ĐGH Phanxicô - Bài Huấn Từ Trong Lễ Đón Tiếp Của Giới Trẻ Tại Blonie, Krakow

(muoianhsang.com)

 

Các Bạn Trẻ Thân Mến, xin chào buổi tối!

Cuối cùng thì chúng ta cũng gặp nhau! Xin cám ơn các con về sự đón tiếp nồng hậu của các con! Cha xin cám ơn Đức Hồng Y Dziwisz, các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, các chủng sinh và những người đã đồng hành với các con. Cha cũng cám ơn tất cả những ai đã làm cho việc các con được đến đây trở thành có thể, những người “đã đi thêm một dặm” để chúng ta có thể cử hành niềm tin của chúng ta.

Ở đây, vùng đất khai sinh của Ngài, Cha đặc biệt muốn cám ơn Thánh Gioan Phaolô II, người đầu tiên có ý tưởng về những buổi gặp gỡ này và đã mang lại cho chúng một ý nghĩa như thế. Từ nơi quê trời của Ngài, Ngài đang ở cùng chúng ta và Ngài đang nhìn thấy tất cả các con: quá nhiều người trẻ từ một sự đa dạng về quốc gia, văn hoá và ngôn ngữ như vậy mà chỉ một mục tiêu, mục tiêu vui mừng rằng Chúa Giêsu đang sống ở giữa chúng ta. Đ4ể nói là Chúa Giêsu đang sống có nghĩa là khơi lại lòng nhiệt thành của chúng ta trong việc đi theo Ngài, làm mới lại khao khát cháy bỏng của chúng ta để trở thành môn đệ của Ngài. Thật là một cơ hội tốt hơn biết bao canh tân tình bằng hữu của chúng ta với Chúa Giêsu hơn là việc chia sẻ Ngài cho người khác! Thật là một cách tốt hơn biết bao để kinh nghiệm niềm vui lan toả của Tin Mừng là bằng việc nỗ lực để đem Tin Vui đến cho hết mọi hoàn cảnh đau thương và gian khó!

Chúa Giêsu đã gọi chúng ta đến với Kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lần Thứ 31 này. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Phúc cho ai có lòng xót thương, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Thực vậy, phúc cho ai có thể tha thứ, ai biết thể hiện lòng thương cảm chân thành, ai biết mang lại phần tốt nhất của bản thân họ cho người khác.

Các bạn trẻ thân mế, trong những ngày này Ba Lan đang ở trong tình trạng lễ hội; trong những ngày này Ba Lan đang muốn là một diện mạo trẻ hơn bao giờ hết của lòng thương xót. Từ mảnh đất này, cùng với các con và tất cả mọi người trẻ là những người không thể hiện diện ở đây nhưng đang hoà cùng chúng ta trên khắp mọi phương tiện truyền thông, chúng ta sẽ làm cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này thành một việc cử hành Năm Thánh cách đúng đắn.

Trong những năm Cha làm giám mục, Cha đã học được một điều. Không có gì đẹp hơn khi thấy sự nhiệt thành, sự dấn thân, lòng nhiệt huyết và sức sống mà qua đó quá nhiều người trẻ đang sống cuộc sống của họ. Khi Chúa Giêsu chạm vào tâm hồn của một người trẻ, thì người ấy sẽ trở nên biết làm những điều thực sự lớn lao. Thật phấn chấn khi nghe các con chia sẻ những giấc mơ của các con, những vấn nạn của các con và sự mất kiên nhẫn của các con với những người nói rằng mọi thứ không thể thay đổi. Đối với Cha, thật là một quà tặng lớn của Thiên Chúa để thấy quá nhiều người trong các con, với tất cả những vấn nạn của các con, đang nỗ lực để tạo nên một sự khác biệt. Thật là tuyệt vời và ấm lòng khi thấy tất cả sự không mỏi mệt ấy! Hôm nay Giáo Hội đang nhìn đến các con và muốn học từ các con, để đoan chắc lại rằng Lòng Thương Xót của Chúa Cha luôn có một diện mạo hằng tươi trẻ, và hằng luôn mời gọi chúng ta trở thành một phần của Vương Quốc của Ngài.

Khi biết về lòng nhiệt thành của các con đối với sứ mạng, Cha lặp lại: lòng thương xót luôn luôn có một diện mạo trẻ! Bởi vì một tâm hồn thương xót thì được thôi thúc để vượt ra khỏi vùng an toàn của nó. Một tâm hồn thương xót có thể đi ra và gặp gỡ người khác; hãy sẵn sàng để ôm lấy mọi người. Một tâm hồn thương xót thì có thể trở thành một nơi trú ngụ cho những người không có nhà hoặc đã mất đi ngôi nhà của họ; lòng thương xót có thể xây dựng một ngôi nhà và một gia đình cho những người bị buộc phải di dân; lòng thương xót biết ý nghĩa của sự dịu dàng và lòng thương cảm. Một tâm hồn thương xót thì có thể chia sẻ cơm bánh với người đói và đón tiếp những người tị nạn và di dân. Để nói từ “thương xót” với các con là nói về cơ hội, tương lai, sự dấn thân, sự tin tưởng, sự cởi mở, lòng hiếu khách, lòng thương cảm và những giấc mơ.

Để cha nói cho các con nghe một điều khác mà Cha đã học được trong những năm qua. Điều làm Cha đau lòng là khi gặp một người trẻ là người dường như đã chọn lựa để “nghỉ hưu non”. Cha lo lắng khi Cha thấy người trẻ đã “rơi trong tháp ngà” trước khi cuộc chơi bắt đầu, những người đã bị bại trận ngay cả trước khi họ bắt đầu chơi, những người bước đi trong lầm lũi như thể cuộc sống này không có ý nghĩa gì. Tận trong sâu thẳm, những người trẻ như thế này thì thật là chán ngắt...và chán ngán! Nhưng cũng thật là khó, và bối rối, khi thấy những người trẻ đang lãng phí cuộc đời của họ để tìm kiếm những cảm giác sướng hoặc một cảm giác của việc đang sống bằng cách chọn những con đường tối tăm và cuối cùng thì phải trả giá cho điều đó... và trả giá quá đắt. Cũng thật phiền toái khi thấy những người trẻ lãng phí đi những năm tháng tốt nhất của đời họ, lãng phí sức trẻ của họ để chạy theo những rong ruổi của những ảo tưởng ngây thơ (nơi quê hương của Cha, chúng ta gọi họ là “những người buôn khói”), những kẻ cướp đi của các con điều gì là tốt nhất nơi các con.

Chúng ta được qui tụ ở đây để giúp đỡ nhau, vì chúng ta không muốn bị cướp đi điều tốt nhất của bản thân chúng ta. Chúng ta đừng để bị cướp đi sức trẻ, niềm vui, giấc mơ của chúng ta bởi những ảo tưởng ngây thơ.

Vì thế Cha hỏi các con: Các đang tìm kiếm những cảm giác sướng xáo rỗng trong cuộc sống, hay các con muốn cảm thấy một sức mạnh có thể mang lại cho các con ý nghĩa lâu dài của cuộc sống và sự thành toàn? Những cảm giác sướng xáo rỗng hay sức mạnh của ân sủng? Để tìm kiếm sự thành toàn, để có lại được sức mạnh, có một cách. Đó không phải là một điều gì hay một đồ vật, mà là một con người, và Ngài đang sống. Tên của Ngài là Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu có thể mang lại cho các con niềm đam mê đích thực cho cuộc sống. Chúa Giêsu có thể gợi hứng cho chúng ta không phải là yên vị cho điều kém hơn, mà là hãy cho đi phần tốt nhất của chính bản thân chúng ta. Chúa Giêsu thách đố chúng ta, khuấy động chúng ta và giúp chúng ta nỗ lực bất cứ khi nào chúng ta bị cám dỗ phải đầu hàng. Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta giữ vững tầm nhìn của chúng ta lên cao và mơ những điều cao đẹp.

Trong Tin Mừng, chúng ta đã nghe thấy cách mà Chúa Giêsu, trên đường của Ngài đi Giêrusalem, đã dừng lại ở một gia đình – ngôi nhà của Mác-ta, Maria và La-da-rô – và được đón tiếp. Ngài dừng lại, đi vào và dành thời gian với họ. Hai người phụ nữ đã đón tiếp Ngài vì họ biết Ngài cởi mở và chú tâm. Nhiều công việc và trách nhiệm của chúng ta có thể làm cho chúng ta hơi một chút giống như Mác-ta: bận rộn, phân mảnh, luôn loay hoay từ nơi này qua nơi khác... nhưng chúng ta cũng có thể giống như Maria: bất cứ khi nào chúng ta thấy một phong cảnh tuyệt vời, hoặc xem một đoạn video từ một người bạn trên chiếc điện thoại của chúng ta, chúng ta có thể dừng lại và suy nghĩ, dừng lại và lắng nghe... Trong những ngày này, Chúa Giêsu muốn dừng lại và đi vào nhà của chúng ta. Ngài sẽ nhìn vào chúng ta đang bận rộn với tất cả những mối bận tâm của chúng ta, như Ngì đã thực hiện với Mác-ta...và Ngài sẽ đợi chờ chúng ta lắng nghe Ngài, giống như Maria, tạo chỗ trống cho Ngài giữa những bận rộn. Chớ gì những ngày này được trao cho Chúa Giêsu và để lắng nghe nhau. Chớ gì những ngày này giúp chúng ta đón tiếp Chúa Giêsu vào ở nơi tất cả những người mà chúng ta chia sẻ nhà cửa, nơi lối xóm của chúng ta, nhóm của chúng ta và trường học của chúng ta.

Bất cứ ai đón tiếp Chúa Giêsu, sẽ học cách yêu như Chúa Giêsu yêu. Vì thế Ngài hỏi chúng ta liệu chúng ta có muốn một cuộc sống trọn vẹn: Các con có muốn một cuộc sống trọn vẹn không? Hãy bắt đầu bằng việc để cho bản thân các con mở ra và chú ý! Vì hạnh phúc được gieo và nở hoa nơi lòng thương xót. Đó là câu trả lời của Ngài, sự mời gọi của Ngài, thách đố của Ngài, sự mảo hiểm của Ngài: lòng thương xót. Lòng thương xót luôn mang một diện mạo tươi trẻ. Giống như diện mạo của Maria tại Bê-ta-ni-a, người đã ngồi như một môn đệ ở bên chân Chúa Giêsu và vui mừng lắng nghe những lời của Ngài, vì cô biết rằng ở đó cô sẽ được bình an. Giống như của Maria Thành Na-da-rét, mà tiếng “Xin Vâng” của Mẹ đã khởi động hành trình mạo hiểm của lòng thương xót của Mẹ. Tất cả mọi thế hệ sẽ gọi Mẹ diễm phúc; đối với tất cả chúng ta thì Mẹ là “Mẹ của Lòng Thương Xót”.

Do đó, tất cả chúng ta hãy cùng nhau xin Thiên Chúa: “Hãy khởi động chúng con trên hành trình mạo hiểm của lòng thương xót! Hãy khởi động chúng con trên hành trình mạo hiểm của việc xây dựng những chiếc cầu và phá bỏ những bức tường, những rào cản và những rào kẽm gai. Hãy khởi động chúng con trên hành trình mạo hiểm của việc giúp đỡ người nghèo, những người cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, hoặc không còn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ nữa. Hãy sai chúng con, giống như Maria Bê-ta-ni-a, biết lắng nghe cách chú tâm những người mà chúng con không hiểu, những người thuộc các nền văn hoá và dân tộc khác, thậm chí cả những người chúng con sợ vì chúng con coi họ là một mối đe doạ. Xin làm cho chúng con biết chú tâm đến những người già cả của chúng con, như Maria Na-da-rét với Bà Êlisabét, để học từ sự khôn ngoan của họ.

Lạy Chúa, chúng con đây! Xin sai chúng con đi chia sẻ tình yêu thương xót của Chúa. Chúng con muốn đón tiếp Chúa ở giữa chúng con trong Kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này. Chúng con muốn khẳng định rằng cuộc đời của chúng con sẽ được đầy tràn khi chúng con được hình thành bởi lòng thương xót, vì đó là phần tốt nhất, và sẽ không bao giờ bị lấy đi khỏi chúng con.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)

 

 


Mục Lục ĐH Quốc Tế Giới Trẻ