Bài I: BỀN VỮNG TRONG ĐỨC TIN

Bài giáo lý 1 cho giới trẻ Việt Nam tại ngày Giới trẻ thế giới 2011



Dẫn nhập


Tại sao cần phải đặt vấn để “bền vững trong đức tin” và phải làm gì để “bền vững trong đức tin”? Đó là hai câu hỏi sẽ giúp chúng ta tìm hiểu đề tài ngày hôm nay. Thật ra, hai câu hỏi đó chính là những vấn nạn Đức Thánh Cha đã đặt ra cho chúng ta trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới trẻ lần thứ XXVI của ngài. Nói cách khác, ngài muốn chia sẻ ưu tư của ngài về người trẻ thời nay: điều gì đang đe doạ đức tin của họ và họ phải làm gì để giữ vững đức tin trước những nguy cơ đó. Để triển khai, ngài mời gọi người trẻ thời đại hãy trở về với cội nguồn của con người lúc được Thiên Chúa tạo dựng và hãy trở về với căn tính Kitô giáo khi sống trong thế giới bấp bênh mất phương hướng này.


1. Bền vững với nguồn gốc tạo dựng.


a. Khát vọng vô biên.


Đã là người, ai ai cũng ước mơ một tương lai tốt đẹp tươi sáng. Ước mơ đó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn một cuộc sống vật chất đầy đủ, một thế giới đại đồng thân ái, một tình yêu son sẳt chân thật, một gia đình thuận hòa yên ấm, một tâm hồn thanh thoát bình an...v.v...

Những ước mơ đó nói lên điều gì ?


Những ước mơ đó nói lên rằng con người luôn chờ đợi và luôn theo đuổi một cuộc sống mỗi lúc một ổn định hơn.


Và quả thật, nhiều người đã thành công, đã biến ước mơ thành hiện thực. Tuy nhiên, dù có thành công đến mấy đi nữa, con người vẫn không bao giờ thỏa mãn. Tiền bạc, danh vọng, kể cả tình yêu…tất cả chỉ là tương đối. Tự đáy lòng, con người khát vọng một cái gì cao cả hơn sự ổn định bình thường. Con người khát vọng tuyệt đối, nghĩa là khát vọng một giá trị bất biến trường tồn. Con người khát vọng vô biên, nghĩa là khát vọng một giá trị không bị khống chế bởi thời gian và không gian.


Trong Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô, ngài khẳng định rằng chính Thiên Chúa đã ghi khắc khát vọng vô biên đó vào trong bản chất của con người. Theo ngài, đó là lý do tại sao sách Sáng Thế Ký gọi con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, là dấu hiệu cho thấy con người “mang dấu vết của Thiên Chúa”.

b. Nguy cơ của xu hướng tự mãn.


Vì thế tất cả những chủ trương loại bỏ Thiên Chúa đều là sai lầm. Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, vì chính Ngài đã sáng tạo ra sự sống. Thiên Chúa là sự sống đích thực vì chỉ mình Ngài là Đấng Tuyệt Đối. Loại bỏ Thiên Chúa là loại bỏ nguồn mạch sự sống. Loại bỏ Thiên Chúa là loại bỏ sự sống đích thực.

Chẳng những là sai lầm, tất cả những chủ trương loại bỏ Thiên Chúa đều sẽ thất bại. Bởi vì không có gì trên cõi đời này có thể làm cho con người mãn nguyện. Nếu chỉ cậy dựa vào sức riêng (chẳng hạn như chủ nghĩa duy khoa học), con người chẳng bao giờ hạnh phúc thật sự. Nói cách khác Không thể có hạnh phúc đích thật bên ngoài Thiên Chúa.


Người trẻ thời đại cần phải đề cao cảnh giác để không bị những xu hướng loại bỏ Thiên Chúa làm lung lạc và xa rời cội nguồn của mình. Họ cần phải xác tín về vai trò bất khả thay thế của Thiên Chúa trong công cuộc truy tầm hạnh phúc đích thật, đúng như câu nói nổi tiếng của Thánh Augustinô, được Đức Thánh Cha trích dẫn trong Sứ Điệp của ngài: “Con tim của chúng con sẽ còn khắc khoải bao lâu nó chưa được an nghỉ trong Chúa”.


2. Bền vững với căn tính Kitô giáo.


a. Căn tính Kitô giáo


Những nước được xem là hùng mạnh nhất về kinh tế và dân chủ nhất về chính trị trên thế giới hiện nay hầu hết đều là những nước có bề dày lịch sử Kitô giáo lâu đời. Không thể phủ nhận rằng nền văn hoá và văn minh của họ bắt nguồn từ những giá trị Tin Mừng. Khái niệm về nhân phẩm, về bình đẳng, về dân chủ, công bằng, tự do, liên đới đều xuất phát từ Tin Mừng Đức Kitô. Đó là lý do tại sao các tổ chức nhân đạo quốc tế đều được khai sinh từ những quốc gia Kitô giáo.


Tắt một lời, chính nhờ những giá trị Kitô giáo mà những quốc gia nói trên đã được xây dựng trên những nền tảng vững chắc như hiện nay.


b. Chối bỏ căn tính Kitô giáo.


Thế mà một số nước có nguồn gốc Kitô giáo đó đang có xu hướng cho rằng đức tin chỉ là “một chuyện riêng tư, không ăn nhằm gì tới đời sống xã hội” (trích Sứ Điệp của Đức Thánh Cha).


Đó là một hình thức quay lưng lại với Thiên Chúa, phủ nhận chính nguồn gốc của mình. Con số Kitô hữu lơ là với đạo mỗi lúc một đông, hiện tượng trong một gia đình mỗi người mỗi đạo càng ngày càng tăng…phải chăng là những bằng chứng cho thấy giới trẻ cũng đang bị đe doạ bởi nguy cơ chối bỏ căn tính Kitô giáo ? Có vẻ như lối sống vô thần đang trên đà phát triển.


c. Nguy cơ mất phương hướng


Nền văn hoá ngày nay giống như hiện tượng « siêu thị », nghĩa là người tiêu dùng có muôn nghìn khả năng và sản phẩm để chọn lựa. Cách quảng cáo và trưng bày sản phẩm thương mại tạo ra cảm tưởng mọi sự đều có giá trị như nhau. Những giá trị đó thay đổi theo thời tiết và không gian y như thời trang, khiến khách hàng khó lòng mà chọn lựa chính xác.


Não trạng đó chi phối mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực đức tin khiến người trẻ không còn biết xây dựng đời mình trên những giá trị then chốt nào.


Để có thể thoát khỏi hiện tượng đó, Đức Thánh Cha kêu gọi các bạn trẻ hãy trở về di sản đức tin các thế hệ đi trước truyền lại, giống như một cây non cần phải có sự nâng đỡ hổ trợ trước khi trở thành cứng cát và sinh hoa trái.


Kết luận


Cần có một nền tảng vững chắc cho đức tin, có nghĩa là cần những điểm tham chiếu vững vàng để xây dựng đời mình. Nền tảng đó chính là Phép Rửa, Giáo Hội và Lời Chúa. Ý tưởng đó sẽ được Đức cha Hải Phòng trình bày trong bài giáo lý ngày mai.


Mục Lục