêu của các con nên mặn mà. Nếu các con chưa đặt hy vọng vào Chúa Kitô, mà chỉ hướng tới một tương lai trần thế, Chúa Thánh Thần sẽ cho các con thấy tương lai đích thực và cuối cùng của các con là gì.

Nếu các con có được một vài thiện ý và có lòng quảng đại muốn phục vụ người nghèo và những người bị hoạn nạn đáng thương, hoặc những người bé nhỏ yếu đuối, mà chưa có đủ can đảm để hy sinh những gì mình có hoặc những gì mình thích, thì Chúa Thánh Thần sẽ ban sức mạnh cho các con. Chính Ngài là Sức Mạnh từ trên cao mà Chúa Cha và Chúa Giêsu đã hứa ban cho các tông đồ, cho Giáo hội, cho mọi người chúng ta, để chúng ta có thể làm chứng cho Tình yêu của Thiên Chúa đã được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô.

Các con là những kitô hữu, những người mang danh Đức Kitô, những sứ giả Tin mừng của Đức Kitô. Tin mừng Đức Kitô là Tin mừng của Tình Yêu và về Tình Yêu của Thiên Chúa, Tình yêu mạnh hơn tội lỗi, đau khổ và sự chết, Tình yêu mạnh hơn mọi thế lực trần gian, vì là Tình yêu vĩnh hằng. Tình yêu mang lại sự sống, sự Phục Sinh viên mãn cuối cùng cho con người. Tình yêu mang lại hạnh phúc đích thực và trọn vẹn cho mọi người.

Đó là Tin mừng Phục sinh mà các thánh tông đồ đã mạnh dạn loan báo dưới ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần được ban xuống tràn đầy cho Giáo hội trong ngày lễ Ngũ tuần, ngày Hội Thánh chính thức được khai sinh. Mọi người đã lắng nghe lời rao giảng của các tông đồ, đã tin, đã sám hối và nhận lãnh phép rửa đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Các con hãy ý thức là chính các con cũng được ban tràn đầy Thánh Thần qua phép rửa. Tất cả chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì  hãy để cho Thần Khí dẫn dắt.

Hãy sống theo Thần Khí, chứ đừng chiều theo những đam mê xác thịt, vì những đam mê này đi ngược chiều với Thần Khí. Chúa Thánh Thần hay Thần Khí Thiên Chúa đưa chúng ta lên cao, còn các đam mê xác thịt thì lôi chúng ta xuống dốc. Và cuối đường dốc này là vực thẳm sự chết, là thế giới của thần dữ, là địa ngục. Còn nếu ta hướng theo Thần Khí, thì cuộc đời ta sẽ trổ sinh hoa trái của Thần Khí. Nhữung hoa trái đó là : bác ái, niềm vui, an bình, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết. Bác ái, niềm vui và sự bình an là những hoa trái nổi bật nhất trong cuộc đời của những sứ giả chứng nhân là các con.

Kết luận

Cha muốn kết thúc bài giáo lý bằng những lời rất đẹp này : Hãy lãnh Thần lực, để thành ánh sáng chiếu vào dương gian - Receive the Power to be a light unto the world ”. Đó là lời bài hát chủ đề mà các con nghe vang lên không ngừng trong những ngày Đại hội bằng rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cha nhìn đó như là hình ảnh của một ngày Hiện Xuống mới, khi mà các con cùng với tất cả các bạn trẻ trên khắp thế giới tụ họp về đây để mở lòng ra “ lãnh nhận Thần lực , như các Tông đồ khi xưa trong ngày lễ Hiện Xuống.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không ngừng nhắc nhở chúng con rằng Giáo hội của Đức Kitô là  Giáo hội sống động ”. Giáo hội là tất cả chúng ta, là chính chúng con khi chúng con biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hãy để Chúa Thánh Thần, Sự Sống của Thiên Chúa, biến đổi chúng con thành những chi thể sống động của Giáo hội duy nhất và thánh thiện, để chúng con biết cách làm cho gương mặt của Đức Kitô được tươi sáng trong thế giới hôm nay, giúp mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa là Cha.

Sức mạnh nối kết chúng con thành thân thể sống động duy nhất của Đức Kitô chính là Tình Yêu, tên gọi khác của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho Giáo hội nên hiệp nhất, như Ngài hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con. Mỗi lần chúng con hành động trong Tình Yêu, Hiệp Nhất và Bình An là chúng con đang xây dựng thân thể Đức Kitô là Giáo hội và chúng con đang sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

  

 

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

 Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho

Nguồn: Giáo Phận Mỹ Tho

http://www.tgmmt.org/

 

 


Mục Lục Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXIII, Sydney Úc Châu